Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-12-2024]

Họ và tên: Điền Tự Quang
Tên tiếng Trung: 田自强
Giới tính:Nam
Tuổi:76
Thành phố:Tề Tề Cáp Nhĩ
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Nhân viên cục thuế
Ngày mất: Đầu năm 2024
Ngày bắt giữ gần nhất:Tháng 8 năm 2023
Nơi giam giữ gần nhất: Trại tạm giam địa phương

Ông Điền Tự Quang (76 tuổi ở Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang) đã qua đời vào đầu năm 2024–chỉ vài tháng sau khi bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Tháng 8 năm 2023, ông Điền tới quận Thiết Phong gặp con dâu để bàn bạc một số việc gia đình. Ông đã bị camera giám sát ghi hình và cảnh sát đã sử dụng chúng làm bằng chứng để cáo buộc “ông đã đi ra ngoài để quảng bá Pháp Luân Công”. Cảnh sát nhanh chóng bắt giữ và lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu cùng dấu vân tay của ông. Mặc dù huyết áp của ông cao ở mức 200mmHg (trung bình là 120 hoặc thấp hơn), nhưng cảnh sát vẫn đưa tới một trại tạm giam địa phương. Tám ngày sau, ông được thả sau khi nộp cho cảnh sát 3.000 Nhân dân tệ tiền bảo lãnh.

Cảnh sát Quận Kiến Hoa, quê của ông Điền và các đồng cấp của họ ở quận Thiết Phong liên tục sách nhiễu ông trong khi ông đang trong thời gian tại ngoại. Huyết áp của ông vẫn ở mức cao. Đầu năm 2024, ông đã bị đột quỵ và qua đời (chưa rõ thời gian chính xác).

Trước lần bức hại này, ông Điền đã từng nhiều lần bị bắt giữ trong hơn 20 năm qua chỉ vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Ông đã bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức vào năm 2001 và đơn vị công tác của ông (Cục Thuế thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ) đã treo lương của ông trong thời gian ông bị giam giữ.

Sau khi bị kết án 3 năm tù vào năm 2007, ông bị sa thải. Cũng trong khoảng thời gian đó, vợ ông (cũng là học viên Pháp Luân Công) đã bị kết án 5 năm tù giam. Khi đó, con trai của họ mới bắt đầu vào trung học và không được phép tới nhà tù để thăm cha mẹ. Cảnh sát còn hết lần này đến lần khác kéo tới nhà riêng để sách nhiễu cậu bé đang ở tuổi vị thành niên này. Ông ngoại của cậu bé bị tổn thương tinh thần bởi án tù của hai vợ chồng ông Điền và bị ngã gãy chân. Ông cụ đã qua đời không lâu sau khi con gái của cụ được trả tự do.

Ngày 28 tháng 6 năm 2015, ông Điền đã đệ đơn kiện hình sự cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì tội phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, nhưng ông lại bị chính quyền bắt giữ thêm vài lần nữa và bị tra tấn khủng khiếp trong thời gian giam giữ.

Bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức vào năm 2001

Ngày 1 tháng 1 năm 2001, ông Điền đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt giữ tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ giam ông 8 ngày ở trong trại tạm giam Quận Hải Điến ở Bắc Kinh, sau đó Từ Hoan (phó trưởng Đồn Công an đường Văn Hoa ở Tề Tề Cáp Nhĩ) tới áp giải ông về quê nhà. Từ và thuộc cấp, trong đó có Cao Vệ Tinh, đã thẩm vấn ông Điền tại đồn công an và tịch thu 1.000 Nhân dân tệ, chiếc đồng hồ Seiko và một cây bút vàng mà ông mang theo người, họ đã không trả lại những tài sản này cho ông.

Buổi tối cùng ngày, cảnh sát đã mở cửa sổ hơn 4 tiếng đồng hồ để gió lạnh thổi thẳng vào ông Điền trong khi ông chỉ đang mặc bộ quần áo mỏng manh hòng khiến ông bị lạnh cóng, rồi còng tay ông vào ống sưởi. Một cảnh sát trẻ làm ca đêm đã siết rất chặt còng tay khiến ông Điền đau đớn không thể chịu nổi. Đến 9 giờ sáng hôm sau, khi cảnh sát chuyển ông tới trại tạm giam Số 2 thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, họ mới tháo còng tay cho ông. Tất cả các ngón tay của ông đều bị tê liệt và ông không thể khép các ngón tay lại trong ba tháng tiếp đó.

Sau 2 tháng bị giam trong trại trạm giam, ông Điền bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức và bị cảnh sát trưởng khi đó là Hồ Bân cùng với một cảnh sát khác là Do Trì Tề đưa tới Trại Lạo động Cưỡng bức Phú Dụ. Tại đây, ông bị cưỡng bức lao động khổ sai gồm đào mương thoát nước, xây dựng móng và mang vác những bao tải nặng từ nơi này qua nơi khác.

