– Tiểu thuyết lịch sử –

Bài viết của Nguyệt Quang

[MINH HUỆ 24-05-2024] Tóm tắt: Năm 26 tuổi, Lý Bạch ở Dương Châu tiêu tán hết 30 vạn vàng, lại bị bệnh nặng nên rơi vào hoàn cảnh nghèo khổ, bất đắc chí. Thư đồng Đan Sa xoay sở nên Lý Bạch chuyển đến tá túc trong chùa Đại Minh. Một đêm ở chùa Đại Minh, Lý Bạch có một giấc mộng kỳ lạ, sau khi tỉnh dậy, ông ngắm trăng nhớ cố hương, viết bài thơ tuyệt xướng thiên cổ “Tĩnh dạ tư” (Suy nghĩ đêm yên tĩnh).

(Tiếp theo Phần 1)

3.

Đan Sa lòng đầy cảm kích rời đi. Buổi tối ngày hôm sau, Lý Bạch chuyển đến chùa Đại Minh. Đại hòa thượng Giám Chân đích thân ra cổng chùa nghênh đón, Lý Bạch rất cảm kích. Đại hòa thượng Giám Chân nói: “Chùa Đại Minh chúng tôi muốn cảm ơn Lý thí chủ. Bài thơ trước đây của ngài ca ngợi tháp Tây Linh của chùa Đại Minh, viết rất hay. Nhưng chỗ chúng tôi đây cũng không phải là nơi ở không làm gì, nên khi ngài rảnh rỗi, có thể viết thơ tặng chúng tôi. Những bài thơ hay là vô giá. Chùa Đại Minh chúng tôi cũng không phải là chỉ có kiếm được mà không có chi tiêu”. Đại hòa thượng Giám Chân nói xong, cười và gọi tri khách tăng đến sắp xếp 2 phòng cho Lý Bạch và Đan Sa.

Phòng của Lý Bạch được bày biện rất trang nhã, màn đẹp, ruồi muỗi không vào được. Cửa sổ chạm khắc phù điêu, gỗ đàn hương thơm ngát, khiến người ta vui vẻ sảng khoái. Nhưng căn phòng của Đan Sa thì có chút đơn sơ, cửa sổ cũ một chút, màn có vài chỗ thủng, ban đêm đôi khi muỗi cũng đến thăm, nhưng cũng được quét dọn rất gọn gàng sạch sẽ.

Ở được hơn nửa tháng, sức khỏe Lý Bạch dần hồi phục. Một đêm, ông ngồi dựa thành giường, ngây ngây nhìn cửa sổ điêu khắc phù điêu. Bức phù điêu là “Ba con thỏ chung tai”. Trong vòng tròn của đồ hình là 3 con thỏ đang dốc sức chạy, con nọ nối đuôi con kia, đang đuổi nhau. Điều thú vị là 3 con thỏ này đều có 1 tai chung, hình thành một hiện tượng thần kỳ “1 con thỏ có 2 cái tai, 3 con thỏ có 3 cái tai”. Đồ hình “Ba con thỏ chung tai” này có bố cục khéo léo, chứa đầy sự thần bí và linh động, khiến người ta suy nghĩ xa xôi mãi.

Lý Bạch nhắm mắt, bên tai phảng phất như nghe thấy những tiếng chạy của 3 con thỏ. Ba con thỏ đó chạy vào trong sân, dường như chúng đang gọi ông. Lý Bạch lập tức đứng dậy, vài bước là bước ra khỏi cửa phòng. Ở trong sân, chiếc bàn đá yên tĩnh, thành giếng tĩnh lặng, cây quế rung rinh nhè nhẹ… Lý Bạch cảm thấy dường như mình đã biến thành một con thỏ, đuổi nhau nô đùa với 3 con thỏ kia ở trong sân. Ba con thỏ đó bỗng nhiên nhảy lên cây quế, biến mất trong đám lá rậm rạp.

