Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-08-2023] Tôi đã quay trở lại trại lao động nơi tôi từng bị giam giữ để phơi bày tội ác của nó trong việc tra tấn các học viên Pháp Luân Đại Pháp và ngăn các lính canh tù phạm điều xấu. Trong mắt của hầu hết mọi người, việc đi đến những nơi tà ác như thế để phơi bày tội ác và giảng chân tướng là cực kỳ nguy hiểm.

Tôi đã ngộ ra rằng Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) đã an bài sẵn sàng mọi thứ cho tôi và ban cho đệ tử của Ngài rất nhiều can đảm và trí huệ. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi Sư phụ đã an bài cho tôi thực hiện nhiệm vụ này thành công tốt đẹp.

Yêu cầu trả tự do cho con gái tôi

Cảnh sát đã cố bắt giữ tôi vào năm 2004, vì vậy tôi đã rời khỏi thị trấn đến sống ở nhà của con gái tôi. Tuy nhiên, khi tôi giảng chân tướng cho người dân và phát tài liệu chân tướng, cả tôi và con gái tôi đã bị bắt giữ. Hai chúng tôi bị giam ở trong cùng một trại lao động nhưng khác đội. Con gái tôi bị giam giữ một năm, trong khi tôi bị giam giữ hai năm.

Chúng tôi đã bị tra tấn dã man. Bản án của tôi còn bị gia hạn thêm 4 tháng nữa. Họ đã xếp tôi vào một đội được gọi là “quản lý đặc biệt”, cũng là nơi họ tra tấn các học viên Pháp Luân Đại Pháp bằng cách dùng dùi cui sốc điện, treo người bằng còng tay, tiêm thuốc độc vào người các học viên và nhiều thứ khác nữa. Tôi thường có thể nghe thấy tiếng hét của những học viên bị tra tấn.

Trong thời gian ở đó, tôi đã viết hơn 20 lá thư cho các viên chức các cấp của trại lao động, báo cáo về sự tra tấn và ngược đãi cưỡng ép lên các học viên nhưng lại không nhận được phản hồi nào. Tôi đã trở về nhà vào tháng 10 năm 2006.

Tháng 4 năm 2007, con gái tôi bị bắt và giam giữ ở trong trại lao động một lần nữa. Tôi đã quyết định đến đó để yêu cầu thả tự do cho con mình. Tôi đã đến thành phố trực thuộc tỉnh và mua hai vé tàu hỏa tới thị trấn gần nơi trại lao động. Trời lúc đó mưa tầm tã. Mặc dù đã ở trong trại lao động hơn hai năm, tôi lại không biết cách đến đó và không biết môi trường địa phương ra sao. Trước đây, cảnh sát đã đưa tôi đến đó và đưa tôi quay về sau khi tôi được thả.

Tôi lên tàu và không biết phải đi đâu sau khi đến nơi đó. Tôi không có ý tưởng gì trong đầu và chỉ liên tục nhẩm Pháp. Khi đến ga tàu hỏa, tôi đã hỏi nhân viên soát vé: “Cô có tình cờ biết ai tên là Phân đang làm việc ở đây không?”

Cô ấy đáp lại một cách hào hứng: “Có chứ! Nhưng bà ấy vừa hết ca làm rồi.” Tôi mừng rỡ vô cùng. Khi tôi bị giam ở trại lao động, bà Phân bị xếp vào chung đội “quản lý đặc biệt” với tôi và chúng tôi đã ở chung với nhau một vài ngày trước khi bị tách ra. Tôi đã nhờ nhân viên soát vé gọi bà ấy, nói với bà ấy rằng có một người bạn đang chờ. Ngay khi nhận được cuộc gọi, bà ấy lập tức ghé đến và đón tôi về nhà mình.

