Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 03-11-2023] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998. Vào năm 2008, tôi trở thành phóng viên toàn thời gian cho tờ báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung ở Đức. Sau khi chuyển đến New York vào năm 2019, tôi đã gia nhập Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) tiếng Anh. Dưới đây là kinh nghiệm tu luyện của tôi trong ba năm qua.

Trước đây dù nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình sẽ làm tin tức tiếng Anh vì tôi đã sống hơn 20 năm ở Đức và trình độ tiếng Anh không tốt lắm. Tuy vậy, ngày đầu tiên tới làm việc, tôi đã được phân công vào NTD tiếng Anh. Lần đầu tiên tham dự cuộc họp với nhóm tiếng Anh, tôi không theo kịp vì mọi người nói nhanh và tôi đã bỏ sót rất nhiều thông tin. Những người khác cũng gặp khó khăn trong việc nghe hiểu tiếng Anh của tôi vì tôi nói lẫn giọng Trung Quốc và Đức. Tôi cũng gặp khó khăn trong việc đọc và viết, nhưng tôi không hề nản lòng.

Công việc đầu tiên của tôi là làm đầu mối liên hệ tại tổng bộ của hai phóng viên, một người ở Anh và người còn lại ở Pháp. Cả hai đều là phóng viên mới và có rất nhiều thắc mắc. Tôi rất cảm động trước mong muốn mạnh mẽ của họ trong việc vạch trần cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Họ đã từ bỏ công việc người thường để trở thành phóng viên toàn thời gian. Hằng ngày, tôi tổ chức một cuộc họp trực tuyến với họ để thảo luận các chủ đề và giải quyết các vấn đề. Do có chênh lệch về múi giờ nên các cuộc họp của chúng tôi thường diễn ra vào lúc 5 giờ sáng hoặc vào lúc nửa đêm.

Vào thời điểm đó NTD tiếng Anh mới được thành lập và quy trình làm việc vẫn đang được hoàn thiện. Đôi khi, các phóng viên châu Âu phải đợi rất lâu trước khi bài của họ được xét duyệt, khiến họ thất vọng. Nếu các tin tức bằng văn bản hoặc video của họ cần phải sửa lại thì họ sẽ không kịp để đưa vào bản tin buổi tối. Người sản xuất tin tức buổi tối bị áp lực và đôi khi cao giọng. Tôi chỉ bình tĩnh gật đầu với cô ấy cho đến khi cô ấy bình tĩnh lại và cố gắng tìm ra giải pháp. Sau vài tháng va vấp, chúng tôi đã tìm ra được một quy trình phù hợp. Sau đó, công việc của tôi bước sang một giai đoạn mới.

Khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, bộ phận của chúng tôi đã phát động một chương trình về chủ đề này. Sau một thời gian, người sản xuất chương trình đã rời đi và tôi được đề nghị đảm nhận vị trí này. Số lượng người đăng ký tăng vọt. Cuối cùng, chúng tôi đã thoát khỏi chấp trước vào số lượng người đăng ký và bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày một cách suôn sẻ và ổn định.

Loại bỏ tâm tật đố

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể tật đố với các phóng viên khác. Tuổi của tôi gấp đôi họ và kinh nghiệm làm việc cũng phong phú hơn. Tôi chỉ nên giúp họ thôi, sao có thể tật đố với họ chứ?

Khi nói chuyện với một đồng nghiệp về con đường sự nghiệp của mình, tôi nói: “Khi bắt đầu làm phóng viên đưa tin, tôi phải tự học mọi thứ. Các phóng viên mới bây giờ có mọi thứ sẵn sàng vì tôi có thể hướng dẫn họ.” Người đồng nghiệp đáp: “Có lẽ mọi việc được an bài theo cách này vì cô có khả năng bắt đầu mà không cần nhiều sự trợ giúp.” Lời khen ngợi của cậu ấy làm tôi thấy vui tai, nhưng tôi cảm thấy có điều gì đó hơi kỳ lạ trong những lời tôi vừa nói. Ngẫm lại cuộc trò chuyện, tôi nhận ra lời nói của tôi thể hiện sự tự mãn và hoan hỷ. Tiếp tục đào sâu, tôi lại tìm thấy nhiều tâm chấp trước hơn. Mỗi khi hướng dẫn các phóng viên mới cách viết bài, tôi thường nghĩ: “Tôi có thể dạy các bạn tất cả những điều này trong vòng vài phút, nhưng trước đây không ai dạy tôi cả. Tôi đã mất nhiều ngày để tự mình tìm ra những điều này. Các bạn có được nó quá dễ dàng!”

