Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-11-2023] Khi tôi bị đưa đến Trại lao động vào ngày 13 tháng 3 năm 2000, các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ ở đó đã bắt đầu phản bức hại. Chúng tôi đã bị tra tấn tàn bạo và bị buộc lao động cưỡng bức từ 17 đến 20 giờ mỗi ngày. Chúng tôi hiểu rằng việc thực hành Chân-Thiện-Nhẫn không có gì sai, cũng không có gì sai khi làm một người tốt và chúng tôi không phải là tội phạm. Chúng tôi yêu cầu họ giới hạn công việc ở mức 8 tiếng một ngày và được nghỉ Lễ theo luật định. Tuy nhiên, Ban Lãnh đạo Trại lao động không chỉ từ chối yêu cầu đó mà còn tra tấn những đồng tu đã lên tiếng bằng cách trói họ bằng thừng nylon nhỏ.

Vào đầu tháng 3, một số đồng tu đã từ chối lao động cưỡng bức. Họ bị trừng phạt bằng cách phải đứng quay mặt vào tường từ 17 đến 20 giờ mỗi ngày. Tôi cũng bị buộc đứng quay mặt vào tường ngay ngày đầu tiên nhập trại. Chân tôi bị sưng phù nghiêm trọng và bàn chân tôi to hơn lúc bình thường đến hai cỡ. Đến cuối tháng 3, tất cả các đồng tu – hơn 50 người chúng tôi – đã đứng lên phản bức hại và cự tuyệt lao động cưỡng bức.

Để trả thù, Trại lao động đã tăng cường bức hại đối với các học viên. Ngoài việc bị bắt phải đứng hàng ngày, chúng tôi còn bị buộc phải thực hiện cái gọi là “huấn luyện quân sự” như bước đi theo kiểu duyệt binh và chạy theo nhóm. Ai từ chối tuân thủ sẽ bị trói.

Một ngày trong đợt “huấn luyện quân sự”, các cảnh sát đã kéo một học viên vào văn phòng của Đội số 3 và định trói cô ấy lại trước sự chứng kiến của 12 đồng tu, trong đó có tôi. Chúng tôi nhìn nhau, không ai bảo ai mà cùng nắm lấy tay nhau rồi bắt đầu đọc Luận Ngữ, nhiều đồng tu khác cũng tham gia cùng chúng tôi. Thanh âm của Luận Ngữ làm chấn động toàn bộ Trại lao động.

Hơn 30 viên cảnh sát đổ xô ra sân đánh đập chúng tôi. Tôi bị kéo ra khỏi nhóm đồng tu và bị đẩy văng xuống đất. Khi vừa đứng lên, tôi lại bị đẩy xuống. Đầu tôi đập xuống nền gạch tạo thành tiếng động lớn nhưng tôi không cảm thấy đau. Tôi lại đứng dậy thì một nữ cảnh sát liên tiếp tát vào mặt tôi. Tôi nhắm mắt lại và bắt đầu nhẩm đọc:

“Sinh vô sở cầu
Tử bất tích lưu
Đãng tận vọng niệm
Phật bất nan tu”

Tạm dịch:

“Sống không sở cầu
Chết không lưu luyến
Trừ tận vọng niệm
Phật không khó tu”
(“Vô Tồn”, Hồng Ngâm)

Tôi không biết mình đã đọc bài thơ trên bao nhiêu lần, nhưng khi tôi mở mắt ra thì các cảnh sát đã đi mất. Các tù nhân kéo chúng tôi trở lại xưởng. Sau đó, các học viên bị chia thành ba nhóm nhỏ hơn để thực hiện “huấn luyện quân sự” riêng biệt.

Sáng ngày 4 tháng 4 năm 2000, hơn chục đồng tu, trong đó có tôi, lại bị buộc phải trải qua một đợt “huấn luyện quân sự” khác. Cảnh sát Cảnh Hành Quân đã lăng mạ thậm tệ một đồng tu, sau đó giẫm lên chân cô ấy và buộc cô phải nhảy. Chúng tôi nhìn nhau rồi đồng loạt nắm lấy tay nhau và bắt đầu đọc Luận Ngữ. Thanh âm trang nghiêm của chúng tôi vang vọng khắp bầu trời phía trên Trại lao động.

