Từ Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm qua Internet lần thứ VIII dành cho học viên Trung Quốc

Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-11-2011]

Xin kính chào Sư phụ!

Xin chào toàn thể đồng tu!

Tôi bắt đầu tu luyện từ năm 1996. Sau khi đọc một mạch hết cuốn Chuyển Pháp Luân thì tôi đã minh bạch ra ý nghĩa chân chính của sinh mệnh. Từ đó trở đi, niềm tin của tôi chưa bao giờ bị lay động. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 07 năm 1999, tôi đã nhiều lần bị bức hại: sáu lần bị thẩm vấn, năm lần bị lục soát nhà, tôi cũng đã vào trại lao động cưỡng bức trong hai năm, bị kéo dài thêm 114 ngày, và phải đi tù trong năm năm nữa. Tổng cộng tôi đã mất bảy năm rưỡi trong hắc ổ. Tuy nhiên tôi vẫn kiên định tin vào Sư phụ và Đại Pháp, lấy Pháp làm tiêu chuẩn để đo lường bản thân, luôn hướng nội mỗi khi có vấn đề xảy ra, tu luyện thật tốt, và làm tốt ba việc. Tôi xin được tóm tắt và chia sẻ kinh nghiệm với tất cả mọi người.

Phủ nhận cuộc bức hại bằng cách giảng chân tướng về Đại Pháp

Năm 2000, tôi và vợ tôi đã đi thỉnh nguyện. Trước khi đi, tôi nói với vợ rằng phải chuẩn bị tinh thần vì lần này đi có thể chúng tôi sẽ không quay về, vì thế ngay cả những vật dụng cần thiết chúng tôi cũng đều mang theo. Thực ra chính suy nghĩ này đã là sự thừa nhận cuộc bức hại. Hầu hết các đồng tu cũng đều có suy nghĩ tương tự, và chúng tôi đều bị cựu thế lực dùi vào sơ hở. Chúng tôi đều bị bắt vào trại giam. Tôi nghĩ,“Nếu không cho thỉnh nguyện, thì tôi sẽ ở chính chỗ này mà chứng thực Pháp.”

Ngay khi đến trại giam, những phạm nhân đã tìm cách “dằn mặt” tôi. Mỗi người mới đến đều bị như vậy. Bị từng người một đánh đập và dùng giầy cao su vả vào mặt là vẫn còn nhẹ, ngoài ra còn có thể bị phạt nặng hơn. Trước khi dằn mặt tôi, họ hỏi, “Anh vào đây vì tội gì?” Tôi liền trả lời, “Tôi bị bắt vì đã thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.” Họ tò mò hỏi: “Pháp Luân Công là gì?” Tôi trả lời, “Pháp Luân Công là môn tu luyện cao tầng giúp chữa bệnh khỏe người và dạy cho con người ta sống tốt.” Họ liền dừng lại. Người cầm đầu đã từng là sinh viên đại học, anh ấy biết về vụ thảm sát ở Quảng Trường Thiên An Môn ngày 04 tháng 06. Sau khi nghe tôi kể về tình huống của Pháp Luân Công, anh ấy đối đãi với tôi như một thượng khách.

Ngày hôm sau, viên công an gọi tôi đến phòng để “nói chuyện.” Tôi kể cho ông ấy nghe về Pháp Luân Công, những lợi ích mà tôi đã thu được, và tại sao tôi vẫn tiếp tục kiên trì tu luyện Pháp Luân Công và thỉnh nguyện cho Đại Pháp. Ông ấy rất cảm động và nói, “Tôi tôn trọng tín ngưỡng của anh, nhưng anh phải tuân theo luật lệ ở đây: 1) Không được luyện công; 2) Không tuyên truyền về Pháp Luân Công; 3) Không được dạy phạm nhân ở đây luyện công.” Tôi chỉ cười. Ông ấy hỏi tại sao tôi lại cười, tôi liền nói, “Tôi chính là vì thỉnh nguyện để có được một môi trường tu luyện mà bị bắt vào đây. Nếu ông ngăn cản tôi, chẳng phải tôi đã đến đây một cách vô ích sao? Hơn nữa, Pháp Luân Công dạy cho con người ta sống tốt và tuân theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Như thế không những xã hội được lợi, mà ngay cả người dân, và những người như ông, đang quản lý phạm nhân, cũng sẽ được lợi. Như vậy tuyên truyền Pháp Luân Công có gì là sai?” Ông ấy nghĩ một lúc rồi nói, “Thôi được, tôi sẽ nới lỏng cho anh. Anh được phép luyện công, có thể tuyên truyền về Pháp Luân Công, nhưng không được dạy phạm nhân luyện công.” Tôi nói, “Được thôi, nhưng ông phải nói với bọn họ.” Ông ấy đồng ý. Tôi nghĩ, “Ông ấy đã đồng ý với hai điều kiện đầu tiên, nhưng điều kiện cuối cùng thì ông ấy không thể quyết định được. Chỉ cần người khác muốn luyện công thì mình sẽ dạy họ.” Sau buổi nói chuyện với tôi, ông ấy thông báo với mọi người: “1) Không được làm phiền khi anh ấy tập công;2) Phải lắng nghe Pháp Luân Công dạy làm người tốt như thế nào; 3) Không ai được phép học anh ấy luyện công. Nghe rõ rồi chứ?” Như vậy tôi đã có một môi trường để tập công và giảng chân tướng.

