Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-09-2023] Một người phụ nữ 78 tuổi ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh hiện vẫn bị giam ở trong Trại tạm giam Số 1 Thẩm Dương từ khi bị bắt vào ngày 20 tháng 9 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Một nhân chứng cho hay, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 20 tháng 9 năm 2023, trong khi bà Trương Ngọc Cẩm (một giảng viên về hưu của Đại học Lý Công Thẩm Dương) đang ở bên ngoài tòa chung cư của mình, thì một chiếc xe cảnh sát (xe mini-van màu trắng) ập đến. Một chiếc xe ô tô màu đen (với biển số xe tư nhân) nhanh chóng đến nơi và 2 người đàn ông mặc đồ màu đen bước ra khỏi xe. Họ nói chuyện với bà Trương và cùng bà đi vào tòa nhà chung cư.
Khoảng nửa tiếng sau, một chiếc xe cảnh sát khác (sedan trắng) ập đến. Một cảnh sát bước ra ngoài và gọi điện. Sau đó, 2 người đàn ông hộ tống bà Trương và một cậu bé (khoảng 17, 18 tuổi) ra khỏi tòa nhà. Nhân chứng (một hàng xóm) nhận ra cậu bé này không phải là người nhà của bà Trương. Cảnh sát chuyển những vật phẩm tịch thu từ nhà bà Trương vào xe của họ.
Khoảng 9 giờ 30 phút sáng, nhân chứng nhìn thấy một chiếc xe hơi khác đến, sau đó chạy cùng 3 xe kia (xe tải nhỏ màu trắng, xe tư nhân màu đen và xe cảnh sát màu trắng).
Theo những người trong cuộc, cảnh sát tham gia vụ bắt giữ thuộc Đồn Công an Vạn Liên ở quận Thẩm Hà, thành phố Thẩm Dương. Họ đưa bà Trương đến trại tạm giam Số 1 thành phố Thẩm Dương và hiện bà vẫn đang bị giam ở đó.
Bà Trương khẳng định rằng Pháp Luân Công đã ban cho bà một cuộc đời vô bệnh, nhưng trong suốt 24 năm qua, bà Trương lại liên tục bị chính quyền nhắm mục tiêu chỉ vì kiên định vào đức tin đã giúp thay đổi cuộc đời mình. Đặc biệt, bà đã bị giam trong Trại Cưỡng bức Lao động 2 lần, với tổng thời gian 4 năm.
Bước vào tu luyện Pháp Luân Công
Mãi đến khi lên sáu tuổi bà Trương mới có thể ngồi. Bà cũng bị vẹo cột sống (cột sống bị cong) và méo mặt. Sau khi lớn lên, bà đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống và tập thể dục vì quyết tâm có được thân thể khỏe mạnh. Bất chấp những nỗ lực này, bà mắc phải chứng bệnh kỳ lạ, thỉnh thoảng bị nôn mửa dữ dội mà không rõ nguyên nhân. Tình trạng này còn tồi tệ hơn sau khi ăn, vì bà nôn ra hết mọi thứ, cho đến khi nôn ra cả dịch mật. Thực quản của bà bị chảy máu, và toàn thân bị co giật vì nôn mửa dồn dập. Bà tìm kiếm phương pháp điều trị y tế, nhưng không hiệu quả.
Tuy nhiên, căn bệnh kỳ lạ này biến mất không lâu sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 6 năm 1997. Các chứng bệnh khác của bà cũng biến mất và bà được tận hưởng một cuộc đời vô bệnh.
Là một giảng viên giáo dục thể chất, bà Trương kết hợp Pháp Luân Công vào chương trình giảng dạy, làm cho các sinh viên rất thích thú. Quản lý nhà trường cũng rất ủng hộ và còn cung cấp thiết bị phát thanh và truyền hình để bà lập điểm luyện công trong khuôn viên trường.