Tôi nói với bà ấy mục đích của lần ghé thăm này của tôi. Bà ấy cũng biết con gái tôi. Khi biết tin con gái tôi lại bị giam ở đó một lần nữa, bà ấy buồn bã vô cùng. Con gái tôi đã từ một sinh viên xuất sắc trong trường đại học đến bị đuổi khỏi trường vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, rồi bị bức hại hết lần này đến lần khác trong trại lao động. Nhưng bất kể tà ác có hung hăng ra sao, con tôi vẫn kiên định với đức tin của mình. Khi tôi kể với bà Phân rằng tôi muốn đến trại lao động để yêu cầu thả con gái tôi, bà ấy rất ủng hộ và đã sắp xếp một học viên khác đưa tôi đến đó.

Vào ngày hôm sau, học viên kia đã đưa tôi đến cổng trại lao động. Tôi yêu cầu bà ấy chờ tôi ở bên ngoài và tự mình đi vào trong đó.

Đây là trại lao động nữ duy nhất ở tỉnh thành. Nó rất lớn. Những tội ác diễn ra ở đó thường được báo cáo lên trang Minh Huệ Net. Thông thường nó được canh gác rất nghiêm ngặt nhưng khi tôi tiến vào thì tất cả các cánh cửa sắt đều mở toang mà không có một bóng lính canh nào. Thậm chí không có ai kiểm tra căn cước công dân của tôi.

Tôi đã đi thẳng đến văn phòng của viên giám thị nhà tù. Khi tôi bị giam giữ ở đó, tôi đã cố gặp viên giám thị nhưng chưa bao giờ được cho phép. Lần này, tôi có thể trực tiếp đến tìm ông ta.

Ngay khi tôi bước chân vào văn phòng, viên quản lý văn phòng đã nhận ra tôi. Tôi nói với ông ta rằng tôi cần tìm viên quản giáo nhà tù bởi vì con gái tôi đang bị giam giữ ở đó một lần nữa. Tôi muốn nói cho ông ta biết tình hình này. Viên quản lý văn phòng nói: “Ông ấy ra ngoài rồi. Bà có thể nói chuyện với tôi.”

Tôi bắt đầu: “Con gái tôi được chẩn đoán bệnh tim nặng. Con bé bệnh rất nặng và chúng tôi không thể chi trả phí điều trị y tế cho cháu được. Mạng sống của cháu đã vào tình thế lâm nguy. Dưới hoàn cảnh đó, cháu đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và sau đó đã khỏe mạnh hơn. Nếu ông không thả con gái tôi…nếu như có gì đó xảy ra với cháu, tôi sẽ kiện ông. Ông biết rằng bệnh của cháu đã được chữa khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Nếu con gái tôi có bất kỳ vấn đề gì, thì dù ông có đưa cho tôi bất kỳ lời giải thích nào, tôi cũng sẽ không chấp nhận. Tôi biết những phương thức tà ác mà các ông dùng để tra tấn người ta. Tôi biết hết về tất cả những thứ ấy.”

Viên giám thị sau đó đã xuất hiện. Ông ta chỉ vào tôi và hét lên với viên quản lý văn phòng: “Đưa bà ấy ra khỏi đây! Đưa bà ấy ra khỏi đây!”

Tôi hỏi: “Ông là ai? Ông là giám thị nhà tù phải không?”

“Đúng là tôi, thế thì sao?” Ông ta đáp. Tôi đã thách thức ông ta: “Tôi đến đây để trình báo ông. Tại sao ông lại muốn đuổi tôi ra ngoài?”

“Không có chỗ cho Pháp Luân Đại Pháp lên tiếng đâu. Tôi sẽ không cho phép bà nói chuyện ở đây.” Ông ta hét lên. Tôi cố gắng đáp trả nhưng viên quản lý văn phòng đã đẩy tôi ra ngoài.

Sau đó, tôi đến văn phòng quản lý. Viên trưởng phòng đã đe dọa bắt giữ tôi. Tôi nói: “Tại sao các vị lại bắt giữ tôi? Tôi đến đây để trình báo một tình huống mà.”

