Bài viết của Nhan Phác Phương (tổng hợp)
[MINH HUỆ 05-04-2024]
“Thanh Minh thời tiết vũ phân phân,
Lộ thượng hành nhân dịch đoạn hồn.
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?
Mục đồng dao chỉ hạnh hoa thôn”.
Tạm dịch:
Thanh Minh lất phất mưa rơi
Trên đường khách mệt đứt hơi hết hồn
Hỏi tìm quán rượu nghỉ luôn
Mục đồng chỉ Hạnh Hoa thôn lối này
Bài thơ này của Đỗ Mục đời Đường chính là sự miêu tả sinh động về Thanh Minh.
Thanh Minh là 1 trong 24 tiết khí của Hoàng lịch, hễ Thanh Minh đến thì lượng mưa tăng, nhiệt độ tăng, đó là thời tiết rất tốt để cấy cày mùa xuân. Do đó mới có câu ngạn ngữ nhà nông rằng: “Quanh tiết Thanh Minh, trồng dưa trồng đậu”, “Trồng cây gây rừng, không gì bằng tiết Thanh Minh”.
Trong Lịch Thư có viết rằng: “15 ngày sau tiết Xuân Phân, sao Bắc Đẩu chỉ hướng chòm sao Ất, đó là tiết Thanh Minh, là lúc vạn vật đều thanh khiết và trong sáng. Thế nên khi đó khí thanh khiết, cảnh sáng tươi, vạn vật đều hiển thị vẻ trong sáng, do đó có cái tên Thanh Minh (trong sáng)”.
Tiết Thanh Minh sau tiết Xuân Phân 15 ngày, và trước tiết Cốc Vũ, tức khoảng từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 4 dương lịch hàng năm. Ví dụ: Tiết Thanh Minh năm 1943 là ngày 6 tháng 4, năm 2023 là ngày 5 tháng 4, năm 2024 là ngày 4 tháng 4.
Trong sách “Kinh Sở tuế thời ký” của Tông Lẫm triều Nam Lương có ghi chép rằng: “Qua tiết Đông Chí 105 ngày là có gió mạnh và có mưa, gọi là Hàn Thực, không nổi lửa 3 ngày, làm kẹo mạch nha và cháo đại mạch”. Hàn Thực là ngày dân gian không nổi lửa, tảo mộ, thông thường là 105 ngày sau tiết Đông Chí, gần với ngày Thanh Minh. Dần dần, Hàn Thực và Thanh Minh hợp lại thành 1, hình thành Tết Thanh Minh.
Vì vậy, tiết Thanh Minh đã có hơn 2.500 năm lịch sử, bao gồm 2 tầng ý nghĩa, một là tiết khí đánh dấu sự biến đổi của vạn vật theo mùa, trình tự thời gian, thứ 2 là ngày Tết cố định có nội hàm phong tục và coi trọng đạo hiếu, luân lý.
Nguồn gốc và truyền thuyết Tết Hàn Thực
Tết Hàn Thực, là tiền thân của Tết Thanh Minh. Trong “Chu lễ – Hạ quan tư mã” có viết: “Mùa xuân lấy lửa”, Tết Hàn Thực là có nguồn gốc từ chế độ khoan gỗ lấy lửa mới của thời cổ đại. Người xưa vào các mùa khác nhau thì dùng các loại gỗ khác nhau để khoan lấy lửa, do đó có tập tục đổi mùa thì đổi lửa. Mỗi lần sau khi đổi lửa, thì phải đổi lấy lửa mới, lửa mới chưa đến thì cấm mọi người đốt lửa.
Hàn Thực cấm lửa, khi Thanh Minh đến thì ban “lửa mới”. Sau Hàn Thực lại đốt lửa mới, đó là nghi thức tống cựu nghênh tân, tiết lộ thông tin mùa thay đổi, tượng trưng sự khởi đầu của mùa mới, hy vọng mới, và tuần hoàn mới.
Sau này Tết Hàn Thực có ý nghĩa “cảm ân”, càng nhấn mạnh việc tưởng nhớ và cảm ơn đối với “quá khứ”. Tương truyền có liên quan đến Giới Tử Thôi (còn gọi là Giới Chi Thôi), bề tôi trung nghĩa của nước Tần thời Xuân Thu.
