Bài viết của Lý Văn Minh
[MINH HUỆ 01-03-2024] [Chú thích của biên tập viên] Tháng 8 năm 2002, học viên Pháp Luân Công Lý Văn Minh đã tham gia chèn sóng phát video giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp một số nơi ở Thanh Hải và Cam Túc. Lý Văn Minh bị tà đảng kết án phi pháp 20 năm tù. Năm 2003, anh bị đưa vào Nhà tù Lan Châu. Dưới sự gia trì và bảo hộ của Sư tôn, với ý chí kiên định tu luyện Đại Pháp, anh đã chịu đựng đủ mọi hình thức tra tấn tàn khốc. Tháng 8 năm 2021, Lý Văn Minh cuối cùng đã vượt qua cuộc bức hại hiểm ác và thoát khỏi tù oan.
* * *
Tôi vẫn không sao tin được một nhóm người thiện lương tin vào giá trị phổ quát Chân-Thiện-Nhẫn, chỉ vì muốn làm người tốt, một hoạt động quần chúng không có lấy một điều hại nào cho quốc gia và xã hội, lại bị đàn áp và bức hại tàn khốc đến vậy. Nhưng nó đã xảy ra ở Trung Quốc Đại lục, và đến nay vẫn tiếp diễn.
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, lãnh đạo tà ác của Trung Cộng, Giang Trạch Dân, vì sự đố kỵ của tiểu nhân, vì cuồng vọng và lòng tham ích kỷ bành trướng cực độ, đã huy động toàn bộ bộ máy chính phủ để bôi nhọ và công kích một cách bừa bãi cao đức Đại Pháp vạn cổ khó gặp, nhằm trấn áp hơn 100 triệu dân chúng thiện lương tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trước sự vu khống đối với Sư phụ, trước sự bất công đối với Đại Pháp, và sự bức hại vô lý, người tu luyện Đại Pháp đã không chút do dự đến Quảng trường Thiên An Môn, đến các ban ngành chính phủ, và mọi thành phần xã hội, để nói với thế nhân về sự bất công mà Đại Pháp phải hứng chịu, về sự oan khuất mà người tu luyện Đại Pháp phải chịu đựng, đồng thời vạch trần những dối trá lừa gạt thế giới và làm sáng tỏ sự thật. Một nhóm người như vậy đã đi thỉnh nguyện ôn hòa để phản ánh nguyện vọng, nhưng lại bị đàn áp, bị bức hại càng tàn khốc hơn, dưới sự chỉ đạo độc ác “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”, những bàn tay tà ác đã vươn tới các đệ tử Đại Pháp.
Sư phụ giảng:
“Đúng là tội ác tày trời của [lịch sử] hằng vạn cổ, tội lớn tà ác xuyên khắp vũ trụ, khiến hết thảy chư Thần trong cả đại khung rộng lớn đều chấn động giận dữ!” (Chuyển Luân hướng thế gian, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Tôi từng bị tà đảng bắt cóc bốn lần và giam giữ phi pháp trong 21 năm rưỡi, trong thời gian này, tôi phải chịu đựng sự tra tấn tàn khốc và sự vũ nhục phi nhân tính. Mỗi lần hồi tưởng lại quá khứ thảm khốc ấy, tôi – một người chưa từng nhỏ một giọt nước mắt khi đứng trước tà ác – lần nào cũng không sao nén nổi dòng lệ tuôn rơi. Tôi rơi lệ vì Sư tôn đã hao tận hết thảy để từ bi khổ độ chúng sinh, vì chấn động trước sự hồng đại của Đại Pháp, vì thán phục trước sự kiên nhẫn bất khuất của các đồng tu. Sau mấy lần do dự, cuối cùng, tôi đã cầm bút lên viết để vén lên bức màn đen tối kinh hoàng của hệ thống chính trị và pháp luật của Trung Cộng ở Trung Quốc Đại lục khiến thế nhân nghe mà kinh hãi, những mong có thể thức tỉnh lương tri của nhiều người hơn nữa, để họ có thể thoát khỏi những dối trá, lừa mị, và thực sự hiểu được Đại Pháp, hiểu được nhóm người tu luyện Đại Pháp thiện lương này.
I. Niềm vui đắc Đại Pháp
Tên tôi là Lý Văn Minh, còn có tên là Lý Minh Nhất, từng làm việc tại Nhà máy Xe máy Lan Châu ở tỉnh Cam Túc. Trước khi tu luyện Đại Pháp, tâm danh lợi rất nặng, hay lấy đồ của nhà máy về nhà; làm thủ tục hoàn trả chi phí thì khống lên được bao nhiêu là kê bấy nhiêu, có những khoản không nên báo, tôi cũng cứ báo. Tôi còn mắc đủ thứ bệnh tật, mà toàn bệnh mãn tính, nào đường hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, cứ đến thu đông là ho không dứt; bệnh viêm dạ dày viêm ruột mãn tính khiến tôi khốn đốn, thường xuyên bị đau vùng thắt lưng, tứ chi vô lực, tinh thần uể oải,… chứng viêm mũi viêm họng mãn tính quanh năm đeo bám tôi. Tôi cũng đã tập một số công pháp khác nhưng đều không có tác dụng, thậm chí tôi đã đi khắp trời Nam đất Bắc tìm danh sư, nhưng đều quay về tay không.
Năm 1996, tôi may mắn gặp được Pháp Luân Đại Pháp, Pháp lý cao thâm của Sư phụ đã lập tức thu hút tôi, khiến tôi minh bạch được ý nghĩa chân chính của việc làm người. Tôi vừa xem video bài giảng của Sư phụ vừa kìm nén dòng lệ, từ đó trở đi, nhân sinh quan của tôi đã chuyển biến từ căn bản. Tôi kiên tín rằng đây chính là vị Sư phụ mà tôi hằng khổ công tìm kiếm. Từ đó trở đi, tôi quyết định phải theo Sư phụ tu đến cùng.