Tôi đã về nhà và viết một lá thư giảng chân tướng về những gì viên giám thị nhà tù và viên quản lý văn phòng đã nói, đồng thời trình báo tình huống này để phơi bày những tội ác diễn ra trong trại lao động. Sau đó, tôi gửi lá thư đến Cục quản lý Trại Lao động và Bộ Tư pháp.

Kháng cáo tại Cục quản lý Trại Lao động cấp tỉnh và Bộ Tư pháp

Ngày hôm sau, bà Phân liên lạc với những học viên ở khu vực thành phố trực thuộc tỉnh và chúng tôi đã đi tàu hỏa đến đó. Ở đó, chúng tôi tình cờ gặp một học viên khác, bà Báo. Bà Báo trước đây cũng từng bị giam ở trại lao động này. Chúng tôi đã từng một lần ở chung buồng giam.

Bà Báo giới thiệu tôi đến một nhóm ở địa phương để tham gia học Pháp chung với họ. Họ lo lắng cho tôi và cố gắng thuyết phục tôi từ bỏ việc đến kháng cáo ở Cục quản lý Trại Lao động và Bộ Tư pháp. Họ vẫn cho rằng cuộc bức hại còn rất nghiêm trọng bởi vì có một học viên đến trại lao động để phát chính niệm, sau khi vừa được thả ra vào 4 ngày trước thì lại bị bắt giữ trở lại. Tuy nhiên tôi vẫn quyết định đi.

Những học viên đó đã nhờ người điều phối của họ, bà Đinh, đi cùng với tôi để hỗ trợ phát chính niệm. Họ cũng sắp xếp các đồng tu ở hai nhóm học Pháp giúp tôi phát chính niệm từ 8 giờ sáng đến 11 giờ sáng.

Vào hôm sau, bà Đinh và tôi đi đến Cục quản lý Trại Lao động cấp tỉnh. Đầu tiên, chúng tôi đi đến văn phòng quản lý. Tôi đã nói với trưởng phòng rằng: “Tôi muốn trình báo một trường hợp với ông.”

Ông ấy rất lịch sự và mời chúng tôi ngồi xuống. Tuy nhiên khi tôi đề cập rằng mình là một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp, ông ta liền giữ khuôn mặt lạnh. “Chúng tôi không tiếp đón những người của Pháp Luân Đại Pháp ở đây. Xin các vị hãy mau rời đi!” Ông ta thốt lên.

Ông ta đứng dậy và tính rời đi thì tôi nói bằng một tông giọng ôn hòa: “Xin đừng đuổi chúng tôi đi. Ông có thể đưa ra quyết định sau khi lắng nghe chúng tôi và suy xét xem những gì chúng tôi nói có hợp lý không. Bởi vì chúng tôi đến đây để trình báo tình hình là do có sự tin tưởng vào ông.” Ông ấy ngồi xuống và tiếp tục lắng nghe.

Tôi nói với ông về tình huống của con gái tôi và của tôi: “Đối với một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp để đạt được một thân thể khỏe mạnh thì người ấy đã vi phạm luật lệ nào chứ? Ngoài ra, người ấy còn không được phép nói đến pháp luật. Trưởng lính canh tù đã nói với những cộng tác viên rằng: ‘Nhìn xem, đầu não bà ta đầy những thứ loạn bát nháo, các vị phải dạy dỗ bà ta! Hãy cho bà ta minh bạch thế nào là thực thi pháp luật có văn minh.’ Một trong những cộng tác viên sau đó còn liên tục tát tôi trong khi đang hét vào mặt tôi. Đây có giống như thực thi pháp luật có văn minh không?“

“Các lính canh trại lao động còn nhiều lần cấm tôi ngủ trong những khoảng thời gian dài. Họ cử những cộng tác viên theo dõi tôi. Ngay khi tôi nhắm mắt, họ sẽ dùng tăm chọc vào mí mắt tôi hoặc bôi dầu cay lên mắt tôi. Lúc đầu, mỗi lần đến ngày thứ 13 không được ngủ, đầu não tôi trở nên mê sảng. Lưng tôi bị gập cong 90 độ, nước dãi chảy dài, tôi bắt đầu nói năng linh tinh, hai tay tôi nắm lấy bất kỳ thứ gì mình có thể. Dường như, tôi còn nghe và nhìn thấy những thứ kỳ lạ.”

