Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 02-11-2023] Tôi đã từng trong chốn hồng trần mà chạy theo danh, lợi, tình. Tôi còn rất quan tâm đến ngoại hình và coi trọng sắc đẹp, nói đến mức ham mê cũng không quá, rằng có ham muốn đầy thân cũng không ngoa. Khi mẹ tôi tu luyện Đại Pháp, tôi từng bài xích và chê cười bà, lúc bà vượt quan nghiệp bệnh không chịu uống thuốc tôi cảm thấy bà thật mê muội. Hồi đó, tôi đi chùa gặp tượng Phật liền bái lạy, cầu cái này xin cái kia, đủ loại vọng niệm. Có lúc tôi cũng tự hỏi: người đã chết vĩnh viễn không tồn tại nữa sao?

Năm 2015, tôi may mắn đắc Pháp, lúc ấy tôi chỉ là theo đồng tu mẹ học Pháp luyện công, ba ngày đánh cá thì hai ngày phơi lưới, cho dù như vậy Sư phụ từ bi vẫn giúp tôi thanh lọc thân thể. Một ngày nọ, tôi xuất hiện hiện tượng tiêu nghiệp miệng nôn trôn tháo, “liên tục tìm nhà vệ sinh” như được giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Về sau, các triệu chứng khó chịu trên thân thể tôi như viêm họng, huyết áp thấp cũng đều biến mất.

Lúc đó, mẹ tôi thường mang Tập san Minh Huệ về nhà cho tôi đọc, sau khi đọc bài chia sẻ của các đồng tu, tôi đã hiểu ra tầm quan trọng của việc học Pháp thật nhiều. Thấy các đồng tu chia sẻ lợi ích của việc học thuộc Pháp, tôi cũng bắt đầu học thuộc Pháp. Dần dần, tôi đã minh bạch ra bản thân trong người thường đã hình thành đủ các loại quan niệm, nhất định phải trừ bỏ.

Tu Chân

Đặc biệt, mỗi lần học đến đoạn Sư phụ giảng về câu chuyện đầu mẩu khăn tắm ở nhà máy dệt kim, tôi lại vô cùng xấu hổ.

Dạo đó để tiết kiệm tiền dùng khí ga, tôi đã nhờ người quen thay cho đồng hồ đo khí ga không nhảy số. Như vậy, nhà tôi có dùng bao nhiêu khí ga đều không hiển thị, nói trắng ra là đã trộm dùng khí ga. Nhờ học Đại Pháp, tôi hiểu ra rằng làm một người tu luyện thì không được làm điều đó, làm như vậy là trực tiếp tổn đức. Tôi bèn nhờ người tháo đồng hồ đó ra và thay lại đồng hồ đo ga ban đầu của hãng. Sau khi làm xong hết thảy những điều này, tôi lập tức cảm thấy như trút được gánh nặng, vô cùng thoải mái. Thử nghĩ nếu như không học Đại Pháp, tôi tuyệt nhiên sẽ không làm như vậy. Bởi vì trong nhà lắp đặt hệ thống sưởi sàn nên lượng ga tiêu thụ vào mùa đông rất lớn, thường tốn vài nghìn Nhân dân tệ, mà thời gian cần sưởi ấm ở chỗ chúng tôi vào mùa đông lại rất dài. Lúc đó trong tâm tôi đã do dự, cũng bởi khi đó tôi chưa thực tu và lý giải Pháp còn rất nông cạn, giờ đây có lúc nghĩ lại, tôi thấy bản thân trước đây sao mà xấu xa đến vậy!

Sau đó, tôi kể chuyện này với người nhà, và mẹ tôi, cũng là đồng tu, nói: Chỉ những người tu luyện Pháp Luân Công mới có thể làm được điều như vậy. Bây giờ ai mà không muốn chiếm thêm chút lợi, chưa kể còn có bao nhiêu người muốn chiếm mà chiếm không được ấy chứ!