Bao nhiêu bệnh tật trên người tôi đã biến mất một cách thần kỳ, trạng thái tinh thần như một người khác hẳn so với trước đây. Tôi đem trả lại những thứ đã lấy từ nhà máy và hủy những hóa đơn có thể làm thủ tục hoàn trả chi phí để đền bù cho số tiền hoàn trả quá mức mà tôi đã kê khai trước đây. Tôi tự cân nhắc mỗi lời nói, hành vi của mình chiểu theo Đại Pháp trong mọi sự mọi việc, từ đó mà tiến bước trên con đường đại đạo phản bổn quy chân.
II. Chứng thực Đại Pháp, chịu đựng hơn 20 năm bức hại tàn khốc
1. Giảng chân tướng về cuộc thỉnh nguyện “ngày 25 tháng 4”
Vì Lạc Tang Linh Trí Đa Kiệt, nguyên Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Cam Túc, công khai vu khống Đại Pháp là “X giáo”, nên các vụ quấy nhiễu, truy quét các học viên Đại Pháp tu luyện Pháp Luân Công, và khám xét nhà phi pháp đã xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Ngày 27 tháng 4 năm 1999 (đại thể là ngày này), các học viên ở Lan Châu và các nơi khác trong ngoài tỉnh đã đến chính quyền tỉnh để kiến nghị, yêu cầu chính quyền tỉnh chấn chỉnh những lời hồ đồ vô trách nhiệm của Lạc Tang, và tạo một môi trường luyện công không bị can nhiễu.
Khi đó, tôi là một trong năm học viên đại diện tham gia phản ánh tình hình. Một người phụ trách chính quyền tỉnh cho biết: Bài phát biểu của Lạc Tang là hành vi cá nhân, không đại diện cho chính quyền, chính phủ trước nay chưa từng cấm các hoạt động luyện công của đại chúng. Tuy nhiên, một thời gian sau đó, tình trạng quấy nhiễu rầm rộ và xe phun nước đuổi học viên luyện công đã xảy ra ở nhiều nơi, ngày càng căng thẳng, thậm chí có người bị bắt (sau đó được thả ngay).
Một ngày tháng 5, học viên Lan Châu lại đến tỉnh ủy kiến nghị, tôi một lần nữa là một trong năm học viên đại diện tham gia báo cáo tình hình. Một vị bí thư tỉnh ủy đã tiếp chúng tôi, thái độ rất cứng rắn, tránh nói đến vụ sách nhiễu và đuổi các học viên luyện công, ông ấy gọi cuộc thỉnh nguyện ôn hòa “ngày 25 tháng 4” của các học viên Đại Pháp là “cuộc bao vây Trung Nam Hải”, muốn chúng tôi thừa nhận điều này và tuân thủ “pháp luật”.
Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi bị khuất phục trước sự cứng rắn của ông ấy, mấy hôm sau, lại có các học viên tới tỉnh ủy để kiến nghị.
2. Bị bắt cóc và bức hại trong trại tạm giam vào ngày 20 tháng 7
Bị bắt cóc và lục soát nhà khi đang trực ban ở nhà máy
Vào lúc 3 giờ sáng ngày 21 tháng 7 năm 1999, tôi đang trực ca đêm ở nhà máy, Phòng Công an Quận Thất Lý Hà, thành phố Lan Châu đã cử hơn chục người đến phòng trực của Nhà máy Xe máy Lan Châu để bắt cóc tôi. Họ lục soát phi pháp phòng trực và nhà tôi, rồi lấy đi rất nhiều sách Đại Pháp và tài liệu nghe nhìn. Sau đó, họ giam tôi vào một căn phòng ở tầng một của khách sạn Hạ Tây Viên. Lúc ấy, Lan Châu có hơn 20 học viên Đại Pháp – trong đó có Viên Giang, Cát Tuấn Anh, Bành Kiện, Bành Ba, Ô Tiến Phương, Uông Chương Tú, Hy Lệ Lâm, Văn Sỹ Học, Tào Quân, Sử Hiểu Tuyền, Hoa Kim Xuyên – bị bắt cóc rồi tách ra giam giữ ở Khách sạn Minh Châu, Biệt thự Lũng Bảo, và những nơi khác. Phòng Công an đã triển khai lực lượng cảnh sát của hai đội chống bạo động, Đội 1 Công an Thành phố và Đội 1 Công an Quận để canh gác khu vực này cả ngày lẫn đêm.
20 ngày sau, họ đã thả một số học viên, còn lại bảy người, gồm Viên Giang (sau này bị bức hại đến chết ở tuổi 29 vào tháng 11 năm 2001), Cát Tuấn Anh, Bành Kiện, Bàn Ba, Ô Tiến Phương, Uông Chương Tú, và tôi thì bị đưa đến tập trung ở Khách sạn Nhân Dân. Họ chiếm trọn một tầng, rồi điều động cảnh sát của một đội chống bạo động và Công an Thành phố ngày đêm “xử lý các vấn đề then chốt”, yêu cầu chúng tôi phải “phản tỉnh”, và cưỡng chế “chuyển hóa” kéo dài cả nửa năm, hòng buộc chúng tôi từ bỏ chính tín. Sau đó, họ lại thay đổi biện pháp cưỡng chế là đưa về nơi cư trú để đơn vị công tác cũ giám sát.
Đi Bắc Kinh thỉnh nguyện và bị bắt
Họ bắt chúng tôi lên Công an Thành phố chiều thứ Tư hàng tuần để tham gia lớp “học tập” của tà ác. Gần đến Tết, tôi thừa dịp đơn vị giám sát lỏng lẻo mà bắt chuyến tàu 122 từ Lan Châu lên Bắc Kinh thỉnh nguyện. Các đồng tu ở Bắc Kinh đưa tôi đến căn nhà thuê ở Hồi Long Quan, quận Xương Bình. Ở đó, ngày nào cũng có rất nhiều đồng tu đến và đi từ khắp nơi trên cả nước, họ đến đây mang theo băng rôn, biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, “Chân-Thiện-Nhẫn hảo” và “Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp” để đến Quảng trường Thiên An Môn chứng thực Đại Pháp.
