Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-10-2023] Các bài giảng gần đây của Sư phụ và các thông cáo của Ban Biên tập Minh Huệ đã giúp chúng ta càng lúc càng ý thức được tính nghiêm túc của tu luyện. Các vấn đề về tâng bốc và tự tâm sinh ma đã bắt đầu được các đồng tu thảo luận rộng rãi. Tôi xin chia sẻ một số trải nghiệm của mình về vấn đề này.

Vào năm 2014, tôi và hơn 30 đồng sự cùng được chuyển đến dạy ở một ngôi trường khác. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức “tiết giảng minh họa lớp học hiệu quả cao” trong một ngày. Vào hôm đó, mỗi bộ môn sẽ cử một giáo viên thực hiện một tiết giảng minh họa. Là giáo viên mới, tôi đã được chỉ định tham gia.

Tôi đã không chuẩn bị đặc biệt gì cho hoạt động này, cũng không giảng bài giảng sở trường của mình. Tôi đã giảng theo đề cương với nội dung như mọi khi tôi lên lớp. Thế mà, bài giảng của tôi thu hút được rất nhiều sự chú ý. Nhiều giáo viên đã khen ngợi tôi, nói rằng tôi trình bày bài giảng rất tốt và rất lưu loát, không giảng thừa một câu nào. Họ đã so sánh tiết giảng của tôi với tiết giảng của các giáo viên khác và nói rằng tiết giảng của tôi đặc biệt tốt. Từ đó, mọi người trong trường đều ca tụng tôi.

Tôi chưa bao giờ tin rằng tiết giảng của tôi vượt trội hay tôi tài giỏi gì. Tuy nhiên, thời gian qua đi, những lời ca ngợi và tâng bốc đã khiến tôi cảm thấy mình thật xuất sắc. Ngày hôm ấy đã trở thành “khoảnh khắc nổi bật nhất” trong cuộc đời tôi. Tôi trước đây tôi vốn không cảm thấy mình có nhiều kỹ năng, cho rằng mình còn trẻ, còn cả chặng đường dài phía trước nên vẫn phải học hỏi nhiều, nhưng kể từ ngày hôm đó tôi đã không tiến bộ được mấy.

Sự việc đó đã cho thấy những lời ca tụng đã thay đổi tâm tính tôi về bản chất đến mức nào và chúng nguy hại tới cỡ nào. Khi một người cảm thấy mình tốt hơn người khác thì người đó sẽ ít có khả năng đề cao. Người đó không còn khiêm tốn, quan tâm đến người khác, hay tôn trọng người khác nữa. Sự ca tụng có thể rất dễ cho người ta cảm giác tự mãn về bản thân, ngạo mạn, tự cao tự đại và xem thường người khác. Họ không thể chịu được khi có ai đó có vẻ giỏi hơn họ và họ trở nên đố kỵ.

Nếu người tu luyện ca tụng lẫn nhau thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn. Các đồng tu được ca tụng thường là làm tốt ở một phương diện nào đó, như giảng chân tướng giúp nhiều người minh bạch, chính niệm chính hành khi gặp bức hại, hoặc không bị bắt khi cảnh sát bắt giữ các đồng tu khác. Song, nếu ngày càng nhiều đồng tu ca tụng họ, họ dần dần có thể phát sinh các chấp trước và bắt đầu cảm thấy mình giỏi hơn người khác. Đây là khởi đầu của tự tâm sinh ma. Nói về tự tâm sinh ma, Sư phụ đã giảng:

“Con người rất khó không động tâm“ (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Đây là một quá trình biến đổi từng chút một, người đồng tu được tâng bốc dần dần sẽ chỉ thấy chỗ mình làm tốt, tin rằng mình làm tốt trong mọi khía cạnh, và rồi không còn nhìn ra những thiếu sót và chấp trước của mình nữa. Khi người khác chỉ ra các chấp trước cho vị ấy, vị ấy vì tâm cầu danh, tâm giữ thể diện mà không nhận ra hoặc cố gắng che đậy các chấp trước của mình. Cũng có thể vị ấy không cố ý che giấu, nhưng vị ấy thật sự không nhìn ra thiếu sót của mình, tâm tự mãn khiến vị ấy đánh mất bản thân, mất đi lý trí. Cũng có vị duy trì hình ảnh “tu luyện tốt,” cố tình che đậy và không thừa nhận những chấp trước này. Khi bị cựu thế lực lợi dụng sơ hở và bức hại, vị đó có thể không còn nhớ đến Sư phụ và Pháp nữa. Tự tâm sinh ma đã làm chính niệm của vị ấy bị mê hoặc, nên không thể phủ nhận bức hại. Sư phụ đã kéo dài thời gian và ban cho chúng ta cơ hội để chúng ta trở lại chính đạo. Tuy nhiên, khi các đồng tu phải chịu đựng bức hại kéo dài, vị ấy rất dễ khởi tâm oán hận và băn khoăn tại sao mình đã làm nhiều việc như vậy, cứu được nhiều người như thế mà vẫn gặp phải chuyện như này, vẫn phải chịu đựng như kia. Điều này thậm chí còn cho cựu thế lực nhiều lý do hơn để bức hại vị ấy. Một số người cuối cùng đã mất đi sinh mệnh. Đó là một số hậu quả của việc được người khác tâng bốc.

Giờ đây, tất cả chúng ta cần rút kinh nghiệm từ bài học giáo huấn đau thương này. Tôi nhận thấy một số học viên vẫn tin rằng họ tu được tốt và làm tốt việc giảng chân tướng. Một số thậm chí còn coi làm các việc Đại Pháp là tu luyện. Những học viên đó đã quên mất rằng hết thảy năng lực và thành tựu của họ đều nhờ Sư phụ và Đại Pháp mà có. Họ cũng quên mất những gì Sư phụ đã giảng:

“Làm người tu luyện, thì hết thảy những khổ não gặp ở người thường đều là vượt quan; hết thảy tán dương gặp phải đều là khảo nghiệm.” (“Người tu tự ở trong ấy”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Các học viên không bao giờ được quên rằng hết thảy đều đến từ Sư phụ và Pháp. Dù ma nạn có vẻ khốc liệt đến mức nào, khi chúng ta có Sư phụ, có Pháp trong tâm và có chính niệm, Sư phụ sẽ giúp chúng ta. Là người tu luyện, chúng ta phải tuyệt đối kính Sư kính Pháp. Chỉ một chút suy nghĩ rằng chúng ta tốt hơn người khác có thể trở thành sơ hở lớn cho cựu thế lực lợi dụng để hủy hoại chúng ta.

Trên đây là những thể ngộ hiện nay của tôi. Mong các đồng tu từ bi chỉ ra bất kỳ điểm nào không phù hợp với Pháp.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/10/12/467025.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/7/212802.html

Đăng ngày 28-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share