Ở cùng phòng giam với tôi có những người rất có duyên phận. Tôi viết xuống cho mọi người thơ Hồng Ngâm và Luận Ngữ của Sư phụ, và những phạm nhân đã từ bỏ được nhiều thói quen xấu. Cuối cùng, tất cả họ đều đã học các bài tập công, đều có thể ngồi kiết già! Một tháng sau đó, tôi và vợ tôi được thả về.

Năm 2001, tôi rời nhà vì không muốn bị đưa vào trại tẩy não. Sau đó tôi bị bắt. Vì không đồng ý từ bỏ tu luyện, nên tôi bị tuyên phạt hai năm trong trại lao động, sau đó bị kéo dài thêm 114 ngày nữa vì tôi không đồng ý bị “chuyển hóa.”

Khi tôi đến trại lao động, tôi nghĩ đệ tử Đại Pháp dù ở đâu cũng phải làm người tốt, vì thế tôi làm việc rất tích cực. Một buổi tối, người đội trưởng khen tôi làm việc rất tốt. Tôi đột nhiên nhận ra, “Chẳng phải là tôi đã phối hợp với tà ác sao? Sư phụ đã yêu cầu chúng ta không được phối hợp với tà ác dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi không được phép nhượng bộ nữa.” Ngày hôm sau đó tôi không làm việc nữa, tôi nói với người đội trưởng và giải thích với anh ấy: “Tôi không phạm phải tội gì; Tôi bị tuyên phạt vì đã tu luyện theo Chân-Thiện-Nhẫn.” Tôi nói với họ không nên phối hợp với tà ác mà bức hại Pháp Luân Công, như thế sẽ không tốt cho họ. Họ cũng hiểu ra và ủng hộ tôi.

Ngày hôm sau tôi tuyên bố quyết định của mình. Viên công an đang trực liền tới thuyết phục tôi, nói, “Anh phải đi cùng mọi người, nhưng không cần phải làm việc cũng được.” Tôi nói với ông ấy, “Không phải là chuyện đó. Lẽ ra tôi không phải vào đây ngay từ đầu. Ông không cần phải lo cho tôi – hãy cứ báo cáo trường hợp của tôi.” Khi những viên công an khác quay trở lại, người đội trưởng phụ trách về Pháp Luân Công liền quát tháo, “Anh có biết mình đang ở đâu không? Anh phải biết hệ quả của những hành động như vậy chứ!” Tôi trả lời,”Tôi biết đây là trại lao động dành cho những phạm nhân đã phạm tội, nhưng tôi không phạm tội gì cả, đây không phải chỗ dành cho tôi, tại sao tôi lại phải làm việc ở đây chứ? Ông đừng quát tháo nữa. Tôi là nhắm tới Giang Trạch Dân, và nhắm tới cuộc bức hại này. Tôi không hề nhắm tới ông hay những người quản giáo của ông, ông không thể quyết định được gì trong việc này. Ông chỉ cần báo cáo lên thượng cấp thôi.” Chính niệm của tôi đã trấn áp được ông ấy, và ông ấy đi báo cáo về trường hợp của tôi. Sau nửa giờ, ông ấy quay lại với thái độ dễ chịu hơn. Ông ấy thậm chí còn xin lỗi tôi, “Xin lỗi vì thái độ của tôi lúc trước. Nếu anh không muốn làm việc, anh có thể nghỉ.” Ông ấy muốn nói chuyện với tôi, sau đó chúng tôi nói chuyện trong hai giờ đồng hồ. Tôi kể cho ông ấy nghe về Pháp Luân Công, những lợi ích mà tôi đã thu được, và cuộc bức hại đã gây ra tổn thất cho chúng sinh như thế nào. Từ đó trở đi, ông ấy không gây khó khăn cho tôi nữa.

Xả bỏ nhân tâm mới có thể giảng chân tướng về Đại Pháp cho tốt

Năm 2005 tôi lại bị bắt và tuyên án năm năm tù. Trong trại giam, tôi đọc đi đọc lại bài “Biệt ai” trong Hồng Ngâm II, xem xét lại tình trạng tu luyện của mình trong mấy năm qua, và đã tìm ra được chấp trước căn bản của mình. Tôi thường được các đồng tu mời đến những buổi chia sẻ kinh nghiệm, để giúp các đồng tu khác giải quyết những vướng mắc trong tu luyện. Trong quá trình này, nhiều chấp trước của tôi đã lộ rõ: tâm hiển thị, tâm tranh đấu, tâm tật đố, và tiềm ẩn sâu bên trong là tâm chứng thực bản thân. Đây là một bài học sâu sắc phi thường. Mục tiêu của cựu thế lực là kéo đệ tử Đại Pháp xuống và hủy diệt chúng sinh. Tôi nghĩ rằng, chừng nào còn ở đây, thì tôi sẽ lợi dụng hoàn cảnh này để làm ba việc mà Sư phụ đã yêu cầu, học Pháp với tâm thanh tịnh, giảng chân tướng về Đại Pháp, và cứu người.

Tôi bị nhốt trong một căn phòng tạm thời. Ai cũng phải như vậy để học nội quy phòng giam. Tôi đã có cơ hội gặp nhiều người và giảng chân tướng cho họ. Lúc này tôi càng nhận thức được lòng từ bi vĩ đại của Sư phụ: Sư phụ có thể bỏ qua mọi lỗi lầm mà chúng sinh đã mắc phải và chỉ nhìn vào thái độ của họ nhìn nhận Đại Pháp như thế nào.