Chính tại đây, lần đầu tiên tôi đã chính lại sai lầm đã phạm trong thời gian bị giam giữ phi pháp và làm nghiêm chính thanh minh trên Minh Huệ Net. Hai ba ngày sau đó, tôi đều tham gia viết băng rôn, biểu ngữ. Sau đó, căn nhà thuê này bị kẻ ác phát hiện ra, cảnh sát từ Sở Cảnh sát Hồi Long Quan Bắc Kinh đã bao vây và bắt giữ tất cả các đồng tu ở đó, từng lượt từng lượt đồng tu đến đi đều bị bắt, tổng cộng khoảng 40-50 người. Cảnh sát đưa chúng tôi đến Đồn Công an Hồi Long Quan và đánh ngã mấy nam đồng tu chúng tôi, rồi giẫm cả giày da lên đầu và đá túi bụi vào đầu vào mặt chúng tôi.
Lúc ấy là mùa đông ở Bắc Kinh, bầu trời u ám, sương mù che khuất mặt trời, mặt đất phủ đầy bụi đen dày đặc, đầu, mặt và người chúng tôi đều nhem nhuốc, cảnh sát còn bắt chúng tôi phải cởi trần ôm khúc đá lạnh. Mặc dù các thủ đoạn của tà ác cực kỳ độc ác, nhưng không một ai trong chúng tôi sợ hãi, không những không sợ hãi, mà còn không cảm thấy đau đớn, thần kỳ là lúc ôm khúc đá lạnh, bụng chúng tôi lại cảm thấy rất dễ chịu, chứ không thấy lạnh chút nào, dù lúc đó là tiết trời tháng Chạp. Lúc ấy, tôi chợt ngộ ra rằng những gì chúng tôi phải chịu đựng chẳng qua chỉ là sự tàn ác biểu hiện trên hình thức bề mặt, còn thực chất đều do Sư tôn gánh chịu cho chúng tôi, tôi không sao kìm được dòng lệ trào ra. Trong các học viên bị giam trong phòng, có nhiều học viên nữ đứng lên hỗ trợ chúng tôi, giải cứu chúng tôi, và chất vấn cảnh sát. Đến lúc đó, họ mới ngừng đánh đập chúng tôi một cách tàn độc, rồi mọi người bắt đầu tuyệt thực tập thể, đọc “Luận ngữ” để phản đối việc họ bắt giữ chúng tôi phi pháp.
Ngày hôm sau, họ bắt đầu thẩm vấn phi pháp lần lượt từng người chúng tôi, có đồng tu không muốn nói ra tên và địa chỉ của mình nên đã bị giam vào trại tạm giam ở Bắc Kinh. Tôi bị đưa đến Văn phòng Liên lạc Lan Châu tại Bắc Kinh, giám đốc văn phòng sợ tôi trốn thoát nên còng tay tôi vào ghế băng dài, ngày hôm sau họ giao tôi cho một đội trưởng Đội 1 của Sở Công An Thành phố Lan Châu và trưởng phòng bảo vệ của Nhà máy Xe máy Lan Châu đến đón tôi.
Tại trại tạm giam Tây Quả Viên ở Lan Châu
Vì đang là đêm giao thừa nên Bắc Kinh quy định tất cả người ngoài không được ở lại Bắc Kinh, bởi vậy họ đưa tôi bằng máy bay về Sân bay Trung Xuyên Lan Châu ngay đêm đó. Vừa xuống máy bay, tôi đã bị đưa thẳng đến trại tạm giam Tây Quốc Viên Lan Châu. Lúc ấy là hơn 12 giờ đêm, trời tối đen như mực, chỉ thấy thấp thoáng vài ngọn đèn trong trại tạm giam.
Vì trại tạm giam Tây Quốc Viên ở Lan Châu được xây tựa lưng vào núi nên khu phòng giam nằm ở chỗ khá thấp. Dẫn vào trại là một con đường dốc xuống, cuối dốc có một cổng sắt, bên trên cổng là tháp canh có lỗ súng để bắn. Toàn bộ khung cảnh thật âm u, đáng sợ. Cánh cổng sắt cót két mở ra, chúng tôi tiến vào sân trại giam, các phòng được xây bằng đá theo kiểu hang động. Một phòng giam thường chứa từ 20 đến 30 người, thậm chí có khi lên tới hơn 40 người, cực kỳ chật chội, ăn uống và đại tiểu tiện đều ở trong đó, không khí ngột ngạt vô cùng. Có những phòng giam chỉ có giường một tầng nên có người phải ngủ dưới gầm giường, lại phải nằm úp thìa, người nọ lộn đầu với chân người kia mới nằm được; có khi nửa đêm phải thức dậy đi vệ sinh là không tìm được chỗ để nằm nữa.Trong trại tạm giam, chỗ nào cũng thấy chuột và chấy rận. Có người bị ghẻ lở khắp người, do điều kiện y tế cực kỳ kém, không có thuốc điều trị, chỉ còn cách cởi hết quần áo ra rồi phơi nắng để sát khuẩn; có người da thịt lở loét thành vết thương lõm sâu xuống, lộ cả xương.
Ở đây, ngày nào cũng phải tham gia sản xuất, mùa hè thì nhặt hạt dưa, lúc khối lượng công việc nhiều thì mỗi người được giao một bao, có người không hoàn thành nhiệm vụ, phải tăng ca để nhặt, rồi lúc buồn ngủ, họ lấy tay dụi mắt, do điều kiện vệ sinh cực kỳ kém, nên có người đã bị mù. Mùa đông thì bóc vỏ hạt dưa, mỗi người phải bóc một bát tô, có người bị sứt cả răng, có người bị bật móng tay, đúng là thảm không chịu nổi. Ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị đánh đập, bị trừng phạt về thể xác. Thường xuyên có người bị đánh đến chết, và đều được coi là “trường hợp tử vong bình thường” để xử lý. Chỉ riêng chiêu thức đánh người – bọn họ gọi là “món” – đã có 108 loại, mỗi loại là một loại chiêu thức.