Lý Bạch đi quanh cây quế mấy vòng, nhưng tìm mãi vẫn không thấy bóng dáng những con thỏ đó đâu. Ông gãi đầu, nét mặt tỏ vẻ nghi hoặc khó hiểu. Đột nhiên, ông ngẩng đầu nhìn thấy một đám mây lành trên đỉnh cây quế, một Tiên nữ xinh đẹp đang ôm một con thỏ đứng trên đám mây đó. Ái chà, đây chẳng phải là Hằng Nga trong truyền thuyết đó sao?

Lý Bạch mở to mắt, ngây ngây nhìn Hằng Nga đang ôm thỏ. Trên người cô phát ra ánh sáng của mặt trăng dịu dàng, ánh mắt thật thánh khiết, thật yên tĩnh. Nhìn cô, cái tâm xao động của Lý Bạch dần dần yên tĩnh lại.

Thời gian một nén hương trôi qua, trong màn đêm tĩnh lặng này đã xuất hiện một cảnh tượng thần kỳ. Phía sau bóng ảnh Hằng Nga ôm thỏ, phản chiếu như tấm gương, đột nhiên trong chớp mắt lại xuất hiện một Hằng Nga ôm thỏ giống người kia y hệt. Lý Bạch bất giác kinh ngạc trong tâm: Hằng Nga ôm thỏ thứ 2 này xuất hiện dưới sức mạnh thần bí nào?

Nhưng nghi vấn này vừa mới nổi lên thì đằng sau Hằng Nga thứ 2 lại đột nhiên xuất hiện Hằng Nga thứ 3, tiếp theo là thứ 4, thứ 5… cứ như vậy không ngừng, giống như trẻ em thổi ra bong bóng xà phòng vậy, liên tiếp không ngừng xuất hiện những Hằng Nga phát sáng đang ôm thỏ.

Rất nhanh chóng, đầy trời đều là những Hằng Nga ôm thỏ. Những Hằng Nga này dần dần nhỏ đi, cuối cùng hóa thành những khối phát sáng hình con sứa. Những “con sứa” phát sáng này dưới ánh trăng dần dần thăng lên không trung, xoay tròn, biến hóa vô tận thành các hình dạng. Hàng vạn những “con sứa” tụ tập trên bầu trời phía trên tháp Tây Linh, dần dần nhỏ lại, hội tụ thành những vì sao đêm lấp lánh trên bầu trời đêm. Muôn vạn ‘vì sao’ nhảy múa trên bầu trời. Cuối cùng trên bầu trời đêm rộng lớn dệt nên bức tranh hình chim đại bàng khổng lồ, rực rỡ, dường như muốn bay vút lên trời mây. Con chim đại bàng đó toàn thân phát sáng, ánh sáng của nó khoác lên tầng ánh sáng trắng bạc cho tháp Tây Linh, cả khoảng sân đều được chiếu sáng, giống như ban ngày.

Dường như lãng tử trải qua muôn ngàn gian khổ, thương tích đầy mình, quay trở về với quê hương ly biệt đã lâu. Hơi thở quen thuộc lại lâu ngày không gặp của chim đại bàng đó khiến máu của Lý Bạch chảy nhanh, ngưng tụ thành niềm vui và những giọt nước mắt cảm động ở khóe mắt. Lý Bạch không chớp mắt ngắm nhìn chim đại bàng sáng chói hơi run rẩy trên bầu trời. Thời khắc đó dường như không chỉ là sự giao lưu về thị giác. Chim đại bàng lấp lánh con mắt sáng như vì sao, dường như đang đối thoại tâm linh với Lý Bạch. Mỗi một ‘vì sao’ lấp lánh trên thân chim đại bàng khơi dậy sự hưởng ứng thần thánh mà lại không thể diễn tả bằng lời được trong nơi sâu thẳm nội tâm Lý Bạch. Lúc đó, Lý Bạch cảm thấy mình dường như nứt vỡ ra thành vô số mảnh nhỏ, những mảnh nhỏ ấy run rẩy nhè nhẹ theo sự kêu gọi của những ‘ngôi sao’ trên thân chim đại bàng. Một cảm giác hạnh phúc yên tĩnh dâng lên trong lòng Lý Bạch. Cảm giác này giống như em bé sơ sinh trở về với vòng tay của người mẹ, lại giống như một con chim nhạn cô đơn cuối cùng bay trở về khu rừng ấm áp.