“Sau đó, tôi trở nên như thế sau ngày thứ 11. Khi tôi ở trong trạng thái đó, một nhóm trong số họ bao vây tôi và cố gắng ép tôi từ bỏ đức tin. Vào ban đêm, họ ép buộc tôi đi tới đi lui trong phòng. Vì tôi nghe và nhìn thấy những thứ kỳ lạ, mỗi khi tôi thấy một bức tường thì lại nghĩ đó là một con đường. Vì vậy, tôi luôn đập người vào tường và ngã lăn xuống đất. Tôi còn bị mất trí nhớ nữa. Cho nên khi tôi đứng lên, tôi lại đập người vào tường một lần nữa. Cuối cùng, thân thể tôi đầy thương tích.”

Tôi cũng nói với trưởng phòng rằng trong một khoảng thời gian dài, tôi chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh một lần một ngày. Hơn nữa, mỗi ngày tôi không dám uống nước và chỉ ăn một cái bánh bao nhỏ. Cơn đau quả là vượt quá mức tưởng tượng. Một học viên muốn đi đại tiện và một cộng tác viên đã ép bà ấy đại tiện vào bát ăn cơm của mình. Khi một học viên khác không nhịn được và đại tiện ra sàn nhà, một cộng tác viên đã lấy quần áo của học viên này để lau chùi, sau đó nhét quần áo vào miệng bà ấy. Một cộng tác viên khác còn nhét băng vệ sinh đã sử dụng vào miệng một học viên cao tuổi và không cho phép bà ấy súc miệng trước khi ăn.

Vào lúc 8 giờ sáng hôm nọ, một học viên lớn tuổi ở buồng giam gần chỗ tôi bị lôi đi để bức thực. Tôi không thấy bà ấy quay trở lại. Quần áo và những vật dụng hàng ngày của bà bị bỏ lại phía sau. Tôi nghe nói bà ấy đã chết vì bị bức thực. Tôi từng có một lần đi ngang qua buồng giam kế bên và nghe tiếng ai đó đang khóc. Sau đó, chúng tôi đến phòng tắm và đi ngang qua buồng giam của bà ấy. Một học viên đã đẩy mở cửa buồng giam của bà. Người học viên trong đó đang bị đánh đập dã man, hai tay bà bị trói vào hai khung giường. Một cộng tác viên đang cố gắng đẩy hai chiếc giường ra xa để tra tấn bà ấy! Học viên mở cửa nhìn thấy cảnh tượng ấy và hét lên: “Ông muốn giết bà ấy sao?” Sau đó, bà ấy quay lại và hét về phía khu vực cầu thang: “Có người đang bị đánh đập dã man ở đây này!” Người học viên bị tra tấn sau đó đã mắc bệnh tâm thần. Tôi có thể nghe thấy tiếng khóc của bà ấy mỗi ngày. Vẫn còn có rất nhiều câu chuyện bi thương để kể!”

Cuối cùng, tôi nói: “Đảng kiểm soát hết mọi thứ. Cái Đảng này đang làm gì với đất nước chúng ta vậy? Tại sao lại đối xử với những người tử tế một cách hết sức tàn ác, dã man và đầy hận thù như thế? Ông có dám chiếu một số thứ này lên TV cho người dân trên toàn quốc xem không? Người ta nên tự mình đánh giá liệu Pháp Luân Đại Pháp là tốt hay xấu. Họ sẽ lựa chọn điều gì có lợi cho cuộc sống của mình. Thứ bị cưỡng ép lên một người đang bị dao kề cổ hẳn là không tốt rồi. Nếu điều này tiếp diễn, liệu có hy vọng nào cho quốc gia này không? Hãy dùng pháp luật và lương tâm của ông để đo lường điều tôi đã nói và xem liệu nó có hợp lý không.”

