Bài của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 01-09-2023] Một giáo viên mầm non nghỉ hưu 60 tuổi ở thành phố Hòa Long, tỉnh Cát Lâm đã bị kết án 4,5 năm tù vì tìm cách lấy lại lương hưu đang bị treo do bản án tù trước đó của bà, cũng vì đức tin vào Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ tháng 7 năm 1999.
Bà Tôn Khánh Cúc bị người của Đồn Công an thị trấn Bát Gia Tử bắt vào ngày 8 tháng 4 năm 2022. Mặc dù đã được thả vào đêm hôm đó, nhưng bà đã bị bắt trở lại vào ngày 29 tháng 8 năm 2022. Những người bắt giữ bà là cảnh sát từ Đồn Công an Hà Bắc và Đội An ninh Nội địa thị trấn Bát Gia Tử Họ đã thả bà vào ngày hôm sau, nhưng lại bắt bà trở lại vào ngày 31 tháng 8. Ban đầu bà Tôn ban đầu bị giam ở trong Trại tạm giam thành phố Đôn Hóa, sau đó bị chuyển đến Trại tạm giam thành phố Diên Cát.
Viện kiểm sát thành phố Long Tỉnh đã truy tố bà Tôn và Tòa án thành phố Long Tỉnh đã kết án bà. (Cả thành phố Long Tỉnh và thành phố Hòa Long đều nằm dưới sự quản lý của khu tự trị Triều Tiên Diên Biên ở tỉnh Cát Lâm).
Bà Tôn hiện đang bị giam ở thành phố Trường Xuân (chưa rõ địa điểm chính xác).
Đây không phải lần đầu tiên bà Tôn bị chính quyền nhắm đến vì kiên định đức tin của mình. Trong 24 năm qua, cả bà và gia đình đều phải chịu nhiều thống khổ dưới bàn tay của chính quyền cộng sản. Trong bốn vụ bắt giữ đầu tiên của bà, con trai bà vẫn còn là một cậu bé. Cảnh sát thậm chí còn bắt giữ cả cậu bé để làm con tin vào năm 2013 (khi đó là học sinh lớp 3) nhằm ép bà từ bỏ Pháp Luân Công. Con gái bà bị tổn thương nặng nề đến mức mắc nhiều bệnh tật trong nhiều năm. Chồng bà Tôn vì quá áp lực nên đã ly hôn bà. Sáu năm sau họ tái hôn, nhưng rồi lại ly hôn một lần nữa do áp lực triền miên từ cuộc bức hại.
Việc treo lương hưu của bà Tôn bắt nguồn từ bản án 4 năm trước đó của bà (từ tháng 5 năm 2012 đến tháng 5 năm 2016). Vào tháng 11 năm 2021, Cục An sinh Xã hội thành phố Hòa Long đã yêu cầu bà trả lại 150.000 nhân dân tệ tiền phúc lợi hưu trí mà bà đã lĩnh trong thời gian 4 năm ngồi tù. Bà đã từ chối tuân thủ vì phúc lợi hưu trí là tài sản kiếm được hợp pháp của bà.
Cục An sinh Xã hội sau đó đã sớm đình chỉ lương hưu của bà. Bà đã kháng nghị yêu cầu phục hồi lương hưu cho bà, nhưng lại bị bắt vào tháng 8 năm 2022 và bị phạt tù lần thứ hai.
Trước đây bà Tôn đã trình bày chi tiết về quá khứ bị bức hại và sự đình chỉ lương hưu của mình. Dưới đây là lời kể của bà.
* * * * * * *
Trước khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi mắc rất nhiều bệnh, bao gồm chứng mất ngủ trầm trọng, bệnh tiểu đường và bệnh tim. Tôi gần như bị điếc hoàn toàn do viêm tai giữa. Không thể chịu đựng được nỗi thống khổ đó, tôi từng cố tự tử hai lần, nhưng không thành công.
Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, trừ căn bệnh về thính giác ra, tất cả những bệnh tật khác của tôi đều biến mất. Tôi rất biết ơn Pháp Luân Đại Pháp vì đã cứu sống tôi.
Nhưng đáng buồn thay, từ năm 1999, chế độ cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh bức hại môn tu luyện, gây ra những đau đớn khôn nguôi cho vô số gia đình, trong đó có gia đình tôi. Tôi bị bắt bốn lần và từng bị kết án tù. Tôi cũng bị giam tại một trại tạm giam, trung tâm tẩy não và bệnh viện tâm thần, ở đó tôi bị tra tấn, chửi bới thậm tệ và bị bắt phải từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp.
Cảnh sát dùng những cây bút chì chọc vào ngón tay tôi, khiến chúng bị chảy máu và bầm tím. Họ còn dùng các chai nước và ván gỗ tát vào mặt tôi, làm cho mặt tôi sưng tấy và tai tôi bị chảy máu. Trong những lần tra tấn khác, họ dùng giày da đạp vào người tôi, túm tóc đập đầu tôi vào tường. Có lần họ còn bắt tôi đứng suốt mười ngày không ngủ.
Trong thời gian tôi bị giam giữ, gia đình tôi đã phải sống trong sợ hãi. Cuộc sống của họ cũng bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau.
