Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-12-2024]
Họ và tên: Đường Bội Hằng
Tên tiếng Trung: 唐佩恒
Giới tính: Nữ
Tuổi: 75
Thành phố: Tương Đàm
Tỉnh: Hồ Nam
Nghề nghiệp: Nhân viên về hưu của nhà máy động cơ
Ngày mất: Ngày 14 tháng 11 năm 2024
Ngày bị bắt gần nhất: Ngày 19 tháng 4 năm 2017
Nơi giam giữ cuối cùng: trại tạm giam Mã Gia Hà
Vì kiên định với đức tin vào Pháp Luân Công sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại vào năm 1999, bà Đường Bội Hằng, đến từ thành phố Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, nhiều lần bị bắt, giam giữ và tra tấn. Ngoài việc bị hành hạ về thể xác và tinh thần, bà còn bị đình chỉ lương hưu. Sự bức hại không ngừng nghỉ cuối cùng đã cướp đi mạng sống của bà vào ngày 14 tháng 11 năm 2024. Bà hưởng thọ 75 tuổi.
Lần đầu bị bắt và giam giữ tại trung tâm cai nghiện
Bà Đường, nhân viên về hưu của nhà máy động cơ Tương Đàm, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Nhiều căn bệnh của bà đã nhanh chóng biến mất.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, cảnh sát địa phương liên tục sách nhiễu bà Đường và yêu cầu bà nộp lại sách Pháp Luân Công. Một số học viên Pháp Luân Công trong khu vực của bà bị bắt và bị giam giữ tại các trại tạm giam hoặc bệnh viện tâm thần. Bà Đường nghe nói có một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, vừa bắt đầu làm việc tại nhà máy của bà, đã bị tiêm chất độc trong bệnh viện tâm thần. Cô gái trẻ xinh đẹp này bị phù toàn thân. Cô cũng trở nên đờ đẫn và đi lại không vững.
Ngày 14 tháng 2 năm 2000, để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, bà Đường và một số học viên khác lên tàu đến Bắc Kinh. Họ bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và bị đưa đến văn phòng liên lạc tỉnh Hồ Nam tại Bắc Kinh. Cảnh sát Tương Đàm nhanh chóng đưa họ trở về và giam giữ họ tại một trung tâm cai nghiện.
Theo lệnh của giám đốc trung tâm, những người nghiện ma túy đánh đập dã man các học viên. Bà Đường bị một phụ nữ trẻ khoảng 20 tuổi đánh vào mắt phải. Người phụ nữ này còn đá vào mặt bà và làm gãy mũi của bà. Máu chảy không ngừng. Khuôn mặt bà sưng phồng nghiêm trọng và gần như không thể mở mắt. Sau 2 tuần bị giam giữ, bà Đường tuyệt thực để phản đối việc bức hại, và được thả 4 ngày sau đó.
Khi trở về nhà, bà được biết cảnh sát và nhân viên Phòng 610 đã nói dối gia đình bà, rằng bà bỏ rơi họ vì chỉ quan tâm đến Pháp Luân Công. Gia đình và bạn bè của bà bị thúc giục đến trung tâm cai nghiện để thuyết phục bà từ bỏ đức tin.
Hai lần bị bắt và tra tấn trong khi bị giam giữ
Đầu tháng 7 năm 2000, bà Đường lại bị bắt, và bị đưa đến đồn công an Điền Thành. Ngày hôm sau, 2 thanh niên đánh vào ngực và tát vào mặt bà. Bà kêu gọi họ dừng bức hại những học viên Pháp Luân Công vô tội như bà, nhưng vô ích.
Sau khi chồng bà biết về việc bà bị đánh đập, ông đến nhà của cảnh sát trưởng để đòi công lý. Để tránh bị phơi bày ra công chúng, cảnh sát thả bà Đường, nhưng bố trí người canh gác bên ngoài nhà bà mỗi ngày để theo dõi. Họ cũng sách nhiễu chồng bà qua điện thoại, và đe dọa buộc công ty của ông sa thải ông. Cảnh sát và nhân viên Phòng 610 cũng sách nhiễu bà Đường tại nhà, và đe dọa bà bằng cách nhắc đến công việc và thăng tiến của con trai, chồng và cháu trai của bà. Họ thậm chí còn cho biết bản thân họ và quản lý của bà tại nơi làm việc sẽ bị trừng phạt nếu bà bị bắt lại vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện.