Điều tôi nói dường như khiến ông ấy xúc động. Ông ấy lắng nghe chăm chú, cuối cùng nói rằng: “Xin bà hãy viết xuống những điều này cho tôi. Sau đó tôi sẽ đi điều tra, tìm hiểu những gì đã xảy ra và giải quyết chúng.”

Ngay khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi tòa nhà, một học viên đã nói với tôi: “Thật không dễ để chúng ta đi xuống đến tận đây. Chúng ta nên tìm thêm người để nói chuyện.” Điều bà ấy nói là có lý, vì vậy chúng tôi đi gặp phó giám đốc Cục quản lý Trại Lao động, người chịu trách nhiệm bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Khi tôi đề cập đến những tội ác kinh khủng đang diễn ra, ông ấy không muốn lắng nghe mà ngay lập tức gọi cho viên quản lý văn phòng và yêu cầu chúng tôi nói chuyện với người ấy.

Viên quản lý văn phòng cũng không muốn lắng nghe chúng tôi và cố gắng bịa ra lý do để bắt giữ chúng tôi. Ông ấy có một quyển Cửu Bình và đã dùng kéo cắt nó ngay trước mặt chúng tôi. Nếu chúng tôi cố ngăn cản, ông ấy sẽ bắt giữ chúng tôi. Chúng tôi không mắc bẫy của ông ấy mà âm thầm phát chính niệm. Chúng tôi hiểu rằng có những người ở ngoài kia là không thể cứu được, nhưng ít nhất chúng tôi đã cố gắng. Sau đó chúng tôi rời đi.

Vào ngày hôm sau, chúng tôi đi đến Bộ Tư pháp. Ban đầu, chúng tôi đến văn phòng. Ở đó, viên quản lý văn phòng đã tiếp đón chúng tôi. Ông ấy là một người lịch sự. Sau khi nghe những gì tôi nói, ông ấy yêu cầu tôi viết thành văn bản để gửi thư cho ông ấy. Ông còn liên tục dặn tôi tìm thêm người để viết về những gì họ đã trải qua trong trại lao động. Một nữ nhân viên liên tục ngắt lời ông ấy nhưng ông ấy không hề bị phân tâm.

Chúng tôi cũng đi đến Bộ Ngân khố và một vài nơi khác để giảng chân tướng. Miễn là văn phòng của họ mở cửa thì chúng tôi đều bước vào. Nhiều viên chức đã lắng nghe chúng tôi mà không nói gì. Chúng tôi rời đi ngay sau khi nói chuyện với họ xong.

Có được sự giúp đỡ của các học viên khác

Việc tìm kiếm các học viên để tổng hợp những lá thư kháng cáo phải nhờ vào sự giúp đỡ của bà Phân. Tôi đã thảo luận với bà ấy về nơi phải đi, người phải tìm và người sẽ đưa tôi đến gặp họ. Vì bà Phân phải đi làm nên không thể xin nghỉ phép nhiều. Bà ấy đưa tôi đến một vài nơi và sau đó thu xếp để một học viên khác đưa tôi đến thêm vài chục nơi khác nữa. Có một vài nơi bắt buộc phải đi tàu hỏa lên đến gần 10 giờ đồng hồ mới đến được. Tôi đã giúp đỡ những người không giỏi viết lách ghi chép lại những trải nghiệm của họ trong trại lao động. Tôi cũng tổng hợp được ít nhất bốn thư kháng cáo. Hơn 20 học viên đã đồng ý tự mình viết thư kháng cáo.

