Bài viết của Mịch Chân
[MINH HUỆ 10-08-2024]
1. Nguồn gốc của “Thuyết văn giải tự”
Văn tự Trung Quốc có lịch sử lâu đời. Trong “Dịch kinh – Hệ từ”, “Lã thị xuân thu” và các điển tịch khác đều có ghi chép rằng, Thương Hiệt, sử quan của Hoàng Đế đã sáng tạo ra chữ viết, khai sáng văn tự Hoa Hạ chính thống. Từ các chữ như Giáp cốt văn, Kim văn cho đến Tiểu triện, là thuộc về thể hệ văn tự cổ. Đến thời Hán xuất hiện Lệ thư, là thuộc về thể hệ văn tự ngày nay. Do văn tự ngày nay có sự thay đổi khá lớn so với văn tự cổ đại, nên mọi người khó liễu giải được nội hàm vốn có của cổ văn, và dần dần sinh ra sự biến đổi. Đến thời kỳ Đông Hán, Hứa Thận trước tác “Thuyết văn giải tự”, cố gắng khôi phục cội nguồn của chữ Hán, và ngăn chặn “hành vi biến đổi loạn” chữ Hán của mọi người.
Hứa Thân, tên tự là Thúc Trọng, là người làng Vạn Tuế, huyện Triệu Lăng, Nhữ Nam (tức làng Hứa Trang, huyện Yển Thành, tỉnh Hà Nam ngày nay). Ông từng đảm nhận chức quan Tế tửu của Tàng thư xứ của hoàng cung Đông Hán, hiệu đính các thư tịch cổ.
Trong “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận đã thuật lại khởi nguồn của chữ Hán: “Thời cổ đại, Bào Hi thị làm vua thiên hạ, ngửa mặt quan sát thiên tượng trên trời, cúi nhìn những hình tượng ở dưới đất. Ông thấy hoa văn của chim thú thích nghi với nơi chúng ở, gần thì lấy bản thân mình, xa thì lấy các vật để đối chiếu, thế rồi bắt đầu tạo ra Bát quái, dùng để tham chiếu… Sử quan của Hoàng Đế là Thương Hiệt bắt đầu tạo ra chữ viết, dựa theo loài mà phỏng theo hình tượng, do đó gọi là văn. Sau này kết hợp hình – thanh, gọi là tự”.
Bào Hi thị tức là Phục Hi thị. Phục Hi thị ngửa mặt quan sát thiên tượng, cúi nhìn địa lý, căn cứ theo đạo lý vốn có của sự vật đã sáng tạo ra Bát quái, có thể quan trắc tượng của thiên địa vạn vật v.v. Đến thời kỳ Hoàng Đế, sử quan Thương Hiệt dựa vào hình tượng của các loài, đã sáng tạo ra văn tự tượng hình, sau này diễn biến thành văn tự có cả hình và thanh.
Nhưng đến khi xuất hiện Lệ thư vào thời Hán, thì so sánh văn tự với Triện thư thời kỳ trước rất thuận tiện và dễ nhận biết, và vẫn được áp dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Nhưng do mất đi diện mạo gốc “tượng hình dựa theo loài” của văn tự cổ đại, nên đã bắt đầu nảy sinh sự bóp méo và hiểu sai đối với văn tự. Trong “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận đã chỉ ra rằng, để thuận tiện cho việc ghi nhớ, mọi người đã đặt ra các câu vần vè như: “Mã đầu nhân vi trưởng, nhân trì thập vi đấu, trùng giả khuất trung dã”, dùng cái sai lan truyền cái sai, gây hại rất rộng.
Để ngược dòng về cội nguồn chữ Hán, để thế nhân hiểu được ý nghĩa chân thực ẩn tàng trong chữ Hán, Hứa Thận đã dùng thời gian 22 năm, thu thập lượng lớn các văn tự thượng cổ, chữ đại triện, chữ tiểu triện… Và căn cứ vào các tư liệu mà các bậc Thánh hiền cổ đại lưu lại, đã khôi phục lại nguồn gốc của hơn 9.000 chữ Hán.