Có một phạm nhân buôn bán hai cân thuốc cấm, và bị tuyên án tử hình, nhưng anh ấy đã kháng án. Anh ấy muốn sống thêm một vài ngày nữa, nhưng dường như cũng đã hết hy vọng được sống sót. Trông anh ấy xám xịt từ đầu đến chân. Khi chúng tôi được ra ngoài hít thở không khí, tôi đã nhân cơ hội giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho anh ấy. Anh ấy hối hận về việc làm của mình và nói rằng mình không còn hy vọng gì nữa. Tôi nói với anh ấy, “Chỉ có Sư phụ của chúng tôi mới có thể cứu được anh. Từ giờ, hãy liên tục niệm, ‘Pháp Luân Đại Pháp tốt, Chân-Thiện-Nhẫn tốt.’ Anh vẫn còn có hy vọng.” Anh ấy trả lời, “Tôi đã đến nước này rồi. Dù sao tôi cũng sẽ niệm như vậy xem sao.” Anh ấy bắt đầu niệm, “Pháp Luân Đại Pháp tốt, Chân-Thiện-Nhẫn tốt.” Một hôm anh ấy kể cho tôi nghe về giấc mơ của anh ấy. Trong giấc mơ anh ấy đang chiến đấu với ma quỷ, anh ấy đã chiến thắng và giết sạch đám ma quỷ đó. Tôi nói với anh ấy rằng anh ấy sẽ được cứu. Đầu tiên anh ấy không tin tôi và nói rằng tôi chỉ đang an ủi anh ấy. Hai ngày sau đó, tòa án thay đổi án tử hình của anh ấy thành án treo. Khi được trả tự do, anh ấy nói với tôi,“Giờ tôi hoàn toàn tin những gì anh nói.” Tôi nói, “Anh phải cảm ơn Sư phụ của chúng tôi, đó là người đã cứu anh. Từ giờ anh không được làm bất cứ việc gì phá hoại Đại Pháp, nếu không anh vẫn sẽ bị nguy hiểm.” Anh ấy trả lời, “Tôi biết. Tôi sẽ làm tốt.” Án tử hình của anh ấy bị hủy khiến tất cả phạm nhân và lính canh bất ngờ. Tôi nói với họ, “Các anh có thể tin hoặc không. Nhưng đây chính là kết quả của việc chân thành niệm, ‘Pháp Luân Đại Pháp tốt! Chân-Thiện-Nhẫn tốt!’” Sau đó có nhiều người cũng bắt đầu niệm “Pháp Luân Đại Pháp tốt! Chân-Thiện-Nhẫn tốt!”

Mười một tháng sau, tôi bị chuyển tới nhà tù. Lính canh liệt kê cho tôi những luật lệ của nhà tù. Tôi nói với họ, “Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không phải là có tội; tôi vào tù không phải vì có tội; luật lệ của các anh không liên quan gì tới tôi; tôi sẽ không chấp nhận hay bảo đảm sẽ tuân theo.” Họ liền hỏi tôi,“Vậy tại sao anh lại phải vào đây?” Tôi trả lời, “Tôi đã bị Phòng 610 và công an bắt vào đây một cách phi pháp. Tôi tới đây là để nói cho các anh biết sự thật về Pháp Luân Công.” Từ đó trở đi, bất kể khi nào lính canh giới thiệu tôi, anh ấy cũng nói, “Anh ấy không phải ở đây để thi hành án.” Có hai phạm nhân có trách nhiệm theo dõi tôi. Tôi coi họ như người “cần vụ binh” và “thông tin viên” của mình. Họ rất tôn trọng tôi, và đã tìm cho tôi một cái bàn rộng và giấy bút để tôi học Pháp. Tôi có các loại giấy. Hàng ngày tôi đều học Pháp, chép Pháp, và ghi nhớ Pháp. Có người mới vào, tôi đều giảng chân tướng về Đại Pháp cho họ. Vô luận là lính canh hay phạm nhân đều chủ động tìm đến tôi để biết được chân tướng.

Một năm, người từ Phòng 610 địa phương và công an đến nhà tù để lo việc “chuyển hóa”. Họ tuyên bố nếu không thể “chuyển hóa” chúng tôi thì họ sẽ không rút lui. Lúc đầu tôi nghĩ, “Phòng 610 rất tà ác. Họ đến tận nhà tù để ‘chuyển hóa’ chúng tôi. Tôi nên đối phó thế nào đây?” Tôi nói với họ, “Các ông đến nhà tù để ‘chuyển hóa’ người khác là phi pháp. Phòng 610 là loại cơ quan gì vậy? Ai cho các ông quyền tới đây và ra lệnh? Tôi tu theo Chân-Thiện-Nhẫn và không làm điều gì sai cả. Các ông muốn tôi ‘chuyển hóa’ thành như thế nào? Thành xấu xa, lừa dối và bạo lực sao?” Tôi nói với họ, “Chúng ta đã có duyên gặp nhau. Tôi hy vọng các ông không nói về ‘chuyển hóa’ nữa; nếu không cái duyên này sẽ bị đoạn dứt, và các ông cũng như gia đình các ông đều sẽ không được gì tốt đẹp cả đâu.” Người của Phòng 610 quả nhiên không nói gì nữa trong suốt ngày hôm đó. Sau đó một vị phó Cục trưởng công an đến. Tôi nói với ông ấy, “Nếu ông muốn ‘chuyển hóa’ tôi thì không cần phải nói thêm gì nữa.” Ông ấy nói, “Tôi chỉ muốn nói chuyện một cách thành tâm.” Tôi nói,“Nói chuyện thành tâm tất nhiên là được. Nhưng nhiệm vụ của ông là giữ gìn trật tự trị an trong khu vực của ông. Tại sao phải đến nhà tù để nói chuyện với tôi làm gì?” Sau một lúc, ông ấy bỏ đi. Ngày đầu tiên, hầu hết những người đến để “chuyển hóa” tôi đều bỏ đi mà không làm được gì cả.

