Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan
[MINH HUỆ 15-06-2024] Người tốt tu Chân-Thiện Nhẫn bị bức hại, điều này đối với trẻ nhỏ là sự đen tối ghê gớm. Khuôn mặt ngây thơ của trẻ em tựa như tấm gương phản chiếu thế giới nội tâm thuần khiết của em nhỏ đó, những lời nói thiện lương xuất tự nội tâm cho thấy ánh sáng và tình yêu thương chân thành của các em.
Một xã hội mà trong đó, con người bị bức hại chỉ vì tin vào những nguyên tắc chính đáng như Chân-Thiện-Nhẫn, thì bóng tối đã bao trùm xã hội đó. Nó làm hại tất cả chúng ta, trong đó có con cái của chúng ta. Chúng tôi biết vậy qua những câu chuyện dưới đây.
(Tiếp theo Phần 2)
Thanh Thanh cuối cùng đã có thể cười khi sang Hoa Kỳ.
Ngày 27 tháng 1 năm 2011, khi chuyến bay CA981 rời Trung Quốc đến sân bay JFK ở New York, trong số hành khách trên máy bay có một bé gái 7 tuổi đã không cười trong ba năm ròng. Tên em là Thanh Thanh và cha mẹ em là anh Ngưu Tấn Bình và cô Trương Liên Anh, hai học viên Pháp Luân Đại Pháp ở quận Đông Thành, Bắc Kinh.
Vì cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các quan chức đã bắt giữ một số lượng lớn các học viên trước thềm Thế vận hội diễn ra tại Bắc Kinh vào đầu năm 2008. Khi các đặc vụ từ Phòng An ninh Nội địa bắt cha mẹ em vào ngày 20 tháng 4 năm 2008, Thanh Thanh, 4 tuổi, đang đứng sau lưng mẹ. Sau khi cảnh sát đột nhập vào căn hộ của họ, một cảnh sát đã túm cổ mẹ em từ phía sau và kéo mạnh. Chiếc ô và túi xách trong tay mẹ em rơi xuống sàn, toàn bộ số trứng mẹ em vừa mua đều vỡ nát. Chứng kiến viên cảnh sát trùm đầu mẹ mình bằng mũ trùm đầu màu đen và kéo mẹ lên lầu, Thanh Thanh đã vô cùng sợ hãi.
Vì bị tổn thương, từ đó Thanh Thanh chỉ dám nói thầm thì và không bao giờ nở nụ cười. Sau khi cha em bị bắt cóc, người thân của em đã chăm sóc em. Cô bé thường hỏi: “Khi nào bố mẹ con về?” Nhìn thấy những đứa trẻ khác được cha mẹ đón ở trường mẫu giáo, em lại buồn rầu vì nhớ đến cha mẹ mình đã bị đưa đi.
May mắn thay, khi Thanh Thanh lên 7 tuổi, em đã có thể thoát khỏi Trung Quốc và đến Hoa Kỳ, một đất nước tự do. Trên khuôn mặt em đã tỏa nụ cười rạng rỡ, xinh xắn, không chút muộn phiền, điều mà mẹ em chưa từng nhìn thấy trong bốn năm qua.
Các học viên trẻ bên ngoài Trung Quốc nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại
Em Lưu Hiểu Thiên nói: “Cháu hy vọng sẽ có thêm nhiều người tốt bụng tham gia vào nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại.”
Em Lưu Hiểu Thiên, cậu bé được đề cập trong Phần 2 của loạt bài này, sau khi đến Đan Mạch đã bắt đầu tham gia vạch trần sự bức hại của ĐCSTQ. Vào ngày 11 tháng 7 năm 2009, khi các học viên từ Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch tập trung tại Quảng trường Mới của Nhà vua (Kongens Nytorv), quảng trường lớn nhất ở Copenhagen, Đan Mạch, em Lưu đã phát biểu trong sự kiện này để vạch trần và chấm dứt cuộc bức hại.
“Bởi vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cha mẹ cháu đã bị bắt. Sau năm tháng ngắn ngủi, cha mẹ cháu đã mất mạng trong khi bị giam giữ”, em nói. “Từ năm 1999 đến nay có rất nhiều trường hợp như cháu. Vì kiên định đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, cha mẹ họ đã bị giam giữ, tra tấn, hoặc buộc phải sống nay đây mai đó. Giống như cháu, những bạn trẻ đó không thể sống và học tập bình thường. Cháu hy vọng sẽ có thêm nhiều người tốt bụng tham gia nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại, để trẻ em có thể nhận được sự chăm sóc xứng đáng.”
Có một số trẻ em lớn lên ở vùng đất tự do. Mặc dù bản thân các em và gia đình không trực tiếp trải qua cuộc bức hại, nhưng các em vẫn bước lên phía trước để chấm dứt sự tàn bạo ở Trung Quốc.
Em Katharina, 6 tuổi, đến từ Thụy Sỹ: “Xin hãy giúp chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc.”
Em Katharina là học sinh lớp một ở Thụy Sỹ, ở trường, em được thầy cô và các bạn rất yêu quý. Em bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng mẹ từ năm 2 tuổi và rất thích đọc Hồng Ngâm, các tập thơ được viết bởi Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp. Khi lớn lên, Katharina bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, và chiểu theo các Pháp lý để trở thành một người tốt hơn.