Bà Trương cũng cho biết bà học cách trở thành một người tốt hơn chiểu theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Bà từng oán hận mẹ chồng trong 18 năm. Nhưng sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bà nhận ra mình cần phải làm một người con dâu biết tôn kính. Bà nói với chồng mình muốn đến thăm mẹ của ông ấy. Ông ấy rất kinh ngạc và hỏi: “Em không ghét mẹ của anh nữa ư?”
Bị nhắm đến sau cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4
Sau khi 10.000 học viên Pháp Luân Công tổ chức một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa bên ngoài Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, lãnh đạo chính quyền cộng sản đương thời là Giang Trạch Dân ban hành một chỉ lệnh bí mật đến tất cả cơ quan chính quyền và doanh nghiệp quốc doanh, yêu cầu điều tra những nhân viên tu luyện Pháp Luân Công. Chỉ lệnh yêu cầu lãnh đạo bắt các học viên giao nộp các sách Pháp Luân Công và từ bỏ đức tin của mình bằng mọi giá.
Trường của bà Trương thông báo bà không được phép nhắc đến Pháp Luân Công trong các lớp học nữa. Điểm luyện công ở trong khuôn viên trường cũng bị nhân viên an ninh trường sách nhiễu. Quản lý nhà trường nhiều lần nói chuyện với bà Trương nhằm ép bà từ bỏ Pháp Luân Công.
Bị bắt giữ ở Bắc Kinh vào tháng 9 năm 1999
Giang chính thức phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Khi năm học mới bắt đầu vào đầu tháng 9 năm đó, trường của bà Trương lại yêu cầu bà từ bỏ Pháp Luân Công, nếu không bà sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích nào khi về hưu.
Bà Trương không hề dao động và đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vài ngày sau đó. Bà bị bắt và bị đưa đến Văn phòng Liên lạc của Chính quyền Thẩm Dương ở Bắc Kinh. Hai ngày sau, cảnh sát Triệu thuộc Đồn Công an Ngũ Lý Hà ở Thẩm Dương, cùng đội trưởng Trương thuộc phòng bảo vệ của trường bà, đón bà về từ Bắc Kinh. Họ lừa sẽ đưa bà về trường khi về đến Thẩm Dương, nhưng sau đó lại đưa bà thẳng đến Công an quận Thẩm Hà.
Bà Trương trốn thoát khỏi trụ sở công an quận. Cảnh sát và nhà trường ráo riết truy tìm bà khắp nơi. Họ ra lệnh cho gia đình bà, bố mẹ chồng, họ hàng và hàng xóm của bà phải trình báo với họ ngay khi nhìn thấy bà.
Nhà trường cũng cử hai giảng viên giáo dục thể chất đi tìm bà Trương ở Bắc Kinh. Bà tìm cách để trở về quê nhà ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào tháng 11 năm 1999 mà không bị bắt. Tuy nhiên, bà lại nhanh chóng bị bắt giữ ở Tế Nam khi có buổi tập trung với một số học viên Pháp Luân Công địa phương mà bà vừa mới quen biết.
Cảnh sát đưa bà Trương đến trại tạm giam Số 1 thành phố Tế Nam. Bà không được phép nói chuyện với bất kỳ ai hay luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Mỗi ngày đều có vài cảnh sát đến thẩm vấn bà. Họ hỏi ai đã thu xếp cho bà đi tới tỉnh Sơn Đông.
20 ngày sau, cảnh sát Đông thuộc Công an thành phố Thẩm Dương, cùng các đội trưởng Trương và Hòa thuộc phòng bảo vệ của trường bà Trương đến đón bà từ trại tạm giam. Họ không tháo còng tay cho bà trong suốt chuyến đi đến Thẩm Dương (cách Tế Nam khoảng 970 km).
Họ đưa bà thẳng đến trại tạm giam Số 1 thành phố Thẩm Dương, nơi bà bị thẩm vấn mỗi ngày về việc ai giúp đỡ bà đi tới Sơn Đông.