Ngày hôm sau, họ đưa tôi đến nơi “tập huấn” và tìm cách dùng hình phạt để ép tôi ‘chuyển hóa’. Tôi phải đứng dưới nắng như thiêu đốt. Tôi bắt đầu hướng nội, “Tại sao họ lại đối xử với tôi như vậy? Tôi đang có vấn đề gì chăng?” Sau khi đào sâu tìm kiếm, tôi nhận ra mình đã có tâm hiển thị. Dù bị bức hại, tôi vẫn cố chứng tỏ cho họ thấy tôi kiên định như thế nào. Mặt khác, tôi coi tất cả những người tham gia vào việc này đều là tà ác và không có tâm từ bi trong khi nói chuyện với họ. Đó chính là thiếu sót của tôi và cựu thế lực đã dùi vào đó để bức hại tôi nặng nề hơn. Tôi nghĩ cái gọi là “chuyển hóa” này không phải chỉ nhằm kiểm tra xem tôi có kiên định lòng tin hay không; mà đây cũng là để giúp tôi xả bỏ nhân tâm, vì thế tôi phải tận dụng cơ hội này để cứu người.

Sau khi tôi tìm ra những quan niệm người thường của mình, tình huống đã phát sinh biến hóa. Lúc này bác sĩ của nhà tù đến nói với lính canh rằng tôi bị huyết áp cao và không thể vận động mạnh hay đứng dưới trời nắng trong thời gian dài, như thế sẽ gây rắc rối cho nhà tù. Người phụ trách tập huấn cũng nói rằng tôi đã từng bị ngất xỉu (đây đều là chuyện ông ấy bịa ra). Việc này khiến cho lính canh sợ hãi. Tôi liền nhân cơ hội lấy tâm bình hòa giảng chân tướng cho anh ấy về Pháp Luân Công và nói với anh ấy rằng đối xử với đệ tử Đại Pháp như vậy sẽ không tốt cho anh ấy, rằng con người ta nên dùng thiện để phân biệt phải trái và có trách nhiệm với bản thân. Tôi cũng nói với anh ấy rằng từ công an đến trại lao động, các loại tra tấn hay hình phạt đều không có tác dụng với tôi, trừ khi họ giết tôi:“Nếu anh muốn ‘chuyển hóa’ tôi để lập thành tích thì đều là phí công thôi.” Tôi bảo anh ấy từ bỏ ý định “chuyển hóa” tôi, đó không phải là việc tốt. Anh ấy nhanh chóng đình chỉ việc “tập huấn” đối với tôi. Trong thời gian này, Phòng 610 đã ra lệnh ép buộc tôi viết giấy. Họ nói nếu tôi không hợp tác, họ sẽ không cho tôi ngủ và dùng biện pháp mạnh, tuy nhiên những người cấp dưới không làm theo những mệnh lệnh đó, và tôi không bị sao cả.

Từ việc này, tôi nhận ra một cách sâu sắc rằng, là đệ tử Đại Pháp cho dù là gặp bất kể tình huống nào, đó đều là do nhân tâm gây ra. Chỉ cần chúng ta hướng nội, thì không có khổ nạn hay khó khăn nào là chúng ta không thể vượt qua. Sư phụ giảng:

“Đệ tử chính niệm túc, Sư hữu hồi thiên lực” (“Sư đồ ân,” Hồng Ngâm II)

Khi chúng ta hướng nội một cách chân chính, chính niệm của chúng ta sẽ khởi tác dụng, và bất kể vấn đề nào cũng có thể được giải quyết.

Có thiện niệm, giảng chân tướng sẽ có hiệu quả tốt

Trong hoàn cảnh tà ác chúng tôi thường phải đối diện với những lính canh hung bạo và những phạm nhân không có lý tính. Khi bị bức hại, chúng tôi thường coi những người trực tiếp bức hại là “tà ác.” Kỳ thật, chính là do những nhân tố ở đằng sau đang khởi tác dụng. Khi chúng ta bị đối xử bất công, chúng ta phải hướng nội tìm xem mình có chấp trước nào không. Khi bị bức hại, thì chúng ta phát chính niệm. Làm như vậy là để phủ nhận cuộc bức hại của cựu thế lực. Nếu đồng thời chúng ta có thể hướng nội và đề cao tâm tính, thì đó là chúng ta đang thực hiện theo những gì Sư phụ yêu cầu. Sự đề cao của đệ tử Đại Pháp là tối quan trọng. Sư phụ giảng:

“Như mọi người đã biết, chúng ta tu luyện chân chính, [chúng ta] chú trọng các tín tức có tính lương [thiện], chú trọng đến việc đồng hoá với đặc tính vũ trụ; chư vị chẳng phải nói về vấn đề Thiện là gì? Đồng hoá với đặc tính Chân Thiện Nhẫn của vũ trụ, phải chú trọng Thiện.” (Chuyển Pháp Luân).

