Bài viết của Mịch Chân

[MINH HUỆ 15-08-2024] (Tiếp theo Phần 1)

3. Thiên thể, vũ trụ và nhân gian trong chữ Hán

“Thuyết văn giải tự” đã nói rõ cội nguồn của chữ Hán: Ngẩng nhìn các thiên tượng trên trời, cúi nhìn các phép tắc dưới đất, quan sát hoa văn của các loài chim thú và sự thích nghi với địa phương, gần thì lấy từ bản thân, xa thì lấy từ các vật”. Cũng có nghĩa là, từ thiên văn, địa lý, đến chim thú, cá tôm côn trùng, từ những vật xung quanh con người, đến những sự vật xa lạ ở xa, tất cả đều được rút gọn ‘kiểu toàn tức’ (mang theo toàn bộ thông tin) vào trong chữ Hán.

Khi giới thiệu văn tự tượng hình, Hứa Thận lấy ví dụ chữ “Nhật, Nguyệt”.

“Nhật (日 – mặt trời): nghĩa là đầy. Tinh khí Thái dương không hao hụt”

“Nhật: nghĩa là đầy”, cổ nhân cho rằng, trên mặt trời có con quạ vàng, Vương Sung đời Hán viết trong “Luận hoành – Thuyết nhật” rằng: “Nhà Nho nói rằng: trên mặt trời có con quạ 3 chân, trên mặt trăng có thỏ, cóc”.

“Nguyệt (月 – mặt trăng): là khuyết. Tinh khí Thái âm”.

Mỗi ngày đều có thể nhìn thấy mặt trời, mặt trăng, chữ tượng hình có mặt trực quan. Chữ Đán (旦 – buổi sáng), là hình mặt trời nhô lên khỏi đường chân trời, biểu thị trời đã sáng rồi. Chữ Tịch (夕 – buổi tối), là hình nửa mặt trăng mọc ra, biểu thị đã đến tối rồi. Đây là phương diện chữ tượng hình phù hợp với ấn tượng thường nhật của mọi người.

Chữ Đán trong Kim văn. Kim văn là chữ khắc đúc trên đồ đồng, Giáp cốt văn là chữ khắc trên mai rùa, là văn tự thời kỳ Thương Chu.

Chữ tượng hình có mặt trực quan, rõ ràng, nhưng đồng thời nó cũng có hàm nghĩa thần thánh, cao xa. Chữ Nhật (mặt trời) là tinh thái dương, Nguyệt (mặt trăng) là tinh thái âm. Người xưa cho rằng, mặt trời là tinh thái dương, chủ trì về sinh dưỡng ân đức, là tượng trưng cho quân vương”. Thái dương chiếu khắp vạn vật, có ân đức nuôi dưỡng sinh mệnh. Trong văn hóa truyền thống Thiên – nhân hợp nhất của Trung Quốc, thì thiên tượng đối ứng với cát hung, họa phúc nhân gian, quan sát nhật thực, đối chiếu nhân gian, đó là cách làm thông thường của các triều đại dùng để “xem lành dữ”, khi xuất hiện nhật thực, là biểu thị bậc quân vương có chỗ thất đức, “tu sửa đức hạnh thì cái dữ cái hại bị loại trừ”. Vì vậy trong “24 bộ sử”, bất kể triều đại nào, nếu xuất hiện nhật thực, thì không triều đại nào là không xem xét án tù oan, nghe lời trực ngôn, tu đức kính Trời, bù đắp sai lầm, những việc thế này có ở khắp mọi nơi.

Ngoài mặt trời, mặt trăng ra còn có các vì sao đầy trời, người xưa cho rằng, những vì sao trên trời này cũng đối ứng với nhân gian.

Chữ Tinh (星 – ngôi sao) trong Kim văn cũng là chữ tượng hình, giống như mấy mặt trời nhỏ hội tụ với nhau, ngụ ý là những vì sao lấp lánh trên trời cao. “Thuyết văn” giải thích chữ Tinh rằng: “tinh của vạn vật, trên trời là các vì sao”. Cho rằng vạn vật trên mặt đất, là đối ứng với các vì sao trên trời.

Sự luân chuyển của mặt trời, mặt trăng và các vì sao có quy luật gì không?

Trong “Thuyết văn giải tự” có giải thích về chữ Tuế rằng: “đó là sao Mộc. Trải qua 28 vì sao, bố cáo khắp âm dương, 12 tháng một lần”. Sao Mộc cũng được gọi là Tuế tinh, người xưa cho rằng sao Mộc cứ 12 năm đi một vòng trên trời, mỗi năm đi được một ‘thứ’, do đó 12 tháng cũng gọi là ‘một thứ’, cũng có nghĩa là, sao Mộc đi được một phần 12 vòng trên bầu trời, đó chính là một năm, nên gọi là Tuế tinh.