Tại sao tôi lại cảm thấy điều này không công bằng? Đó là vì tôi có tâm đố kỵ. Tôi ghen tị với việc họ bắt đầu dễ dàng và tiến bộ nhanh chóng. Cuối cùng tôi cũng hiểu ra tại sao có một phóng viên phàn nàn rằng đôi khi tôi quá nghiêm khắc với họ. Tôi trả lời: “Điều đó tốt cho bạn. Bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn.” Bây giờ tôi nhận ra rằng tâm đố kỵ của tôi đã khiến tôi bới móc lỗi của họ, bởi tôi nghĩ lẽ ra họ phải làm tốt hơn vì họ có xuất phát điểm dễ dàng hơn tôi. Tôi thiếu lòng trắc ẩn và bao dung. Tôi cũng hiểu rằng mỗi người có một con đường tạo dựng uy đức khác nhau và tôi không nên so sánh khập khiễng như vậy; lòng tôi nhẹ nhõm hơn sau khi nhận ra điều đó. Tôi không còn băn khoăn khi nhận thấy những thiếu sót trong công việc của các phóng viên. Tôi có thể trao đổi với họ về điều đó một cách bình tĩnh.

Học cách bao dung

Để thực hiện một chương trình truyền hình cần rất nhiều bước và mỗi bước đều cần phải được thực hiện đúng thời gian. Với số lượng nhân sự hạn chế, chúng tôi cần phối hợp tốt và bao dung lẫn nhau. Một sự việc gần đây đã dạy cho tôi một bài học quan trọng.

Đồng nghiệp A cần cải thiện chất lượng công việc. Tôi và đồng nghiệp B quyết định tìm thêm tài liệu cho cô ấy. Một lần, tôi và đồng nghiệp B phải thực hiện một số nghiên cứu cho đồng nghiệp A trước khi chúng tôi có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình. Đồng nghiệp B nói với tôi rằng: “Cô ấy có nhiều thời gian cho việc nghiên cứu nhưng lại chưa đặt tâm vào việc đó.” Tôi đồng tình với nhận xét này.

Khi tôi học Pháp vào ngày hôm đó, tôi đọc được đoạn sau:

“Đường đường chính chính phối hợp cho tốt. Không cứ phải chủ ý của ai tốt nhất, mà ngay cả chủ ý người kia không tốt, không toàn diện, tự chư vị lặng lẽ bổ sung nó cho tốt! Làm cho toàn diện! Thần mới nhìn thấy chư vị xuất sắc, hơn nữa là lặng lẽ mà làm! Then chốt không phải ở chỗ chủ ý của ai, mà ở chỗ trong quá trình ai đưa bản thân mình luyện xuất lai —ai tu luyện chính mình, thì người ấy đề cao lên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Chẳng phải đoạn này đang nói về tôi sao? Tôi đã lặng lẽ giúp đỡ đồng nghiệp của mình chưa? Tôi có phối hợp với cô ấy nhưng tôi phàn nàn về điều đó. Kết quả là tôi đã không đề cao bản thân mặc dù tôi đã làm việc đó. Làm sao tôi có thể đưa ra nhận định rằng đồng nghiệp đó đã không đặt tâm vào công việc? Công việc của tôi cũng có những thiếu sót. Những người khác cũng có thể nghĩ rằng tôi đã không đặt tâm. Cô ấy thực sự đã làm hầu hết mọi việc và chúng tôi chỉ đơn giản là giúp cải thiện phần việc đó. Lúc này tâm phàn nàn của tôi đã hoàn toàn biến mất.

Chương trình tin tức ngày càng phát triển

Kể từ khi chúng tôi bắt đầu chương trình trong đại dịch, tổng số lượt xem trên YouTube đã lên tới 200 triệu. Các bản tin về đại dịch và lũ lụt năm 2020 đã thu hút rất nhiều người xem.

Khi hai chủ đề này lắng xuống, chúng tôi quay lại với phong trào phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đồng minh của nó trên toàn cầu. Nhiều người muốn biết chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Với lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày, chúng tôi cố gắng phân loại xem tin tức nào là quan trọng nhất. Tôi nhận ra rằng tôi phải học lại từ đầu về rất nhiều điều, không chỉ về Trung Quốc mà còn về thế giới vì ĐCSTQ đã xâm nhập vào rất nhiều quốc gia.

Tôi phải viết báo cáo, chịu trách nhiệm về báo cáo của người khác và nghiên cứu rất nhiều mỗi ngày. Đôi khi tôi cảm thấy mình không đủ trí thông minh để thực hiện công việc. Mỗi lần muốn nghiên cứu ít hơn một chút, tôi lại tự hỏi liệu mình có bỏ qua chủ đề hay nhất không, nên tôi lại tiếp tục kiên trì.