Hồi tôi bị giam giữ phi pháp gần ba tháng, Hà Ba, Ngụy Đông, và những người khác từ Đội 1 Sở Công an Thành phố Lan Châu đã đến trại tạm giam để thẩm vấn phi pháp tôi, tuyên bố tôi sắp hết hạn ba tháng giam giữ, nếu giam giữ tiếp thì sẽ vượt quá thời hạn, là phi pháp. Sau 97 ngày bị giam giữ, họ thay đổi biện pháp cưỡng chế thành giám sát tại nơi cư trú.
Khi bước ra khỏi trại tạm giam, tôi nghe nói vợ tôi, Tiêu Ngạn Hồng, bị kết án phi pháp một năm lao động cưỡng bức và bị giam giữ phi pháp trong đội nữ của Trại Lao động Bình An Đài. Tôi liền đến nhà máy để nói rõ tình hình, đưa ra đủ loại giấy tờ chứng minh, và yêu cầu được gặp vợ tôi. Đến Trại Lao động Cưỡng bức Bình An Đài, lúc gặp Tiêu Hồng Ngạn, tôi thấy khuôn mặt cô ấy sạm đi, người hơi phù, mọi khi cô ấy không như thế này. Khoảnh khắc nhìn thấy cô ấy, trong lòng tôi trào dâng trăm mối ngổn ngang… Rồi cuộc gặp gỡ ngắn ngủi kết thúc như thế.
3. Bị giam giữ phi pháp và tra tấn trong trại lao động
Bị bắt khi tới dự lễ truy điệu đồng tu Diêu Bảo Vinh
Một ngày vào tháng 5 năm 2000, nghe tin đồng tu Diêu Bảo Vinh bị cảnh sát Phòng Công an Quận An Ninh tra tấn đến chết, tôi vội chạy đến nhà đồng tu Trương Cúc Tú ở Thất Lý Hà. Tới nơi thì đã có mấy đồng tu ở đó rồi. Vì cha mẹ của đồng tu Diêu Bảo Vinh muốn để các bạn thân của anh ấy nhìn mặt anh lần cuối, nên tôi liền đề xuất treo biểu ngữ để tưởng niệm và tổ chức lễ truy điệu trước nhà xác.
Do bị “Judas” bán đứng, tôi lại bị cảnh sát Tịch Minh Kiệt và những người khác từ Phòng Công an Thất Lý Hà bắt cóc, họ đưa tôi đến phòng giam của Phòng Công an Thất Lý Hà và giữ tôi ở đó trong 48 giờ, sau đó lại chuyển tôi đến Trại giam Tây Quốc Viên và giam giữ phi pháp trong 21 ngày. Trong thời gian này, tôi đã tuyệt thực, thậm chí không uống nước, để phản đối. Tôi yêu cầu gặp Bí thư Ủy ban Pháp luật và Thành phố Lan Châu. Vì tuyệt thực và thiếu nước, tôi gần như bị suy nhược, suốt ngày ngồi trên giường không ra khỏi được. Viên cảnh sát tại trại tạm giam, giám thị Miêu, đã nhiều lần gọi điện đến Công an Thành phố đề nghị mau chóng xử lý. Kết quả, anh ta lại bị kết án phi pháp một năm rưỡi lao động cưỡng bức, chưa kể 23 ngày bị giam giữ.
Khi cảnh sát Hà Ba cùng một cảnh sát trẻ khác, và tài xế trẻ khác đưa tôi đến Trại Lao động Cưỡng bức Bình An Đài, một đồng nghiệp ở Nhà máy Xe máy Lan Châu cũng đi cùng tôi. Vì trước đó, tôi không ăn không uống gì một thời gian dài nên bị suy kiệt đến cực độ, lại thêm xe đi xóc suốt dọc đường, tôi gần như bị sốc. Trên đường đi, anh cảnh sát trẻ thì thầm với tôi: Tôi dám nói rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công này sẽ không kéo dài quá ba năm. Tôi thấy mừng cho anh ấy, anh ấy là người minh bạch đầu tiên mà tôi gặp trong lực lượng cảnh sát. Đến trại lao động, tôi bị phân vào Trung đội 2 của Đại đội 3.
Trong năm tháng tôi ở Trung đội 2 của Đại đội 3, tôi đã tuyệt thực hết lần này đến lần khác để phản đối việc bị bức hại. Họ không cho tôi luyện công, lúc tôi luyện công thì bị các tù nhân xung quanh xô đẩy khiến tôi không luyện được. Sau đó, nửa đêm, tôi chạy ra chỗ cửa sổ phòng cảnh sát trực ban để luyện công. Các tù nhân không dám động thủ với tôi, vì sợ làm kinh động cảnh sát, nên chỉ báo cáo với cảnh sát trực ban. Cảnh sát thấy vậy thì lại tống tôi vào phòng giam. Trong thời gian tuyệt thực, trung đội trưởng Trương Toàn Hưng đã cử bảy người nghiện ma túy đến vây quanh tôi để theo dõi nhất cử nhất động của tôi.
Đến mùa thu, tôi bắt đầu bị tiêu chảy không cầm được, mỗi đêm phải đi vệ sinh hơn chục lần, ban ngày thì bảy, tám lần. Tôi dù người rộc rạc hẳn đi, nhưng trạng thái tinh thần lại rất tốt, vẫn kéo được xe tải lên núi đến doanh trại tên lửa mỗi ngày. Sau đó, quản giáo Đoạn Kế Bình biết chuyện, ông ta bảo các phạm nhân nghiện ma túy đẩy tôi xuống, dùng thìa inox cạy răng tôi rồi cưỡng chế đổ thuốc vào, họ cạy long cả răng tôi ra, nhưng không đổ được thuốc vào, cuối cùng thuốc bị bắn hết ra ngoài. Việc này kéo dài hơn 40 ngày.
