Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 08-06-2024] Sau đây là trải nghiệm của tôi khi ở trong nước bị bức hại đã được các đồng tu trong nền tảng giải cứu toàn cầu ở hải ngoại giải cứu thành công.

Một buổi tối tháng 9 năm 2016, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa, khi đó tôi vẫn ở Trung Quốc. Tôi cũng không nghĩ nhiều, chỉ hỏi: “Ai đó”. Người đàn ông bên ngoài cửa nói rằng nhà hàng xóm ở tầng trên bị rò rỉ nước, tôi nghĩ rằng đó là hàng xóm, liền mở cửa ra. Ngoài cửa có ba cảnh sát mặc đồng phục. Lúc này trong tâm tôi vô cùng kinh ngạc, như vậy là mình có sơ hở rồi, cựu thế lực đã tận dụng sơ hở để bức hại. Mặc dù thực sự không muốn, nhưng tôi vẫn để họ vào.

Một viên cảnh sát muốn tôi đến đồn để xác minh một số sự việc vì hai vợ chồng tôi đã gửi đơn kiện cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân bằng tên thật và địa chỉ của chúng tôi. Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Khi đó tôi cân nhắc đến việc trong nhà có máy in và các tài liệu chân tướng, không muốn họ phát hiện ra, nên đã đồng ý đi cùng họ. Trước khi rời đi, tôi đã vào nhà vệ sinh và báo cho nhóm học Pháp của mình.

Họ dẫn tôi vào một căn phòng tại đồn cảnh sát, ở đó có ba cảnh sát đang đợi tôi. Họ lấy ra lá thư tôi đã nộp cho Viện Kiểm sát Tối cao và lật ra xem, vừa xem vừa hỏi về việc trước đây chúng tôi từng bị cảnh sát của cục an ninh nội địa bắt và tịch thu máy tính, máy in.

Sau đó, một cảnh sát bảo tôi ký vào bản tuyên bố mà anh ta vừa viết xong. Tôi không muốn ký, nhưng họ nói: “Đây là nội dung mà chị vừa nói, nên chị phải ký.” Lúc đó tôi không nghĩ nhiều và đã ký vào đó (sau này tôi cảm thấy việc làm này không phù hợp với yêu cầu của Đại Pháp nên đã viết nghiêm chính thanh minh).

Một viên cảnh sát khác nói rằng tôi sẽ bị giam giữ trong hai ngày. Sau đó một viên cảnh sát trẻ cùng một cảnh sát khác từ đồn địa phương đã đưa tôi đến Trại tạm giam Vi Tử Câu.

Tôi đã giảng chân tướng cho họ và bảo họ đừng tham gia vào cuộc bức hại. Viên cảnh sát trẻ lái xe bất lực nói: “Tôi cũng không muốn bắt chị.” Viên cảnh sát tên là Uyển nói: “Chị xem, nhà chị ở gần đồn cảnh sát như vậy, nhưng bao nhiêu năm qua chúng tôi có tới nhà chị đâu.”

Trên đường đi, tôi phát chính niệm rồi hướng nội để tìm xem mình có chấp trước gì khiến tà ác lợi dụng. Khi đó trời mưa to, tài xế bị lạc đường mặc dù anh ấy biết khá rõ đường đến trại giam.

Cuối cùng cũng đến trại giam, những người lính canh cáu kỉnh đang trực đã liếc nhìn giấy tờ của tôi và nói rằng tôi phải đi khám sức khỏe. Một bác sĩ trực ban được gọi đến để khám cho tôi. Cô ấy thì thầm vào tai tôi, hỏi xem tôi có bệnh gì không. Tôi nói rằng tôi đã từng bị phù nề. Cô ấy kiểm tra mắt tôi và nói rằng tôi có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và trại tạm giam không thể tiếp nhận.

Hai viên cảnh sát đưa tôi đến đó đã tranh cãi với người lính canh đang trực ban mà không giải quyết được vấn đề. Cuối cùng, họ quyết định đưa tôi đến bệnh viện để kiểm tra.

Khi chúng tôi đến bệnh viện đã là 3 giờ sáng hôm sau. Trong khi viên cảnh sát đi thanh toán tiền khám, tôi vẫn tiếp tục phát chính niệm. Một nữ bác sĩ trẻ đến khám cho tôi. Tôi nói với cô ấy rằng tôi không phải là tội phạm và chỉ là một học viên Pháp Luân Công. Cô ấy kiểm tra mắt tôi và viết rất nhiều vào một tờ đơn. Sau đó, cô ấy nói với hai cảnh sát rằng tôi bị bệnh rất nặng và phải chuyển đến một bệnh viện lớn ngay lập tức. Hai viên cảnh sát nghe thấy vậy rất chán nản. Sau đó quay lại trại tạm giam để lấy giấy tờ, còn bị lính canh ở đó chế giễu.

Họ lái xe quay trở lại đồn cảnh sát và cảnh sát Uyển bảo tôi về nhà. Anh ấy nói với tôi: “Hãy bảo bạn bè của chị (ý nói các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài) đừng gọi điện cho tôi nữa; điện thoại di động của tôi sắp nổ tung rồi”. Nhờ những nỗ lực của các đồng tu ở hải ngoại, tôi đã trở về nhà an toàn. Trong lòng tôi tràn ngập lòng biết ơn vô hạn đối với Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp.

Sau đó, tôi nghe nói rằng các học viên ở nước ngoài đã gọi điện thoại cho cảnh sát. Kết quả là, nhiều người trong văn phòng viện kiểm sát đã nghe được chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp. Lần này khi tôi bị đưa đến trại tạm giam, lính canh và bác sĩ trực không ưa những cảnh sát đã áp giải tôi, họ đã đối xử tử tế với tôi. Rõ ràng đã có nhiều người dân thức tỉnh.

Bây giờ tôi sống bên ngoài Trung Quốc, tôi đã tham gia Nền tảng giải cứu toàn cầu để gọi điện thoại giải cứu các đồng tu. Tôi cảm nhận được sâu sắc tầm quan trọng của việc gọi điện giải cứu các đồng tu.

Khi chia sẻ trải nghiệm này, tôi cũng thúc giục bản thân không được lơ là hay chểnh mảng, cần cứu nhiều sinh mệnh hơn nữa và hoàn thành thệ ước của mình.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/8/478454.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/24/219191.html

Đăng ngày 05-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share