– Tiểu thuyết lịch sử –
Bài viết của Nguyệt Quang
[MINH HUỆ 19-05-2024] Tóm tắt: Năm 26 tuổi, Lý Bạch ở Dương Châu tiêu tán hết 30 vạn vàng, lại bị bệnh nặng nên rơi vào hoàn cảnh nghèo khổ, bất đắc chí. Thư đồng Đan Sa xoay sở nên Lý Bạch chuyển đến tá túc trong chùa Đại Minh. Một đêm ở chùa Đại Minh, Lý Bạch có một giấc mộng kỳ lạ, sau khi tỉnh dậy, ông ngắm trăng nhớ cố hương, viết bài thơ tuyệt xướng thiên cổ “Tĩnh dạ tư” (Suy nghĩ đêm yên tĩnh).
1.
Dương Châu là nơi đen đủi, Lý Bạch đã tiêu tán 30 vạn vàng ở đó, rơi vào cảnh nghèo rớt mồng tơi. Dương Châu cũng lại là nơi đẹp nhất, Lý Bạch đã viết bài thơ “Tĩnh dạ tư” ở đó, khiến danh tiếng ông vang xa.
Những trải nghiệm của Lý Bạch ở Dương Châu là sau khi ông an táng người đồng hương Ngô Chỉ Nam ở bên hồ Động Đình. Năm đó, ông xuôi dòng sông Tương xuống phía Nam, đi qua sông Mịch La, cảm nhận được truyền thuyết cổ xưa về Khuất Nguyên ở nơi đó. Đến Đàn Châu, ở chân núi Nhạc Lộc Sơn, ngắm trông những ngôi chùa và màu xanh non khắp núi. Sau đó, ông bước trên con đường bằng đá tảng ở Hoành Dương, đi qua những tòa nhà ngói đen gạch xanh ở thành cổ Linh Lăng. Sau đó, ông lại ngao du về phía Đông đến Kim Lăng, du ngoạn sông Tần Hoài có cảm giác trong phồn hoa có dấu ấn của cuộc bể dâu, và chùa Kê Minh với tiếng chuông du dương. Cuối cùng, ông đến Dương Châu đầy chất họa và chất thơ.
Lòng mang đầy nhiệt tình và những bản thảo thơ được chuẩn bị kỹ lưỡng – những cuộn giấy chép thơ, Lý Bạch đã đến thăm các quan lại và những người danh tiếng địa phương ở khắp Dương Châu. Ông đặt tác phẩm tự hào nhất của mình là “Đại bằng phú” ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, kỳ vọng nó sẽ động đến cái tâm của người ta. Thế nhưng, vận mệnh dường như không như con người mong đợi: Ông hết lần này đến lần khác gõ cửa bái kiến, đều bị tiếp đón lạnh nhạt, bởi vì mọi người đang chìm đắm trong sự bận rộn chuẩn bị hoặc chúc mừng đại lễ phong thiện Thái Sơn của Đại Đường.
Việc bị từ chối tiếp kiến này khiến người ta cảm thấy ngượng ngùng. Nhưng Lý Bạch không vì thế mà rơi vào thất vọng chán chường. Trái lại, ông đem nỗi ưu sầu nhè nhẹ này hòa vào vận vị thành Dương Châu, tản bộ trong những con ngõ với rặng liễu rủ bóng mát và những đường phố phồn hoa như gấm, trầm tư suy ngẫm bên dòng sông nước chảy lơ thơ bên cây cầu cổ. Ông chèo thuyền nhỏ ven Hồ Tây Gầy, khiến tâm hồn thơ đan xen với sắc núi mặt gương hồ. Ông leo lên lâu đài thủy tạ ca múa, trong tiếng ca điệu múa yến anh, tìm được cảm hứng sáng tác. Ông cũng đi vào thành Đông, cười đùa với các thiếu gia thế tục, tham gia giải trí chọi gà. Trên cánh đồng hoang dã rộng lớn ngoại ô phía Tây, ông cưỡi ngựa rong ruổi, thỏa thích thưởng thức thú đi săn. Thỉnh thoảng ông còn đến ‘cúc thành’ (nơi chơi bóng đá) nổi tiếng ở Dương Châu, cùng những người hâm mộ bóng đá địa phương say mê trong niềm vui và sức sống của bóng đá.