Các cảnh sát và tù nhân bắt đầu đánh đập chúng tôi. Tôi bị lôi vào văn phòng của Đội số 3, tại đó cảnh sát Lưu Tú Mẫn tát tới tấp vào hai bên mặt tôi, cho đến khi cô ta mỏi tay, sau đó lại đến cảnh sát Lưu Ngọc Anh tiếp tục tát tôi. Sau khi tát tôi xong, họ trói tôi lại, bắt tôi quỳ xuống đất, cởi áo khoác ra và quàng một sợi dây thừng nhỏ quanh cổ tôi. Bắt đầu từ vai tôi, họ quấn sợi dây theo vòng tròn quanh mỗi cánh tay cho đến tận cổ tay. Sau đó, cả hai cánh tay tôi đều bị buộc ra sau lưng, và kéo đầu sợi dây ở cổ tay lên rồi buộc vào một đầu sợi dây khác ở cổ tôi. Ở tư thế này, hầu hết mọi người sẽ ngất xỉu trong vòng năm phút. Tiếp đó, các cảnh sát dùng gậy cao su đánh vào mông tôi. Họ túm lấy tóc tôi, một cảnh sát lấy một thanh gỗ nhằm vào mặt bên trái của tôi mà đánh, rồi lại đánh sang mặt bên phải. Cảnh sát Lưu Ngọc Anh nắm lấy hai cánh tay bị trói của tôi sau lưng và kéo thật mạnh. Khi bốn tù nhân được cử đến để đưa tôi về, họ đã kinh hãi – họ mở to mắt và há hốc miệng khi nhìn thấy tôi bị tra tấn như thế nào.

Trong suốt thời gian đó, đầu óc tôi trống rỗng và không suy nghĩ gì cả, chỉ lặng lẽ nhìn mọi việc diễn ra. Tôi cảm thấy như mình được bọc trong một miếng bọt biển, khiến tôi không cảm thấy đau và sự việc qua đi cũng không cảm thấy khó chịu gì. Là một phụ nữ chỉ cao 153 cm và nặng khoảng 40 kg, tôi có thể tự bảo vệ mình bằng cách nào đây? Chính Sư phụ đã chịu đựng đau đớn cho tôi và bảo hộ tôi vượt qua khổ nạn!

Sau khi các cảnh sát tra tấn tôi, họ đánh đập các học viên khác hòng buộc họ lao động khổ sai. Một số đồng tu bị đánh bằng dùi cui và bất tỉnh ngay tại xưởng. Chúng tôi quyết định không cho phép tà ác tùy tiện bức hại chúng tôi một cách tàn nhẫn nữa. Vào cuối tháng 4 năm 2000, chúng tôi cởi bỏ đồng phục của Trại lao động và tuyệt thực, yêu cầu được thả vô điều kiện. Hầu hết các đồng tu sau đó bị đưa đến một trại lao động khác, ngoại trừ một vài người chúng tôi còn ở lại.

Dạo đó, trưa nào Đài phát thanh của Trại lao động cũng phát những lời vu khống Pháp Luân Đại Pháp. Một số đồng tu đã viết thư cho Ban quản lý Trại lao động để giảng chân tướng, còn một số trực tiếp yêu cầu các cảnh sát Trại lao động ngừng việc phát sóng. Tuy nhiên, họ phớt lờ những yêu cầu của chúng tôi. Khi chúng tôi tuyệt thực, họ nhốt chúng tôi vào xà lim. Một ngày nọ, tôi vô tình phát hiện ra phòng phát thanh của Trại lao động nằm ngay cạnh phòng giam giữ chúng tôi.

Ngày hôm sau, ngay khi buổi phát thanh bắt đầu vào khoảng giữa trưa, bốn đồng tu chúng tôi bước vào phòng phát thanh. Một nhân viên giáo dục cải tạo đang phát sóng, một đồng tu đã lấy micro khỏi tay cô ấy và bảo cô ấy dừng lại. Các cảnh sát Trại lao động ngay lập tức đến, chúng tôi bị tát vào mặt và bị phạt đứng. Ngày hôm sau, ba người chúng tôi bị chuyển đến một Trại lao động khác, chỉ còn đồng tu Khổng Huệ Quyên ở lại.

Một ngày nọ, các chương trình phát thanh hàng ngày lại bôi nhọ Pháp Luân Đại Pháp, đồng tu Khổng Huệ Quyên đã đi vào phòng phát thanh, lấy micro từ phát thanh viên và hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Giọng của cô vang vọng khắp Trại lao động.

Thấy vậy, viên cảnh sát trực ban đang ăn trưa thì đánh đổ cả bát cơm và chạy vào phòng phát thanh. Cô Khổng đã bị tát và còng tay suốt nửa ngày. Sau đó, thời hạn lao động cưỡng bức của cô bị kéo dài thêm sáu tháng.

