Bài viết của Trịnh Ngữ Yên, phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan

[MINH HUỆ 25-11-2023] Ông Trang Mậu Khâm là nhà quản lý của một cơ quan chính phủ với mức lương ổn định, có một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, từ nhỏ, ông luôn cảm thấy bất an. Càng trưởng thành, cảm giác bất an càng mạnh hơn. Ông đã thử nhiều phương pháp nhưng không sao tìm được cảm giác an toàn.

Cảm giác an toàn chưa từng cảm nhận được

93a4226aacf5fa9604080ecd5d47b88f.jpg

Ông Trang Mậu Khâm.

Năm 2010, ông Trang tham dự lớp học Pháp Luân Đại Pháp chín ngày. Từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ông liền thấy thư thái, không còn cảm giác bất an nữa. Ông bày tỏ: “Ngày đầu tiên tôi xem video của Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp), nghe giọng Sư phụ, tôi lập tức cảm nhận được một luồng năng lượng ấm áp thông thấu toàn thân – rất dễ chịu. Tôi lập tức thấy thư thái, một cảm giác an toàn mà trước đây tôi chưa từng cảm nhận được. Mỗi khi nghe Sư phụ giảng Pháp, tôi cảm thấy dễ chịu và an tâm. Mỗi lần tôi luyện công, thân thể tôi tràn đầy năng lượng tích cực và tâm trí bình yên. Cảm giác đó thật tuyệt vời.”

Điều gì đã khiến ông Trang bất an nhiều năm qua? Ông biết đến Pháp Luân Đại Pháp, trở thành một đệ tử Đại Pháp, và tìm được sự bình an trong tâm như thế nào? Dưới đây là câu chuyện mà ông chia sẻ.

Ông Trang Mậu Khâm là con út trong gia đình tám anh chị em ở vùng nông thôn thị trấn Bộ Lý, huyện Nam Đầu, Đài Loan. Cha mẹ ông làm lụng vất vả, và với sự trợ giúp của những người con lớn, gia đình cũng đủ ăn đủ mặc.

Khi đó, ông Trang luôn đạt điểm cao ở trường nên bố mẹ và các anh chị em đều nguyện ý chu cấp tiền ăn học cho ông. Ông thuê một phòng trọ trong thành phố và theo đuổi tấm bằng công nghệ. Năm năm sau, ông lấy được bằng cao đẳng và được nhận vào Học viện Công nghệ Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc; năm 1997, trường ông đổi tên thành Đại học Công nghệ Quốc gia Đài Loan.

Sau khi có được tấm bằng cử nhân, ông thi đậu công chức cấp cơ sở, tiếp đó là kỳ thi công chức cấp cao. Ông được phân công công tác tại đơn vị kỹ thuật của một khi đô thị tự trị ở phía bắc Đài Loan. Ông tận tụy trong công việc phục vụ công chúng và được đề bạt lên chức vụ trưởng phòng.

Áp lực trong công việc

Đơn vị công tác của ông Trang phụ trách giám sát chất lượng và tiến độ thi công công trình công cộng đô thị. Mối quan hệ với các nhà cung cấp, nhà thầu và nhân sự trong ngành xây dựng rất phức tạp, dễ dẫn đến tham nhũng và gian lận. Công việc của ông căng thẳng như đi trên lớp băng mỏng, ông từ chối mọi lời mời đi ăn tối hay ăn trưa với các nhà thầu, thậm chí cả với đồng nghiệp cũ.

Cấp trên của ông Trang kể rằng hễ trời mưa là ông không sao ngủ được vì lo lắng cho công trình. Ông Trang thở dài cho biết ông không sao ngủ ngon được vì lo lắng nhiều điều, từ thời tiết, tiến độ dự án cho đến những yêu cầu vô tận liên quan đến dự án. Ông muốn làm ở một vị trí bớt áp lực hơn nên đã ứng cử vào vị trí phó giám đốc cấp trung ương.

Bất an và ưu tư

Ngoài những căng thẳng trong công việc, ông Trang còn không khỏi lo lắng cho bố mẹ và các anh chị em. Ông thường nghĩ làm sao để giải quyết các vấn đề trong gia đình, rồi lại lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ và anh chị em – mẹ và anh trai cả của ông đều mắc “hội chứng ba tăng” (tăng huyết áp, tăng mỡ máu và tăng đường huyết). Cha ông bị đột quỵ và đã qua đời, đó là một cú sốc lớn đối với ông Trang.

Sức khỏe của ông cũng ngày càng xuống dốc. Ông dễ bị cảm lạnh, cảm cúm, và luôn mất nhiều thời gian để hồi phục. Ông cũng được chẩn đoán mắc “hội chứng ba tăng” khi còn chưa đến tuổi ngũ tuần. Một lần, khi ông đi cầu thang bộ từ tầng ba lên tầng năm để gặp sếp, dáng vẻ như sắp ngất xỉu của ông khiến cô thư ký sợ hãi định gọi xe cấp cứu. Bác sỹ đã kê thuốc “trợ tim” cho ông. Vì biết uống nhiều thuốc lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe nên ông đã tập Thái Cực Quyền và bơi lội quanh năm nhưng không có tác dụng.

Bình an, thư thái sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

c167d67a97d7bd5263a3e2aacecaad22.jpg

Ông Trang Mậu Khâm đang tọa thiền.