Một lần khác, trong lúc tôi ngủ, họ lấy trộm mất cuốn sách nhỏ in “Hồng Ngâm” của Sư phụ mà tôi mang bên mình. Đây là cuốn sách mà tôi phải đọc và học thuộc hàng ngày. Tôi lại tuyệt thực để phản đối đến hơn chục ngày. Giám đốc trại lao động từng lên núi, nhìn tôi rồi bỏ đi mà không nói lời nào. Sau này, tôi được chuyển sang Trung đội 1, rồi ngay sau đó lại từ Trung đội 1 lên Đại đội 5.
Khi tôi ở Trung đội 1, tôi bị một tên nghiện ma túy giật mất chiếc áo len khi kiểm tra túi đồ, dù lúc đó cảnh sát đứng ngay trước mặt. Chiếc áo len đó là bố mẹ vợ tôi mua cho lúc từ Tân Cương đến Bình An Đài thăm vợ chồng tôi, không ngờ nó lại bị nhóm người nghiện ma túy giật mất ngay trước mặt cảnh sát. Tôi bèn phản ánh sự việc này với quản lý khu giam Đái Hưng Long, nhưng ông ấy giả vờ sững ra một lúc, rồi lờ đi sự việc.
Đến Đại đội 5, họ thường giao những công việc bẩn thỉu và nặng nhọc nhất cho các học viên Đại Pháp. Có lần đi gom phân, chúng tôi phải phải lấy phân trong nhà vệ sinh mang ra đồng, rồi phủ đất lên trên, làm thành từng đống vuông để ủ cho lên men, họ cho mấy đệ tử Đại Pháp chúng tôi làm việc đó. Đến giờ ăn trưa, tay chúng tôi dính đầy phân mà không được cho nước để rửa. Trong lúc tôi đang do dự, đồng tu Tống Diên Chiêu nhìn thấy, bèn bảo tôi: “Thứ này cũng không bẩn lắm đâu, so với nhân tâm của một số người bây giờ còn xa mới bằng.” Lời nói của anh ấy đã thức tỉnh tôi, tôi lập tức bỏ tâm sợ bẩn, và cầm lấy chiếc bánh bao hấp ăn.
Còn có lần, chúng tôi ra kênh xách nước đi tưới đất, tên nghiện ma túy giám sát công việc tay cầm ba chiếc gậy gỗ, anh ta bảo chúng tôi phải chạy đi, động tác chậm quá, rồi vung gậy đánh trúng người chúng tôi. Tôi nghĩ: không thể phối hợp với yêu cầu của tà ác được, rồi tôi từ từ múc nước lên. Tôi bị anh ta đánh một gậy, nên qua lý luận với anh ta, rồi anh ta không dám đánh tôi nữa. Có lần, ban quản lý kiểm tra chế độ “Năm hiện đại hóa”, các học viên Đại Pháp không ai thuộc. Lúc đồng tu Lục Bảo Lương bị kiểm tra, anh dõng dạc nói với trưởng ban quản lý Đái Hưng Long: “Đệ tử Đại Pháp không học thuộc chế độ ‘Năm hiện đại hóa’.”
Xem ngụy án “Tự thiêu Thiên An Môn” trong trại lao động
Lúc 7 giờ tối ngày 23 tháng 1 năm 2001, đại đội thông báo có “tin tức quan trọng”, và yêu cầu cả tập thể phải xem TV. Tôi bị hai nhân viên bảo vệ ép lên hàng ghế đầu và đẩy xuống đất ngồi. Tôi biết tà ác lại ngụy tạo và phỉ báng Đại Pháp, bèn ngồi xuống đất nhắm mắt dưỡng thần. Ai dè, cảnh sát lại ra lệnh cho tù nhân lật mí mắt tôi lên cho lộ con ngươi ra, tôi bèn khua khua gạt tay họ ra. Đúng lúc ấy, TV phát sóng vụ dàn dựng “tự thiêu Thiên An Môn”. Đồng tu Thân Thế Dũng đứng bật dậy, sảng sảng nói rằng tự tử là có tội, Đại Pháp yêu cầu người tu luyện không được sát sinh hay tự sát, lập tức vạch trần “người tự thiêu” kia không phải là người tu luyện Đại Pháp. Đồng tu Thân Thế Dũng bị cảnh sát cưỡng bức đưa đến văn phòng của đại đội và trói bằng một sợi dây rất mảnh trong hơn một giờ. Lúc này, đồng tu Sài Cường cũng đứng lên giải thích cho họ.
Sau khi vụ dàn dựng “tự thiêu Thiên An Môn” được phát sóng, Trại Lao động Bình Đài bắt đầu đàn áp các học viên Đại Pháp càng tàn nhẫn hơn. Dưới sự chỉ đạo bí mật của viên cảnh sát đại đội trưởng tà ác Mã Vũ, họ cùm tay đồng tu Kim Cát Lâm trong tư thế hai tay vòng qua một chân, để anh không đứng, không đi lại được. Đồng tu Vương Mậu Lâm thì bị còng tay ra sau lưng và treo lên dây phơi quần áo, đồng thời ra lệnh cho những người nghiện ma túy đấm mạnh vào bụng anh, khiến anh không tự chủ được đại tiểu tiện.
Cái chết của đồng tu Tiền Thế Quang
Khi đó, đồng tu Tiền Thế Quang đã 60 tuổi. Họ đánh đập ông cho đến khi mặt ông biến dạng, phải nhập viện mấy lần. Đồng tu Tiền Thế Quang có tín niệm thuần chân, kiên định, mỗi khi đến nơi đông người hay gặp đại đội khác đi qua, ông liền hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” “Pháp Luân Công hảo!”, giọng nói vang vọng khắp thiên vũ, có sức chấn nhiếp tà ác thức tỉnh chúng sinh. Bởi vậy, mỗi lần như thế, đồng tu Tiền Thế Quang lại bị đánh rất tàn độc, nhưng ông không hề vì thế mà bị lay chuyển ý chí. Ông từng nói: Dù ở đâu, tôi cũng phải nói với thế nhân rằng “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Ông nói vậy và cũng làm như vậy.