Chúng ta làm việc gì, trước tiên cũng phải nghĩ đến người khác và lấy thiện để đối đãi với chúng sinh

Có một việc chúng ta cần phải minh bạch. Người đã làm việc xấu không nhất định là không thể cứu. Vì người thường đang ở trong mê của xã hội người thường, họ coi trọng lợi ích cá nhân. Vì coi trọng lợi ích, nên họ bất quá chỉ là bị tà ác lợi dụng để làm việc xấu. Tuy nhiên bản thân họ không biết được chân tướng. Sư phụ giảng:

“Vì vậy tôi vẫn luôn cấp cho những người đó các cơ hội, bởi vì trong những người đó quả thực có một số người có căn cơ rất khá, và trong các đời trước, khi sinh mệnh luân hồi, cũng đều là người tốt; cũng có [người] là sinh mệnh thượng giới xuống đây; do vậy tôi không thể chỉ xét rằng đời này họ làm đặc vụ mà không [cứu] độ họ.” (“Trừ ác”)

Nếu chúng ta muốn ức chế hay chặn đứng cuộc bức hại, chúng ta trước hết phải dùng thiện niệm giảng thanh chân tướng, nói cho họ biết về chân tướng. Nếu chúng ta có thể cứu được một người, thì cũng là cứu được những chúng sinh trong thế giới của người đó. Nếu chỉ vì chấp trước của chúng ta mà người đó bị hủy diệt, thì cũng dẫn đến là toàn bộ chúng sinh trong thế giới của người đó bị hủy diệt. Vì thế chúng ta phải lấy Pháp đo lường mỗi niệm của bản thân, chứ không thể dùng nhân tâm để đo lường. Chúng ta không được bỏ qua một người có duyên nào. Đệ tử Đại Pháp có thể cứu những người đang bức hại chúng ta. Đây là uy đức vĩ đại của các đệ tử Đại Pháp.

Đối với những người phạm nhân có trách nhiệm theo dõi tôi, tôi không hề thừa nhận họ. Tôi coi họ như lính canh hay “cần vụ binh”. Tôi cũng tận lực lo lắng cho họ. Một ngày khi vừa tắm xong đi ra, người phạm nhân theo dõi tôi không có ở đó, nên tôi đứng đợi. Một người cùng buồng nói với tôi, “Anh sợ gì chứ? Cứ đi một mình đi.” Tôi nói,“Tôi không sợ gì cả. Sư phụ của chúng tôi dạy chúng tôi phải nghĩ đến người khác trước khi làm bất cứ việc gì và nghĩ xem việc mình làm có ảnh hưởng gì đến người khác không. Nếu tôi bỏ đi một mình và lính canh biết được thì người theo dõi tôi sẽ gặp rắc rối. Anh ấy sẽ bị mắng chửi và trừ điểm. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến thời gian thi hành án của anh ấy. Rồi anh ấy sẽ tức giận và gây khó khăn cho tôi, hoặc đi đến cực đoan. Như thế chẳng phải anh ấy sẽ làm việc xấu? Nói đúng ra là, anh ấy sẽ không thể bù đắp nổi một khi đã đối xử không tốt với người tu luyện. Anh ấy có thể sẽ bị hủy hoại.” Người này rất cảm động và nói, “Người tập Pháp Luân Công các anh quả thật là người tốt.”

Người thường có chữ tình. Là người tu luyện, chúng ta phải xả bỏ cái tình này. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải giữ quan hệ tốt với người khác. Trong khi phát chính niệm, các đệ tử Đại Pháp có uy nghiêm duy ngã độc tôn. Từ “diệt” sẽ bao gồm cả vũ trụ. Nhưng với người thường mà giảng, chúng ta vẫn phải nghĩ đến họ.

Một hôm khi họ tìm cách “chuyển hóa” tôi ở phòng giam, tôi liền tuyệt thực để kháng nghị lại hành động phi pháp đó của Phòng 610. Nhưng tôi cũng dùng tâm thái bình hòa để đối đãi, tránh không để cho họ bị tà ác lừa gạt gây hại. Trước khi tuyệt thực, đầu tiên tôi giải thích cho các phạm nhân khác tại sao tôi lại làm như vậy, và họ cũng đã hiểu ra. Họ nói với tôi, “Tôi ủng hộ anh. Nếu anh đói thì hãy ăn một chút. Chúng tôi sẽ không báo cáo lên trên.” Tôi nói với họ, “Cám ơn lòng tốt của các anh. Nhưng tôi tu luyện ‘Chân-Thiện-Nhẫn.’ Tôi sẽ không làm việc gì giả dối.” Sau đó tôi nói với lính canh, “Trong hoàn cảnh như thế này, tôi sẽ làm bất cứ việc gì để duy hộ tín ngưỡng của tôi.” Tôi cũng nói với họ rằng tôi sẽ không tuyệt thực quá ba ngày. Khi tôi giảng chân tướng cho những người lính canh, một trong số họ đã khóc. Sau đó tôi viết thư cho trưởng trại giam và giải thích tại sao tôi lại tuyệt thực. Tôi nói với họ rằng, “Tôi tuyệt thực là nhắm vào cuộc bức hại Pháp Luân Công và những hành động phi pháp của Phòng 610.” Tôi viết thư cho Phòng 610 và giải thích với họ cái nhìn của tôi đối với việc “chuyển hóa,” để vạch trần hành động phi pháp của họ, và cho họ biết niềm tin kiên định của tôi vào Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi đã hẹn gặp kiểm sát viên và viết thư cho những bộ phận có liên quan để cho họ biết về những hành vi xâm phạm nhân quyền và tra tấn phi pháp trong nhà giam. Bởi vì tôi từ đầu đến cuối luôn giảng chân tướng và hành động với chính niệm, nên trong vòng ba ngày tuyệt thực, mọi nỗ lực “chuyển hóa” tôi đã thất bại. Tôi đã chứng thực được Pháp bằng hành động của mình và giúp nhiều người có nhận thức hơn về Pháp Luân Công, để họ đặt định vị trí của bản thân mình. Một trong những người lính canh nói với tôi, “Anh đã cho tôi thấy được cảnh giới của Pháp Luân Công.” Một người lính canh khác nói, “Tôi khâm phục tinh thần hướng đến chân lý của người tu luyện Pháp Luân Công.” Sau đó anh ấy đã không làm việc xấu nữa. Anh ấy bắt đầu đọc những câu chuyện kể về Thần và Phật và không tin vào thuyết vô thần nữa.