Chương trình của chúng tôi đã thu hút được nhiều người trong giới chính trị, kinh doanh và học thuật. Ý kiến của họ ảnh hưởng đến các quyết định trong các lĩnh vực, khu vực và quốc gia khác nhau. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc đã theo dõi chương trình của chúng tôi. Chúng tôi không biết điều đó cho đến khi liên hệ với họ để phỏng vấn.

Một chuyên gia truyền thông ở một nước khác từng nói với chúng tôi rằng anh ấy đã quảng bá chương trình của chúng tôi mỗi khi có cơ hội. Mỗi bản tóm tắt tin tức mà anh ấy tổng hợp lại đều liên kết đến nội dung hàng tuần của chúng tôi, từ đó tin tức đã có thể tiếp cận tới quan chức chính phủ ở quốc gia của anh ấy.

Lúc đầu, người dẫn chương trình của chúng tôi thường nhận được rất ít phản hồi khi liên hệ với các chuyên gia để phỏng vấn. Hiện tại, một số chuyên gia đã chủ động liên hệ với cô ấy và thậm chí còn chia sẻ một số thông tin độc quyền cho chúng tôi. Chương trình của chúng tôi được dịch sang mười ngôn ngữ khác nhau tại NTD.

Một người Mỹ gốc Hoa từng nói với chúng tôi rằng anh ấy tình cờ đến Vũ Hán vào tháng 1 năm 2020 và các phương tiện truyền thông địa phương ở đó đã che đậy sự bùng phát của COVID. Anh ấy đã vượt qua tường lửa của ĐCSTQ để xem chương trình của chúng tôi và quyết định đổi chuyến bay để rời Vũ Hán sớm. Tất cả các chuyến bay đã bị hủy sau khi anh ấy rời đi. Anh ấy sẽ không thể rời đi nếu không có thông tin của chúng tôi. Nhiều người ở Trung Quốc cũng đã biết được điều gì đang thực sự diễn ra thông qua các chương trình của chúng tôi và cung cấp những thông tin có giá trị cho chúng tôi.

Làm việc năm ngày hoặc sáu ngày một tuần

Một cuộc thảo luận đã được đưa ra tại trụ sở chính về việc nên làm việc năm hay sáu ngày một tuần. Đối với một số đồng nghiệp, phải làm việc sáu ngày mỗi tuần là điều rất mệt mỏi, nhưng như vậy vẫn còn tốt hơn so với những gì tôi từng phải trải qua.

Khi tôi bắt đầu làm tổng biên tập cho tờ báo Epoch Times tiếng Trung ở Đức hơn 10 năm trước, chồng tôi làm việc ở nơi khác. Tôi phải chăm sóc hai đứa con một đứa một tuổi và một đứa ba tuổi, và làm việc toàn thời gian cho tờ báo. Tiền lương của tôi chỉ là danh nghĩa nên tôi phải làm một số công việc khác để bổ sung thu nhập. Tôi làm việc bảy ngày một tuần, cả ngày lẫn đêm. Làm việc nhà giống như một sự nghỉ ngơi đối với tôi. Mặc dù lương của tôi cuối cùng đã tăng lên đến mức tôi không cần làm các công việc khác nhưng mỗi ngày tôi đều cảm thấy mệt mỏi. Tôi không thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhưng mong muốn cứu độ chúng sinh đã giúp tôi kiên trì.

Tôi đã có tâm phàn nàn. Tôi cảm thấy bản thân giống như một ngọn nến bị đốt cháy từ cả hai đầu. Tuy nhiên, sau khi vượt qua khoảng thời gian khó khăn nhất, bây giờ tôi không còn cảm thấy mệt mỏi nữa.

Tôi bắt đầu làm việc lúc 7 giờ 30 sáng và về nhà sau 8 giờ tối. Với lịch học Pháp một tiếng vào buổi sáng sớm, thực ra tôi phải rời nhà vào khoảng từ 5 giờ đến 6 giờ sáng. Một số người nói rằng tôi làm việc quá chăm chỉ, nhưng tôi cảm thấy còn khá hơn trước đây vì tôi đã từng làm việc vào ban đêm và cả ngày Chủ Nhật.

Nến đã tắt nhưng tôi là miếng sắt được tôi luyện thành thép. Mục đích của tôi là trợ Sư Chính Pháp. Thất bại là mẹ của thành công. Tôi không phàn nàn vì tôi là đệ tử Pháp Luân Đại Pháp và tôi đã đạt được nhiều hơn những gì tôi đã bỏ ra. Chúng tôi hướng tới viên mãn cũng như cứu độ chúng sinh.

Cuộc thảo luận đã cho chúng tôi cơ hội suy ngẫm tại sao chúng tôi làm việc chăm chỉ, tại sao chúng tôi điều hành phương tiện truyền thông của mình và câu hỏi cơ bản là tại sao chúng tôi tu luyện bản thân.

