Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-12-2023] Bà Lưu Văn Chi , một bà lão 76 tuổi sống ở thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt vào tháng 4 năm 2002 và bị kết án ba năm lao động cưỡng bức chỉ bởi tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đang bị bức hại bởi chính quyền cộng sản Trung Quốc từ năm 1999.

Ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia (hiện không còn tồn tại), bà Lưu bị cấm ngủ, còng tay và cùm vào cột trong phòng, cũng như buộc phải đi vệ sinh trong quần. Để che đậy mùi hôi, lính canh quấn người bà bằng tấm nhựa và trói tay chân bà. Sau nhiều tuần bị tra tấn, tinh thần bà suy sụp đến mức không nhận ra gia đình mình. Thêm nữa, người bà đau dữ dội ở lưng khiến bà không thể đi lại bình thường. Hiện nay, bà vẫn phải dùng khung tập đi để đi lại và bị gù lưng. Trạng thái tinh thần của bà vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Đầu tháng 12 năm 2023, bà Lưu đã đệ đơn kiện Tô Cảnh, cựu giám đốc Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia số 2, vì đã khiến bà phải chịu đau khổ lớn lao về thể chất và tinh thần.

6cb507a2df7bbd8ce292ff4874e92aed.jpg

Bà Lưu Văn Chi.

Dưới đây là đơn kiện của bà Lưu. Đơn được gửi lên Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát thành phố Hồ Lô Đảo, Viện kiểm sát thành phố Thẩm Dương, Phòng công an thành phố Hồ Lô Đảo, Phòng công an thành phố Thẩm Dương và Phòng công an quận Long Cương ở thành phố Hồ Lô Đảo. Thẩm Dương là thành phố thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh.

Đơn tố cáo

Nguyên đơn: Lưu Văn Chi, nữ, dân tộc Hán, Địa chỉ: Số 114, tổ 1, thôn Ngưu Doanh Tử, đường Bắc Cảng quận Long Cảng thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh

Bị đơn: Tô Cảnh, cựu giám đốc Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia số 2

Khiếu nại

Tôi, một nông dân, tinh thần suy sụp sau khi bị tra tấn tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Tôi không thể tự đi lại được. Tôi cũng bị gù lưng. Bây giờ tôi nộp đơn kiện Tô Cảnh, buộc bà ta phải chịu trách nhiệm về việc cố ý gây thương tích cho tôi, ngược đãi những người bị giam giữ, lạm dụng quyền lực và tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của tôi. Tôi yêu cầu bà ta bồi thường cho tôi những tổn thất tài chính và đau khổ về tinh thần.

Sự thật và nguyên nhân

Tôi tên là Lưu Văn Chi. Năm nay tôi 76 tuổi. Tôi sống ở thôn Ngưu Doanh Tử, đường Bắc Cảng, quận Long Cảng, thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh. Ngày 14 tháng 4 năm 2002, Vương Sách, lãnh đạo Đồn công an Tráo Lạp Đầu Tử Tiêu, dẫn một số công an đột nhập vào nhà tôi và tịch thu các sách Pháp Luân Công và đồ dùng cá nhân khác của tôi. Khi tôi đến đồn công an để yêu cầu trả lại sách vào ngày hôm sau. Thay vì trả lại sách của tôi, Vương đã bắt và giam tôi trong 15 ngày, trước khi chuyển tôi đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia để thụ án ba năm.

Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia giống như địa ngục trần gian. Vì tôi không chịu từ bỏ Pháp Luân Công nên lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân tra tấn tôi theo những cách sau:

– Họ đánh đập và tra tấn tôi trong một góc hẹp, tối tăm.

– Một số tù nhân dội nước lạnh vào người tôi cùng lúc.

– Họ không cho tôi ngủ suốt 23 ngày, và thay phiên nhau lăng mạ và sỉ nhục tôi.

– Sau 23 ngày, họ còng tay tôi vào cột và cùm chân tôi. Cổ tay và mắt cá chân của tôi bị rách và chảy máu.

– Để buộc tôi từ bỏ Pháp Luân Công, họ tăng cường tra tấn bằng cách không cho tôi sử dụng nhà vệ sinh và buộc tôi phải tiểu tiện trong quần. Không hài lòng với mùi hôi, họ quấn tôi bằng tấm nhựa và trói tôi lại. Họ còn dùng gậy gỗ đánh vào đầu tôi.

– Một ngày nọ, họ lột trần tôi và dọa quay phim tôi để quay một chương trình truyền hình. Tôi đã đấu tranh hết sức mình không để họ quay hình tôi.

Sau nhiều tuần bị tra tấn, tôi bị đau đớn dữ dội ở lưng và chân. Tôi không thể duỗi thẳng lưng hoặc đi lại. Sức khỏe của tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Để phản đối cuộc bức hại, tôi đã bắt đầu tuyệt thực. Sau bảy ngày, họ bắt đầu bức thực tôi. Tôi cố gắng chống cự nhưng nhanh chóng mất sức lực khi có nhiều người giữ tôi lại và bức thực tôi. Sau đó, tôi bắt đầu rơi vào trạng thái mê sảng và suy nhược vô cùng.