Không nao núng, ngày 24 tháng 12 năm 2000, bà Đường đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện một lần nữa. Ngày 26 tháng 12, bà bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn và bị cảnh sát đánh đập. Bà bị sưng nặng ở trán, tay trái, cổ tay và tay phải. Chỉ trong vòng 2 phút, những học viên đến thỉnh nguyện từ khắp nơi trên cả nước bị cảnh sát bắt giữ chật kín một chiếc xe tải.
Ban đầu, bà Đường bị đưa đến đồn công an Quảng Trường, bị bắt nộp tất cả tiền mặt mà bà có, và sau đó bị đưa đến trại tạm giam Mật Vân ở ngoại ô. Cảnh sát vũ trang theo dõi sát sao các học viên. Mỗi học viên bị đánh số và chụp ảnh, lấy dấu vân tay. Cảnh sát cũng lột đồ và khám xét các học viên.
Bà Đường bị một người đàn ông khoảng 40 tuổi đá và dẫm lên người. Anh ta còn liên tục đánh vào mặt bà bằng giày. Bà nhớ lại: “Đầu tôi lắc lư từ bên này sang bên kia như một cái trống lục lạc. Anh ta đánh tôi gần 50 lần. Sau đó, anh ta đá vào ngực và bụng dưới của tôi. Tôi nghẹt thở và cảm thấy đau đớn khủng khiếp xung quanh gan. Tôi không thể đứng vững và ngã vào cửa. Anh ta ra lệnh cho tôi đứng dậy và giơ tay lên. Sau đó, anh ta dẫm lên các ngón chân của tôi. Nhưng dù anh ta đánh tôi thế nào, tôi cũng không đầu hàng”.
“Một cảnh sát khác đánh tôi bằng dùi cui. Khi tôi bị đưa vào phòng giam, toàn thân tôi bầm tím từ đầu đến chân. Một học viên khác, một nhà báo từ tỉnh Giang Tây, còn bị thương nặng hơn tôi”.
“Sáng hôm sau, họ cho chúng tôi ăn một thứ gì đó đen như bùn. Những người từ chối khai tên bị chuyển sang một phòng giam lớn hơn [Lưu ý: do chính sách liên đới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều học viên Pháp Luân Công từ chối khai tên để bảo vệ gia đình, đồng nghiệp và bạn bè]. Một số học viên đã ở đó. Một phụ nữ trẻ bị đưa đi vào khoảng ngày 29 tháng 12. Bốn ngày sau, vào ngày 31 tháng 12, chúng tôi bị đánh thức trước bình minh và được lệnh lên xe buýt. Khi xe đầy, nó tiến về phía Thiên Tân. Đường cao tốc bị đóng đối với phương tiện thông thường. Nhiều xe chở những học viên bị bắt khác cũng tham gia vào đoàn xe. Đoàn xe hướng về phía bắc dài đến mức tôi không thể nhìn thấy điểm cuối”.
“Sau khi đến tỉnh Liêu Ninh, đoàn xe chia làm hai – một số đến Thẩm Dương và một số đến Cẩm Châu. Tôi bị đưa đến trại tạm giam Số 1 thành phố Cẩm Châu. Ngày hôm sau (1 tháng 1 năm 2001), 2 cảnh sát đến và đưa tôi vào một căn phòng rất tối. Trong khi ghì tôi vào ghế kim loại, họ còng tay tôi và kéo cánh tay của tôi lên trên đầu, về phía sau. Sau khi ép tay trái của tôi vào lưng ghế một lúc, họ kéo cánh tay của tôi trở lại phía trước. Cánh tay của tôi liên tục run không kiểm soát được”.
“Nhân viên trại tạm giam không cho phép chúng tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Một lần, tôi bị bắt gặp khi đang luyện công. Một lính canh đánh vào tay tôi bằng giày của hắn. Hắn còn vặn tay phải của tôi mạnh đến mức làm gãy cổ tay của tôi. Gân ở ngón cái phải của tôi cũng bị đứt. Cả hai tay của tôi sưng phồng nghiêm trọng; các ngón tay của tôi dày như củ cà rốt, và tôi không thể cử động hoặc nắm tay. Tôi phải nhờ các học viên khác giúp đỡ khi đi vệ sinh”.