Vào tháng 7 năm 2000, tôi lại bị chuyển về Trại lao động này. Vì không chịu mặc đồng phục của Trại lao động, chúng tôi bị nhốt trong xà lim giám sát nghiêm ngặt và bị lao động khổ sai. Đến tháng 8, Trại lao động mời một số kẻ hành ác đến “giảng” cho các đồng tu. Một số đồng tu đã giơ tay và đề nghị được phát biểu, nhưng tất cả đều bị từ chối. Tôi nghĩ chúng tôi không nên cho phép việc “rao giảng” này tiếp tục, vì vậy tôi bắt đầu hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Các cảnh sát liền đẩy tôi ra khỏi lớp học.

Ngày 23 tháng 1 năm 2001, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã một tay chỉ đạo vụ “tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn”, nhằm vu oan hãm hại Pháp Luân Công, lừa dối người dân, gieo rắc hận thù trong lòng dân chúng đối với Pháp Luân Công và tạo cơ sở cho việc tiếp tục cuộc bức hại. Theo đó, sự bức hại trong Trại lao động cũng ngày càng leo thang. Một ngày nọ, chúng tôi bị đưa đến một lớp học để xem bản tin “tự thiêu” giả mạo. Tôi lại hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Một cảnh sát đã đạp tôi mạnh đến nỗi họa tiết trên quần len dệt kim của tôi vẫn còn hằn trên da tôi trong nhiều ngày.

Không khí trong Trại lao động càng trở nên đáng sợ hơn. Trong vòng vài ngày, hơn 100 học viên Pháp Luân Công đã bị đánh đập, sốc điện bằng dùi cui điện, siết cổ hoặc còng tay, không tha cho một ai! Chúng tôi bị buộc phải xem các video, đọc các bài viết, sách báo phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp. Chúng tôi cũng bị buộc phải trải qua “huấn luyện quân sự” và học thuộc lòng các nội quy của Trại lao động. Bảy cảnh sát được trang bị dùi cui điện và đèn pin đi đi lại lại suốt ngày đêm, đe dọa và chửi rủa các đồng tu. Ngày nào cũng có đồng tu bị tra tấn, đánh đập bằng dùi cui cao su, bị giật điện hoặc còng tay.

Sáng ngày 3 tháng 5 năm 2001, các cảnh sát Lưu Tú Mẫn và Trương Tinh yêu cầu chúng tôi đọc thuộc lòng “Ba không” (chúng tôi không được phép học Pháp, luyện công hoặc chuyền tay các bài giảng Pháp) trong lớp học nhưng không ai tuân thủ. Lưu Tú Mẫn giận dữ túm lấy đồng tu bên cạnh tôi và đe dọa đưa cô ấy đi tra tấn. Tôi đứng dậy và hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo! ” Ngay lập tức, hai đồng tu khác tham gia cùng tôi và tất cả chúng tôi đều đồng thanh hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Những thanh âm đó xuyên qua cửa sổ, vang vọng khắp tòa nhà.

Nghe thấy tiếng hô của chúng tôi, cảnh sát Lưu Tú Mẫn liền gọi đội chống bạo động đến. Họ đưa tôi đến một nhà kho và dùng gậy đánh tôi cho đến khi tôi gục xuống đất. Sau đó, cảnh sát Thượng Trường Minh tát vào mặt tôi rồi ghì người tôi xuống bàn và lại đánh tôi bằng gậy. Tôi nghe thấy cảnh sát Thượng Trường Minh hét lên: “Còng tay cô ta vào!” trước khi tôi bất tỉnh.

Tôi nghe thấy một giọng nói văng vẳng gọi tên tôi từ xa. Giọng nói ngày càng gần hơn và tôi dần dần tỉnh lại. Tôi thấy mình bị nhốt một mình trong phòng chứa đồ, hai tay giơ cao quá đầu và bị còng vào ống sưởi phía trên. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt tôi, còn quần áo dính chặt vào người. Cảnh sát Lưu Tú Mẫn bước vào, nhìn khuôn mặt bầm tím và sưng tấy của tôi, cô ấy nói: “Từ nay đừng làm điều ngu ngốc này nữa!” Cô ấy khóc, quay mặt đi và nhanh chóng rời khỏi phòng. Quả thực tôi không hề cảm thấy đau chút nào. Cả thân và tâm tôi đều cảm thấy rất nhẹ nhàng. Sư phụ lại một lần nữa chịu đựng khó khăn cho tôi và bảo vệ tôi vượt qua những khổ nạn sinh tử này.

Vào ngày 5 tháng 4 năm 2003, tôi được thả vô điều kiện và đường đường chính chính rời khỏi Trại lao động.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/26/467612.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/28/213524.html

Đăng ngày 06-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share