Bài viết của Nhã Khê

[MINH HUỆ 26-04-2023] Lại một ngày 25 tháng 4 nữa lại đến, là người chứng kiến toàn bộ sự việc tại Học viện Giáo dục Thiên Tân 24 năm trước, những cảnh tượng trong quá khứ lại tái hiện trước mắt tôi.

Ngày 25 tháng 4 vốn là một ngày bình thường như bao ngày khác, không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, “ngày 25 tháng 4” của năm 1999 lại là một ngày ghi dấu những khoảnh khắc lịch sử.

Một sự kiện thỉnh nguyện quy mô lớn của 10.000 học viên Pháp Luân Công diễn ra tại Bắc Kinh vào ngày hôm ấy đã gây chấn động không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả thế giới; là điểm mốc bắt đầu của cuộc đấu tranh ôn hòa cho quyền tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Đại Pháp, bất chấp sự an toàn và sinh tử cá nhân; là minh chứng cho sự công bằng, đề cao công lý, lòng nhân ái và lòng khoan dung cao cả. Sự kiện này được cộng đồng quốc tế gọi là “cuộc thỉnh nguyện lớn nhất, ôn hòa nhất và trọn vẹn nhất trong lịch sử kháng nghị ở Trung Quốc”.

Cuộc kháng nghị “ngày 25 tháng 4” của các học viên Pháp Luân Công bắt nguồn từ sự việc xảy ra tại Học viện Giáo dục Thiên Tân. Tôi đã tham gia và chứng kiến ​​toàn bộ quá trình của vụ việc xảy ra tại Học viện Giáo dục Thiên Tân.

Ngày 11 tháng 4 năm 1999, Hà Tộ Hưu, một nhà khoa học nhiệt thành ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đăng một bài báo có tiêu đề “Tôi không tán thành thanh thiếu niên tập khí công” trên tạp chí “Khoa học và Công nghệ Thanh niên” do Học viện Giáo dục Thiên Tân xuất bản. Bài viết nhằm bịa đặt, vu khống, hãm hại Pháp Luân Công, bôi nhọ nhà sáng lập Pháp Luân Công, làm xấu hình ảnh học viên Pháp Luân Công và dựng lên các ví dụ giả tạo.

Sau khi nắm được tình hình, ngày 19 tháng 4, tôi hẹn một số học viên Pháp Luân Công khác ở Thiên Tân cùng đến gặp Ban Biên tập của tạp chí “Khoa học và Công nghệ Thanh niên” của Học viện Giáo dục Thiên Tân để giảng chân tướng, làm sáng tỏ sự thật, và đưa ra một vài yêu cầu từ phía chúng tôi.

Khoảng chín giờ, trưởng ban biên tập tiếp chúng tôi. Sau khi ngồi xuống, chúng tôi đi thẳng vào vấn đề, giải thích lý do chúng tôi đến và nói với họ rằng những gì Hà Tộ Hưu viết trong bài báo đó đã được xác minh là không đúng sự thật. Chúng tôi nêu rõ những người bao gồm cả chúng tôi, con cái và người thân của chúng tôi, đã được hưởng lợi về thể chất và tinh thần như thế nào sau khi tu luyện Đại Pháp, đồng thời kiên quyết bác bỏ những lời nói không đúng sự thật của Hà Tộ Hưu. Lúc đó, trưởng ban biên tập đã chăm chú lắng nghe và liên tục ngỏ ý xin lỗi chúng tôi. Vị ấy nói rằng: Trước đây tôi không biết Pháp Luân Công tốt như vậy, thảo nào có nhiều người tu luyện Pháp Luân Công đến thế. Chúng tôi liền đưa ra ba yêu cầu với tòa soạn: 1) công khai xin lỗi Pháp Luân Công trên tạp chí; 2) yêu cầu tác giả sửa lại bài viết để giảm tác động tiêu cực; 3) xuất bản một bài viết có nội dung tích cực về Pháp Luân Công trong số tiếp theo của tạp chí.