Dùng trí huệ để giảng chân tướng cứu người

Trong hoàn cảnh bị bức hại, việc giảng chân tướng rất khó khăn. Đầu óc những người lính canh chứa đầy những oai lý tà thuyết của tà Đảng. Họ tự xưng mình là “chính phủ” và “người nào chống lại lính canh tức là chống lại chính phủ.” Họ thường rất bạo lực. Để giảng chân tướng cho lính canh, tôi đã tuân theo lời Sư phụ giảng:

“Hãy dùng lý trí để chứng thực Pháp, dùng trí huệ để giảng rõ chân tướng, dùng từ bi để hồng Pháp và cứu độ thế nhân; đó chính là đang kiến lập uy đức của các Giác Giả.” (“Lý tính” trong Tinh tấn yếu chỉ II).

Tôi đã giảng chân tướng bằng trí huệ và chính niệm và cũng thuận theo chấp trước của người thưởng để đạt được hiệu quả tốt.

Có một người đội trưởng quản giáo mà các phạm nhân đều rất ghét. Anh ấy nhất định không nghe những lời giảng chân tướng của tôi. Tôi phát hiện ra rằng anh ấy rất yêu đứa con trai 3 tuổi của mình. Tôi liền bắt đầu nói chuyện về con trai của anh ấy, và nói rằng trẻ con nên được dạy dỗ theo văn hóa truyền thống như thế nào, tuy nhiên hệ thống giáo dục hiện nay lại không thuyết giảng những bài học đó. Anh ấy nói, “Anh lại đang nói về Pháp Luân Công rồi.” Tôi trả lời, “Đúng vậy, Pháp Luân Công dạy ‘Chân-Thiện-Nhẫn.’ Đây là giá trị của vũ trụ. Người học Pháp Luân Công đều là người tốt, có phải vậy không? Nếu tôi không học Pháp Luân Công, tôi cũng sẽ giống như anh – uống rượu, cờ bạc, gái gú, ăn uống. Chuyện xấu gì cũng dám làm. Pháp Luân Công đã cứu tôi và gia đình tôi. Vậy Chân-Thiện-Nhẫn có gì là sai?” Anh ấy im lặng. Sau đó tôi viết một bài thơ cho con trai của anh ấy bằng bút lông: “Ba chữ châm ngôn minh tâm gian; năng khu tà ma khắc vạn hiểm; tiêu sái nhân thế tẩu nhất hồi; phản bổn quy chân thị Phật duyên.” (Tạm dịch “Ba chữ châm ngôn giữ trong tâm, đẩy lùi hết thảy tà ác và vượt qua khó khăn; thuận theo tự nhiên trong nhân thế; phản bổn quy chân là Phật duyên”) Anh ấy cứ cảm ơn suốt. Sau đó tôi chủ động nói chuyện với anh ấy về việc làm người như thế nào, và quản lý như thế nào. Tôi nói với anh ấy, “Cho dù là việc gì cũng phải lấy thiện làm gốc, không được làm theo người khác một cách mù quáng,” Từ đó, anh ấy đã thay đổi rất nhiều. Anh ấy không chửi bới các phạm nhân vì những việc nhỏ nhặt nữa và còn lo cho họ. Các phạm nhân nói giờ anh ấy sống có nhân tâm hơn. Có việc gì phiền não anh ấy cũng nói cho tôi nghe. Anh ấy nói, “Thật kỳ lạ, nói chuyện với anh xong là tôi không còn cảm thấy phiền não nữa.” Tôi nói với anh ấy đó là điều Sư phụ của chúng tôi đã dạy: “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh.” (Chuyển Pháp Luân). Tôi nói “Chính là trường từ bi của đệ tử Đại Pháp đã giải thể những nhân tố bất hảo trên thân thể của anh.” Một ngày nọ, anh ấy nói với tôi, “Cấp trên yêu cầu các học viên Pháp Luân Công cần phải được ‘chuyển hóa.’ Nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề về tín ngưỡng. Anh có muốn ‘chuyển hóa’ hay không là do anh quyết định. Chúng tôi sẽ không ép buộc anh.” Tôi nói,“Anh đã làm một việc tốt. Anh đã lựa chọn một tương lai tốt đẹp cho anh và cả gia đình anh nữa.” Quả thật tôi không nhìn thấy lính canh nào ở phòng giam tôi cưỡng bức các học viên Pháp Luân Công “chuyển hóa” nữa. Có một học viên đã viết “chuyển hóa” thư. Các lính canh không nói gì. Sau đó người học viên này lại muốn tiếp tục tu luyện. Lính canh cũng không nói gì, như chưa có việc gì xảy ra. Nhiều lính canh và phạm nhân nói rằng nếu họ gặp phải chuyện không vui, họ thường đến gặp “Sư phụ” (họ gọi các học viên một cách kính trọng bằng “Sư phụ”), và nói chuyện xong là thấy đỡ hơn.