Lý Bạch nhè nhẹ nhắm mắt, cảm nhận dòng chảy ấm áp khắp toàn thân, đến khi mở mắt ra, ông thấy đồ hình chim đại bàng đó đang dần dần tan biến trong màn đêm. Thế là Lý Bạch lại nhìn chăm chú không chớp mắt. Thực tế không phải đồ hình chim đại bàng đang tan biến, mà là nó đang bay về bầu trời cao xa hơn. Chim đại bàng đang bay về hướng cung trăng. Trong quá trình bay, đồ hình chim đại bàng không ngừng biến ảo trong con mắt của Lý Bạch. Một lúc sau, trong đồ hình đó lại nổi lên hình ảnh núi Đại Khuông ở đất Thục – quê hương của Lý Bạch. Lý Bạch không chỉ nhìn thấy hình ảnh thân thiết của cha mẹ, ông còn nhìn thấy dáng vẻ mờ mờ của Ngô Chỉ Nam và sư phụ Triệu Nhuy dưới chân núi. Một lát sau, trong đồ hình lại xuất hiện núi Thiên Sơn thành Toái Diệp. Bên sông Sở dưới chân núi Thiên Sơn, những người bạn thuở thơ ấu của Lý Bạch cưỡi ngựa quý hãn huyết phi như bay, đợi đến con ngựa cuối cùng chạy xa rồi, thì cảnh tượng lại thay đổi, xuất hiện cảnh tòa thành Trường An. Tòa thành này vuông vắn chỉnh tề như bàn cờ, các con phố trong thành ngang dọc đan xen, người trên phố đi lại náo nhiệt, hình ảnh người nhỏ như những con kiến.

Khi Lý Bạch tập trung tinh thần nhìn hoàng cung ở thành Trường An, thì cảnh tượng thành Trường An trong đồ hình bỗng nhiên biến mất, thay vào đó là Tiên cảnh Dao Trì như mộng ảo. Xung quanh Tiên cảnh Dao Trì là những vòng tròn ánh sáng màu vàng kim nhè nhẹ vây quanh – con chim đại bàng lấp lánh ánh sáng màu đỏ đã biến mất trong cung trăng. Trên bầu trời đêm chỉ còn lại hình ảnh Tiên cảnh to lớn và thần bí trong cung trăng sắc vàng.

Cảnh tượng Tiên cảnh này thực sự khiến người ta chỉ biết tán thán. Một Tiên nhân tóc xoăn màu xanh lam ở trung tâm bức hình, Ngài ngồi trên đài sen, toàn thân tỏa ra bầu không khí tường hòa. Dung mạo Ngài từ bi hòa ái lại trang nghiêm, ánh mắt sâu xa như biển cả. Phía sau thân Ngài là ánh sáng lấp lánh, ánh sáng đó giống như mộng ảo chiếu sáng toàn bộ Tiên cảnh.

Phía dưới hình ảnh là các đồng tử Tiên giới đang vui đùa, họ hoạt bát khả ái, ngây thơ trong sáng. Bên trái là 2 đồng tử đang nô đùa trong nước, họ vừa bơi vừa vỗ tay cười vui vẻ. Bên phải là 2 đồng tử đang cố gắng leo lên lá sen, gương mặt nhỏ nhắn của họ hồng hào, dốc hết sức mình, thể hiện vẻ tinh nghịch và khả ái.

Ở giữa bức hình đó là một nhóm Tiên nữ đang bay lượn, dáng vẻ nhẹ nhàng thướt tha, tay áo phất phới. Có vị Tiên nữ bay lượn giữa những lâu đài, tay họ xách giỏ hoa, rắc những bông hoa đó ra không trung, tạo thành những cơn mưa hoa mỹ lệ. Còn có những Tiên nữ đang biểu diễn các nhạc cụ, họ ung dung nhẹ nhàng sử dụng các loại nhạc cụ khác nhau, diễn tấu ra những giai điệu mỹ diệu rất hay.

