Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-09-2023] Một phụ nữ 71 tuổi ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị kết án 5 năm tù và phạt 10.000 nhân dân tệ vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Án tù của bà Từ Nhan Hoa bắt nguồn từ vụ bắt giữ ngày 10 tháng 2 năm 2023. Cảnh sát của Đồn Công an Thải Vũ Đại Nhai ở quận Tịnh Nguyệt, thành phố Trường Xuân là những người thực hiện vụ bắt giữ. Thông tin chi tiết về quá trình truy tố bà (gồm cả bản cáo trạng và phiên tòa) vẫn đang tiếp tục được điều tra. Hiện cũng chưa rõ bà đang bị giam giữ ở đâu.

Đây không phải lần đầu tiên bà Từ (một công nhân về hưu) bị chính quyền nhắm đến vì kiên định đức tin của mình. Bà tin rằng Pháp Luân Công đã giúp bà hồi phục sức khỏe và giúp bà buông bỏ tâm oán hận đối với chồng cũ và quản lý tại nơi làm việc. Tuy nhiên, mong muốn giản đơn về một cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc của bà lại phải đối mặt với sự bức hại liên tiếp từ phía chính quyền trong nhiều năm. Con trai bà, ông Vương Bằng, cũng bị nhắm đến vì có cùng đức tin với bà và đã từng bị giam cầm 2 lần với tổng cộng 7,5 năm.

Một lần nữa tìm thấy niềm vui trong cuộc sống

Bà Từ từng bị bệnh tim, suy nhược thần kinh, thoái hóa đốt sống cổ và nhiều bệnh khác. Bà luôn phải uống và tiêm thuốc để giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Ngay cả như vậy, tình trạng của bà ngày càng tồi tệ, đến mức phải nhập viện.

Chồng cũ của bà có lần đẩy bà ngã xuống sân xi măng, khiến xương chậu và đầu của bà bị tổn thương nghiêm trọng. Mùa đông năm 1995, bà bị ngã trên đường đi làm, khiến xương lồng ngực của bà bị nứt 2 chỗ. Bà phải nghỉ phép dài hạn và ngày nào cũng phải chịu cơn đau thấu xương. Nhưng là một người mẹ đơn thân, bà vẫn phải chăm sóc cho 2 con ở độ tuổi đi học. Cuộc sống của bà thống khổ cùng cực.

Số phận của bà thay đổi vào năm 1996, khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Mọi bệnh tật và thương tổn dần hồi phục và bà không bao giờ phải lo điều trị bệnh nữa.

Trước đó bà đã chuẩn bị kiện chồng cũ vì không chu cấp tiền nuôi con hay chi trả chi phí điều trị vì đẩy bà ngã đến mức bị thương. Nhưng sau khi học cách sống chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, bà đã thay đổi suy nghĩ của mình.

Theo Luật Lao động Trung Quốc, chấn thương xảy ra trên đường đi làm vẫn được nhận bồi thường. Tuy nhiên, quản lý của bà từ chối ký vào yêu cầu bồi thường sau khi bà bị ngã xuống đường đầy tuyết vào năm 1995, vì họ sợ mất tiền thưởng do vi phạm an toàn lao động. Bà Từ định kiện các quản lý của mình, nhưng lại bỏ qua sau khi tu luyện Pháp Luân Công.

Hơn nữa, bà Từ không đấu tranh đòi tăng lương hay than phiền về khối lượng công việc nữa.

Ông Vương con trai bà đã chứng kiến sự thay đổi của mẹ mình và cũng bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Năm 1997, ông được nhận vào một trường đào tạo nghề, còn chị gái ông theo học chương trình đại học 4 năm. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Nhà máy Sợi Hóa học Cát Lâm. Ông làm việc chăm chỉ và được khen là nhân viên gương mẫu sau một thời gian ngắn đi làm. Ông không ngần ngại giúp đỡ những người gặp khó khăn, bao gồm cả đồng nghiệp và bạn bè.

Từng là một gia đình tan vỡ, bà Từ và 2 con một lần nữa tìm lại được niềm vui trong đời nhờ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc của họ không kéo dài được bao lâu, vì chính quyền cộng sản lên kế hoạch tiêu diệt pháp môn tu luyện có thể giúp cải biến cuộc đời này. Đặc biệt, bà Từ và con trai liên tiếp bị chính quyền nhắm đến vì kiên định đức tin trong suốt 24 năm qua.

Người con trai bị nhắm đến trước khi cuộc bức hại chính thức bắt đầu

Tháng 3 năm 1999, quản lý của ông Vương ra tối hậu thư cho ông: hoặc là từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, hoặc là bị sa thải. Họ cho ông 1 tháng để đưa ra quyết định. Sau khi suy xét cẩn thận, ông Vương quyết định chọn Pháp Luân Công. Ngay sau đó, ông bị sa thải.

