Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-12-2023] Một cựu quản lý tại Ngân hàng Trung Quốc ở thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt năm lần và bị giam giữ trong hơn bảy năm.

Bà Phó Tuyết Băng, 52 tuổi, tu luyện Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện cả tâm lẫn thân truyền thống bị bức hại ở Trung Quốc từ tháng 7 năm 1999. Nhằm nỗ lực ép bà từ bỏ đức tin của mình, chính quyền đã bắt giữ bà vào các năm 2005, 2008, 2010, 2012 và 2014; lục soát nhà bà; và tịch thu tài sản của bà. Bà liên tục bị giam giữ và tra tấn. Sau lần bị bắt gần đây nhất vào năm 2014, bà bị kết án 7 năm tù và được thả vào đầu tháng 6 năm 2020.

Ngoài việc bị bắt và giam giữ, bà Phó còn nhiều lần bị phạt vì không gọi cho cấp trên để báo cáo về nơi ở của mình. Bà đã làm việc tại ngân hàng 16 năm, nhưng cuối cùng khi bị sa thải, bà không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào. Cảnh sát tiếp tục theo dõi và sách nhiễu bà và gia đình bà.

Nhiều lần bị bắt giữ và bị giam giữ

Bà Phó là một nhà quản lý tiền sảnh xuất sắc tại Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Mai Châu. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, những người giám sát bà thường xuyên sách nhiễu và gây áp lực để buộc bà phải ngừng tu luyện.

Tháng 12 năm 2005, bà Phó phát tờ rơi có thông tin về Pháp Luân Công và cuộc bức hại trong khu phố của mình. Vì thế mà cảnh sát đã bắt giữ và thẩm vấn bà tại Đồn Cảnh sát Tân Trung. Cảnh sát đã đưa bà về nhà, lục soát nơi ở và tịch thu các sách Pháp Luân Công của bà. Họ giam giữ bà tại Sở Cảnh sát Quận Mai Giang trong hai ngày.

Năm 2008, sau khi biết bà Phó nói chuyện với đồng nghiệp và khách hàng của mình về cuộc bức hại, cấp trên đã ép bà phải xem các video vu khống Pháp Luân Công. Họ bắt bà viết báo cáo hối lỗi hai lần một tháng và yêu cầu mỗi tối bà phải gọi cho người giám sát của mình bằng điện thoại cố định. Vào những ngày nghỉ, bà phải gọi điện ba lần một ngày. Bà cũng phải báo cáo cho họ mỗi khi ra ngoài. Mỗi lần không tuân thủ, bà bị phạt 100 Nhân dân tệ, tổng số tiền phạt lên tới 1.100 Nhân dân tệ trong 8 ngày. Thư ký Ủy ban Kỷ luật của ngân hàng đe dọa sẽ đưa bà vào một trung tâm tẩy não nếu bà tiếp tục không tuân thủ.

Bà Phó từ chối hợp tác và thực hiện các cuộc gọi, và các đặc vụ của Phòng 610 Quận Mai Giang đã bắt bà vào ngày 15 tháng 5 năm 2008 và đưa bà vào Trung tâm Tẩy não Giang Nam ở thành phố Mai Châu. Bà trốn thoát ba ngày sau đó và buộc phải sống xa nhà để trốn tránh chính quyền. Hai tháng sau, vào ngày 6 tháng 8, ngân hàng chấm dứt hợp đồng lao động của bà và thông báo bà đã “nghỉ việc”.

12 cảnh sát đã theo bà Phó đến nha sỹ hôm 25 tháng 3 năm 2010 và bắt bà trong khi bà đang được điều trị. Khi bà hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, một cảnh sát đã tát bà. Họ lấy chìa khóa của bà và đột nhập vào nhà bà. Sau khi lục soát nhà và tịch thu máy tính, đĩa CD và các sách Pháp Luân Công của bà, họ đã đến nhà bố mẹ chồng và bố mẹ ruột của bà. Họ lục soát cả hai nơi và tịch thu một máy tính xách tay, ổ cứng dự phòng cùng hơn 10 cuốn sách Pháp Luân Công, một số đĩa DVD và tiền mặt.

Các cảnh sát đã đưa bà đến Trại tạm giam Cần Dương vào chiều hôm đó. Lính canh xúi giục những tù nhân đang bị giam giữ lột đồ và lục soát người bà. Ngày hôm sau, một lính canh kéo tóc bà và bắt bà phải chụp ảnh. Bà bị còng tay và cùm chân.

b13f9b3abc9b6f1d071e24eb25f0966a.jpg

Minh hoạ cảnh tra tấn: Cùm chân

Một hôm, bốn đặc vụ từ Phòng 610 đưa bà vào một chiếc xe hơi và trùm đầu bà bằng một túi nhựa màu đen khiến bà khó thở. 15 phút sau đó, bà bị đưa đến phòng cách ly và bị còng tay vào ghế cọp. Ba người đã thẩm vấn bà suốt ngày đêm. Bốn ngày sau, họ đưa bà ra khỏi ghế cọp và còng tay bà trong tư thế một cánh tay vòng qua vai cột với tay kia kéo lên từ sau lưng. Một lính canh siết chặt còng tay để gia tăng sự đau đớn. Họ nỗ lực bắt bà phải giẫm và ngồi lên những bức ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công, nhưng bà từ chối. Đêm đó, họ thổi khói thuốc vào mắt bà và cấm bà ngủ trong khi bà bị siết chặt còng tay. Việc này diễn ra trong năm ngày. Khi bà trở lại trại tạm giam, cơ thể bà bị biến dạng và những người trong trại giam hầu như không thể nhận ra bà.