15 ngày tạm giam vào năm 2002

Khoảng 8 cảnh sát của Đồn Công an Hồ Bân gồm phó cảnh sát trưởng họ Trương, Điền Xuân Lập và Ngưu Cương, kéo tới nhà ông Điền vào tháng 4 năm 2002. Họ lục soát nơi ở của ông mà không có lệnh khám và tịch thu một số tài liệu Pháp Luân Công cùng các tài sản có giá trị khác. Trương tiết lộ rằng cấp trên đã lệnh cho mỗi đồn công an bắt giữ 50 học viên Pháp Luân Công.

Ông Điền bị buộc phải ngồi trên sàn bê tông lạnh giá tại đồn công an cả đêm. Phó cảnh sát Trương đã đá và đấm ông. Ba ngày sau, ông bị giam trong trại tạm giam Số 2 Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ 15 ngày.

Hai vụ bắt giữ trong năm 2006, lĩnh án tù 3 năm sau vụ bắt giữ lần hai

Ngày 3 tháng 4 năm 2006, cảnh sát Trí Tề của Đồn Công an đường Văn Hoa đã có mặt tại nhà ông Điền và yêu cầu ông tới đồn công an. Bởi ông từ chối nên Trí đã gọi thêm các cảnh sát khác tới nhà ông tiến hành lục soát nhà và đưa hai vợ chồng ông tới đồn công an.

Vợ ông Điền được tại ngoại vào buổi tối cùng ngày, còn ông bị đưa tới trại tạm giam Số 1 Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ. Tại đây, ông phải lao động cuộn tăm mỗi ngày. Ông không được phép ngủ nếu không hoàn thành sản lượng của mình. Ông đã được trả tự do sau 40 ngày lao động cưỡng bức.

Tối ngày 25 tháng 8 năm 2006, một nhóm cảnh sát của Đồn Công an Chính Dương, dẫn đầu là Triệu Thế Dân, đã mạo xưng rằng họ là nhân viên đi kiểm tra đồng hồ nước để lừa ông Điền ra mở cửa. Họ đã lục soát nhà ông Điền và ghi hình lại toàn bộ quá trình.

Ông Điền và vợ đều bị đưa tới đồn công an. Ông từ chối trả lời câu hỏi thẩm vấn của cảnh sát và bị đưa tới Công an Quận Long Sa. Ngay khi ông tới nơi, cảnh sát Triệu đã chỉ thị cho các cảnh sát khác còng tay ông Điền ra sau lưng và treo ông lên sà cao bằng cách trói còng tay vào dây thừng để chân ông cách xa mặt đất. Họ treo ông trong 20 phút mới cho ông xuống, nhưng chỉ một lúc sau lại treo ông lên. Họ thực hiện hành vi tra tấn này nhiều lần, khiến ông Điền vô cùng đau đớn. Trong suốt quá trình tra tấn treo người lên này, cảnh sát còn châm thuốc lá gần mũi ông, bôi dầu mù tạt vào lỗ mũi ông và cù vào lòng bàn chân ông, khiến ông thậm chí còn chịu đựng đau đớn nhiều hơn nữa.

Cảnh sát tra tấn ông suốt vài tiếng đồng hồ cho đến khi trời tối. Sau một lát nghỉ ngơi, cảnh sát lại tiếp tục đợt tra tấn khác. Một cảnh sát đi tới và áp dụng thủ đoạn tra tấn mới. Anh ta vặn tay ông Điền ra sau lưng và nhấn ông quỳ xuống, sau đó trói tay với chân của ông lại với nhau ở sau lưng. Tiếp đó, viên cảnh sát nhét một thanh gỗ dày vào khoảng giữa tay chân bị trói và lưng của ông, hai đầu thanh gỗ tựa vào hai chiếc bàn. Phần giữa cơ thể của ông cong xuống và một cảnh sát giẫm lên đó để khiến ông càng đau đớn hơn nữa. Sự tra tấn này tiếp diễn cho đến tận đêm khuya.

Ông Điền từ chối “nhận tội” trong một phiên thẩm vấn và cảnh sát Lưu Phúc Sơn đã đá vào đầu ông Điền với chiếc giày da. Khi đó, ông Điền bị còng tay ra sau lưng, bị trói vào một ống nước trên mặt đất và không thể cử động. Lưu liên tục đá ông Điền khiến đầu ông chảy rất nhiều máu, tóc bết lại vì máu, miệng và tai cũng chảy máu. Sau đó, Lưu tháo còng tay cho ông và yêu cầu ông đi rửa sạch máu, nhưng ông không thể đứng dậy hay đi lại vững vàng. Phó cảnh sát Điền Xuân Lập tình cờ đi tới và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Trước khi ông Điền kịp trả lời, Lưu đã nói “đầu ông ta đập vào tường”.

