Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 31-05-2024]
Họ và tên: Khương Hồng Lộc
Tên tiếng Hán: 姜洪禄
Giới tính: Nam
Tuổi:66
Thành phố: Mật Sơn
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Nhân viên bảo trì đường cao tốc
Ngày mất: 27 tháng 1 năm 2024
Ngày bị bắt gần đây nhất: 23 tháng 9 năm 2015
Nơi giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Mẫu Đơn Giang
Một người đàn ông 66 tuổi ở thành phố Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, qua đời tại viện dưỡng lão vào ngày 27 tháng 1 năm 2024, hai tuần trước Tết Cổ truyền. Ông Khương Hồng Lộc qua đời 6 năm sau khi vợ ông, bà Viên Thục Chi, qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2018, ở tuổi 60.
Cả hai vợ chồng đều qua đời do cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Ông Khương, bà Viên và con trai họ đều cho biết Pháp Luân Công đã giúp họ phục hồi sức khỏe, nhưng họ liên tục bị nhắm đến vì kiên định đức tin, và phải chịu những tổn hại về thể chất và tinh thần không thể bù đắp được.
Tháng 12 năm 1999, ông Khương, cựu nhân viên Trung tâm Quản lý Đường cao tốc Thành phố Mật Sơn, bị kết án 1 năm 3 tháng lao động cưỡng bức. Khi ông nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công vào năm 2002, một cảnh sát đuổi theo, bắn vào chân ông và đá vào đầu ông. Sau đó, ông bị kết án 14 năm tù và bị liệt cả hai chân do bị tra tấn trong tù. Ông không thể nói một cách mạch lạc, trí nhớ kém và mắc bệnh tuyến tiền liệt. Trong những năm cuối đời, ông phải gắn ống truyền thức ăn qua mũi.
Vợ ông, bà Viên cũng liên tục bị bắt và tra tấn. Áp lực tinh thần từ cuộc bức hại khiến sức khỏe của bà bị tổn hại. Bà mắc bệnh tiểu đường, hai chân bị sưng nghiêm trọng, nên phải cắt cụt cả hai chân. Tình trạng của bà tiếp tục xấu đi sau ca phẫu thuật, và bà qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2018, ngay sau khi bà bước sang tuổi 60.
Con trai của đôi vợ chồng, khoảng 39 tuổi, bị tổn thương bởi sự bức hại của cha mẹ mình trong nhiều năm. Anh sống khép mình, và từ chối hòa nhập xã hội. Hầu hết thời gian anh đều ở trong phòng.
Bị bức hại từ sớm
Gia đình ba người của ông Khương đã đi tới Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 7 năm 1999 để kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Họ đã bị bắt và đưa trở lại thành phố Mật Sơn. Tại đồn công an, các cảnh sát Mạnh Khánh Khải và Đỗ Vĩnh Sơn đã ra lệnh cho họ ký tên vào tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Khi họ từ chối, cảnh sát đã tự ký tên thay họ.
Ngày 6 tháng 10 năm 1999, Mạnh dẫn theo hàng chục cảnh sát đột nhập vào nhà ông Khương và tịch thu các sách Đại Pháp (sách của Pháp Luân Công), vài chiếc máy nghe nhạc và băng ghi âm các bài giảng của Pháp Luân Công. Ông Khương cùng vợ bị bắt tới đồn công an để thẩm vấn và sau đó bị đưa tới trại tạm giam địa phương. Sau khi giam giữ hai vợ chồng 1 tháng, cảnh sát đã tống tiền họ 12.000 Nhân dân tệ trước khi thả họ.
Ngày 3 tháng 12 năm 1999, ông Khương lại đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông bị giam trong trại tạm giam Thành phố Mật Sơn vào ngày 18 tháng 12. Tại đó, cảnh sát Đỗ bắt ông cởi quần và dùng thắt lưng đánh vào phần thân dưới của ông. Sau 13 ngày tạm giam, ông Khương đã bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức trong Trại Lao động Cưỡng bức Kê Tây. Lính canh trại lao động đánh đập ông bằng dùi cui và đá vào người ông. Ông được trả tự do vào ngày 25 tháng 3 năm 2001.
Bị bắn vào chân, bị kết án 14 năm
Ông Khương đi ra ngoài để giảng chân tướng vào ngày 12 tháng 2 năm 2002 (mùng 1 Tết Nguyên đán). Ông đã bị Mạnh Khánh Khải bắn vào chân trái. Viên đạn làm gẫy xương chân trái ông. Khi ông ngã xuống, Mạnh và Đỗ đã lao tới đá vào đầu ông khiến ông ngất xỉu và mắt của ông bị lồi ra.