Bốn lần tôi bị bắt giữ xảy ra khi con trai tôi vẫn còn nhỏ. Năm 2013, khi cảnh sát tra khảo tôi trước khi tôi bị kết án, họ đã bắt giữ con trai tôi làm con tin để buộc tôi phải nhượng bộ, lúc đó cháu mới học lớp ba.
Khi con gái tôi lớn của tôi, cháu đã trưởng thành, lặn lội từ một thành phố phía Nam để đến thăm tôi, cai ngục đã chửi rủa và sỉ nhục cháu, và không cho cháu gặp tôi. Sau đó, cháu nói với tôi rằng những tra tấn về mặt tinh thần đã khiến cháu mắc một số triệu chứng mà suốt 11 năm sau vẫn chưa hồi phục.
Áp lực tinh thần mà chồng tôi phải gánh chịu là nặng nề nhất. Sau rất nhiều lần bị sách nhiễu, ông ấy bắt đầu bất giác run rẩy mỗi khi có người gõ cửa. Ông ấy cũng mắc bệnh tim nặng.
Có lần, cảnh sát còn bắt và giam giữ ông ấy trong ba ngày. Ông ấy bị đánh đập và nhục mạ. Việc này khiến ông ấy càng nảy sinh lòng thù hận đối với tôi và Pháp Luân Đại Pháp.
Tôi và chồng tôi quen biết nhau từ khi còn học cấp một. Chúng tôi luôn học chung lớp, từ tiểu học cho đến trung học. Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi làm cùng công ty. Sau khi lấy nhau, chúng tôi có hai con, một trai và một gái. Gia đình tôi khi đó thực sự hạnh phúc. Nhưng vì cuộc bức hại, chúng tôi đã phải ly hôn hai lần.
Sáu năm sau cuộc ly hôn đầu tiên, chúng tôi tái hôn. Nhưng chỉ vài tháng sau, tôi lại bị kết án. Chồng tôi đến trại tạm giam hai lần, đòi ly hôn với tôi lần thứ hai. Tôi không còn cách nào khác nên phải đồng ý. Sau đó, ông ấy lấy người khác và có một gia đình mới.
Sau khi được trả tự do, tôi tiếp tục phải đối mặt với áp lực từ cả gia đình và xã hội, khiến cuộc sống thường nhật của tôi trở nên vô cùng khó khăn.
Tháng 11 năm 2021, tôi nhận một cuộc gọi từ cơ quan và họ bảo tôi đến phòng an sinh xã hội để gặp giám đốc Trương. Tôi đến đó vào buổi chiều. Tôi đưa chứng minh thư của mình cho bà Trương theo yêu cầu của bà và hỏi bà về cuộc họp.
Bà ấy hỏi tôi: “Bà có mang theo giấy phán quyết không?”
Tôi đã rất ngạc nhiên và nói với bà ấy rằng tôi không mang theo nó.
“Hạn tù của bà kéo dài bao lâu? Bà bị kết án khi nào?”
“Hạn tù của tôi là 4 năm. Tôi không nhớ chính xác ngày tuyên án.”
Bà ấy còn hỏi tôi bắt đầu nghỉ hưu từ khi nào, rồi chìa ra một tờ giấy và yêu cầu tôi nộp 150.000 Nhân dân tệ.
“Sao lại thế?” tôi hỏi.
Bà ấy nói ra rằng đó là số tiền lương hưu mà tôi phải trả lại trong thời gian bốn năm tù. Bà ấy cũng nói họ đã tìm hiểu về tôi thông qua phân tích dữ liệu lớn.
Tôi bảo với bà ấy rằng tôi không phạm tội gì khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tôi đã bị kết án oan sai. Pháp Luân Đại Pháp là môn tu luyện Phật gia dạy mọi người chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Đại Pháp đã được hồng truyền trên toàn thế giới và chỉ bị bức hại ở Trung Quốc. Tôi cũng nói việc họ bắt giam tôi là không tốt.
Khi tôi đang nói, người thân đi cùng tôi trở nên sợ hãi và bịt miệng không cho tôi nói.
Vài ngày sau, tôi đến phòng an sinh xã hội và yêu cầu họ không được đình chỉ lương hưu của tôi. Lần này, thái độ của bà Trương rất tệ và bà ấy khăng khăng bắt tôi phải nộp trả 150.000 Nhân dân tệ.
Tôi nói với bà ấy rằng tôi không đủ khả năng chi trả số tiền đó và họ phải chừa cho tôi con đường sống nữa.
Bà ấy nói rằng bà ấy chỉ làm theo luật.
Tôi nói luật lao động Trung Quốc không có quy định nào như vậy và tôi nhắc lại tôi không vi phạm luật khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Bà ấy dọa sẽ báo cảnh sát đến bắt tôi nếu tôi còn nói nữa.
Vì tôi đã đặt vé máy bay cho một chuyến đi và mấy ngày sau tôi phải đi. Khi tôi nhờ gia đình mình rút lương hưu bằng thẻ ngân hàng vì tôi đi vắng, họ phát hiện rằng tôi đã bị treo lương hưu.
Bài liên quan:
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/1/延边退休幼儿教师孙庆菊被非法判四年半-464806.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/6/211197.html
Đăng ngày 20-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.