Bầu trời mà sao Mộc đi được một vòng, người xưa dùng chữ Viên (圜 – bầu trời) để biểu thị, chữ Viên này thông với chữ Viên (圓 – tròn, hình tròn). Trong “Thuyết văn giải tự” giải thích “chữ Viên (圜 – bầu trời) là Thiên thể. Viên là tròn”. Trong “Thiên vấn”, Khuất Nguyên đã từng viết rằng: “Viên tắc cửu trùng, thục doanh độ chi?” Bầu trời chín tầng, ai điều khiển sự vận hành của nó?

Sao Mộc vận hành một vòng trên bầu trời là thời gian 12 năm, trải qua bốn phương vị đông tây nam bắc, mỗi phương vị đều có bảy ngôi sao, tổng cộng 28 ngôi sao. Bốn phương vị lần lượt là Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ, trong văn hóa truyền thống, chúng tượng trưng có các vị Thần bảo hộ bốn phương.

Bốn phương, 28 vì sao, trở thành hệ tham chiếu ghi chép năm trong lịch pháp cổ đại của Trung Quốc.

Tuế là tên cổ của sao Mộc, cùng với bốn hành tinh Kim, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là Ngũ tinh. Để quan trắc sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và Ngũ tinh, người xưa đã lựa chọn 28 chòm sao gần đường Hoàng đạo (tức là quỹ đạo vận hành của mặt trời trong một năm nhìn từ trái đất) làm tiêu chí, gọi là Nhị thập bát tú (28 ngôi sao).

Trong “Tiền Hán thư” có viết rằng, “các nhà thiên văn dùng 28 chòm sao, đánh dấu sự vận hành của Ngũ tinh, mặt trời, mặt trăng, để ghi chép thiên tượng hung cát, là điều mà các Thánh vương dùng để tham khảo việc triều chính. Kinh Dịch viết rằng: Quan sát thiên văn, để xem xét sự biến đổi thời cuộc”. Quan trắc thiên tượng, dùng 28 ngôi sao làm tham chiếu, quan sát sự thay đổi của Ngũ tinh, mặt trời mặt trăng trong quá trình vận hành, để xác nhận sự thay đổi cát hung ẩn chứa trong đó, Thánh vương căn cứ vào sự biến đổi của thiên tượng để trị lý thiên hạ. Trong “24 bộ sử”, ghi chép của các triều đại về quan trắc thiên văn đều vô cùng chi tiết, trên thực tế, tài liệu ghi chép thiên văn được công nhận là sớm nhất, hệ thống nhất, là từ sách sử của Trung Quốc cổ đại.

Hơn 9000 chữ trong “Thuyết văn giải tự” truy ngược về cội nguồn, dốc sức khôi phục nội hàm và bản chất đằng sau chữ Hán, khi chúng ta đứng từ mỗi góc độ để thu được thông từ từ trong đó, thì chúng ta có thể thu được những nhân tố căn bản của một phương diện nào đó một cách có hệ thống. Chữ Hán giống như “hóa thạch sống”, mang theo sự tìm tòi và ghi chép của người Trung Quốc cổ đại về vũ trụ và thiên thể, là nhịp cầu thân thuộc nhất mà lại xa lạ nhất để người đời sau hiểu về văn hóa Thần truyền Trung Hoa.

Lượng thông tin mà chữ Hán mang theo rất phong phú, cũng khiến thế giới phương Tây quan tâm chú ý. Triết gia nổi tiếng của Pháp Jacques Derrida (1930-2004) đã từng nói, “chữ Hán là văn tự duy nhất trên thế giới có khả năng tự túc, tự bản thân nó đã bao gồm thông tin hoàn chỉnh”. (Chương 3, sách “Luận văn tự học” của Jacques Derrida, Nhà xuất bản dịch thuật Thượng Hải 1999, Uông Đường Gia dịch). Trong cuốn “Khoa học kỹ thuật và văn minh Trung Hoa” của nhà khoa học nổi tiếng người Anh Joseph Needham đã viết rằng: “Nếu Thượng Đế từng dạy nhân loại một loại ngôn ngữ nào đó, thì loại ngôn ngữ đó nhất định sẽ phải giống chữ Hán”. (Thư của Gottfried Leibniz gửi La Croze, năm 1707).

(Còn tiếp)

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/15/480632.html

Đăng ngày 24-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share