Tháng 3 mùa xuân, gió nhè nhẹ thổi, trong ‘cúc thành’ của Dương Châu, trên bãi cỏ xanh tươi, Lý Bạch nhảy vào cảnh vô cùng náo nhiệt đó. Lý Bạch vóc dáng oai hùng, tóc thanh tú, mặc áo dài tay hẹp cổ tròn, chân đi đôi giày vải mềm mại dễ chịu, đầu thắt khăn bức cân phất phơ nhè nhẹ bay trong gió, đai lụa trước ngực đặc biệt phiêu diêu. Lý Bạch lúc thì như mãnh hổ lao nhanh xuống núi, lúc thì như tiên hạc múa lượn trên làn sóng xanh. Đột nhiên ông tung một cú đá, trái bóng như ngôi sao băng vọt lên không trung. Khi mọi người còn đang vỗ tay rầm rầm thì ông lại ‘bùm’ một cái ngã lăn ra đất. Thì ra khi ông đá mạnh trái bóng, chân trái giẫm vào một chỗ lõm rất khó nhìn thấy trên bãi cỏ. Trong chớp mắt, thân thể ông mất thăng bằng, ngã lăn trước con mắt ngạc nhiên của mọi người. Lý Bạch vùng vẫy bò dậy, nhưng chỉ đứng được bằng chân phải, chân trái mềm nhũn vô lực cứ thõng xuống. Ông gắng sức đi mấy bước, rồi lại nặng nề ngã lăn ra đất. Mọi người kinh ngạc kêu lên và tới tấp chạy đến hỏi han. Chỉ thấy chân trái Lý Bạch sưng to như thân cây thông già, dường như căng lên rách cả ống quần. Lý Bạch tuy khí phách hào hùng, nhưng lúc này cũng chỉ có thể nhăn mặt chau mày, nén đau để mọi người khiêng ông từ ‘cúc thành’ về khách sạn nơi ông tá túc.
Lý Bạch nghĩ sau vài ngày là có thể trở lại cầu trường, nào ngờ dưới sự chăm sóc tận tâm của thư đồng Đan Sa và người anh em Mạnh Thiếu Phủ, Lý Bạch đã phải dưỡng thương trọn 3 tháng trời, cả mùa hè đã trôi qua, Lý Bạch đi vẫn còn xiêu xiêu vẹo vẹo, còn chậm hơn cả ông lão 80. Tục ngữ có nói rằng, chấn thương gân cốt 100 ngày. Trong tâm ông sốt ruột lắm, nhưng điều thực sự khiến ông lo lắng là những đồng tiền trong túi cứ ào ào bay đi, bay đi chỉ còn lại vài đồng. Ông chủ khách sạn dần dần mặt tối sầm lại như đáy nồi, xem ra phải tìm một nơi rẻ tiền chút để an thân.
2.
Trong đầu Đan Sa bỗng lóe lên tia sáng, nghĩa đến việc thiếu gia có mối giao hảo với đại hòa thượng Giám Chân của chùa Đại Minh, chưa biết chừng lão hòa thượng có cặp lông mày cong cong, cười híp mắt này có thể giúp thiếu gia được.
Sáng sớm hôm sau, Đan Sa chạy đến chùa Đại Minh của Dương Châu. Chỉ thấy tháp Tây Linh cao cao trước chùa sáng lên trong ánh nắng sớm mai, bên dưới tháp có một hòa thượng trẻ đang ném thức ăn cho mấy con ngỗng cổ dài mỏ nhọn. Hòa thượng trẻ này là tri khách tăng chuyên tiếp đón khách. Tri khách tăng hỏi lý do đến, rồi dẫn Đan Sa đến phía sau chùa. Tri khách tăng chỉ về phía một hòa thượng đang tưới nước xè xè trên thửa ruộng nhà chùa, sau đó quay người ra đi cho những chú ngỗng đang kêu quang quác ăn. Đại hòa thượng Giám Chân ba, bốn mươi tuổi, đang tưới nước cho rau và hoa trong vườn.
Đan Sa không nói năng gì, sách một thùng nước cùng đại hòa thượng tưới hoa tưới rau.
Đại hòa thượng Giám Chân nheo mắt nhận ra Đan Sa, hai người vừa tưới nước vừa trò chuyện.