Trong hoàn cảnh đặc biệt này, tôi chỉ có thể tiếp xúc với một số lượng chúng sinh nhất định. Để giảng chân tướng cho nhiều người hơn, tôi đã tìm đủ mọi cách có thể. Tôi giảng chân tướng cho bất cứ ai tôi gặp, bao gồm cả những người ở phòng giam khác đến kho của chúng tôi để tìm những linh kiện thay thế và cả những người ở các nhà máy bên ngoài. Tôi bảo họ hãy niệm, “Pháp Luân Đại Pháp tốt và Chân-Thiện-Nhẫn tốt”, và như thế họ sẽ được bình an.

Có một phạm nhân mắc bệnh suy nhược thần kinh đã bốn, năm năm. Mỗi ngày anh ấy chỉ ngủ được từ ba đến bốn tiếng, rất thống khổ. Tôi giảng chân tướng cho anh ấy và nói nếu anh ấy có thể liên tục niệm “Pháp Luân Đại Pháp tốt và Chân-Thiện-Nhẫn tốt”, tôi bảo đảm rằng anh ấy sẽ hết bệnh. Lúc đầu anh ấy không tin và nói làm như vậy có ích gì. Tôi nói, “Nếu anh thật tâm niệm như vậy, tôi bảo đảm anh sẽ ngủ ngon đến tận sáng hôm sau, thậm chí chỉ cần niệm ba lần thôi. Anh sẽ ngủ đến khi có người đánh thức dậy.” Ngày hôm sau, khi nhìn thấy tôi, anh ấy nói với tôi trước mặt nhiều phạm nhân khác và những người lính canh, “Anh biết không, liều thuốc anh cho tôi hôm qua thật hiệu nghiệm, đúng như anh nói, hôm nay thiếu chút nữa là tôi không dậy nổi.” Mọi người đều hỏi liều thuốc gì. Tôi nói, “Thiên cơ không thể tiết lộ tùy tiện. Chỉ có thể truyền cho từng người một. Tôi sẽ nói cho từng người một.”

Ngoài việc giảng chân tướng trực tiếp, tôi còn viết thư đến các viên chức ở các cấp chính phủ, báo chí, tạp chí. Tôi viết thư cho tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, chủ tịch ủy ban cố vấn chính trị nhân dân Trung Quốc, tòa án tối cao, viện kiểm sát tối cao, và các chủ tịch tỉnh, các phòng ban có liên quan và các lính canh nhà tù. Tôi đã viết gần 100 bức thư. Một lính canh nói, “Anh đã phí công rồi vì họ sẽ không gửi thư đi đâu.” Tôi nói, “Cho dù họ không gửi thì tôi vẫn sẽ tiếp tục viết. Họ không gửi có nghĩa là đã làm sai luật. Hơn nữa, sẽ có người đọc thư để kiểm tra. Cho dù chỉ có một người đọc những bức thư đó, thì đã không phí công sức của tôi.” Từ khía cạnh của một người tu luyện, một đệ tử Đại Pháp làm gì, thì cũng không phải là vô nghĩa. Ở các không gian khác, mỗi việc các đệ tử Đại Pháp làm đều là kinh thiên động địa, đều là việc cứu độ chúng sinh.

Tôi cũng đã tận dụng cơ hội được hẹn gặp người ngoài. Tôi đã hẹn gặp Kiểm sát viên cũng như lãnh đạo của nhà tù. Trong nhà tù có một đường dây nóng để tư vấn tâm lý. Tôi đã yêu cầu gọi đến đường dây nóng này. Tôi nói chuyện trong khoảng một tiếng rưỡi trên điện thoại. Tôi nói về việc mình đã đạt được những lợi ích gì sau khi tu luyện Pháp Luân Công và Pháp Luân Công đẹp đẽ như thế nào. Tôi nói về chân tướng, rằng nhà tù đã vi phạm luật pháp, và tước bỏ những quyền con người cơ bản của các học viên Pháp Luân Công. Người nghe ở đầu dây bên kia rất thông cảm. Cuối cùng cô ấy nói với tôi rằng trước khi nhận cuộc gọi của tôi, cô ấy đã chuẩn bị trong suốt một tuần, rốt cục chuẩn bị cũng là thừa. Tôi nói với cô ấy, “Nếu cô muốn nói về cuộc bức hại Pháp Luân Công là đúng hay là sai, thì những gì cô nói đều là những lời nói dối được biên tạo ra bởi báo chí và các cấp lãnh đạo. Những gì tôi nói với cô đều là kinh nghiệm của bản thân, không thể chối cãi được. Ai cũng có quyền đưa ra phán xét của riêng mình dựa trên sự thật.”

Tôi cũng tận dụng khả năng viết và khả năng vẽ của mình. Họ yêu cầu tôi giúp làm báo tường. Tôi viết và biên tập những bài báo cũng như thiết kế đồ họa cho họ. Tôi viết một bài thơ có tựa đề “Thối bộ – hải không khoát” (Tạm dịch “Lùi lại một bước – Biển rộng, trời cao”.) Bài thơ đọc như sau: “Thối bộ hải không khoát, tương tranh lưỡng câu thương. Tố sự vi tha nhân, hung khâm thiên địa khoan.” (Tạm dịch “Lùi lại một bước biển rộng trời cao, Tranh đấu lẫn nhau, cả hai bên đều tổn thất. Nghĩ đến người khác trong khi làm mọi việc, đó là tâm độ lượng.” Mặc dù tôi không đề cập đến Pháp Luân Công, mọi người đều biết tôi đang nói về Chân-Thiện-Nhẫn và đang dạy cho mọi người sống tốt.