Tương truyền thời Xuân Thu Chiến Quốc, phi tử Lệ Cơ của Tấn Hiến Công vì để con trai của mình là Hề Tề được kế vị, Thái tử Thân Sinh bị ép tự sát. Em trai của Thân Sinh là Trùng Nhĩ, vì tránh họa đã buộc phải lưu vong. Trong thời gian lưu vong, Trùng Nhĩ đã chịu mọi sự sỉ nhục và gian khổ, những bề tôi vốn theo ông cũng lục tục ai đi đường nấy, chỉ còn lại vài người lòng trung son sắt theo ông, một trong số đó là Giới Tử Thôi.
Một lần, Trùng Nhĩ đói bụng sôi ùng ục, không bước nổi, Giới Tử Thôi bèn cắt một miếng thịt đùi mình nướng cho Trùng Nhĩ ăn, sử sách gọi là “Cát cổ phụng quân” (cắt đùi dâng chủ). 19 năm sau, Trùng Nhĩ về nước lên ngôi, tức Tấn Văn Công, 1 trong Ngũ Bá nổi tiếng thời Xuân Thu. Sau đó ông phong thưởng cho những bề tôi theo ông lưu vong, nhưng quên mất Giới Tử Thôi, người trở về quê thăm mẹ.
Sau này có người nhắc nhở, Tấn Văn Công cảm thấy vô cùng áy náy, nhiều lần phái người đi mời Giới Tử Thôi lên triều nhận phong thường, nhưng đều không có kết quả. Thế là ông đích thân đến nhà Giới Tử Thôi, nhưng chỉ thấy cổng đóng kín. Thì ra Giới Tử Thôi không muốn nhận công lao, đã cõng mẹ lẩn tránh trong núi Cẩm (phía đông nam huyện Giới Hưu, Sơn Tây ngày nay).
Ngự lâm quân lên núi tìm kiếm vẫn không tìm thấy, thế là có người hiến kế phóng lửa đốt núi, ép Giới Tử Thôi phải chạy ra. Nào ngờ, lửa lớn cháy 3 ngày 3 đêm mới tắt, nhưng vẫn không thấy bóng dáng Giới Tử Thôi đâu. Lên núi tìm, thì thấy hai mẹ con Giới Tử Thôi đã chết, tay vẫn ôm một cây liễu lớn đã bị cháy đen. Trong hốc cây liễu có một miếng vạt áo có bài thơ dùng máu viết:
Cắt thịt dâng vua tận lòng trung
Chỉ mong chúa công thường sáng trong
Hóa ma gốc liễu không gặp mặt
Còn hơn theo vua làm quan triều
Nếu lòng chúa công còn hạ thần
Nhớ thần thì hãy thường phản tỉnh
Thần dưới chín suối tâm không thẹn
Triều chính sáng trong lại sáng trong
Tấn Văn Công đau lòng thu giữ bức huyết thư, sai người an táng 2 mẹ con Giới Tử Thôi dưới gốc liễu đó, và hạ lệnh đổi tên núi Cẩm thành núi Giới, lấy ngày giỗ của Giới Tử Thôi làm Tết Hàn Thực. Mỗi năm vào ngày này, bách tính cả nước không nổi lửa nấu cơm, chỉ ăn đồ ăn nguội, để tỏ lòng tưởng nhớ Giới Tử Thôi.
Nguồn gốc và tập tục Tết Thanh Minh
Tết Thanh Minh tương truyền bắt đầu từ lễ “Mộ tế” của đế vương quan tướng thời cổ đại. Sau này dân gian cũng học theo, vào ngày này tế tổ tảo mộ. Các đời kế thừa mà thành phong tục cố định của dân tộc Trung Hoa. Lúc này, tháng 3 mùa xuân, cảnh sắc tươi đẹp, đúng là thời tiết đẹp để mọi người du xuân đạp thanh, do đó Tết Thanh Minh cũng gọi là Tết Đạp Thanh, Tết Hành Thanh, Tết Tháng Ba, Tết Tế Tổ.
Nguồn gốc Tết Thanh Minh còn có một thuyết khác, cũng liên quan đến Giới Tử Thôi.