Buông bỏ chấp trước vào diện mạo

Trước khi tu luyện, tôi vô cùng quan tâm đến diện mạo của mình. Để giữ cho mình luôn trẻ trung, tôi mua đủ các loại dụng cụ làm đẹp và mỹ phẩm cao cấp. Tôi thích trang điểm mỗi ngày, trang điểm miết mà không biết chán. Mỗi lần trước khi ra ngoài, tôi thường mất hai đến ba giờ đồng hồ để trang điểm, chưa trang điểm xong là tôi chưa đi. Khi tụ tập cùng bạn bè, tôi luôn muốn mình là người thanh lịch, tinh tế và xinh đẹp nhất. Tôi luôn thấy tủ quần áo của mình thiếu thiếu, tôi toàn mua quần áo loại tốt, tiêu tốn rất nhiều tiền. Hồi đó, tôi chính là cảm thấy việc con người sống truy cầu tiền, truy cầu lợi ích vật chất là điều hiển nhiên, nếu không thì cuộc sống có ý nghĩa gì! Tôi đã từng nghĩ cuộc sống là phải như vậy.

Khi tôi không ngừng học Pháp, Sư phụ đã không ngừng điểm hóa cho tôi, và Đại Pháp đã cải biến tôi. Tôi minh bạch rằng Đại Pháp là công pháp tính mệnh song tu, chỉ cần tôi thực tu thì căn bản không cần tô son trát phấn. Hơn nữa, Đại Pháp là cải biến từ bản chất của sinh mệnh, tự nhiên có thể đạt tới trì hoãn sự lão hóa và làm cho con người hướng về tuổi trẻ. Tôi cũng ngộ ra rằng việc truy cầu sắc đẹp và ăn diện là biểu hiện của tâm sắc dục, tâm hiển thị, tâm tranh đấu, tâm hư vinh, đều là những tâm không tốt mà người tu luyện cần tu khứ. Vì vậy, tôi bắt đầu từ bỏ mọi hình thức chăm sóc sắc đẹp cũng như vóc dáng, hàng tháng tôi không phải mua quần áo nữa, tôi không còn chú ý đến các loại thông tin thời trang trên điện thoại di động, cũng không muốn so sánh, ganh đua với người khác.

Trước đây tôi luôn cảm thấy có bao nhiêu tiền cũng không đủ tiêu. Hiện giờ, mỗi tháng tôi còn tiết kiệm được rất nhiều tiền. Toàn bộ quan niệm tiêu dùng của tôi đều đã cải biến, tôi cũng dần dần ngộ ra: đối với người tu luyện mà nói, thế gian chỉ là một trường tu luyện lớn, không nên lưu luyến những thứ của người thường, hơn nữa, càng lên cao lại càng mỹ hảo.

Một lần vì để giảng chân tướng, tôi đã đến dự tiệc của một cô bạn. Trong cuộc trò chuyện, một người bạn nói: “Bạn à, kể từ khi bạn học Pháp Luân Công, toàn bộ con người bạn đã thay đổi, từ trong ra ngoài. Trước đây, những thứ bạn có thì bạn đều không muốn người khác có. Bây giờ bạn trở nên bình hòa và giản dị, cũng không còn tranh cường háo thắng nữa“.

Chăm sóc bố dượng

Năm 2020, bố dượng đã ngoài 80 của tôi đột nhiên bị nhồi máu não và phải phẫu thuật. Trong quãng thời gian ông nằm viện, tôi và mẹ đã phải chạy đôn chạy đáo chăm sóc cho ông. Bố dượng chỉ có một người con trai đi xa không về được, chị dâu ở nhà mắc bệnh tiểu đường còn phải đi làm nên tôi đã đảm đương việc chăm sóc cho ông.

Trong thời gian bố dượng nằm viện, ông đã nhiều lần gọi điện thoại cho con trai giục anh mau trở về, nói rằng có việc phải dặn dò. Đêm trước ngày bố dượng xuất viện, anh con trai đã trở về. Ngày hôm đó, tôi và mẹ đã làm xong thủ tục xuất viện trở về nhà, bố dượng vội vã gọi toàn bộ gia đình anh con trai vào trong một căn phòng khác. Lúc này tôi và mẹ đang bận làm cơm cho cả nhà trong bếp, chợt nghe thấy bố dượng gọi mẹ, rồi tôi thấy mẹ từ phòng ngủ đi ra tay bưng một cái hộp nhỏ. Tôi từng nghe mẹ tôi kể rằng trong chiếc hộp có một trăm đồng bạc do vợ cũ của bố dượng tôi để lại sau khi bà qua đời. Một lúc sau, mẹ tôi quay vào bếp nói: Chú Lý (cha dượng) gọi con trai của ông ấy về chỉ để giao những đồng bạc này cho cậu ấy.