“Thưa pháp sư, nhà chùa của ngài vàng xanh rực rỡ, tiền hương hỏa nhiều như ngọn núi nhỏ, tại sao ngài vẫn tự trồng rau trồng hoa?” – Đan Sa hỏi bộc trực.
Đại hòa thượng Giám Chân vén tay áo, cười và nói: “Mỗi một xu của hương khách đều là đồng tiền vất vả. Chúng tôi là những người xuất gia, cũng cần phải nghĩ cho thế nhân mới đúng chứ. Kiếm tiền khó như dùng kim đào đất, tiêu tiền dễ như dùng gáo hắt nước”.
Đan Sa vội vàng gật đầu và nói: “Đúng rồi, ví như thùng nước này trong tay con giá trị 300 quan tiền, xem ra cũng không ít, mua được 6 vạn đấu gạo mà vẫn còn dư. Nhưng nếu tùy tiện hắt nước đi, thì chỉ trong chớp mắt là hết rồi”.
Đan Sa múc đầy gáo nước, nhìn chằm chằm khóm lan hồ điệp, cứ như khóm lan hồ điệp này là người vậy, nói hăng hái rằng: “Ví như vị thiếu gia Dương Châu này gặp nạn, ở nhà nương tử sinh con, giơ tay xin sự trợ giúp của thiếu gia nhà con” – Đan Sa dốc gáo nước đầy đổ ào ào vào khóm lan hồ điệp – “thiếu gia liền bỏ ra 30 quan tiền, không hề tiếc nuối”.
Đan Sa lại múc một gáo nước, nhìn chằm chằm vào khóm hoa thu cúc, hậm hực nói: “Lại một vị thiếu gia Dương Châu, phụ thân gần trăm tuổi rồi, đi lại khó khăn, rất đáng thương, chìa tay xin sự trợ giúp của thiếu gia nhà con” – Đan Sa dốc gáo nước đầy đổ vào khóm thu cúc – “Thiếu gia nhà con lại bỏ ra 30 quan, rất hào phóng”.
Đan Sa lại dội ào ào 2 gáo nước vào khóm hoa quỳnh và hoa bỉ ngạn, hai mắt bốc lửa nhìn chằm chằm vào khóm hoa quỳnh và hoa bỉ ngạn đang rung rinh, than thở rằng: “Lại có vị thiếu gia Dương Châu bị bệnh, bệnh đến héo hon, nằm trên giường cứ kêu oai oái. Thiếu gia nhà con vung tay một cái, 30 quan tiền. Còn có vị thiếu gia Dương Châu, người thân ở nhà qua đời. Nhận được thư nhà, mới rơi hai hàng lệ. Thiếu gia nhà con mềm lòng, 50 quan”.
Đại hòa thượng Giám Chân cười hì hì và nói: “Lý Bạch quả là trượng nghĩa khinh tài”.
“Đúng là trượng nghĩa khinh tài! Con người sống trên đời, 7 tai 8 nạn, ai mà không bị? Có vị thiếu gia, quê nhà bị lũ lụt, có một vị thiếu gia ở Dương Châu cưỡi ngựa ngã gãy chân, có vị thiếu gia không biết xử lý công việc, bị mất chiếc mũ ô sa, có vị thiếu gia giết một tên ác bá ở Dương Châu, bị cáo kiện… Những thiếu gia này đều có bản sự sai người hỏi nơi ở của thiếu gia nhà con, khom lưng cúi người, bày ra bộ mặt khổ sở…” – Đan Sa dội liền 4 gáo vào những khóm rau cải, rau má, nấm, rau chân vịt – “khiến cho thiếu gia nhà con bận rộn lấy tiền ra cho họ”.
“Lý Bạch có cha là thương nhân, con của thương nhân, hiếm có người khảng khái như vậy!”.
