Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-08-2023] Bà Vương Ngọc Hòa bị huyết áp cao và huyết khối não (cục máu đông trong não) nghiêm trọng khi đang thụ án ba năm vì tu luyện Pháp Luân Công, nhưng chính quyền nhà tù đã từ chối thả bà để điều trị y tế.

Theo Khoản 5 Điều 1 trong “Ý kiến ​​về việc tạm thời chấp hành quy định trong thời gian thụ án bên ngoài nhà giam,” tù nhân trên 65 tuổi có thể được tha trước thời hạn tạm tha và chấp hành hình phạt ngoài trại giam nếu họ không thể thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong năm hoạt động hàng ngày sau đây: ăn, xoay người, đi vệ sinh, mặc quần áo và đi lại.

Bà Vương, 82 tuổi, bị liệt một bên cơ thể và không thể tự chăm sóc bản thân. Bà hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về việc tạm tha và thụ án ngoài nhà tù, nhưng chính quyền nhà tù đe dọa sẽ thu hồi quyền thăm thân của gia đình bà khi con gái bà, cô Tôn Thái Diễm, cũng là một học viên Pháp Luân Công, nộp đơn xin thả bà để chữa bệnh.

Bà Vương và cô Tôn, cùng ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, và đều góa chồng. Chồng của cô Tôn, một người cũng tu luyện Pháp Luân Công, qua đời ở tuổi 51 vào năm 2021 sau nhiều lần bị giam giữ và tra tấn vì đức tin của mình. Cha anh và bố vợ anh (chồng của bà Vương) qua đời lần lượt vào năm 2016 và 2019 sau khi sống trong sợ hãi khi những người thân yêu của họ bị bức hại.

Hiện giờ cô Tôn lo lắng rằng cô cũng sẽ mất mẹ vì cuộc bức hại.

Cô Tôn kể rằng khi mẹ cô còn trẻ, bà bị thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa. Bà đã thử mọi cách điều trị nhưng không có kết quả. Không lâu sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, bà đã bình phục và đảm nhận nhiều công việc nhà.

Khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, chính quyền thường đến sách nhiễu họ. Lo sợ bị nhắm tới, cha cô đã ép mẹ cô từ bỏ Pháp Luân Công. Nhưng không lâu sau, bà Vương bắt đầu mất thị lực một bên mắt. Bà đã đến gặp bác sĩ Trung y nhưng sau khi uống thuốc theo chỉ định, bà lại bị liệt chân. Lo lắng cho sức khỏe của bà, chồng bà đành đồng ý cho bà tu luyện Pháp Luân Công trở lại. Chỉ sau chưa đầy một tuần, bà đã bình phục.

Bởi vì bà Vương đã được thụ ích rất nhiều từ việc tu luyện Pháp Luân Công nên bà rất kiên trì, do vậy chính quyền đã liên tục nhắm đến bà.

Cô Tôn nói: “Tôi nghe nói rằng những người bị giam cùng phòng với mẹ tôi đều là những học viên cao tuổi, ở độ tuổi 70, 80 hoặc thậm chí gần 90 rồi. Giống như mẹ tôi, họ đã bị kết án vì kiên định với đức tin của mình. Tôi lo lắng cho mẹ tôi mỗi ngày. Với những triệu chứng nghiêm trọng và điều kiện tồi tệ trong tù, tôi không biết làm sao mẹ tôi có thể sống sót. Tôi thực sự lo rằng nếu một ngày nào đó bà không thể chịu đựng được nữa và suy sụp. Mẹ tôi có thể chết bất cứ lúc nào!”

Bắt giữ và kết án

Khổ nạn gần nhất của bà Vương bắt nguồn từ việc bà bị bắt vào ngày 21 tháng 7 năm 2014, khi bà cùng chồng đến bệnh viện nha khoa địa phương để gắn mão răng. Cùng ngày, cảnh sát cũng bắt giữ cô Tôn. Nhà của cả hai đều bị lục soát.

Trong khi bà Vương được tại ngoại vào ngày 19 tháng 8 năm đó, cô Tôn vẫn bị giam giữ và bị Tòa án Quận Sa Hà Khẩu kết án ba năm ba tháng tù giam. Cô bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh vào ngày 30 tháng 6 năm 2015. Một ngày sau, bà Vương bị cùng tòa án kết án ba năm. Do có triệu chứng huyết áp cao và đột quỵ, bà không cần phải bắt đầu thời gian thụ án ngay lập tức. Để tránh bị bắt vào tù, bà quyết định rời khỏi nhà và lẩn trốn.

Sau khi sống ở nơi khác được ba năm, bà Vương trở về nhà vào năm 2018. Công an và nhân viên ủy ban dân cư nhanh chóng phát hiện ra điều đó và bắt đầu sách nhiễu bà.