Trong 5 ngày giam giữ tại Đồn Công an Chính Dương, ông Điền đã không được uống nước và không được sử dụng nhà vệ sinh. Mỗi tối ông đều bị còng tay khiến chúng bị sưng lên nghiêm trọng.

Ngày 31 tháng 8 năm 2006, ông bị chuyển tới trại tạm giam Số 1 Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ. Một tù nhân ở đó từng đá vào tay ông (hai cánh tay ông vẫn chưa lành lại từ những vết thương mà ông phải chịu đựng tại đồn công an trước đó) khiến vết thương vỡ ra và máu bắn tung tóe khắp giường.

Tòa án Quận Long Sa kết án ông Điền và vợ ông vào tháng 7 năm 2007: ông 3 năm tù và vợ ông 5 năm tù. Bởi ông từ chối chụp hình hay lấy mẫu máu, lính canh trại tạm giam họ Phương đã chỉ định một tù nhân giữ chặt ông và chụp hình ông. Một lính canh khác tên là Vương Thu Lập đã chỉ đạo tù nhân ghì tay của ông xuống để lấy mẫu máu. Sau đó, lính canh đưa một dụng cụ tra tấn đặc biệt (tương tự như còng tay nhưng gây tổn hại hơn cho nạn nhân) và cùm chân ông lại, dụng cụ tra tấn và cùm nối với nhau để ông không thể duỗi thẳng chân hay tự đi vệ sinh. Sự tra tấn này kéo dài 3 ngày cho đến tháng 10 năm 2007, khi ông bị đưa tới Nhà tù Thái Lai. Trước ngày chuyển nhà tù, ông đã yêu cầu được gặp vợ, nhưng phó giám đốc trại tạm giam Quách Chấn Xuyên đã từ chối với lý do rằng cả hai vợ chồng ông đều tu luyện Pháp Luân Công.

Bởi ông Điền từ chối tử bỏ đức tin, lính canh nhà tù đã bắt ông phải đứng bất động từ 5 giờ sáng tới 9 giờ đêm (sau đó thời gian kéo dài tới 10 giờ đêm và tiếp đó là tới nửa đêm). Đợt tra tấn đứng kéo dài hai tháng liên tiếp khiến chân ông sưng vù nghiêm trọng. Ông chỉ được ăn bánh bao trong suốt 8 tháng vào năm 2008, không được ăn rau hay thịt. Đôi khi ông thậm chí còn không được uống nước lúc bị nghẹn khi ăn bánh bao khô.

Lính canh đã cử hai tù nhân giám sát ông Điền mỗi đêm trong khoảng 3 tuần vào mùa xuân năm 2009 và không cho phép ông ngủ một chút nào. Ngay khi ông nhắm mắt, hai tù nhân sẽ kéo gối để đánh thức ông. Tù nhân trưởng là Tống Trường Xuân thậm chí còn ngồi lên giường và đấm ông vào giường khi ông ngủ gật. Khi trời sáng ông phải lao động cưỡng bức. Ông buồn ngủ tới nỗi đôi khi còn ngã xuống trong khi đang đứng.

Vào mùa đông, lính canh yêu cầu ông Điền rửa rau và tích trữ chúng trong hầm. Ở đó, thời tiết rất lạnh giá và ẩm ướt, chiếc áo khoác cotton mà họ phát cho cho ông quá mỏng và không đủ giữ ấm. Ông đã bị đau gối sau khi đứng một thời gian dài ở trong hầm. Ông chật vật để leo lên cầu thang. Đến một ngày, khớp gối phải của ông không thể cử động được vì nó đang bị kẹt và đông cứng. Ngay cả sau khi được trả tự do, ông vẫn phải nhảy lò cò bằng chân trái vì vấn đề ở đầu gối phải.

Vụ bắt giữ năm 2009

Tháng 11 năm 2009, ba cảnh sát của Đồn Công an đường Văn Hoa đã bắt giữ ông Điền và đưa ông tới một khách sạn (một phần của khách sạn này được sử dụng làm trung tâm tẩy não). Trưởng Phòng 610 ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ Lý Gia Minh và trưởng Phòng 610 Quận Kiến Hoa Triệu Bình là những người phụ trách việc tẩy não. Ông Điền bị cưỡng chế học tài liệu bôi nhọ Pháp Luân Công. Chưa rõ lần đó ông được trả tự do vào thời điểm nào.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/18/486235.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/19/222138.html

Đăng ngày 09-01-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share