“Hai tháng sau, cảnh sát đe dọa đưa chúng tôi đến một nơi mà chúng tôi sẽ không bao giờ được tự do. Lính canh ở trại tạm giam còn nói thêm rằng họ cũng có thể giết chúng tôi hoặc bán chúng tôi. Không chịu nổi áp lực, một học viên khai tên và gọi điện thoại cho gia đình. Cô ấy cũng nói với chồng mình về tình trạng của tôi, và sau đó chồng cô ấy thông báo cho chồng tôi. Cả hai ông chồng nhanh chóng đến để đón chúng tôi. Nhưng trại tạm giam từ chối thả chúng tôi. Cuối cùng, cảnh sát và nhân viên Phòng 610 ở Tương Đàm đến và đưa chúng tôi về trại tạm giam thành phố Tương Đàm. Sau một thời gian ngắn bị giam giữ, tôi bị kết án tại Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Mã Long”.
Bị kết án 3 năm tù
Ngày 19 tháng 12 năm 2008, bà Đường và một học viên khác, bà Đào Thị Nguyên, đến bệnh viện thăm bạn. Ngay khi họ rời khỏi bệnh viện, một số cảnh sát mặc thường phục từ một chiếc xe bước ra và đẩy họ vào xe. Họ bị đưa đến đồn công an Tiểu Đường. Túi xách của bà Đường bị tịch thu, và 350 Nhân dân tệ tiền mặt trong đó cũng bị tịch thu. Khi tìm thấy tên và địa chỉ của bà, cảnh sát lục soát nhà của bà và con trai bà. Sách Pháp Luân Công, chân dung của nhà sáng lập Pháp Luân Công, máy nghe nhạc, điện thoại di động, máy mp3, bộ sạc và một số đĩa DVD của bà đều bị tịch thu.
Cả bà Đường và bà Đào đều bị giam giữ tại trại tạm giam Tương Đàm, nơi họ bị tòa án địa phương bí mật xét xử. Trong quá trình xét xử, một cảnh sát đánh mạnh vào ngực bà khiến bà cảm thấy tức ngực. Cả bà và bà Đào đều bị kết án 3 năm tù và không được phép kháng cáo.
Sau khi bị đưa đến nhà tù Nữ Trường Sa, lính canh lột đồ và khám xét các phụ nữ. Chăn và quần áo họ mang theo bị cắt thành từng mảnh. Bà Đường bị giam trong một phòng giam ở Khu 6, và bị 3 tù nhân theo dõi. Bà bị buộc phải đứng từ 18 đến 20 tiếng mỗi ngày, với 3 lần nghỉ để đi vệ sinh. Bà được phép uống nước 3 lần một ngày và phải đứng khi ăn. Ngoài việc bị tra tấn đứng, bà còn bị cấm ngủ.
Từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 1 năm 2010, bà Đường bị bắt đứng, gần như liên tục, trong suốt 60 ngày. Cơ thể bà sưng phù nghiêm trọng, bàn chân bà hầu như không thể đi vừa giày. Phần thân dưới của bà lạnh như băng. Đôi khi, bà cảm thấy như có vô số con kiến đang bò trên da hoặc như bị vô số cây kim đâm vào. Cuối cùng, phần thân trên của bà cũng sưng lên. Toàn bộ cơ thể bà trở nên cứng đờ như một khúc gỗ; bà không thể ngồi xổm hay cúi người; thậm chí cử động ngón tay cũng rất khó khăn; phần duy nhất bà có thể cử động được là đầu. Trong khi chịu đựng những nỗi đau không thể diễn tả, bà Đường vẫn bị ép xem những đoạn video tuyên truyền xuyên tạc Pháp Luân Công được phát ở âm lượng tối đa.
Sau khi đợt tra tấn kết thúc, lính canh bắt đầu sắp xếp để bà Đường làm việc nhiều giờ mỗi ngày mà không được trả công, đồng thời vẫn ép bà xem các video tuyên truyền.
Bà Đường bị tổn thương trầm trọng khi được thả ra khỏi nhà tù 3 năm sau đó. Bà trở lại tu luyện Pháp Luân Công và dần dần hồi phục.
Lần bắt giữ cuối cùng và cái chết bi thảm
Lần bị bắt giữ cuối cùng của bà Đường là vào ngày 19 tháng 4 năm 2017, sau khi bà bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công gần công ty thép Tương Đàm. Bà bị đưa đến trại tạm giữ Mã Gia Hàvà sau đó chuyển đến trại tạm giam Mã Gia Hà vào ngày 4 tháng 5 năm 2017.
Ngoài việc bị bắt giữ, giam cầm và tra tấn, bà Đường còn bị đình chỉ lương hưu. Chồng bà bị ép phải ly hôn với bà. Phải vật lộn để kiếm sống trong khi vẫn bị cảnh sát sách nhiễu không ngừng, bà qua đời vào ngày 14 tháng 11 năm 2024.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/14/486060.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/16/222094.html
Đăng ngày 17-01-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.