Chồng của bà Vương sức khỏe yếu và phải trông cậy vào sự chăm sóc của bà. Do cả vợ và con gái đều bị bắt, giam giữ và sách nhiễu nên ông không được chăm sóc chu đáo, sống dưới áp lực và sợ hãi vô cùng. Sức khỏe của ông suy giảm và ông qua đời vào năm 2019. Hai năm sau khi ông qua đời, chồng cô Tôn, anh Quách Kỳ, cũng qua đời do áp lực tinh thần của cuộc bức hại.

Mặc dù thẩm phán Lý Biên Cương, người kết án bà Vương vào năm 2015, đã nghỉ hưu, nhưng người kế nhiệm ông là Tôn Tích Hà đã ra lệnh chấp hành viên tòa án đưa bà tới nhà giam. Vào ngày 14 tháng 10 năm 2021, Liễu Ngọc và một cảnh sát khác từ Đồn Công an Hắc Thạch Tiều đã bắt giữ bà Vương tại nhà của con gái bà. Khi cô Tôn đến tòa án yêu cầu thả mẹ mình, thẩm phán Tôn đã từ chối và nói rằng ông ta chỉ làm theo luật.

Sau hai tháng rưỡi trong trại tạm giam, bà Vương bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh vào ngày 31 tháng 12 năm 2021.

Mỗi lần cô Tôn đến thăm bà Vương, lần nào bà cũng yếu đến mức phải ngồi xe đẩy ra cửa phòng khách. Sau đó bà mới đứng dậy và tự mình bước từ từ đến cửa sổ để gặp cô.

Phòng an sinh xã hội bắt đầu đình chỉ lương hưu của bà Vương vào tháng 4 năm 2023, viện lý do theo chính sách mới các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì đức tin không được hưởng bất kỳ phúc lợi hưu trí nào, mặc dù không có luật lao động Trung Quốc nào có quy định như vậy.

Khi cô Tôn đến nhà tù để thăm bà Vương một lần nữa vào ngày 14 tháng 6 năm 2023, cô rất đau lòng khi thấy bà Vương đi lại khó khăn. Đôi giày bà đi quá lớn đối với chân của bà. Bà Vương nói với con gái rằng bà đã bị trừng phạt vì không ăn hết suất. Bà đã mua một đôi giày mới nhưng vẫn chưa nhận được. Không muốn bà Vương tiếp tục nói về sự ngược đãi mà bà phải chịu đựng, các lính canh đã kết thúc cuộc gặp sau 10 phút.

Cô Tôn đã nộp đơn lên vào ngày 9 tháng 8 năm 2023 yêu cầu nhà tù cho bà Vương được tạm tha để điều trị bệnh, nhưng một cai ngục họ Lý đã từ chối cô. Cô ta cũng đe dọa cấm cô Tôn gọi điện hoặc đến thăm bà Vương nếu cô còn đề cập đến bất cứ điều gì liên quan đến Pháp Luân Công trong cuộc gọi hoặc trong chuyến thăm thân.

Con gái và con rể quá cố của bà bị bức hại

Trong khi lo lắng cho mẹ mình trong tù, cô Tôn còn có câu chuyện buồn của riêng mình để kể về cuộc bức hại đối với đức tin chung của gia đình cô vào Pháp Luân Công. Trước khi bị bắt và kết án vào năm 2014, cô Tôn và chồng đã phải chịu đựng hơn 10 năm đàn áp và khủng bố.

Vào tháng 8 năm 1999, cô Tôn, chồng sắp cưới của cô là anh Quách, và một số học viên khác đã bị bắt vì tập các bài công pháp Pháp Luân Công ngoài trời. Cảnh sát đã ép cha của anh Quách thay mặt anh ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và hứa sẽ không đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Sau đó, anh Quách được thả ra, còn cô Tôn bị đưa đến một trung tâm cai nghiện ma túy và bị giam giữ cho đến tháng 10 năm đó.

Sau khi cô Tôn được thả, cô kết hôn với anh Quách. Tháng 1 năm 2000, họ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và lại bị bắt. Cũng như lần trước, anh Quách được thả sau khi cha mẹ anh nộp một khoản tiền phạt lớn cho cảnh sát còn cô Tôn bị giam giữ thêm vài tuần.

Trong kỳ nghỉ vào ngày 19 tháng 2 năm 2001, anh Quách đang ở nhà thì người quản lý của anh ở nơi làm việc gọi điện và yêu cầu anh đến văn phòng. Anh đến nơi thì bị các cảnh sát đợi sẵn bắt giữ. Vào lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau, công an đến nhà anh và mở cửa bằng chiếc chìa khóa đã tịch thu của anh.