Sau khi biết chuyện, tôi nghĩ: Rốt cuộc là thế nào đây? Toàn bộ thời gian ông nằm viện, anh ta thân làm con mà không chi tiền cũng chẳng tốn sức, đều là tôi và mẹ chạy tới chạy lui, tốn tiền hao lực. Tại sao lại đối xử với mẹ con tôi như vậy chứ? Vả lại, đâu cần phải gấp gáp làm vậy? Cho dù thế nào cũng nên cân nhắc một chút cho tâm tình của mẹ con tôi. Tôi đã bị động tâm, nhưng cố dằn lòng, tự nhủ rằng mình là người luyện công, không thể giống như người thường, phải Nhẫn. Lúc này tôi nhớ tới đoạn Pháp của Sư phụ:

“Khó là khó ở chỗ chư vị chịu thiệt thòi một cách minh bạch rõ ràng nơi lợi ích người thường, với lợi ích thiết thân [bày] trước mắt, chư vị có bất động tâm hay không;” (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhẩm đi nhẩm lại đoạn Pháp này trong tâm, và tôi dần bình tĩnh lại.

Sau đó, mẹ tôi kể: Chiếc hộp đựng đồng bạc đó được cất trong hộc đựng quần áo dưới gầm giường của mẹ, từ trước đến nay mẹ chưa bao giờ mở ra. Cha dượng nói trong đó có một trăm đồng bạc.

Một ngày nọ, tôi chợt ngộ ra: Những thứ trong chiếc hộp đó chẳng liên quan gì đến chúng tôi và không thuộc về chúng tôi. Từ đó, tôi cảm thấy thật sự nhẹ nhõm, tôi cũng an ủi mẹ đừng nhắc đến chuyện này nữa, cũng đừng phàn nàn rằng bố dượng tôi không tin bà. Tôi nói: “Đây là khảo nghiệm mà Sư phụ đã đặt ra cho mẹ con mình”.

Những ngày sau đó, bố dượng tôi không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, việc ăn, uống, tiểu tiện, đại tiện của ông hoàn toàn dựa vào tôi và mẹ tôi. Một hôm, tôi vừa về đến nhà thì thấy phân và nước tiểu vương vãi khắp sàn, từ giường của ông vào đến nhà vệ sinh. Thì ra ông bị tiêu chảy, và mẹ tôi đang luống cuống giúp ông lau dọn. Tôi vội vàng ngồi xuống để xử lý phân, không quan tâm bẩn hay hôi, cũng không ngửi thấy mùi hôi thối nào. Sau khi cùng mẹ xử lý xong tất cả mọi việc, tôi cảm thấy rất bình thản.

Sau này, bố dượng tôi năm ba ngày lại đại tiện, tiểu tiện trên giường hoặc ra quần. Tôi đã quen với việc chăm sóc ông trong tình trạng này. Một lần mẹ tôi không có nhà, bố dượng tôi nói muốn đi đại tiện, nhưng chưa kịp đỡ vào nhà vệ sinh thì ông đã đi ra khắp sàn. Tôi trấn an ông rằng không sao, rồi đeo găng tay vào và dọn dẹp sạch sẽ phân trên sàn nhà. Sau khi hoàn tất mọi việc cho dượng, tôi nghĩ đến việc mình từng là người sạch sẽ như thế nào, ghét nhất những thứ như phân, nước tiểu và bụi bẩn ra sao, nếu không học Đại Pháp thì tôi dù có bị đánh chết cũng không thể làm được. Huống hồ tôi và ông còn không có quan hệ huyết thống.