Sau khi bị tra tấn một tháng trong trại tạm giam, bà bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Tam Thủy. Bà bị đưa vào một phòng biệt giam, ở đó bà bị theo dõi suốt ngày đêm. Hàng ngày bà phải xem các video và đọc các tài liệu vu khống Pháp Luân Công và nhà sáng lập Pháp Luân Công. Bà bị buộc phải viết “báo cáo tư tưởng”, cam kết từ bỏ Pháp Luân Công và hối lỗi về việc tu luyện của mình, đồng thời phải mô tả xem bản thân đã thay đổi suy nghĩ như thế nào. Bà được thả vào cuối tháng 8 năm 2010.

Sáng ngày 21 tháng 5 năm 2012, cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính xách tay (sau đó đã được trả lại), điện thoại di động và máy nghe nhạc MP4 của bà. Bà bỏ trốn cùng đứa con gái sáu tháng tuổi của mình. Gia đình bà bị theo dõi suốt ngày đêm, và họ lo lắng cho bà và đứa bé. Vài tháng sau khi bà đến nơi ở của chồng ở thành phố Đông Quản, cảnh sát đã đến đó và bắt giữ bà. Họ đưa bà và đứa bé trở lại thành phố Mai Châu vào ngày 26 tháng 10 năm 2012.

Bản án bảy năm tù

Bà Phó tìm được một công việc trong một cửa hàng bán phụ tùng ô tô. Chiều ngày 23 tháng 4 năm 2014, trong khi bà đang làm việc, cảnh sát đã đến và bắt giữ bà. Họ lục soát nhà bà và giam giữ bà tại trại tạm giam Phù Đại ở quận Mai Huyện trong 7 tháng, cho đến tháng 11. Ngày 19 tháng 9, bà bị Tòa án Quận Mai Giang kết án 7 năm tù và đến ngày 19 tháng 12 năm đó bà chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Quảng Đông.

Bà bị đưa vào khu Số 4 trong nhà tù, ở đây có hai đến ba tù nhân khác theo dõi bà suốt ngày đêm. Các tù nhân đã ghi lại tất cả những gì bà nói và làm vào một cuốn sổ tay, kể cả việc bà sử dụng nhà vệ sinh vào nửa đêm, và báo cáo các hoạt động của bà cho một lính canh chuyên bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Mỗi tháng bà bị cấm ngủ trong năm ngày. Ban ngày, bà phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối và phải đọc, học thuộc lòng và viết những điều vu khống Pháp Luân Công. Để hủy hoại ý chí của bà và bắt bà viết hối quá thư và cam kết từ bỏ đức tin của mình, họ cấm bà nói chuyện với bất cứ ai và bà không được phép rời khỏi phòng giam trong tám tháng. Bà gần như rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần.

Sau đó, vào tháng 8 năm 2015, bà bị đưa vào khu 6 và ở đó bà phải làm công việc lao động nặng nhọc. Một lần, các lính canh phát hiện ra rằng bà đã viết các ghi chú và gom chúng vào hàng chục tệp. Trong các ghi chú, bà mô tả việc chức trách nhà tù tra tấn các học viên và bắt các tù nhân phải làm việc thêm giờ như thế nào. Lính canh đã giám sát chặt chẽ bà trong 2 năm tiếp theo. Trong 3 tháng, lính canh đã thẩm vấn bà suốt ngày đêm và sử dụng biện pháp cực đoan và tàn bạo để tẩy não bà.

Bà trở nên hốc hác và sức khỏe ngày càng xấu đi. Bà được thả vào tháng 6 năm 2020.

Thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu

Sau khi bà ra tù, cảnh sát địa phương thường xuyên sách nhiễu bà và người thân cao tuổi của bà. Bà cảnh báo cảnh sát rằng hành vi của họ là không hợp pháp, và cố gắng ngăn họ chụp ảnh và quay video về bà và gia đình bà. Bà cũng từ chối ký bất kỳ giấy tờ nào.

Tháng 6 năm 2021, một người từ Phòng 610 Quận Mai Giang và một cảnh sát đã yêu cầu gặp bà tại ủy ban khu dân cư của bà.

Ba cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Giang Nam đã đến nhà bà ba lần. Trong một lần đến nhà, họ đã khủng bố tinh thần người cha 75 tuổi của bà khi ông đang ở nhà một mình và sau đó ông gần như không thể ăn được.

Kể từ tháng 10 năm 2023, các cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Giang Nam thường xuyên yêu cầu bà gặp họ. Bà cảnh báo họ: “Tôi là một công dân tuân thủ pháp luật và không làm gì sai phạm. Các anh đang quấy rối tôi. Bố mẹ tôi đã gần 80 tuổi và bố mẹ chồng tôi cũng đã 86 tuổi đang phải sống trong nỗi sợ hãi và lo lắng vì sự quấy rối thường xuyên của các anh”. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu họ và nói rằng cấp trên của họ đã đưa cho họ một danh sách các học viên mà họ phải gặp trực tiếp.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/26/469823.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/11/214258.html

Đăng ngày 31-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share