Chúng tôi đi đến nhà của một học viên lão niên đã qua đời, người từng bị xếp vào chung buồng giam với tôi. Chồng bà ấy từng làm việc ở viện kiểm sát và cũng đã qua đời. Bà ấy đã 64 tuổi vào lúc qua đời, có bốn người con mà trong đó một người con gái và một người con trai là học viên Đại Pháp. Khi cuộc bức hại bắt đầu, chồng của học viên này đã hoảng sợ đến nỗi xuất hiện chứng rối loạn thần kinh. Chồng của con gái bà ấy cũng ly hôn với vợ vì môn tu luyện này.

Tuy nhiên, học viên lão niên này có niềm tin mạnh mẽ vào Sư phụ và Đại Pháp. Bà ấy bị tra tấn đến nỗi ruột của bà lộ ra ngoài nhưng vẫn không chịu từ bỏ đức tin. Bà đã bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Hai chân bà sau đó đã bị đánh đập dã man đến nỗi bà không thể đi lại một cách bình thường. Không lâu sau khi trở về nhà, bà ấy đã qua đời.

Con gái bà kể với chúng tôi rằng trước khi mất, bà ấy thường gọi tên tôi, nhờ con gái tìm kiếm tôi để tôi viết về sự bức hại mà bà ấy đã gánh chịu và để con người thế gian biết rằng bà ấy đã bị bức hại đến chết bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sau khi lắng nghe câu chuyện của con gái bà ấy và chứng kiến người con trai bị bệnh tâm thần của bà, cả học viên kia và tôi đều rơi nước mắt.

Chúng tôi tìm được một học viên khác cũng bị bức hại tàn bạo nhưng lại không muốn nói về nó, bởi vì bà ấy nghĩ rằng việc ấy vô cùng nhục nhã. Lúc ấy bà mới chỉ hơn 30 tuổi. Vì bà không chịu từ bỏ đức tin, sáu lính canh đã đứng cạnh bà và ra lệnh cho một cộng tác viên dùng một chiếc nĩa đâm vào vùng âm đạo của bà. Cơn đau mà bà phải chịu đựng vượt ngoài sức tưởng tượng. Còn có những sự việc khác mà bà ấy ghét phải nhớ lại cũng như nói về chúng.

Kết luận

Ý định ban đầu của tôi là đến trại lao động để yêu cầu thả tự do cho con gái tôi, tuy nhiên thông qua lời của một học viên khác, Sư phụ đã khích lệ tôi đến Cục quản lý Trại Lao động và Bộ Tư pháp để giảng chân tướng và đồng thời phơi bày cuộc bức hại tàn ác này. Tôi cũng chưa từng lên kế hoạch đi đến nhiều nơi khác nhau để tìm học viên viết thư kháng cáo. Chính Sư phụ đã giúp tôi ngộ ra điều này. Những người khác thì chỉ tôi nơi cần đi và người cần tìm đến.

Trải nghiệm này có lẽ đã được an bài từ lịch sử xa xưa. Nếu không, làm cách nào mà một học viên đã qua đời lại hét to tên tôi và thỉnh cầu tôi viết một lá thư cho bà ấy để phơi bày những kẻ xấu kia?

Sau khi trở về nhà, tôi đã viết một lá thư cho công ty tôi để đòi tiền lương hưu, bởi vì nó đã bị chiếm giữ một cách phi pháp trong bảy năm. Công ty thông báo cho tôi rằng họ sẽ đền bù. Họ viết trên một mảnh giấy rằng họ nợ tôi hơn 100.000 Nhân dân tệ và đồng ý trả dần lại cho tôi theo thời gian. Sau đó, họ đưa lại cho tôi thẻ tín dụng để tôi nhận thanh toán lương hưu của mình. Tôi ngộ ra rằng điều này chỉ trở nên khả thi bởi vì các học viên khác và tôi đã cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ mà Sư phụ đã an bài cho tôi để làm.

Tôi thật vô cùng may mắn gặp được một vị Sư phụ tuyệt vời và có thể được tu luyện trong Đại Pháp vũ trụ. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và vinh dự!

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/11/444598.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/10/213275.html

Đăng ngày 22-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share