Tôi còn vui vẻ giúp đỡ phạm nhân viết thư cho gia đình, thậm chí cả thư tình nữa. Bất kể là ai nhờ, tôi cũng không từ chối. Tôi giúp các phạm nhân hoàn thành nhiệm vụ viết bài cho tờ báo của nhà tù, và giúp lính canh viết luận văn tốt nghiệp. Trong luận văn tôi nói về truyền thống văn hóa và các nguyên lý của Đại Pháp mà người thường đều có thể tiếp nhận, ví dụ như sống thật thà, tử tế, nghĩ đến người khác trước khi làm mỗi việc, và trong mâu thuẫn cần nhìn vào bản thân và kiên trì với người khác.

Một ngày, chuẩn bị có một buổi họp phê bình các phạm nhân đã vi phạm luật lệ nhà tù và đánh nhau. Một phạm nhân đã nhờ tôi viết bài phát biểu cho anh ấy. Đầu tiên tôi từ chối và nói, “Tôi không muốn dính vào việc này.” Nhưng sau khi nghĩ lại, tôi thấy không có việc gì là ngẫu nhiên. Chẳng phải đó là một cơ hội tốt để giảng chân tướng và dạy cho họ sống tốt? Vì thế tôi đã đồng ý. Trong bài phát biểu tôi không dùng ngôn ngữ của Đảng để buộc tội ai cả, mà viết với một phong cách bình hòa. Bằng cách kể những câu chuyện truyền thống, tôi giải thích cho họ rằng chúng ta nên nhìn vào bản thân mình mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, nghĩ đến người khác trước khi làm mỗi việc, lùi lại một bước sẽ thấy biển rộng trời cao, đối xử chân thành với người khác, và kiên nhẫn đối xử tốt với mọi người. Người phạm nhân đó rất cảm động sau khi đọc những gì tôi viết. Anh ấy cho lính canh xem. Họ đều nói, “Bài này thật hay, rất bình hòa và cảm động.” Khi biết rằng tôi là người viết bài đó, họ nói, “Chỉ có học viên Pháp Luân Công mới viết được như vậy.” Mặc dù bài phát biểu trong cuộc họp có hơi khác so với những gì tôi viết, như thế cũng đạt được kết quả rất tốt rồi.

Một ngày một phạm nhân nhờ tôi viết thư cho con gái của anh ấy, vốn sắp tốt nghiệp trường y. Tôi dành cả một tuần viết lá thư đó. Tôi nói với cô ấy làm thế nào để trở thành một người tốt theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, đó cũng là giá trị của vũ trụ; làm thế nào để thuận theo tự nhiên, không tranh đấu với người khác; và đối xử tốt với người khác. Tôi đọc to lá thư cho hơn 10 phạm nhân khác nghe. Mọi người đều im lặng lắng nghe. Có người bắt đầu khóc. Một phạm nhân đã từng đánh đập đệ tử Đại Pháp (trước đây anh ấy là đại ca xã hội đen), đi về phía tôi và nói,“Đây là bức thư hay nhất tôi đã từng nhe. Bức thư thật cảm động.” Người này sau đó đã thay đổi rất nhiều. Anh ấy không theo dõi tôi nữa. Tôi nhận ra rằng những kỹ năng và hiểu biết của chúng ta thật ra là để dùng vào việc cứu độ chúng sinh. Chỉ cần có tâm, Đại Pháp sẽ ban cho chúng ta khả năng, và con đường sẽ mở ra trước mắt. Bản thân tôi đã chứng nghiệm được rằng ở bất kể nơi đâu Sư phụ từ bi cũng đang duy hộ cho chúng ta.

Bước qua mười hai năm mưa gió cho đến ngày hôm nay quả thật không dễ dàng. Khi tôi làm được tốt, đó chính là nhờ có Sư phụ dẫn dắt. Nó là kết quả của việc học Pháp thật tốt. Khi tôi làm không được tốt, đó là vì tôi đã không chiểu theo những yêu cầu của Sư phụ và không đứng trong Pháp mà ngộ, hay chính niệm không đầy đủ. Những năm ở trong tù, mặc dù học Pháp, tôi đã không học Pháp một cách hệ thống. Vì không được tiếp xúc với các đồng tu, tôi đã không làm được tốt trong việc tu luyện bản thân và cứu độ chúng sinh. Sau khi đọc bài giảng gần đây của Sư phụ “Tinh tấn hơn nữa” “Thế nào là đệ tử Đại Pháp?- Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2011”. Tôi cảm thấy thời gian thật cấp bách và trách nhiệm cứu độ chúng sinh thật trọng đại và tầm quan trọng của việc hướng nội. Trong giai đoạn cuối cùng này chúng ta phải học Pháp thật nhiều, học Pháp thật tốt, xả bỏ nhân tâm và chấp trước, trợ Sư Chính Pháp, cứu độ chúng sinh, và hoàn thành lời thệ ước lịch sử.

Xin hãy từ bi chỉ ra những gì chưa đúng.
________________________________________
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/11/19/明慧法会–在黑窝中讲真相-249093.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/12/12/130051.html
Đăng ngày 17-2-2012; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share