Nếu không có “Thuyết văn giải tự” làm ngay chính gốc trong sạch nguồn, thì mọi người sẽ khó mà nhận ra được hàm nghĩa của các văn tự cổ đại như đồ đồng thời Thương Chu, cổ văn thời Tam Quốc và Giáp cốt văn khai quật được ở thời sau này. Học giả chú giải cổ thời Thanh là Chu Tuấn Thanh đã viết trong “Thuyết văn thông huấn định thanh – Lâm bộ” của ông rằng: “Người ta thường nói rằng, sách ‘Thuyết văn giải tự’ có công lao không kém Hạ Vũ trị thủy” Cho đến ngày nay, “Thuyết văn giải tự” vẫn là sách công cụ gối đầu giường mà mọi người vẫn thường sử dụng. Khi người ta muốn tìm về hàm nghĩa ban đầu của một chữ Hán, thì đầu tiên là nghĩ đến “Thuyết văn giải tự”.
2. Hình tượng của chữ Hán: Ngửa mặt quan sát thiên tượng trên trời, cúi nhìn những hình tượng ở dưới đất
Chữ Hán là văn tự tượng hình, mà chữ “tượng” này không chỉ là sự giống nhau ở hình tượng bề ngoài, mà còn hàm chứa hình tượng bản lai của sự vật, tức là phản ánh quy luật bản chất của sự vật. Trong “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận viết rằng: “Ngửa mặt quan sát thiên tượng trên trời, cúi nhìn những hình tượng ở dưới đất. Ông thấy hoa văn của chim thú thích nghi với nơi chúng ở, gần thì lấy bản thân mình, xa thì lấy các vật để đối chiếu”, sau đó “tượng hình dựa theo loại, cho nên gọi là văn”, rồi lại “hình – thanh bổ trợ, tức gọi là tự”.
Điều đó cũng có nghĩa là, chữ Hán đã tiết lộ quy luật nội tại tạo vật của trời đất. Trong “Hoài Nam Tử” có ghi chép: Thương Hiệt sáng tạo ra chữ viết, trên trời rơi xuống thóc gạo, nửa đêm quỷ gào khóc.
Nói theo cách thông tục là, sự xuất hiện của chữ Hán là một đại sự “kinh thiên địa, khốc quỷ thần”. Nhà bình luận thư họa nổi tiếng đời Đường là Trương Ngạn Viễn đã giải thích trong “Lịch đại danh họa ký” rằng: việc sáng tạo ra chữ Hán khiến Tạo hóa không thể che giấu được bí mật trong đó, do đó đã giáng thóc gạo xuống, khiến yêu ma quỷ quái không thể ẩn hình, do đó ban đêm quỷ thần gào khóc.
Tại sao Thương Hiệt có thể nhìn ra sự kỳ diệu của sự tạo hóa của thiên địa vạn vật? Trong lịch sử có một thuyết nói rằng, Thương Hiệt có “con ngươi kép, bốn mắt”, ông ngẩng đầu có thể nhìn thấy quy luật vận hành của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, ông cúi đầu có thể quan sát được sự huyền diệu của vạn vật. Thương Hiệt phân ra thành các loài, ghi chép thành văn tự. Đây chính là chữ tượng hình sớm nhất.
Do lịch sửa đã quá lâu rồi, nên việc ông có “con ngươi kép, 4 mắt” thì không có tài liệu lịch sử xác thực nào để làm căn cứ, nhưng nhìn từ góc độ của giới tu luyện, nếu Thương Hiệt có thần thông “khai thiên mục”, và có tầng thứ khá cao, thì ông đã thông qua thiên mục là có thể quan sát được chân tướng của không gian khác.
Hứa Thận quy việc Thương Hiệt sáng tạo ra chữ viết là “tượng hình dựa theo loài”, chính là nhìn thấy lý của vũ trụ ở tầng thứ cao, kết hợp với sự vật mà mọi người bình thường nhìn thấy, cảm nhận được để biểu đạt ra, phù hợp với thói quen tư duy của người thường, như thế mới tạo điều kiện cho mọi người dễ nhớ và truyền bá.
Từ chữ tượng hình mà Thương Hiệt sáng tạo ra, sau này diễn biến ra càng ngày càng nhiều chữ, là chiểu theo phương pháp “Lục thư”. Trong “Chu lễ” có đề cập đến “Lục thư”, nhưng không giải thích. Hàm nghĩa cụ thể của Lục thư lần đầu tiên được Hứa Thận giải thích trong “Thuyết văn giải tự”, đó là: tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú, và giải tá. Cũng có nghĩa là, đối với việc hình thành và công dụng của chữ Hán, thì “Thuyết văn giải tự” là một trước tác truy về cội nguồn, kế thừa của đời trước, mở ra cho đời sau.
(Còn tiếp)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/10/480631.html
Đăng ngày 23-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.