Lúc còn ở ngoài, đồng tu Tiền Thế Quang lúc nào cũng mang theo tài liệu giảng chân tướng Đại Pháp và áp phích dính có in chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Ông đi tới đâu là giảng chân tướng Đại Pháp ở đó; đi đến đâu là áp phích chân tướng Đại Pháp được dán ở đó. Có một lần đang phát tài liệu giảng chân tướng, gặp phải kẻ ác, đồng tu Tiền Thế Quang đã phát chính niệm đối đầu với kẻ ác hơn bốn giờ đồng hồ liền để thanh trừ các nhân tố tà ác ở các không gian khác, khiến kẻ ác đi chỗ khác để có thể trốn thoát.
Sau đó, ông bị bắt cóc và đưa đến Trung tâm Tẩy não Cung Gia Loan. Lúc tính mạng rơi vào tình trạng nguy kịch, ông không nói được, chỉ nằm liệt giường, nhưng vẫn không quên đến giờ là dùng cành cây gõ nhẹ vào thành giường để nhắc các đồng tu phát chính niệm đúng giờ. Tiền Thế Quang làm gì cũng nghiêm túc, khi đọc kinh văn của Sư tôn, ông không bao giờ bỏ qua một dấu chấm phẩy nào, ông thường nói rằng dấu câu trong kinh văn của Sư phụ cũng là Pháp, đối với Pháp phải có tâm kính ngưỡng. Sau đó, ông bị bức hại thời gian dài tại Trung tâm Tẩy não Cung Gia Loan, đồng tu Tiền Thế Quang đã qua đời.
Cái chết của đồng tu Tống Diên Chiêu
Đồng tu Tống Diên Chiêu bị đánh đến nỗi mặt biến dạng, năm xương sườn bị gãy. Vậy mà mỗi ngày ra ngoài lao động, cảnh sát tà ác vẫn bắt anh phải kéo xe tải chở bốn, năm bệnh nhân ra tận ngoài đồng. Đại đội 5 trồng rau trong nhà kính, đến nhà kính, lính canh Bao Bình lệnh cho hai tù nhân treo tay Tống Diên Chiêu lên dây điện của nhà kính và đánh anh tàn độc. Khi chúng tôi nói Tống Diên Chiêu đang bị gãy xương sườn, cần phải đến bệnh viện kiểm tra, thì lại kích động cảnh sát Khang Sỹ Thành, Vương Văn Xương, Bao Bình và các cảnh sát tà ác khác bức hại anh càng tàn khốc hơn. Khang Sỹ Thành nói với Tống Diên Chiêu: Nghe nói xương sườn của mày bị gãy, lại đây, bọn tao chữa cho. Thế rồi, chúng quăng Tống Diên Chiêu xuống đất, dùng tay day siết vào chỗ bị gãy của Tống Diên Chiêu, khiến anh phải hét lên vì đau đớn.
Đồng tu Trương Lộ Thiền chất vấn chúng: Sao các anh nỡ làm vậy với một người bị gãy xương, nhưng câu nói đó lại kích động một cảnh sát lưu manh tên Hoàng chế nhạo anh: Trương Lộ Thiền, tao thấy mày học đại học vô ích rồi, mày không biết xoa bóp rất tốt cho bệnh nhân sao? Cảnh sát Khang Sỹ Thành, Vương Văn Xương và những người khác càng cao giọng: Tôi không tin bọn chúng không sợ chết. Tống Diên Chiêu bị bức hại một mạch đến chết, nhưng trước sau vẫn giữ vững chính tín với Đại Pháp. Lúc sắp mất mạng, anh vẫn xếp bằng đả tọa.
Sau khi Tống Diên Chiêu bị bức hại đến chết, cảnh sát Mã Vũ bị cách chức đại đội trưởng và điều chuyển sang đại đội 2 làm phó đại đội trưởng. Các quản giáo của Đại đội 5 cũng bị điều sang các đại đội khác. Khang Sỹ Thành không còn ngông cuồng nữa, Vương Văn Xương sang trạm lao động để trông coi lao động, Bao Bình bị quả báo rơi từ bức tường của nhà kính xuống mà gãy chân.
Bắt đầu phát chính niệm phản bức hại
Mã Quân Ngạn, từng được bầu chọn làm một trong mười thanh niên xuất sắc nhất của thành phố Bạch Ngân, cũng bị giam giữ phi pháp ở đây (vợ anh bị giam giữ phi pháp trong đội nữ), anh từng được ban lãnh đạo Sở Điện lực Thành phố Bạch Ngân chọn làm ứng viên ở vị trí thứ ba. Anh là người khiêm tốn, đối xử với mọi người nhiệt tình, chân thành, đi đâu cũng để lại tiếng tốt. Giám đốc cũ của Sở Điện lực đã nhiều lần đến Bình An Đài thăm anh. Đối với Đại Pháp, anh có tín tâm kiên định không gì có thể lay chuyển.
Tôi bị một tên nghiện ma túy có biệt danh là “Cậu Điếc” kéo vào nhà vệ sinh và đánh đập dã man, sau đó, mấy người bọn họ kéo ngược hai tay tôi ra sau lưng, khiến ngực tôi như bị xé toạc. Đến lúc cổ tay tôi căng hết mức, họ lấy dải vải buộc cổ tay tôi lại để cố định cho còng tay không bị trượt xuống. Rồi họ treo còng tay lên dây phơi quần áo, còng cổ tay tôi và siết chặt còng để giữ cho cố định, tôi bị treo lên dây phơi như thế trong tư thế hai tay bị còng ra sau lưng. Lúc ấy, tay tôi tê dại, mất hết cảm giác. Tôi nghĩ bụng, cái mà mấy phạm nhân nghiện ma túy gọi là “rộng lớn” chẳng qua chỉ là thế này thôi, hình thức tuy hung hiểm, nhưng tôi vẫn có thể kiên trì.