“Quả đúng là khảng khái. Có một lần còn gây ra trò cười, đúng là tức cười quá, ha ha ha. Lần đó… lần đó, đột nhiên có một thiếu gia mà chúng con không quen biết, ở phòng bên lớn tiếng kêu khổ, thiếu gia nhà con nghe thấy, không nói năng gì, sai con đem 30 quan tiền tặng cho người phòng bên. Ngài đoán xem, vì sao thiếu gia đó kêu khổ?” – Đan Sa nghiêng người về phía trước, cười nhắm tít cả mắt lại: “Vì thiếu gia đó thắng được món tiền lớn trên sòng bạc, kết quả là bạn bè thân thích tìm đến vay tiền. Anh ta không biết làm thế nào, đành trốn ở khách sạn kêu khổ. Khi con đưa tiền cho anh ta, anh ta vội vàng đẩy con ra khỏi phòng, nói là không có tiền cũng khổ, có tiền càng khổ hơn”.
Đại hòa thượng Giám Chân nghe xong thì không nén nổi cười ha hả.
“Ta chỉ biết Lý Bạch viết thơ hay, không biết ông ấy lại có tâm Bồ Tát như thế này” – đại hòa thượng Giám Chân thu lại vẻ mặt cười, dùng tay vốc nước lên rửa mặt, sau đó nói: “Khi nào thiếu gia nhà cậu tưới 2 gáo nước lên đầu ta thì tốt rồi”.
Đan Sa nhấc thùng lên, hắt nốt chỗ nước ít ỏi dưới đáy thùng lên luống rau, sau đó giơ đáy thùng ra cho đại hòa thượng Giám Chân xem: “Nước có nhiều đến mấy thì cũng có lúc nhìn thấy đáy. Thiếu gia nhà con à, giờ đây không bị chủ khách sạn đuổi đi thì cũng tạ ơn trời đất rồi”.
Lúc này, mấy con ngỗng trắng quang quác đi tới, nhởn nhơ xông vào trong vườn rau, và bắt đầu mổ những con côn trùng trong đất.
Hai mắt Đan Sa sáng lên: “Thưa pháp sư, nhìn những con ngỗng trắng này, con nghĩ đến việc thú vị. Ngài xem nhiều hiểu rộng, có lẽ biết loài ngỗng nhà này rất đặc biệt. Trông chúng lông trắng chân đỏ, trông xinh xắn như những cô nương, nhưng khi chúng tức giận thì thôi rồi! Chớ nói là người bình thường, ngay cả hổ thì chúng cũng dám mổ một trận. Hổ là thứ gì chứ? Là vua của các loài thú! Khi gặp ngỗng nhà thì chỉ mở mắt nhìn thôi. Năm ngoái, thiếu gia nhà con an táng Ngô Chỉ Nam ở bên hồ Động Đình, thì một con hổ vằn lớn từ trong rừng lao ra. Khi đó con trông thấy, thì toát mồ hôi lạnh sợ thay cho thiếu gia nhà con. Kết quả thế nào? Hai con ngỗng trắng mà con nuôi đó, ‘vù’ một cái bay lên bờ! Chỉ thấy một con bên trái dùng mỏ mổ, một con bên phải dùng cánh đập, cứ bay vòng trên không, khiến hổ hoa mắt chóng mặt. Cuối cùng, con mãnh hổ đó lủi thủi chạy trốn vào trong rừng”.
“Lý Bạch an táng bạn thân Ngô Chỉ Nam, khóc đến mức mắt chảy máu, gặp mãnh hổ cũng không lùi bước, bần tăng đã nghe đến từ lâu rồi, thực sự là khâm phục” – Đại hòa thượng Giám Chân lần tràng hạt và nói.
“Thiếu gia nhà con thường nói: ‘Làm người mà không hiểu thơ ca, thì coi như là đã mất đi nửa sinh mạng rồi. Làm người mà không hiểu tình bằng hữu, thì coi như đã mất nửa sinh mạng’. Nhưng như con thấy: ‘Làm người mà không hiểu ngỗng nhà, thì có thể mất đi cả sinh mạng đó”.
“Ha ha ha, nói có lý. Đạo lý ngỗng nhà, thì thiếu gia nhà cậu có thể thực sự không hiểu, nhưng ta có câu nói này, cậu hãy ghi nhớ: Thà chính mà không đủ, còn hơn tà mà dư thừa. Được rồi, ý tứ của cậu ta đã rõ rồi, cũng không cần đánh đố nữa. Nếu thiếu gia nhà cậu không chê, thì ngày mai hãy dọn đến chùa Đại Minh đi”.
(Còn tiếp)
Bản quyền @2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/19/477603.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/12/218990.html
Đăng ngày 08-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.