Tết Hàn Thực năm sau, sau khi Giới Tử Thôi qua đời, Tấn Văn Công mặc y phục trắng, dẫn quần thần đến núi Cẩm cúng tế Giới Tử Thôi. Đi đến trước mộ, phát hiện ra gốc liễu bị cháy đó đã mọc ra chồi mới, Tấn Văn Công liền đặt tên cho cây liễu sống lại này là “Thanh Minh Liễu” (Liễu trong sáng), và ngày hôm sau đổi tên Tết Hàn Thực là Tết Thanh Minh.
Tấn Văn Công còn hái cành liễu bện thành vòng đội lên đầu, giống như là Giới Tử Thôi đang ở cùng mình vậy. Sau này, bách tính nước Tấn cũng lấy việc đội vòng cành liễu, cắm cành liễu để kỷ niệm Giới Tử Thôi, và trở thành tập tục.
Tuân theo truyền thống xưa, Tết Hàn Thực, cả nước không sử dụng lửa, để bày tỏ tưởng nhớ tiền nhân, thế là tất cả lửa đều bị dập tắt. Cách nhật đến tiết Thanh Minh, thiên tử dẫn văn võ bá quan cử hành nghi lễ ban lửa long trọng, tiến hành hoạt động khoan gỗ lấy lửa, cầu nguyện quốc vận hưng thịnh, tống cựu nghênh tân.
Hàn Thực tắt lửa ăn đồ ăn nguội, tế mộ, Thanh Minh lấy lửa đạp thanh du ngoạn, Hàn Thực tưởng nhớ người xưa, tưởng niệm người đã mất, Thanh Minh cầu mong cái mới, bảo vệ cuộc sống, một âm một dương, một tắt một sinh, vốn là 2 ngày lễ với chủ đề khác nhau, ngày nay đã hợp nhất lại thành một.
Do đó Tết Thanh Minh trở thành ngày vừa là tảo mộ tế tổ, ăn đồ nguội, ban lửa mới, lại là lễ hội đạp thanh du ngoạn, vừa có nước mắt cảm hoài, cũng lại có tiếng cười vui vẻ, có thể nói, đó là ngày lễ tết có nội dung phong phú.
Ngoài tập tục tảo mộ mà mọi người đều quen thuộc ra, còn bao gồm: trồng cây, đạp thanh, cắm liễu, đội vòng liễu, đánh đu, đá bóng, thả diều, ăn bánh nhuận, thảo tể quả, bánh táo, ngó sen đường gạo nếp v.v.
Tảo mộ
Tiết Thanh Minh, con cháu đời sau dọn dẹp cỏ dại trên mộ tổ tiên, bày đồ cúng, rượu, món ăn, hoa quả và các loại bánh kẹo để cúng tế, gọi là tảo mộ.
Sau khi dọn sạch cỏ dại, trên bia mộ dùng đá và gạch đè 1 tập 3 tờ giấy mộ, gọi là treo giấy, cũng gọi là đè giấy. Ngoài việc này tỏ con cháu đã cúng tế mộ tổ tiên ra, cũng tượng trưng sửa chữa nhà (mộ phần) của tổ tiên, còn biểu thị ngôi mộ này có con cháu cúng tế không phải là mộ hoang không người thờ cúng. Tương truyền, việc treo giấy có thể khiến linh hồn tổ tiên được yên nghỉ, còn có thể đem vận may cho người nhà.
Sau khi kết thúc tảo mộ, có tập tục đem đồ ăn cúng tế chia cho trẻ em nghèo lân cận, gọi là “ấp mộ quả”, cũng gọi là khất mộ quả, tượng trưng “tổ đức lưu phương”.
Sau khi tảo mộ trước khi về nhà, lấy trứng luộc trong đồ cúng ra đập lên bia mộ rồi bóc vỏ, và lấy vỏ trứng rắc lên mộ tổ tiên nhà mình, tượng trưng “do bác nhi phục” (từ vận xấu trở thành vận may), bày tỏ thoát trừ ách vận, mở ra vận mới cuộc sống mới.