Mặc dù có tuổi thơ hạnh phúc, nhưng Katharina rất buồn khi biết các học viên vô tội – và con cái của họ ở Trung Quốc – phải chịu đựng thống khổ như thế nào vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Em đã cùng mẹ tham gia các sự kiện ở Thụy Sỹ, Cộng hòa Séc, Ireland, Bỉ, Áo và Đức. Bức ảnh trên được chụp trong một sự kiện triển lãm chống tra tấn khi Katharina 6 tuổi. Khuôn mặt hồn nhiên trong sáng của em toát lên vẻ nghiêm nghị.
Học sinh lớp một Mỹ Vận có bài phát biểu tại một sự kiện ở Nhật Bản.
Ngày 17 tháng 7 năm 2022, khi các học viên Nhật Bản tổ chức một sự kiện ở Tokyo kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc, học sinh lớp một Mỹ Vận cũng đã phát biểu và miêu tả cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên. “Pháp Luân Đại Pháp là tốt và cuộc đàn áp là xấu,” em nói. “Cháu hy vọng cuộc bức hại sẽ sớm chấm dứt.”
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên khắp thế giới đã tổ chức nhiều sự kiện tương tự. Mặc dù các em nói các ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả những bạn nhỏ này đều có cùng một lời khẩn cầu: “Xin hãy giúp chấm dứt cuộc bức hại.”
Một cậu bé tham gia buổi thắp nến tưởng niệm ở Washington D.C.
Ngày 22 tháng 7 năm 2020, trong một buổi thắp nến tưởng niệm ở Washington D.C., các học viên đã thắp nến tạo thành dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp”. Có nhiều trẻ em tham gia hoạt động này vì muốn cho mọi người biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt.
Ngày 17 tháng 7 năm 2020, các học viên tại Toronto, Canada đã tổ chức một sự kiện lớn để phổ biến cho mọi người về những thảm kịch ở Trung Quốc. Họ trưng bày các biểu ngữ tại hơn 40 giao lộ ở các trung tâm thành phố, bao gồm Mississauga, Scarborough và Markham. Em Huyên Huyên, 17 tuổi, cũng tham gia hoạt động này và có bài phát biểu. “Pháp Luân Đại Pháp đã dạy cháu trở thành một người tốt và một người tốt hơn – một người luôn quan tâm đến người khác”, em nói. “Đó là lý do tại sao cháu thường nói với mọi người rằng Pháp Luân Đại Pháp tuyệt vời như thế nào. Cháu cũng hy vọng sẽ giúp chấm dứt cuộc bức hại.”
Học viên 10 tuổi hát tại một sự kiện ở Philadelphia, Pennsylvania
Ngày 11 tháng 5 năm 2024, khi các học viên tổ chức một cuộc mít-tinh tại điểm du lịch Chuông Tự do ở Philadelphia, họ đã thu hút sự chú ý của mọi người đến cuộc bức hại thông qua màn trình diễn các bài công pháp và trưng bày áp phích, biểu ngữ. Một học viên 10 tuổi đã hát bài “Làm đóa hoa sen” để nâng cao nhận thức về Pháp Luân Đại Pháp và thảm kịch đang diễn ra ở Trung Quốc.
Tiết mục biểu diễn của các học viên trẻ tại Brisbane, Úc, ngày 12 tháng 5 năm 2024
Ngày 12 tháng 5 năm 2024 , các học viên tại Queensland, Úc đã tổ chức một sự kiện trên Quảng trường King George ở Brisbane để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới. Họ đã trình diễn các bài công pháp, biểu diễn trống lưng, múa rồng và múa quạt. Anh Mark cho hay anh thực sự thích những chương trình này, đặc biệt là những tiết mục do trẻ em biểu diễn. “Chúng ta cần phải trân trọng các giá trị phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn”, anh nói. “Thật khủng khiếp khi ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Đại Pháp.”
Khuôn mặt của những đứa trẻ tựa như những tấm gương và cho chúng ta thấy những gì đang xảy ra. Nhìn học sinh lớp sáu Ông Đình, chúng ta thấy được việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã mang lại lợi ích về thể chất và tinh thần cho mọi người trên khắp thế giới như thế nào. Nhờ luyện tập năm bài công pháp và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, các học viên đã có được sức khỏe tốt và nâng cao phẩm chất đạo đức— vốn là điều mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng của họ.
Qua trường hợp em Trương Gia Thụy, 10 tuổi, chúng ta thấy những hậu quả bi thảm của cuộc bức hại. Các học viên không chỉ mất sức khỏe và tự do, mà cuộc sống của họ còn bị chia cắt, và người nhà của họ, trong đó có cả trẻ em, bị phân biệt đối xử và sống trong nỗi sợ hãi và bóng tối.
Qua tấm gương của em Katharina, 6 tuổi, chúng ta thấy được hy vọng. Khi ngày càng có nhiều người tốt bụng từ khắp nơi trên thế giới biết đến sự tàn bạo ở Trung Quốc và ủng hộ các quyền cơ bản của con người, trong đó có tự do tín ngưỡng, một ngày nào đó các học viên sẽ có thể tự do thực hành đức tin của họ vào Chân-Thiện-Nhẫn.
(Hết)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/15/478656.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/17/218649.html
Đăng ngày 01-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.