Ban biên tập đã ghi lại từng yêu cầu của chúng tôi và nói: Chúng tôi sẽ xin ý kiến ​​cấp trên và nghiên cứu vụ việc, sau đó sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và trả lời các vị trong thời gian sớm nhất. Khi đó, chúng tôi thấy họ có thái độ tốt và rất chân thành, họ muốn giải quyết vấn đề này chứ không phải làm chiếu lệ. Vì vậy, chúng tôi kết thúc buổi nói chuyện và ra về.

Trên đường đi ra, chúng tôi thấy có nhiều học viên Pháp Luân Công cũng đến tòa soạn để phản ánh tình hình. Một vài người trong chúng tôi giải thích tình hình cho mọi người, và sau đó chúng tôi cùng nhau đến khu vực sân của học viện. Lúc này, đã có hơn chục học viên Pháp Luân Công đang đứng ở sân. Đến chiều rồi đến tối, chúng tôi vẫn không nhận được tin tức cũng như câu trả lời nào. Trong ngày hôm đó, có nhiều học viên Pháp Luân Công cũng đến để phản ánh tình hình. Nhân viên của viện giáo dục nói: “Các vị đến đông quá, chúng tôi không thể tiếp đón hết, chúng tôi đã nắm được phản ánh từ phía anh chị rồi, mọi người hãy quay về và chờ tin tức.”

Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày qua đi, chúng tôi không những không nhận được câu trả lời thỏa đáng mà còn mất liên lạc với người phụ trách sự việc của học viện. Chúng tôi nhận ra rằng mọi thứ đã thay đổi.

Trong mấy ngày đó, học viên đến sân của học viện ngày càng nhiều, nhưng mọi người đều trật tự, rất ôn hòa và lý trí, không hô khẩu hiệu, không căng biểu ngữ, không ồn ào, tất cả đều ngồi yên lặng học Pháp, luyện công. Dù rất đông nhưng học viên có ý thức nhường lối đi để đảm bảo sự thuận tiện cho giảng viên và sinh viên của học viện. Để không ảnh hưởng đến môi trường làm việc và học tập bình thường của học viện, các học viên Pháp Luân Công cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng nhà vệ sinh của trường, một số học viên thông thạo địa bàn đã chỉ cho các học viên khác nhà vệ sinh công cộng gần đó. Ngoài ra, một số học viên còn dùng túi nilon đi thu dọn chai nước, giấy, gói đựng đồ ăn … do người khác vứt ra. Hành động của các học viên phản ánh phẩm chất cao thượng của người tu luyện, nghiêm khắc với bản thân và làm mọi việc vì người khác.

Đường Cam Túc bên ngoài cổng học viện là trục đường giao thông chính của khu Hòa Bình, có rất nhiều phương tiện giao thông và người đi bộ qua lại. Trong những ngày đó, học viên chúng tôi có trách nhiệm duy trì trật tự giao thông mỗi ngày để đảm bảo giao thông đường bộ xung quanh trường không bị cản trở.

Đến chiều ngày 23 tháng 4, một bước ngoặt lớn đã xảy ra!

Chúng tôi phát hiện thấy một số học viên sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng gần học viện đã không quay lại. Một số người nhìn thấy các học viên khi vừa đi ra khỏi nhà vệ sinh liền lập tức bị cảnh sát mặc thường phục bắt rồi nhét vào xe. Cảnh sát bắt đầu bắt người!

Cùng lúc đó, loa công suất lớn của học viện thông báo yêu cầu chúng tôi giải tán, nếu không chúng tôi sẽ tự gánh chịu hậu quả. Các học viên Pháp Luân Công có mặt không hề bị lay động trước lời thông báo đó. Thực ra mấy ngày đó đã có camera của công an ghi lại toàn bộ quá trình từ căn phòng nhỏ trên tầng 2 bên phải của học viện. Họ lén lút kéo rèm, chỉ để lộ camera và liên tục điều chỉnh hướng quay lén học viên chúng tôi. Nhưng chúng tôi không hề sợ hãi bởi chúng tôi minh bạch và đường hoàng. Chúng tôi không sợ mọi người tìm hiểu và biết rõ về chúng tôi. Chúng tôi là những người tốt tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn, vậy thì có gì phải sợ? Có gì mà phải gánh chịu hậu quả? Chúng tôi sao có thể rời đi khi yêu cầu của chúng tôi còn chưa được học viện trả lời?