Tiết khí Thanh Minh rất phù hợp với cây cối sinh trưởng, do đó có người gọi Tết Thanh Minh là Tết Trồng Cây, kết hợp việc tảo mộ tế tổ với trồng cây, lưu truyền đến nay, trở thành 1 trong các tập tục Thanh Minh. (Bức tranh “Thọ Thế Trương Tường – Kiều Tùng Tỉ Thọ” của Hoàng Việt đời Thanh, Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)
Trồng cây
Trồng cây, tương truyền có lên quan với việc tập tục an táng, tế tổ cổ đại, và ý nghĩa bảo hộ con cháu đời sau. Người cai trị thời kỳ Tây Chu trồng cây lên mộ để hiển thị thân phận địa vị, đương thời bách tính bình dân không được phép làm như thế này, mãi cho đến thời kỳ Xuân Thu, tập tục này mới truyền ra dân gian. Thời đó, ý nghĩa trồng cây là đánh dấu vị trí mộ tổ tiên.
Trong Lễ Ký có nói, trước khi Khổng Tử vân du các nước, đã trông cây tùng và cây bách ở mộ cha mẹ, để tiện phân biệt mộ tổ tiên. Mộ thời cổ đại đa phần đều ở nơi hoang dã, mỗi năm khi tế tổ mới đi tảo mộ. Mỗi khi đến ngày tế tổ, mọi người phát hiện ra mộ bị cỏ dại che lấp, không dễ tìm kiếm, thế là có người trồng cây tùng cây bách 4 mùa xanh tốt ở đầu mộ, khiến mộ trở nên dễ thấy, năm sau tảo mộ liền dễ dàng tìm thấy. Thế là sau này, vào Tết Thanh Minh khi tảo mộ tế tổ thì trồng cây ở đầu mộ.
Tiết khí Thanh Minh rất phù hợp để cây cối sinh trưởng, do đó có người gọi Tết Thanh Minh là Tết Trồng Cây, kết hợp việc tảo mộ tế tổ với trồng cây, lưu truyền đến ngày nay, trở thành 1 trong những tập tục Thanh Minh.
Đạp thanh
Gió xuân nhè nhẹ, nắng xuân dịu dàng, thời tiết trong sáng, đúng là dịp tốt để du xuân. Không chỉ người lớn, trẻ em, các bé trai, ngay cả các cô gái ngày thường ít khi bước khỏi cổng nhà cũng có thể đi giày mới, xuất hành ra ngoại ô “đạp thanh”, cũng gọi là xuân du, hành thanh, thám xuân, tầm xuân v.v. Tết Thanh Minh cảm ân kính tổ, cũng chứa đầy khí thế du xuân thoải mái.
Cắm liễu đội vòng liễu
“Tuế thời ký” có ghi chép rằng: “Thời Ngũ Đại, vùng giữa sông Trường Giang và sông Hoài, vào Tết Hàn Thực, nhà nhà bẻ liễu cắm ở cửa”. Người đời sau để bày tỏ lòng tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi, dùng bột mỳ hòa trộn bột táo, nặn thành hình chim én, dùng cành dương liễu xâu lại, cắm trên cửa để gọi mời linh hồn của ông, gọi là “Chi Thôi Yến” (Giới Tử Thôi cũng gọi là Giới Chi Thôi).
Mọi người cho rằng, cắm liễu đội vòng liễu có thể thuận theo dương khí, nghênh đón tốt lành, trừ tà xua đuổi dịch bệnh, và có tập tục dùng cành liễu kết thành vòng đội lên đầu, cắm cành liễu ở trước và sau nhà.
Đánh đu
Đánh đu (thu thiên) ban đầu gọi là “thiên thu”, ý nghĩa là nắm dây da di chuyển. Cái đu thời cổ đại đa phần dùng cành cây bắc thành, rồi buộc lên các dải màu. Để đảm bảo chắc chắn, những sợi thừng thường dùng da thú chế thành. Sau này dần dần phát triển thành chiếc đu dùng 2 sợi chão và tấm bàn đạp.
Trong lời tựa của “Hán Vũ Đế hậu đình thu thiên phú” của Cao Vô Tế đời Đường có viết: “Đánh đu tức là thiên thu, Hán Vũ cầu thọ thiên thu, do đó hậu cung thường chơi trò đánh đu (thiên thu)”. Đánh đu là một trò chơi thời Hán Vũ Đế, hậu cung chúc hoàng đế thọ thiên thu, sau này kỵ húy nên đảo lại gọi thành “thu thiên”. Đến thời Đường, đánh đu trở thành một hoạt động quan trọng trong Tết Hàn Thực và Thanh Minh. Do đánh đu giữa không trung, phất phới như Tiên, nên được Đường Huyền Tông gọi là “trò chơi nửa Tiên”.