Vào một ngày năm 2010, ông Trang thấy một tờ rơi giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp trong văn phòng của mình, trong đó đề cập rằng môn tu luyện này có thể giúp con người khỏe mạnh. Ông lên mạng tìm điểm luyện công Pháp Luân Đại Pháp gần nhất và đã tham gia lớp học chín ngày. Khi xem video Sư phụ Lý Hồng Chí giảng Pháp, ông cảm nhận được một dòng năng lượng ấm áp thông thấu toàn thân. Ông lập tức cảm nhận được cảm giác bình an mà trước đây ông chưa chưa từng có và quyết định bước vào tu luyện.

01a7f828e31699c4998c811b19220d26.jpg

Ông Trang Mậu Khâm đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp.

Ngay khi bắt đầu tu luyện, ông Trang bị cảm lạnh nhưng đã hồi phục nhanh chóng. Sau đó, ông không còn bị cảm lạnh lần nào nữa. Khi ông tu luyện được khoảng ba tháng, em rể của ông tò mò hỏi: “Anh tu luyện thế có lợi ích gì không?” Ông Trang trả lời: “Từ khi tu luyện, anh mới biết thế nào mới là ngủ.”

Bất kể trời lạnh hay nóng, gió hay mưa, ông đều đến điểm luyện công ở công viên gần nhà vào lúc 4 giờ 20 mỗi sáng để tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Ông đắm chìm trong niềm vui học Pháp và luyện công. Ông không còn phải đi bác sỹ và cũng không cần phải dùng bất kỳ loại thuốc nào nữa.

Ông nhận được thông báo trúng tuyển vào vị trí phó giám đốc của một cơ quan trung ương và được thay đổi môi trường làm việc như ý.

Cách đây 13 năm, khi ông còn ở độ tuổi sung sức mà leo cầu thang đã khó khăn. Từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, mọi bệnh tật của ông đều đã khỏi. Hiện ông đã ngoài 60 tuổi mà vẫn đi bộ hàng cây số trong các cuộc diễu hành và còn tham gia các hoạt động quảng bá Pháp Luân Đại Pháp hay giảng chân tướng về cuộc bức hại. Ông cũng tham gia vào một hạng mục giảng chân tướng qua điện thoại và nhắn tin khuyên người dân ở Trung Quốc Đại lục thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tấm lòng nhân hậu của học viên Pháp Luân Đại Pháp

Năm ngoái, mẹ ông Trang qua đời, ông được thừa kế một số đất đai, nhà cửa của gia đình. Vì người anh cả đã chăm sóc mẹ hàng chục năm nên ông Trang quyết định nhường đất đai thừa kế cho anh cả. Ông nhận thừa kế một ngôi nhà có lối kiến trúc tam hợp viện. Sau đó, ông quyết định bán ngôi nhà này cho một nhà đầu tư muốn xây nhà mới.

Vào ngày hoàn tất giao dịch mua bán, ông Trang nhận thấy có một vấn đề. Nhiều ngôi nhà bị hư hại trong trận động đất lớn xảy ra ở miền trung Đài Loan vào ngày 21 tháng 9 năm 1999. Ngôi nhà bên cạnh là nhà của người anh họ của ông và đã được xây lại sau trận động đất, nhưng một góc mái nhà đã lấn sang phần diện tích của nhà ông Trang.

Ông Trang nói: “Là người tu luyện, tôi cần phải thành thật. Tôi không thể giấu giếm khi biết sự việc. Hơn nữa, anh họ tôi đã cao tuổi. Một số người cao tuổi rất kiêng kỵ khi mái nhà bị lẹm góc. Tôi không thể để lại vấn đề có khả năng gây tranh chấp cho anh họ và người mua nhà được.”

Ông Trang đã cho người mua nhà biết sự việc này và yêu cầu bổ sung phụ lục hợp đồng để giữ lại phần mái nhà cho người anh họ. Người mua nhà không chấp thuận yêu cầu này. Ông Trang đề xuất giảm giá trừ cho phần diện tích vượt mái. Người mua lại từ chối giao dịch. Sau đó, ông Trang cho biết ông có thể bồi thường thiệt hại 880.000 Tân Đài tệ để hủy hợp đồng. Phía người mua không muốn mất thương vụ này vì thấy tiềm năng lớn của khoản đầu tư này.

Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của phần diện tích vượt mái, người mua đã thuê một đơn vị khảo sát đo lại diện tích đất. Kết quả cho thấy phần diện tích bị vượt mái chưa đầy 0,3 mét vuông, ảnh hưởng không đáng kể. Cả đại diện của người bán và người mua đều tin rằng nên có giải pháp khác để giải quyết vấn đề này.

Người mua nhận ra tấm lòng của ông Trang và đồng ý mức giảm giá 230.000 Tân Đài tệ để bổ sung vào hợp đồng điều khoản không phá dỡ phần diện tích mái nhà người anh họ ông Trang lấn sang khi tu sửa hoặc bán lại tài sản trong tương lai. Người mua cũng chấp thuận nội dung sửa đổi này như một điều kiện của việc mua bán. Người đại diện và anh họ của ông Trang đứng ra làm chứng cho việc ký kết thỏa thuận này.

Khi các học viên Pháp Luân Đại Pháp gặp vấn đề, họ sẽ đối diện bằng sự thành thật, dù được hay mất họ cũng để sự việc diễn ra tùy kỳ tự nhiên và luôn nghĩ cho người khác. Ông Trang bày tỏ: “Tôi thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc. Vinh diệu lớn nhất của tôi là được trở thành đệ tử Pháp Luân Đại Pháp.”

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/25/468622.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/27/213111.html

Đăng ngày 12-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share