Bố dượng tôi hơn nửa cuộc đời là giáo viên. Nhiều học trò của ông đã đạt được những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực. Ông được phong danh hiệu Giáo sư từ rất sớm, ông dạy tiếng Trung hiện đại, cũng có được danh tiếng nhất định trong ngành. Hiện giờ, ông lại rơi vào hoàn cảnh đáng thương như vậy. Trong lòng tôi chợt thấy xót xa: Con người sống rốt cuộc là vì điều gì? Ý nghĩa ở đâu? Một đời vinh, nhục, ưu, khuyết mà để làm gì? Đồng thời, tôi cũng cảm thấy mình thật may mắn đã gặp được Đại Pháp của vũ trụ, trở thành người tu luyện, thoát khỏi đau khổ luân hồi, đạt được sự giải thoát chân chính của sinh mệnh.

Em gái của bố dượng chứng kiến mẹ con tôi chăm sóc ông chu đáo, thường nói bố dượng tôi trong họa lại có phúc, may mắn có được hai mẹ con tôi, nói hai mẹ con tôi không giống người bình thường. Còn đối với người con riêng của ông, bà rất không hài lòng. Lần nào chúng tôi cũng nói: gia cảnh anh ấy cũng không dễ dàng gì, đều đang phải đi làm thuê ở nơi khác, còn phải chu cấp cho con cái học hành, mẹ con tôi đảm đương nhiều hơn một chút cũng không sao. Cũng vì chúng tôi tu luyện Pháp Luân Công, Sư phụ dạy chúng tôi làm gì cũng nghĩ cho người khác, làm một người tốt và tốt hơn nữa. Nếu không, chúng tôi không thể làm được như thế!

Hiểu rõ trách nhiệm của người tu luyện, gia đình chúng tôi đã mở một điểm sản xuất tài liệu. Chúng tôi chủ yếu tự cung tự cấp, tải các loại tài liệu khác nhau từ trang Minh Huệ về, làm ra được bao nhiêu thì phân phát bấy nhiêu. Mỗi lần sau khi thu xếp cho cha xong, mẹ tôi và tôi đều nhờ bóng tối của màn đêm để làm việc cứu người dưới sự bảo hộ của Sư phụ.

Đầu năm, chị dâu tôi phải nhập viện vì bệnh tiểu đường, con trai của dượng tôi phải trở về để chăm sóc cho chị ấy. Một hôm, anh ấy về nhà thăm bố. Sau mấy lời thăm hỏi ngắn ngủi của cha con họ với nhau, anh nói với mẹ con tôi rằng anh muốn vay 20.000 Nhân dân tệ. Mẹ tôi đồng ý.

Không ngờ mấy hôm sau, bố dượng tôi đột nhiên không khỏe, phải nhập viện. Ba ngày sau thì ông qua đời.

Lo xong hậu sự cho bố dượng, một hôm, mẹ tôi làm cơm gọi con trai của bố dượng tôi đến ăn cùng, mẹ còn đưa anh ấy mang cơm về cho chị dâu và cháu gái. Lúc này, con trai của bố dượng tôi hỏi muốn vay mẹ tôi hai vạn Nhân dân tệ. Mẹ tôi nói tiền mặt trong nhà hiện tại không đủ. Chúng tôi gom góp nhặt nhạnh, tôi gom được 5.000 Tệ, tổng được 20.000 Nhân dân tệ đưa cho anh ấy.

Vài ngày sau, con trai của bố dượng tôi hỏi về tiền tử tuất, mẹ tôi nói trước mặt cả gia đình anh ấy: Con à, con yên tâm, tiền tử tuất của bố con sẽ chia ba, đợi khi lĩnh xong, mẹ sẽ đưa tất cả hóa đơn chứng từ cho con xem. Đến lúc đó, con đến lấy hoặc nhờ người qua lấy! Nghe mẹ tôi nói như vậy xong, anh ấy liền nở nụ cười thư thái.

Sau khi sự việc xảy ra, tâm tôi lại sôi lên, chính là cảm thấy tại sao con ruột của ông lại như thế này? Bố mới qua đời được vài hôm, mẹ con tôi còn chưa nguôi ngoai nỗi đau, bình thường anh ta đối với bố vốn chẳng quan tâm, bố nằm liệt giường cũng không biểu bố được xu nào. Ngoài ra, anh ấy kiếm được không ít tiền mỗi năm. Anh ta thực sự không có đến 20.000 Nhân dân tệ sao?