Nào ngờ tên phạm nhân nghiện ma túy tà ác đó lại lôi còng tay chạy, tôi bị nghiêng người sang một bên mà kiễng chân chạy theo hắn. Dây phơi quần áo đoạn giữa thì thấp hơn, ở hai đầu chỗ ụ xi măng thì cao hơn, đến ụ xi măng, ngón chân tôi gần như bị nhấc khỏi mặt đất, cánh tay đau nhức thấu xương. Hết một vòng, đầu tôi đầm đìa mồ hôi. Chỉ cần bị kéo qua kéo lại như thế này là toàn thân tôi đã nhũn ra, không đứng được nữa. Tôi bị treo như vậy hơn 40 phút, đến lúc được hạ xuống, họ nhấc tôi lên, ra sức xoa bóp hai cánh tay tôi, tôi mới dần dần có cảm giác trở lại. Nhiều ngày sau đó, cổ tay và cánh tay vẫn tê dại.
Sau khi Tống Diên Chiêu bị tra tấn đến chết, tâm trạng của tất cả các đồng tu trong Đại đội 5 đều có phần suy sụp. Khi chúng tôi bị dội gáo nước lạnh, tôi rủ một số đồng tu tuyệt thực để phản đối, nhưng các đồng tu lúc đó bị sợ hãi hơn nên không làm ra một cuộc tuyệt thực tập thể.
Sau đó, khi các đồng tu ở bên ngoài tới thăm chúng tôi, họ chuyển thông tin rằng Ban Biên tập Minh Huệ yêu cầu các đệ tử Đại Pháp phát chính niệm trừ sạch nhân tố tà ác ở các không gian khác. Tôi cùng đồng tu Trương Phong bàn rằng khi phát chính niệm, nhất định phải ngồi dậy để phát chính niệm cho tốt, kết nối đồng thời với các học viên khác. Tôi nhớ lúc phát chính niệm 6 giờ sáng, các đồng tu đều chủ động phối hợp cùng phát chính niệm. Sự việc này lại khiến cả đại đội kinh hãi, nhưng lần này họ không dám có bất kỳ hành động gì.
Bắt đầu khôi phục luyện công tập thể
Lúc ấy, tôi thấy các đồng tu đều đã khởi chính niệm, bèn đề xuất mọi người luyện công tập thể, khai sáng hoàn cảnh. Thế là, chúng tôi bắt đầu luyện công lúc 5 giờ sáng. Sáng đầu tiên luyện công, kẻ ác không dám cản trở quá đáng, đến buổi tối, đại đội trưởng mới Trịnh Kế Quang gọi tôi ra nói: Chỉ cần anh không công khai luyện công, anh về đi ngủ, thì chúng tôi sẽ không xử lý gì anh. Tôi đã khước từ anh ta, nói: Không thể được! Tôi bị vào đây vì luyện công, công pháp tốt như vậy, sao lại không được luyện?! Tôi vẫn phải luyện! Anh ta nói với tôi: Lý Văn Minh, anh được đằng chân lân đằng đầu, từ hậu trường lên sân khấu, cuối cùng dám tay không ra trận, đi đi. Họ nhốt tôi trong một khoảnh sân nhỏ đầy cát sỏi, rồi cho bốn phạm nhân nghiện ma túy vây quanh và phái hai cảnh sát túc trực. Họ còng tay tôi ra sau lưng và cột vào khung giường, tôi bèn bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại.
Lại phản bức hại bằng một đợt tuyệt thực nữa
Sáng hôm sau, lại có mấy đồng tu nữa bị đưa vào và bị còng tay sau lưng và vào khung giường giống tôi. Đến ngày thứ ba, đồng tu Ngưu Vạn Giang cũng bị đưa tới. Lúc này, giám đốc trại lao động Tằng Lệnh Phong và một số cảnh sát lại đến Đại đội 5. Sau khi họ tới thăm, một cảnh sát chỉ vào tôi và nói một cách chế nhạo: Người này nhìn như “gian thần”. Vì Đại đội 5 giam giữ một số học viên Đại Pháp, trong lực lượng cảnh sát của họ không đủ, nên một số cảnh sát từ ban giáo dục và ban quản lý đã được điều động đến hỗ trợ Đại đội 5 tiến hành bức hại, trong đó có cả cựu đại đội trưởng của Đại đội 3, bấy giờ đã là thư ký Ủy ban Kỷ luật trại lao động. Thế là hoạt động sản xuất của đại đội 5 cũng rơi vào tình trạng nửa hoạt động nửa đình lại.
Một hôm, trưởng ban giáo dục muốn nói chuyện với tôi, tôi nói: nói chuyện cũng được, nhưng phải là trao đổi bình đẳng, nếu không thì đừng nói. Họ bảo phạm nhân nghiện ma túy bê chiếc ghế tựa nhỏ tới, pha cho tôi một tách trà, rồi chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Đương nhiên cũng không có kết quả thực chất gì, tôi đã xác định sẵn trong tâm như thế rồi (sau này tôi mới ngộ ra cái tâm thái ấy là không đúng) – vì tôi một mực muốn luyện công, khai sáng hoàn cảnh, trong khi họ một mực không cho luyện công, còn các phương diện khác thì có thể trao đổi được.
Lúc đó còn có Trương Phong và các đồng tu khác cũng tuyệt thực cùng tôi. Tuyệt thực đến ngày thứ ba, họ đưa chúng tôi đến bệnh viện để bức thực. Hai tuần sau, họ lần lượt thả từng học viên, cuối cùng chỉ còn lại mình tôi, họ giam tôi vào Trung đội 1 của Đại đội 5 (cả trung đội đã đi làm, phòng giam trống hoắc). Họ còng tay tôi vào cái ghế tựa, khiến tôi chỉ có thể ngồi xổm, một tuần sau họ mới thả tôi ra.
Khi tôi quay lại Trung đội 2, một trung đội trưởng họ Vương nói với tôi: Thời gian còn lại của anh (ý chỉ thời gian ở Trại Lao động Cưỡng bức Bình An Đài) không còn lâu nữa. Anh cứ ngồi yên đây, đợi đến lúc anh được ra, tôi sẽ đưa anh ra khỏi Bình An Đài. Tôi nói với anh ấy: Tôi vốn chẳng có gì sai cả, chính các anh có người không muốn để tôi ngồi yên thôi.