Trong suốt buổi chiều, âm thanh từ những chiếc loa công suất cao liên tục đằng đằng sát khí, gầm thét đe dọa. Chúng tôi cảm thấy như mây đen đang giăng kín đầu, báo hiệu giông tố sắp đến.

Bỗng có tiếng nói: “Nhìn kìa! Pháp Luân!”. Chúng tôi đồng loạt ngẩng đầu lên, trên bầu trời xuất hiện một Pháp Luân lớn, thỉnh thoảng quay tới quay lui, còn nhìn thấy rõ chữ Vạn lớn ở giữa, các Pháp Luân với đủ mọi kích cỡ và màu sắc ở khắp mọi nơi trên mặt đất, trên tường và trên cơ thể của các học viên. Tôi thấy các đồng tu bật khóc, chắp tay hợp thập và nhìn lên bầu trời không chớp mắt. Một số nhân viên của học viện cũng chạy ra ngoài để xem cảnh tượng ngoạn mục này, họ rất phấn khích và liên tục nói thật kỳ diệu! Thật kỳ diệu! Cảnh tượng này kéo dài rất lâu.

Khi trời bắt đầu chạng vạng tối, cảnh sát bắt đầu đến để giải tỏa hiện trường. Một số xe cảnh sát lớn đậu bên ngoài cổng học viện. Cảnh sát lôi học viên chúng tôi ra ngoài mà không nói bất cứ lý do gì, kéo lê từng người một. Bất cứ ai cố gắng chống cự đều bị đánh đập. Một số cảnh sát còn đẩy học viên xuống đất rồi dùng chân gắng sức đạp mạnh. Một bà lão có phần đậm người bị bốn công an túm hai tay hai chân kéo lê ra ngoài. Áo của bà bị kéo cao khiến lưng bà cọ xát với mặt đất đến chảy máu. Đối với những học viên nam, cảnh sát không tiếc sức lực, đánh đập dã man, rồi ấn mạnh họ vào xe cảnh sát. Còn có nhiều học viên Pháp Luân Công kiên quyết đứng đó và đọc to “Luận ngữ”. Thanh âm đó rung chuyển cả đất trời.

Chúng tôi được biết tổng cộng có đến 45 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp vào ngày hôm đó. Nhưng khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin về vụ việc xảy ra tại Học viện Giáo dục Thiên Tân, cảnh sát trưởng thành phố Thiên Tân ngang nhiên tuyên bố rằng họ không bắt giữ một học viên nào cũng như không đánh đập bất kỳ ai. Giữa thanh thiên bạch nhật và trước sự chứng kiến ​​của đông đảo bao nhiêu người, ĐCSTQ đã ngang nhiên nói dối trắng trợn, đổi trắng thay đen trước hàng trăm triệu người xem truyền hình.

Sau lại có người nói: “Hãy đến Chính quyền thành phố! Chúng ta phải nói với họ sự thật, họ không thể bắt người!” Vậy là các học viên Pháp Luân Công có mặt lúc đó liền đi đến Chính quyền thành phố Thiên Tân. Khi chúng tôi đến nơi, mọi người đều mạnh mẽ yêu cầu trả tự do cho các học viên bị bắt. Một quan chức chính quyền bước ra và nói: “Chúng tôi không thể đưa ra quyết định. Bộ Công an đã tiếp nhận vụ việc này. Không ai dám thả người nếu không có sự cho phép của Bắc Kinh”. Vị quan chức này nói thêm: “Mọi người hãy đến Bắc Kinh đi, đến Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh mà yêu cầu họ giải quyết”.

Theo đó, một số học viên bắt xe buýt, một số đi tàu hỏa, có người đi bộ suốt đêm để đến Bắc Kinh.

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, các học viên Pháp Luân Công đã thực hiện quyền công dân của mình theo Hiến pháp, chúng tôi không hẹn mà cùng đến Văn phòng Kháng cáo Trung ương của Quốc vụ viện gần Trung Nam Hải để thỉnh nguyện. Đây được xem là cuộc đại thỉnh nguyện “Ngày 25 tháng 4” của hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công. Sự kiện này gây chấn động trời đất, khiến tà ác bắt đầu khiếp sợ.