Một buổi sáng, cháu trai của bố dượng tôi đột nhiên đến nhà, nói muốn lấy hai bộ sách đóng bìa thời nhà Thanh do ông để lại, thấy cháu dáng vẻ nghiêm túc, tôi liền đưa cho cháu. Đợi cháu đi khỏi, mẹ tôi buồn bã nói với tôi: “Cuốn sách này là bố dượng con để lại cho mẹ, sao con lại để cháu lấy đi? Sao con lại ngốc đến mức đưa đồ cho người khác một cách hồ đồ như thế?” Mẹ tôi cũng tự trách mình tại sao lúc đó không ngăn cản tôi đưa sách. Nghe mẹ nói, tôi cũng cảm thấy bực mình, quả thực, lúc ấy hình như đầu óc của mẹ con tôi bị thứ gì đó khống chế, cảm giác như có người đến tận cửa nhà xin sách, vậy thì đưa thôi!

Chứng kiến mẹ buồn, trong tâm tôi cũng không vui. Tôi cũng không phát chính niệm tốt vào buổi trưa. Tôi bèn đến trước pháp tượng của Sư tôn, trong tâm cầu xin Sư tôn điểm ngộ cho đệ tử. Tôi cũng biết rằng mọi thứ mà một người tu luyện gặp đều không phải là ngẫu nhiên, sở dĩ xảy ra chuyện này, nhất định là chúng tôi có tâm chấp trước cần tu. Tôi hướng nội và tìm ra tâm tự cho mình là đúng, tâm phàn nàn, tâm không muốn bị người khác nói, và tâm oán hận đối với con trai và cháu trai của bố dượng. Đồng thời, chúng tôi cũng ngộ ra rằng việc xuất hiện sự việc này chính là khảo nghiệm đối với chúng tôi. Tôi nhớ đến lời dạy của Sư phụ:

“bất thất bất đắc” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi tự nhủ phải buông bỏ nhân tâm và hành động chiểu theo Pháp. Tôi nói với mẹ: Cuốn sách đó không phải của chúng ta, nếu không đã không bị người khác lấy đi. Hết thảy thuộc về người tu luyện chúng ta đều được Sư phụ quản, Sư phụ coi sóc! Hãy buông bỏ tâm chấp trước. Mẹ tôi thở dài nói: Cả đời mẹ không bao giờ tranh đấu với người khác, bây giờ mẹ đã tu luyện Đại Pháp rồi, mẹ lại càng sẽ không đi tranh giành nữa. Sau đó, mẹ con tôi bàn bạc và lần lượt trả lại toàn bộ số tiền phúng viếng của người thân, bạn bè và nói cho họ biết: Chúng tôi là người tu luyện nên không nhận lễ vật!

Hiện giờ tôi và mẹ thường xuyên nhắc nhở lẫn nhau, cần học Pháp cho tốt, luôn ghi nhớ bản thân là người tu luyện, và làm tốt những việc cần làm.

Trong nhiều năm qua, tôi cảm nhận sâu sắc rằng Sư phụ luôn bên cạnh tôi, coi sóc tôi, điểm ngộ cho tôi, cứu vớt tôi khỏi vòng xoáy của hồng trần, Ngài đã vì tôi mà gánh chịu rất nhiều. Tôi thường nghĩ: Sao trên đời lại có một vị Sư phụ vĩ đại, từ bi và vị tha đến vậy! Hơn nữa, mẹ con tôi còn được đích thân Sư phụ hóa độ, thật vinh hạnh và may mắn biết bao. Tôi cũng biết rõ rằng điều Sư phụ muốn là đệ tử cải biến từ căn bản, đồng hóa với Pháp.

Đệ tử sẽ ghi nhớ lời Sư tôn chỉ dạy, học Pháp cho nhiều, tinh tấn thực tu! Vĩnh viễn đi theo Sư phụ!

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/2/467424.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/30/213145.html

Đăng ngày 20-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share