Phía trên đỉnh bức hình là những nhạc cụ không có người diễn tấu mà tự phát ra tiếng nhạc, chúng lơ lửng trôi trên không trung, tự động phát ra những âm thanh vui tai, hòa cùng với lời ca và tiếng cười của các Tiên nữ, tạo thành bức tranh hài hòa mỹ hảo. Những nhạc cụ này dường như có sinh mệnh, tự động diễn tấu ra những âm nhạc mỹ diệu, khiến người ta vô cùng kinh ngạc.

Ánh mắt của Lý Bạch đang chăm chú dõi theo một chiếc đàn không hầu đang tự động chơi nhạc. Nhưng đúng vào tích tắc đó, cảnh tượng đầy Tiên khí thần bí đó bỗng biến mất. Nhìn xung quanh, chỉ thấy một khung cửa sổ đá tĩnh lặng, một bức phù điêu “Ba con thỏ chung tai” vẫn bất động như cũ, còn xung quanh là sự yên tĩnh an hòa đặc biệt của những căn phòng nhà chùa. Thì ra là một giấc mộng.

Lý Bạch trở dậy, đi bộ chậm rãi trong sân, bên thành giếng phủ một lớp sương mỏng. Nhìn kỹ, hóa ra là ánh trăng mềm như lụa đang rải xuống. Ông ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, chỉ thấy vầng trăng tròn vành vạnh màu vàng xa xa trên đỉnh tháp Tây Linh, trông càng có vẻ sáng hơn. Trong đêm yên tĩnh này, tình cảm nhớ quê hương bất giác dâng trào trong tim, Lý Bạch buột miệng ngâm nga:

Tĩnh dạ tư

“Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.”

Tạm dịch:

“Trăng sáng soi trước giường
Cứ tưởng đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.”
(Bản dịch của Tương Như)

Đúng vào ngày Lý Bạch rời khỏi chùa Đại Minh, ông vung bút viết bài thơ “Tĩnh dạ tư” này lên bảng đề thơ.

Thưởng thức từng chữ từng câu, đại hòa thượng Giám Chân gật đầu khen ngợi không ngớt, sai người treo ở chỗ cao trong Đại hùng Bảo điện. Đan Sa nhìn thấy bài thơ “Tĩnh dạ tư” ở Đại hùng Bảo điện, ngẩng đầu lên đọc 10 lần.

Đại hòa thượng Giám Chân hỏi: “Cậu cũng hiểu thơ?”

Đan Sa lắc đầu than rằng: “Ngày nay thiếu gia nhà con gặp nạn, thơ viết cũng kém đi. Bài thơ như thế này thì con cũng có thể làm được một bài”.

Đại hòa thượng Giám Chân bất giác sinh lòng kính trọng: “Thư đồng của đại thi hào Lý Bạch, tất nhiên là không tầm thường. Thơ cậu viết đó, có thể đọc chút xem, để bần tăng có diễm phúc lắng nghe”.

Thế là các vị hòa thượng trong Đại hùng Bảo điện nín thở, cung kính nghiêng đầu lắng nghe. Đan Sa cũng không khách khí, ho khan mấy tiếng, ưỡn ngực cất cao giọng đọc tác phẩm lớn của cậu:

Thâm dạ phiền

Chẩm biên ông ông ông,
Nghi thị lôi oanh long.
Cử đầu vọng quật lung,
Đê đầu phách văn trùng.

Tạm dịch:

Bên gối tiếng vo ve
Cứ tưởng sấm đùng đùng
Ngẩng đầu nhìn lỗ thủng
Cúi đầu đập muỗi trùng.

(Hết)

Bản quyền@2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/24/477604.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/15/219045.html

Đăng ngày 09-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share