Sau đó, chúng tôi lại phản bức hại nhiều lần nữa: không tham gia lao động sản xuất của họ, không điểm danh, không báo cáo số sản phẩm, không hợp tác với công tác quản giáo của họ. Cho đến một hôm, Đại đội trưởng Trịnh Kế Quang nói với tôi rằng anh ta muốn tổ chức một hội thảo về thực thi pháp luật một cách văn minh để tất cả các học viên Pháp Luân Công ở Đại đội 5 và cảnh sát ở bộ phận của anh ta tham gia.
Tại hội thảo, đồng tu Trương Vinh và các đồng tu khác đã vạch trần việc các đệ tử Đại Pháp đã bị bức hại như thế nào, Tống Diên Chiêu đã bị bức hại đến chết như thế nào. Tại cuộc họp này, đại đội trưởng Trịnh Kế Quang về cơ bản đã đảm bảo rằng trong nhiệm kỳ của ông sẽ không xuất hiện việc đánh đập, nhục mạ các học viên Pháp Luân Công nữa. Từ đó trở đi, hoàn cảnh ở Đại đội 5 về cơ bản đã được khai sáng. Chúng tôi có thể ngầm truyền tay nhau kinh văn của Sư phụ, học Pháp, học thuộc Pháp, và chia sẻ với nhau mà không bị can nhiễu, một số người nghiện ma túy thậm chí còn giúp chúng tôi cất giữ kinh văn.
Tuy nhiên, vẫn có phạm nhân nghiện ma túy chưa nhận thức ra, thừa lúc đêm hôm đã dậy lấy trộm kinh văn tôi giấu trong người, rồi đem tới cảnh sát báo công. Vì đòi anh ấy trả kinh văn mà tôi đã to tiếng với anh ta, khiến đại đội trưởng trực ban đêm biết chuyện. Đại đội trưởng liền khiển trách tôi, tôi cũng cảm thấy chuyện này làm hơi quá, nên không nói gì.
Sau đó, đại đội trưởng nói: Chẳng phải các anh đều thuộc hết rồi sao? Còn mang bên mình làm gì nữa? Đồng tu Thân Thế Dũng cũng giúp tôi đòi lại kinh văn từ quản giáo Lôi Kim Bình, nhưng cũng không đòi lại được. Tôi ngộ ra rằng, lúc ấy, nếu tôi điều chỉnh tâm thái của mình, không gây kinh động lớn như vậy thì đã lấy lại được kinh văn rồi. Sau đó, phạm nhân nghiện ma túy lấy trộm kinh văn đã bị cảnh sát (trung đội trưởng) trực đêm đó kiếm cớ đánh cho một trận nhừ tử, bảo anh ta lắm chuyện, nên cũng không cho anh ta trực đêm nữa, mà cho ra ngoài đi làm cùng đại đội cả ngày. Vốn dĩ chân anh bị tàn tật nên mới được cho trực ca đêm. Giờ cả vị trí trực đêm cũng bị mất, còn bị ăn một trận đòn nữa.
Hết bị bức hại trong trại lao động, lại bị giam vào bệnh viện tâm thần
Tháng 12 năm 2001, tôi được ra khỏi Trại Lao động Cưỡng bức Bình An Đài thì lại bị xe của Nhà máy Xe máy Lan Châu đưa đến phòng bảo vệ của nhà máy, rồi lại bị giám sát tiếp mà không được trả tự do.
Lúc ấy, tôi nghe nói nhà tôi ở Lâm Gia Trang sắp bị di dời, tôi bèn đề xuất được về xem nhà, nhưng họ không cho đi. Khi vợ tôi biết tôi bị giám sát phi pháp ở nhà máy, cô ấy cũng gọi điện cho lãnh đạo nhà máy để dò hỏi. Sau lần chất vấn của vợ tôi và sự phản đối của bản thân tôi, họ đã đưa tôi đến Trung tâm Tẩy não Hoa Lâm Bình ở quận Thất Lý Hà, thành phố Lan Châu để cưỡng bức tẩy não. Đây là Trung tâm Phục hồi Y học Cổ truyền tỉnh Cam Túc, tầng bốn là dành cho bệnh nhân tâm thần, toàn bộ cửa sổ và hành lang đều hàn song sắt, dưới chân cầu thang có một cánh cửa sắt lớn, toàn bộ được bố trí không khác gì nhà tù. Họ ký hợp đồng thuê trọn chỗ này làm trung tâm tẩy não để cưỡng bức chuyển hóa các học viên Đại Pháp.
Đến đó, tôi lại yêu cầu được về Lâm Gia Trang thăm lại ngôi nhà sắp bị phá dỡ, nhưng họ vẫn không cho. Để phản đối việc bị bắt, tôi bắt đầu tuyệt thực. Sau đó, tôi phát hiện ra có khả năng trốn thoát nên đã dừng tuyệt thực, ngày nào cũng quan sát địa hình qua cửa sổ. Đến lúc tôi hồi phục thể lực thì cũng đúng lúc giáp Tết 2002, bệnh viện rất vắng người, nhân viên y tá thì tất bật chuẩn bị Tết ở nhà. Tôi thấy thời cơ đã đến, rồi dưới sự gia trì của Sư phụ, dưới sự bảo hộ của Đại Pháp, tôi đã bẻ gãy những thanh sắt hàn vào cửa sổ, rồi nhảy từ tầng bốn xuống và trốn thoát thành công. Sau khi tôi trốn thoát, Sở Công an thành phố Lan Châu đã dán thông báo ở khắp các cửa khẩu Lan Châu, treo thưởng 50.000 nhân dân tệ cho ai bắt được tôi, còn lập chốt giám sát trước tòa nhà nơi tôi ở và túc trực trước nhà bạn bè, người thân của tôi, hòng bắt tôi.
Xem tiếp Phần 2
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/1/441663.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/12/216177.html
Đăng ngày 19-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.