Vụ bắt giữ đầu tiên của người con trai

Tháng 11 năm 2001, Công an thành phố Hoa Điện bắt giữ ông Vương và thỉnh thoảng tra tấn ông trong vài tuần tiếp theo. Ông tuyệt thực để phản bức hại. Khoảng 2 tuần sau, cảnh sát thông báo cho bà Từ đến đón ông về, với điều kiện phải nộp 8.000 nhân dân tệ. Vào thời điểm đó, ông tiều tụy đến mức không thể nhận ra sau 2 tuần tuyệt thực. Bà Từ trả tiền và đón con trai về nhà.

Người con trai bị kết án 6 năm tù sau vụ bắt giữ năm 2005

Tháng 3 năm 2005, ông Vương lại bị 10 cảnh sát của Đội An ninh Nội địa Công an thành phố Trường Xuân bắt giữ, dưới sự chỉ đạo của Lý Hưng Đào. Cảnh sát đột nhập vào nhà của mẹ con ông, lục soát và tịch thu nhiều tài sản có giá trị. Bà Từ bị ép ký tên và điểm chỉ vào một số giấy tờ làm việc.

Trong khi bị giam tại đồn Công an thành phố Trường Xuân, ông Vương bị tra tấn và cấm ngủ 5 đêm liên tiếp. Khoảng 3 tuần sau, ông bị chuyển đến Trại tạm giam Số 1 Thiết Bắc ở Trường Xuân. Ông cùng vài học viên khác tuyệt thực và bị bức thực bằng nước muối đậm đặc qua một ống dẫn xuyên từ lỗ mũi xuống dạ dày.

Lính canh trại tạm giam cũng bắt ông Vương mặc áo bó và treo ông lên cao bằng dây thừng (hình minh họa phía dưới).

2014-6-17-minghui-pohai-kuxing-yuesuyi--ss.jpg

Áo bó

Sau khi cảnh sát chuyển vụ án của ông Vương đến Viện Kiểm sát Nhà máy Ô tô Số 1 Trường Xuân, bà Từ nói chuyện với công tố viên trưởng, thúc giục ông ta hủy bỏ vụ án của con trai bà. Công tố viên trưởng cho biết bản thân hiểu rằng các học viên Pháp Luân Công không vi phạm pháp luật, nhưng ông không có quyền quyết định trong các vụ án của Pháp Luân Công.

Sau đó, vụ án của ông Vương được chuyển sang Tòa án quận Lục Viên. Bà Từ nói chuyện với chánh án, hối thúc ông ta bảo vệ công lý cho con trai mình. Chánh án cũng nói ông không có bất kỳ quyền quyết định nào trong các vụ án của Pháp Luân Công, tất cả là do Ủy ban Chính trị Pháp Luật và Phòng 610 (hai cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại) định đoạt.

Tháng 12 năm 2005, Tòa án quận Lục Viên đã kết án ông Vương 6 năm tù. Trong thời gian ông thụ án ở trong Nhà tù Thạch Lĩnh ở thành phố Tứ Bình, bà Từ bị từ chối thăm thân và còn bị lính canh đe dọa.

Người mẹ bị nhắm đến trong khi con trai bị cầm tù

Trong khi ông Vương đang thụ án, Công an thành phố Trường Xuân cố gắng bắt giữ mẹ ông. Năm 2007, họ tìm đến nơi ở trước đây của bà mà không biết bà đã chuyển đi. Một người họ hàng của bà Từ đang sống ở đó.

Cảnh sát cắt điện của căn nhà và trực bên ngoài. Ngay khi người họ hàng kia mở cửa, cảnh sát liền xông vào trong nhà.

Cả mẹ và con trai đều bị bắt vào năm 2022, con trai bị kết án 1,5 năm tù

Tháng 5 năm 2022, bà Từ bị cảnh sát của Đồn Công an Thải Vũ Đại Nhai bắt giữ. Bà phải sống xa nhà sau khi được thả.

Ngày 20 tháng 7 năm 2022, đồn phó Tào Huy của Đồn Công an Thải Vũ Đại Nhai dẫn 1 cảnh sát đến nhà ông Vương để tìm kiếm bà Từ. Bà không ở đó, nhưng Tào lục soát nhà của ông với lý do ông cũng tu luyện Pháp Luân Công.

Tào gọi thêm 2 cảnh sát nữa đến và lục tung nhà của ông Vương (xem ảnh dưới). Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính và điện thoại di động của ông. Họ bắt giữ vợ chồng ông và 1 vị khách (cũng là một học viên Pháp Luân Công).

2023-2-2-201300-0--ss.jpg

2023-2-2-201300-1--ss.jpg

2023-2-2-201300-2--ss.jpg

Nhà ông Vương sau cuộc lục soát của cảnh sát

Ông Vương bị tạm giam hình sự tại trại tạm giam Vi Tử Câu (còn được biết đến là Trung tâm Giám sát Công an thành phố Trường Xuân).

Ngày 21 tháng 11 năm 2022, Tòa án quận Khoan Thành tổ chức phiên xét xử tại trại tam giam và kết án ông Vương 1,5 năm tù.

Ngày 10 tháng 2 năm 2023, bà Từ bị cảnh sát bắt giữ và sau đó bị kết án bí mật.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/9/465122.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/13/211300.html

Đăng ngày 20-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share