Mặc dù cô Tôn đang mang thai chín tháng và dự sinh vào ngày 15 tháng 3, cảnh sát vẫn cố gắng bắt giữ cô. Cô đã vô cùng sợ hãi, ngồi xổm trên sàn và khóc: “Nửa đêm mà các anh còn muốn làm gì? Các anh không thể để chúng tôi sống một cuộc sống bình thường được sao?“ Cảnh sát đã mủi lòng và không bắt giữ cô.

Đến rạng sáng, cô Tôn quyết định rời nhà để tránh bị bắt. Khi cảnh sát quay lại lúc 8 giờ sáng thì cô đã đi rồi. Họ lục soát chỗ ở của vợ chồng cô và lấy đi các thảm thiền và lư hương.

Sau đó, anh Quách bị kết án ba năm bí mật trong trại lao động, gia đình anh đã phải nỗ lực rất nhiều để tìm ra anh đang ở đâu.

Hai tháng sau khi cô Tôn sinh con, cô và mẹ chồng cùng đứa bé đến trại lao động để thăm anh Quách. Lính canh ra lệnh cho họ ký tên vào một tờ giấy có nội dung phỉ báng nhà sáng lập Pháp Luân Công, nếu không, họ sẽ không được gặp người thân. Cô Tôn từ chối ký vào bản tuyên bố, nhưng mẹ của anh Quách, người rất nhớ con trai và không tu luyện Pháp Luân Công, đã ký vào đó rồi bế đứa bé vào trong để gặp anh Quách.

Nhằm ép anh Quách từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh đã lột quần áo của anh và đánh anh bằng dùi cui có gai, sốc dùi cui điện vào những bộ phận nhạy cảm của anh và bức thực anh. Anh bị ghẻ khắp người, phù nề toàn thân, khó thở và són tiểu.

Lính canh đã đưa anh Quách đến bệnh viện vào tháng 2 năm 2002. Bác sĩ phát hiện anh bị viêm cầu thận cấp tính (viêm các bộ lọc nhỏ trong thận) và nói rằng anh có thể qua đời bất cứ lúc nào. Các lính canh đã gọi điện cho gia đình anh. Ngay khi họ đến nơi, lính canh đã bỏ đi, khiến gia đình anh phải trả hóa đơn y tế cho anh.

Sau 19 ngày điều trị, anh Quách đã được xuất viện và trở về nhà. Các lính canh liên tục sách nhiễu anh và tìm cách đưa anh trở lại trại lao động. Để tránh bị bức hại thêm, anh Quách và cô Tôn đã tự mình dọn ra ngoài và không dám trở về nhà để thăm cha mẹ và đứa con gái mới sinh của họ.

Mãi đến năm 2008, cặp vợ chồng này mới trở về nhà. Lúc đó, cha của anh Quách đã mắc bệnh Parkinson nặng. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của hai vợ chồng, ông đã tiến triển rất nhiều. Nhưng việc cô Tôn và mẹ cô bị bắt vào ngày 21 tháng 7 năm 2014 đã giáng một đòn nặng lên ông lão này và ông phải nằm liệt giường. Anh Quách là người duy nhất còn lại ở nhà để chăm sóc bố, bố vợ cũng như cô con gái 13 tuổi và cậu con trai 5 tuổi. Cha của anh không thể bình phục và qua đời vào tháng 6 năm 2016.

Một ngày trước khi cô Tôn mãn hạn tù vào tháng 10 năm 2017, anh Quách bị triệu tập đến đồn cảnh sát, tại đó cảnh sát ra lệnh cho anh đưa cô Tôn đến gặp họ sau khi cô được thả.

Anh Quách không tuân theo và tìm chỗ cho cô Tôn trốn. Cô yếu đến mức cứ bước được vài bước là phải dừng nghỉ. Sau khi anh Quách đưa con đi học vào buổi sáng, anh lại đến chăm sóc cô Tôn cho đến giờ đón con.

Sau khi cô Tôn trở về nhà được hai tháng, công an và nhân viên ủy ban dân cư liên tục sách nhiễu họ. Anh Quách đã cố gắng hết sức để bảo vệ cô Tôn.

Phải chịu áp lực tinh thần to lớn trong nhiều năm ròng đã khiến sức khỏe của anh Quách bị tổn hại. Anh bị nhiễm trùng huyết, nội tạng suy yếu và qua đời tại bệnh viện vào ngày 15 tháng 6 năm 2021.

Các bài viết liên quan:

Cụ bà 82 tuổi bị ngược đãi trong khi đang thụ án tù vì kiên định đức tin

Cụ bà 81 tuổi bị bỏ tù để thụ án bản án sáu năm trước

Một người dân Liêu Ninh qua đời sau hai thập kỷ bị bức hại

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/8/26/464587.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/8/211218.html

Đăng ngày 20-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share