Lo sợ rằng ông Khương có thể chết vì mất nhiều máu, cảnh sát đã đưa ông tới bệnh viện. Họ còng tay ông vào giường bệnh và yêu cầu bác sỹ đẩy nhãn cầu của ông trở lại vị trí cũ. Tuy nhiên, ông không được điều trị y tế nào khác và gia đình không được phép vào thăm ông.
Cảnh sát trùm chăn lên đầu ông, đặt ông nằm trên một tấm đệm, và chở ông [và tấm đệm] đến trại tạm giam (vì ông không thể đứng dậy và bước đi). Khi họ lái xe ra khỏi cổng bệnh viện, có người hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với ông ấy vậy?” Một cảnh sát đáp: “Ông ấy bị cảm lạnh“.
Cảnh sát Mạnh và Đỗ đã thẩm vấn ông Khương vài lần trong trại tạm giam. Họ quất ông bằng một chiếc thắt lưng da và bức thực ông bằng dầu wasabi qua ống thông dạ dày. Phải mất 9 tháng ông Khương mới hồi phục và có thể tự chăm sóc bản thân.
Ngày 23 tháng 10 năm 2002, Tòa án Thành phố Mật Sơn đã xét xử ông Khương và kết án ông 14 năm tù.
Bị tra tấn đến sắp chết
Lính canh của Nhà tù Mẫu Đơn Giang đã biệt giam ông trong 2 tuần bởi ông từ chối từ bỏ Pháp Luân Công. Khi ông được đưa ra ngoài, ông gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng khi đi bộ.
Đến ngày 6 tháng 6 năm 2008, ông Khương đã mất khả năng nói chuyện do bị ngược đãi. Trong một chiến dịch bức hại mới vào tháng 10 năm 2009, nhà tù ra lệnh cho mỗi khu phải chuyển hóa được ít nhất 75% học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Tù nhân đã tra tấn ông Khương bằng cách không cho ông ngủ, nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối từ bỏ đức tin của mình.
Ông Khương đã đệ đơn yêu cầu tạm tha y tế vào ngày 1 tháng 5 năm 2010 và đã được thả vào ngày 10 tháng 8 năm 2010.
Tháng 9 năm 2013, một viên chức của cục tư pháp địa phương đã liên lạc với ông Khương và yêu cầu ông đi khám sức khỏe. Họ đe dọa sẽ bắt ông trở lại nhà tù nếu ông không đi khám sức khỏe sau ba lần thông báo. Cũng trong tháng đó, trưởng thôn cũng cố ép bà Viên ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nhưng bà từ chối.
Ông Khương lại bị bắt vào ngày 23 tháng 9 năm 2015 và bị đưa trở lại Nhà tù Mẫu Đơn Giang vào ngày 13 tháng 10. Ông đã được thả vào ngày 11 tháng 2 năm 2016, sau khi mãn hạn tù.
Áp lực tinh thần từ cuộc bức hại đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Viên. Bà mắc bệnh tiểu đường và bị sưng tấy nghiêm trọng ở chân, dẫn đến phải cắt cụt cả hai chân. Tình trạng của bà tiếp tục xấu đi sau ca phẫu thuật. Bà qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2018, ngay sau sinh nhật lần thứ 60 của mình.
Lại trở thành mục tiêu trước Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022
Vài tuần trước khi Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn ra từ ngày 16 đến 22 tháng 10 năm 2022, chức trách thành phố Mi Sơn, tỉnh Hắc Long Giang đã sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công địa phương có tên trong danh sách đen của chính phủ, nhằm cố gắng ngăn cản các học viên nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.
Hai trong số các học viên có tên trong danh sách đen là ông Khương Hồng Lộc và vợ ông bà Viên Thục Chi. Cảnh sát không biết là bà Viên đã bị bức hại và qua đời vào năm 2018, nên khi không thể tìm thấy bà, họ đã gọi điện cho người thân của bà và chỉ khi đó họ mới biết về cái chết của bà.
Sau đó, cảnh sát đã hỏi gia đình về tung tích của ông Khương để tìm đến chụp ảnh ông. Gia đình nói với họ rằng ông Khương đã bị mất khả năng vận động và hiện đang sống trong một trung tâm dành cho người cao tuổi. Ông bị liệt cả hai chân và không thể nói chuyện mạch lạc, trí nhớ kém và có bệnh về tuyến tiền liệt. Ông không thể hồi phục và qua đời vào tháng 1 năm 2024.
Báo cáo liên quan:
Ông Khương Hồng Lộc bị cảnh sát bắn và kết án
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/31/478234.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/1/218414.html
Đăng ngày 15-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.