Tuổi tác không thành vấn đề

Tôi chưa bao giờ nghĩ xem mình bao nhiêu tuổi hay đã già đi như thế nào, nhưng lời nói của một đồng tu cách đây ba năm đã khiến tôi chú ý đến tuổi của mình. Cô đang lưỡng lự về việc gia nhập hạng mục truyền thông và nói: “Tôi đã 50 tuổi rồi,” nghĩa là cô đã quá già để thay đổi con đường sự nghiệp của mình.

Tôi chợt nhận ra mình đã gần 50 và không còn trẻ nữa. Kể từ đó, tôi thường nghĩ sức khỏe của mình không còn tốt như ba mươi năm trước, thời đó tôi không bao giờ cảm thấy khó chịu trong người.

Tuy nhiên, một sự việc cách đây vài tháng đã thay đổi quan niệm của tôi. Một ngày nọ, tôi bị ngã đập lưng xuống đất trong khi đang bê nước. Tôi bị đau đến mức không thể cử động trong mười phút. Sau khi đỡ hơn, tôi chậm rãi lê bước về nhà.

Một cơn đau nhói đã khiến tôi thức giấc vào đêm hôm đó và tôi phải mất vài phút mới có thể xoay qua xoay lại vào sáng hôm sau. Tôi hướng nội tìm chấp trước của mình khi nằm trên giường. Tôi đã không luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp thường xuyên và không thể chịu đựng được người khác. Cuối cùng, tôi phải quyết định có nên đi làm hay không. Tôi có thể làm việc từ xa. Nghỉ ngơi một ngày cũng là điều hợp lý ở độ tuổi của tôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng mình đang thừa nhận sự can nhiễu của cựu thế lực. Cuối cùng tôi đã quyết định đi làm dù có chuyện gì xảy ra. Đó chỉ là nỗi đau thể xác mà thôi! Nó có thể làm gì được tôi?

Tôi phải mất rất nhiều công sức mới có thể đứng dậy và ra khỏi cửa. Tôi đi bộ chậm rãi đến bến xe buýt. Lúc đầu cơ thể tôi cứng đờ, nhưng dần dần đã thả lỏng ra. Cơn đau đã giảm đi rất nhiều khi tôi đến văn phòng làm việc. Sau khi làm việc được một lúc, tôi cảm thấy nóng và dễ chịu. Thậm chí không ai nhận thấy rằng tôi bị đau vào ngày hôm đó. Tối hôm đó tôi đi bộ chậm hơn bình thường một chút nhưng mọi thứ lại trở lại bình thường vào ngày hôm sau.

Trước đây khi xuất hiện những triệu chứng tương tự, tôi chưa bao giờ hồi phục nhanh như lần này. Kinh nghiệm này dạy tôi rằng bất kỳ sự khó chịu nào cũng chỉ là giả tướng ở bề mặt, phải chiểu theo lý ở thế gian con người, chẳng hạn như nâng một vật nặng hoặc các vấn đề về tuổi già. Nếu bạn tin vào điều đó, bạn sẽ bị mắc kẹt trong những nguyên tắc này. Tuy nhiên, nếu bạn hoàn toàn không quan tâm đến tuổi tác của mình và coi nó như một khảo nghiệm trong quá trình tu luyện của mình thì đó thực sự chỉ là một phần trong quá trình tu luyện của bạn.

Khi tư tưởng của chúng ta đáp ứng được tiêu chuẩn của nguyên lý cao tầng, Sư phụ sẽ có thể trợ giúp một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp chân chính. Tuy nhiên, nếu bạn cứ mắc kẹt trong quan niệm về tuổi già thì cơ thể bạn sẽ có dấu hiệu lão hóa. Tương tự như vậy, có lần vai phải của tôi bị đau, giống như tình trạng tê cứng ở vai mà những người khoảng 50 tuổi thường gặp phải. Ban đầu tôi nghĩ đó cũng là do vai bị tê cứng, nhưng sau khi trải qua cảm giác bị kéo cơ lần trước, tôi coi đó như một khảo nghiệm cản trở tôi luyện công. Tôi nhấc cánh tay của mình lên cao nhất có thể trong khi luyện công, bất chấp cơn đau dữ dội. Bây giờ nó đã hoàn toàn ổn trở lại.

Tôi cảm thấy như mình được tái sinh nhờ công việc tại Đài truyền hình Tân Đường Nhân. Tôi đánh giá cao tất cả các đồng nghiệp đã cho tôi một môi trường tu luyện tuyệt vời. Trên hết, con xin cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại đã cho con cơ hội đề cao bản thân và trợ Sư Chính Pháp!

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/3/467597.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/9/213272.html

Đăng ngày 26-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share