Bà Trương bị bắt ngủ trên sàn nhà vào mỗi đêm. Bà nhanh chóng trở nên ốm yếu. Một buổi sáng, bà đột nhiên yếu đến mức không thể ngồi dậy, tinh thần nửa mơ nửa tỉnh. Đến buổi chiều hôm đó, Công an thành phố Thẩm Dương thông báo cho con trai bà đến đón bà về. Bà được tại ngoại với mức phạt 5.000 nhân dân tệ.
Bị kết án 2 năm trong trại lao động cưỡng bức vào năm 2000
Tháng 8 năm 2000, bà Trương đến một tiệm in để photo một tờ tài liệu chân tướng Pháp Luân Công. Chủ tiệm tố giác bà, và bà bị đưa đến trại tạm giam Phương Gia Lan thuộc quận Hồ Nam, thành phố Thẩm Dương.
Lính canh chỉ định các tù nhân theo dõi bà Trương để ngăn bà nói với người khác về Pháp Luân Công hoặc luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Thỉnh thoảng, tù nhân còn lột hết đồ (trừ đồ lót) của bà hòng nhục mạ bà.
Bà Trương bị bắt ngủ trên sàn nhà xi-măng lạnh lẽo, và sử dụng bô ở trong buồng giam. Đôi khi, buồng giam có nhiều người đến nỗi bà thậm chí không thể tìm được khoảng trống để nằm ngủ. Buồng giam cũng bốc mùi.
Lính canh còn đánh đập và ép buộc bà Trương phải đứng hoặc ngồi xổm trong khoảng thời gian dài.
Tháng 9 năm 2000, bà Trương bị kết án 2 năm trong trại lao động cưỡng bức và bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia.
Lính canh trong trại lao động yêu cầu tất cả học viên bị giam giữ phải ngồi trên ghế nhỏ, tay đặt sau lưng và xem những video phỉ báng Pháp Luân Công cùng nhà sáng lập pháp môn này. Bất kỳ học viên nào không chịu từ bỏ Pháp Luân Công đều bị cấm ngủ, cấm thăm thân, cấm nói chuyện với người khác hoặc đến nhà ăn dùng bữa. Những hình phạt khác bao gồm cưỡng ép học viên đứng quay mặt vào tường hoặc ngồi xổm trong khoảng thời gian dài.
Bà Trương cho hay bà đã rơi vào trạng thái không tỉnh táo, và viết một bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý nguyện của mình. Sau đó, lính canh ra lệnh bà “xử lý” những học viên kiên định khác nhằm kiểm tra xem bà thực sự từ bỏ Pháp Luân Công chưa.
Ngoài việc phải tham gia lớp tẩy não, bà Trương còn bị bắt phải lao động hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày mà không được trả công. Bà phải tiếp xúc với những sản phẩm độc hại mà không được bảo hộ đầy đủ. Thức ăn mà bà nhận được đều bị mốc.
Bị bắt giữ tại quê nhà ở tỉnh Sơn Đông vào năm 2003
Bà Trương được thả khỏi trại lao động vào tháng 8 năm 2002, nhưng lại bị bắt vào tháng 9 năm 2003 khi bà đến thăm chị gái ở thành phố Lai Vu, tỉnh Sơn Đông.
Trong khi bắt giữ, một cảnh sát đá bà ngã xuống. Bà còn bị trói vào ghế sắt trong lúc bị thẩm vấn ở Đồn Công an Nam Ma. Cuối cùng, khi cảnh sát cho phép bà đứng dậy khỏi ghế vào ban đêm, mắt cá chân bên phải của bà bị đau dữ dội. Cảnh sát đưa bà đến Bệnh viện huyện Nghi Nguyên và kết quả cho thấy bà bị chấn thương mắt cá chân vì bị cảnh sát đá trong vụ bắt giữ.