Không muốn tôi chết trong trại lao động, một lính canh đã gọi điện đến Đồn cảnh sát Tráo Lạp Đầu Tử Tiêu, yêu cầu công an đưa tôi về nhà. Tuy nhiên họ đã không đến và họ cũng không thông báo cho gia đình tôi về tình hình của tôi. Vài ngày sau, trại lao động gọi điện cho gia đình tôi và yêu cầu họ đến đón tôi ngay lập tức. Gia đình tôi đi ngay trong đêm đến trại lao động. Tôi đang cận kề cái chết và không còn nhận ra họ nữa. Bốn người khiêng tôi lên xe và đưa tôi về nhà.

Trước khi thả tôi ra, lính canh Vương và Đổng đã tống tiền gia đình tôi 497 nhân dân tệ. Họ viết tay biên lai: 3 nhân dân tệ cho phí đăng ký bệnh viện, 150 nhân dân tệ cho chi phí xe hơi, 198 nhân dân tệ cho phí khám bệnh, 134 nhân dân tệ cho việc ép ăn, và 12 nhân dân tệ cho bánh mì, cơm và cháo.

Khi trở về nhà, tôi bị mất trí và phát điên. Tôi không chịu mặc quần áo hoặc đi giày. Không né tránh người khác, tôi đi vệ sinh ở bất cứ đâu trong nhà, kể cả trên giường, trong phòng khách hay ngoài sân. Tôi đã ăn phân và uống nước tiểu của mình. Tôi đánh bất cứ ai cố gắng ngăn cản tôi và đập ghế lên mặt họ. Đôi khi tôi bỏ nhà đi, thậm chí vào lúc nửa đêm. Gia đình đã đưa tôi đến bệnh viện để điều trị. Tôi được xuất viện sau 17 ngày. Nhưng chỉ vài ngày sau, trạng thái tinh thần của tôi lại tái phát. Gia đình đưa tôi trở lại bệnh viện và tôi ở đó khoảng hai tháng. Tổng chi phí y tế là khoảng 20.000 nhân dân tệ.

Bất chấp tình trạng của tôi, bức hại vẫn tiếp diễn. Vào ngày 14 tháng 10 năm 2003, hơn 10 công an từ Đồn công an Tráo Lạp Đầu Tử Tiêu và Phòng 610 thị trấn Bắc Cảng đã xông vào nhà tôi. Họ nói đưa tôi đến Trại tẩy não Hưng Thành theo lệnh của cấp trên. Đến lúc đó, tình trạng của tôi đã hồi phục được một chút. Tôi từ chối đi và cố gắng lý luận với họ. Khi tôi trở nên lo lắng và xúc động, bệnh tâm thần của tôi lại bùng phát. Gia đình tôi lấy hồ sơ bệnh án của tôi ra và nói với công an: “Bà ấy đã bị bức hại đến mức phát điên. Chúng tôi đã chi 20.000 nhân dân tệ để chữa trị cho bà ấy. Bây giờ các ông muốn bắt bà ấy một lần nữa. Bây giờ bà ấy không thể chịu đựng thêm bất kỳ thương tổn nào. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu bà ấy lại bị bệnh nặng?”

Công an trả lời: “Nếu bà ấy bị bệnh trở lại, việc chữa trị cho bà ấy là trách nhiệm của các người. Sau khi bà ấy khỏe lại, chúng tôi vẫn sẽ bắt bà ấy. Chúng tôi không quan tâm đến bất cứ điều gì. Chúng tôi chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để bức hại Pháp Luân Công.” Gia đình tôi kiên quyết không cho phép công an bắt giữ tôi. Cuộc giằng co kéo dài đến tận buổi tối. Cuối cùng, một sĩ quan lẩm bẩm với các đồng nghiệp của mình: “Không phải trại lao động nói rằng họ không bao giờ đánh người sao? Rõ ràng là bà ấy trở nên như thế này là do bị tra tấn. Bà ấy vốn đã như vậy rồi nên việc mang bà ấy đi không phải là ý kiến hay, vì nó có thể gây ra tác động tiêu cực”. Sau đó họ rời đi.

Đối với một nữ nông dân bình thường như tôi, chỉ vì tôi giữ vững niềm tin vào [nguyên lý] “ Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Đại Pháp mà tôi phải chịu tra tấn tàn bạo như vậy. Có công lý không? Mặc dù trạng thái tinh thần của tôi đã được cải thiện nhưng tôi vẫn không thể duỗi thẳng lưng và phải dùng khung tập đi để di chuyển.

Câu chuyện của tôi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp tra tấn các học viên Pháp Luân Công tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Tôi nghe nói rằng Tô Cảnh, người đứng đầu Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia số 2, nhận được phần thưởng 50.000 nhân dân tệ vì những đóng góp của bà ta trong việc “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Bàn tay của bà ta vấy máu của các học viên Pháp Luân Công.

Bởi vì tôi vẫn chưa bình phục hoàn toàn nên tôi chỉ có thể nhớ lại một phần trải nghiệm bị bức hại của mình và cũng chia sẻ những điều gia đình đã kể với tôi.

Báo cáo liên quan:

Sau 23 ngày bị tra tấn ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, tinh thần một nữ nông dân bị suy sụp

Tra tấn các học viên Pháp Luân Công ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia (hiện không tồn tại) từ năm 2005 đến năm 2006

Danh sách những kẻ bức hại học viên Pháp Luân Công gửi đến chính phủ các nước Mỹ, Canada, Liên hiệp Anh, và Úc

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/12/被酷刑致残-刘文芝控告原马三家女二所所长苏境-469214.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/24/213467.html

Đăng ngày 11-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share