Đã 24 năm trôi qua kể từ ngày “25 tháng 4” năm 1999. Hơn 24 năm qua, để bảo vệ quyền được tu luyện và nói với thế giới sự thật về Pháp Luân Đại Pháp, nhiều đệ tử Đại Pháp đã bị bức hại, gia đình ly tán, cửa nát nhà tan, và biết bao nhiêu đệ tử Đại Pháp đã bị bức hại đến chết. Cuộc bức hại tà ác vẫn đang tiếp diễn, những hành vi sách nhiễu, bắt giữ và kết án đê hèn đối với các học viên Pháp Luân Công vẫn đang diễn ra hàng ngày ở Trung Quốc đại lục. Đặc biệt, tội ác thu hoạch nội tạng vô nhân đạo của ĐCSTQ từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp còn sống cũng vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.

Có người nói: Việc kẻ ác hoành hoành là do còn có sự “nhắm mắt làm ngơ” của những người ngoài cuộc. Cho tới nay, có không ít người vẫn im lặng, không quan tâm, thậm chí lạnh lùng thờ ơ trước cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công. “Sự im lặng chỉ tạm thời là tấm giấy thông hành cho người im lặng, nhưng cuối cùng nó sẽ là nấm mồ dành cho họ. Những ai giữ im lặng trước sự bạo ngược và tội ác đều phải trải giá đắt cho điều đó. Ngày nay, những bi kịch như thế không phải đang thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc hay sao?

Hiện nay, không chỉ các học viên Pháp Luân Công mà tất cả mọi người đều đang trải qua nỗi kinh hoàng dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Trong những năm gần đây, đã có không biết bao nhiêu trường hợp mất tích như em học sinh Hồ Hâm Vũ. Nạn bắt cóc trẻ em và thu hoạch nội tạng sống đang trở thành một mắt xích trong chuỗi ngành cung ứng kinh hoàng này. Những sự thật gây sốc này không đủ để khiến mọi người tỉnh ngộ sao? Trong một xã hội đầy rẫy bạo lực và dối trá khắp nơi như vậy, cái giá của sự im lặng thật khủng khiếp.

Ngạn ngữ Phương Tây có câu: “Khi tuyết lở, không có bông tuyết nào vô tội”. Khi xảy ra thảm họa tuyết lở, không một bông tuyết nào cho rằng đó là trách nhiệm của mình. Tất nhiên, một bông tuyết đơn lẻ không thể gây ra lở tuyết, nhưng vì hàng vạn bông tuyết tụ lại với nhau nên mới gây ra thảm họa như vậy.

80 triệu người dân Trung Quốc vô tội đã bị bức hại đến chết bởi các chiến dịch khác nhau của ĐCSTQ, tựa như thảm họa tuyết lở, hết lần này đến lần khác. Thành viên của ĐCSTQ tà ác, bao gồm Đảng viên, Đoàn viên, Đội viên và cả những người dân thường hiền lành nhưng lại giữ im lặng chính là những bông tuyết. ĐCSTQ đã bức hại Pháp Luân Công trong suốt 24 năm qua, là người, đặc biệt là người dân Trung Quốc trong hoàn cảnh này, có bao giờ bạn tự hỏi mình đã làm gì khi chứng kiến ​​đồng bào của mình bị tà ác và ma quỷ giày xéo, chà đạp?

Thượng đế ban cho mỗi người một linh hồn, và cũng ban kèm theo cả lương tâm và quy tắc đạo đức. Đối mặt với những điều đúng sai, đối mặt với cuộc chiến giữa thiện và ác, bạn có thể dùng lương tâm của mình để đưa ra phán quyết và bảo vệ công lý không? Lời nói và việc làm của mỗi người đều được trời ghi nhận, những gì bạn làm hôm nay là lựa chọn và đặt định cho tương lai của chính mình.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/26/459229.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/28/208260.html

Đăng ngày 16-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share