Đá bóng
Đá bóng (xúc cúc) là một trò chơi Tết Thanh Minh cổ đại được mọi người yêu thích, gần giống với đá bóng hiện nay.
“Sự vật kỷ nguyên” của Cao Thừa triều Tống có ghi chép rằng, khởi nguồn từ thời Hoàng Đế, tương truyền mục đích ban đầu là dùng để huấn luyện võ sĩ. Đến thời Hán thì phổ cập ra dân gian. Đến thời Đường thì rất thịnh hành trong quân đội. Nhà thơ Vi Ứng Vật viết trong “Hàn Thực hậu bắc lâu tác” rằng: “Dao văn kích cổ thanh, xúc cúc quân trung lạc” (xa nghe tiếng trống vang, đá bóng trên quân trường)
Đến đời Tống thì phát triển đến đỉnh cao, ngay cả trong cung cũng thích chơi. Trong bức tranh “Xúc cúc đồ” của Hoàng Thận đời Thanh có vẽ cảnh Tống Thái Tổ và Tống Thái Tông, Triệu Phổ và đại thần nội thị chơi đá bóng.
Đến thời Minh Thanh thì dần dần suy thoái. Ngày nay, trò chơi đá cầu vẫn lưu giữ hình ảnh của đá bóng (xúc cúc) xưa.
Thả diều
Người xưa phát minh ra diều, chủ yếu là để tưởng nhớ cố nhân. Mỗi dịp Tết Thanh Minh, gửi gắm tình cảm thăm hỏi cố nhân vào cánh diều, gửi đến thân bằng cố hữu đã qua đời. Ban ngày, ban đêm đều có người thả diều. Ban đêm, ở dưới cánh diều, hoặc trên dây diều có treo chuỗi chiếc đèn lồng nhỏ nhiều màu sắc, giống như những vì sao lấp lánh, được gọi là “đèn Thần”.
Triều Thanh có tục “Thanh Minh cắt đứt dây diều trừ tai họa”. Mọi người viết những tai họa, bệnh tình cần cầu nguyện trừ bỏ lên cánh diều, đợi đến khi diều theo gió bay cao bay xa, thì cắt đứt dây diều, ý nghĩa là để tai họa bệnh tật theo cánh diều biến mất trong gió.
Tháng 3 cuối xuân, trời đất trong sáng, gió xuân dịu dàng, đúng là thời gian đẹp để thả diều.
Lời kết
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, Tết Thanh Minh là ngày lễ kỷ niệm tổ tiên và người thân qua đời, trong quá trình tế lễ và tưởng nhớ, cảm tạ những cống hiến của tổ tiên, tưởng nhớ phong thái đạo đức của tổ tiên, đời đời truyền thừa đạo hiếu và văn hóa cảm ân truyền thống “thận chung truy viễn”.
Tiết Thanh Minh, cảm nhận cực kỳ sâu sắc về việc sinh mệnh như con thoi qua lại giữa vòng sinh tử, ý nghĩa đích thực của sinh mệnh lẽ nào chỉ là một hành trình từ khi sinh ra đến khi chết đi không còn gì nữa sao? Điều này khiến người ta suy ngẫm sâu sắc.
Cuối cùng, xin lấy bài thơ nguyên tác “Bình an thị phúc” (Bình an là phúc) để làm lời kết bài viết này, chúc mọi người tránh xa tà ác, hạnh phúc bình an.
Bình an thị phúc
Thế nhân đô tại cầu hạnh phúc
Bất tri bình an tựu thị phúc
Viễn ly tà đảng tị tai họa
Minh bạch chân tướng thị chân phúc
Tạm dịch:
Bình an là phúc
Người đời đều đang cầu hạnh phúc
Đâu biết bình an chính là phúc
Tránh xa ác đảng tránh tai họa
Minh bạch chân tướng là chân phúc
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/5/474368.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/16/216603.html
Đăng ngày 23-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.