Giữa tháng 10 năm 2003, các trưởng phòng bảo vệ Triệu và Hồ ở trường của bà Trương cùng 2 cảnh sát đến đón bà và đưa bà quay trở lại Thẩm Dương. Trên đường về, một cảnh sát đấm vào sống mũi của bà, khiến bà bị hoa mắt và chóng mặt trong một hồi lâu.
Bị tính phí điều trị cho xương mắt cá chân mà cảnh sát làm gãy
Sau khi được hộ tống về Thẩm Dương, bà Trương bị đưa đến trại tạm giam Phương Gia Lan. Vì bà vẫn không thể tự chăm sóc bản thân do chấn thương mắt cá nhân, nên lính canh yêu cầu con trai bà đưa bà về nhà với điều kiện bà phải viết bản cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối hợp tác, nhưng vẫn được tại ngoại. Cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà tại nhà, lấy cớ kiểm tra bà, nhưng thực tế là thăm dò xem có thể giam giữ bà hay chưa.
Sau khi hồi phục một phần, bà Trương đến trường và được phòng tài chính thông báo rằng Công an quận Thẩm Hà đã trừ 200 nhân dân tệ vào tiền lương của bà. Nhiều ngày sau, phòng tài chính thông báo với bà rằng Bệnh viện huyện Nghi Nguyên ở tỉnh Sơn Đông gửi cho bà (thông qua nhà trường) một hóa đơn hơn 3.000 nhân dân tệ. Bà không thể tin được việc cảnh sát Sơn Đông đã yêu cầu bệnh viện gửi cho bà hóa đơn thanh toán chi phí điều trị mắt cá chân bị gãy của bà, trong khi chính họ là người gây ra việc này, hơn thế họ còn đã tịch thu hơn 2.000 nhân dân tệ tiền mặt cùng thẻ điện thoại (trị giá 30 nhân dân tệ) từ ví của bà trong vụ bắt giữ.
Cảnh sát Sơn Đông không hoàn trả số tiền này cho bà Trương. Không rõ liệu bà đã thanh toán hóa đơn y tế hay chưa.
Lại bị kết án 2 năm trong trại lao động cưỡng bức vào năm 2003
Để tránh bị bắt giữ thêm nữa nên tháng 12 năm 2003, bà Trương chuyển đến một căn hộ cho thuê ở quận Hồ Nam, thành phố Thẩm Dương. Vài ngày sau, bà bị cảnh sát gần Đồn Công an Châu Lâm Kiều bắt giữ và đưa đến trại tạm giam Số 1 thành phố Thẩm Dương.
20 ngày sau, cảnh sát kết án bà Trương 2 năm trong trại lao động cưỡng bức, và chuyển bà đến Trại Lao động Cưỡng bức Long Sơn, nơi bà bị cưỡng ép từ bỏ đức tin trái với mong muốn sau khi bị đánh đập, cấm ngủ, sốc điện và nhục mạ. Sau đó, bà bị ép lao động khổ sai hơn 10 tiếng mỗi ngày.
Vì Bệnh viện huyện Nghi Nguyên ở tỉnh Sơn Đông không điều trị tốt cho mắt cá chân của bà Trương, nên chân và bàn chân phải của bà vẫn bị tê và lạnh trong vòng nhiều tháng sau khi trở về Thẩm Dương. Chân bà đau đến mức bà bị mất ngủ vào ban đêm.
Mùa xuân 2004, trại cưỡng bức lao động Long Sơn chuyển bà đến Trung tâm Tẩy não Trương Sỹ. Đến mùa thu năm đó, trung tâm tẩy não và trại lao động đều được sáp nhập vào Trại Lao động Mã Tam Gia, vì vậy, bà Trương tiếp tục thụ án tại Trại Lao động Mã Tam Gia.
Sau khi bà Trương được trả tự do vào năm 2005, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà tại nhà và có lúc bà phải sống trên núi để tránh sự sách nhiễu.
Bài liên quan bằng tiếng Hán:
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/24/465658.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/28/211549.html
Đăng ngày 17-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.