Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-09-2023] Một cư dân Bắc Kinh đã bị biệt giam kể từ khi bị bắt vào ngày 25 tháng 9 năm 2022 vì tu luyện Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Qua một người trong cuộc, gia đình bà Kỳ Nghênh Xuân biết rằng cảnh sát Đào Quân Phong của đồn công an địa phương nghi ngờ bà đã gửi thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công cho các kênh truyền thông nước ngoài và đây là lý do khiến bà bị bắt giữ.

Vụ bắt giữ bà đã nhanh chóng được phê chuẩn. Kể từ đó, gia đình bà chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông tin cập nhật chính thức nào về vụ án của bà, họ cũng không biết bà hiện bị giam giữ ở đâu.

Bức hại trong quá khứ

Bà Kỳ (ngoài 60 tuổi) là kỹ sư của trung tâm giáo dục nghe nhìn tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Bà và mẹ của bà, bà cụ Kỳ Ngọc Trân (cũng là một giáo sư đã nghỉ hưu của Khoa Lưu trữ của Đại học Nhân dân Trung Quốc), đều theo học Pháp Luân Công vào mùa hè năm 1997.

Bà Kỳ Nghênh Xuân từng bị sốt thường xuyên và mẹ bà phải vật lộn với bệnh tim và huyết áp cao. Mọi bệnh tình của cả hai người đều biến mất ngay sau khi họ bắt đầu học luyện Pháp Luân Công. Mặc dù cha của bà Kỳ không tu luyện cùng họ, nhưng cơn đau dây thần kinh mặt của ông thường giảm bớt khi ông niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà Kỳ bị bắt tại nơi làm việc và ngày 26 tháng 3 năm 2001, bởi nhân viên bảo vệ của trường và các cảnh sát của Công an Hải Điến. Bà bị đưa đến trung tâm tẩy não nằm bên trong Trại Lao động Cưỡng bức Đoàn Hà. Hai nhân viên ở đó đã túm tóc bà và đập đầu bà vào tường. Họ cũng bắt bà phải ngồi xổm hoặc đứng trong nhiều giờ mà không cho bà ăn uống.

Bà Kỳ được thả sau 45 ngày bị giam ở đó. Sau đó, bà bị buộc phải sống xa nhà để thoát khỏi bàn tay cảnh sát. Ngày 12 tháng 10 năm 2001, nhà trường đã sa thải bà và xóa bỏ 20 năm công tác của bà để sau này số thâm niên công tác đó của bà không được đưa vào để tính trợ cấp hưu trí cho bà khi bà đến tuổi hưu.

Tết Nguyên đán 2002, bà Kỳ lại bị bắt và bị giam ở trong Trại tạm giam Sùng Văn 10 ngày.

Bà Kỳ đã bị một người bạn báo cảnh sát vì nói với bà ấy về cuộc bức hại Pháp Luân Công và bị bắt vào ngày 18 tháng 5 năm 2003. Một cảnh sát họ Vương đã đánh mạnh vào mắt và đá vào bắp chân bà với đôi ủng cứng, khiến bà bị chảy máu và bị thương nặng với vết bầm tím cả ở mắt và chân. Vương còn dùng một vật bằng kim loại để đâm vào đầu bà.

Trong khi thực tế bà Kỳ chỉ chuẩn bị 3 bản tài liệu Pháp Luân Công để đưa cho bạn mình, thì cảnh sát lại bịa đặt rằng họ đã tìm thấy hơn 100 bản tài liệu mà bà mang theo người trong khi bắt giữ bà và sử dụng chúng làm bằng chứng truy tố bà. Sau đó bà bị kết án 2 năm ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Bắc Kinh.

Khi bà Kỳ tuyệt thực để phản kháng trong thời gian ở trại lao động, bà đã bị nhốt trong bệnh viện hơn 4 tháng và bị bức thực. Sau khi bị đưa trở lại đội 7 trong trại lao động, bà bị hai tù nhân theo dõi suốt ngày đêm, những người này tùy ý đánh đập và lăng mạ bà. Bà không được phép tắm hoặc giặt giũ. Bà thường bị bắt phải đứng, ngồi xổm (squat) hoặc ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mà không được di chuyển trong nhiều giờ đồng hồ. Vào mùa đông, các tù nhân buộc bà đứng trước cửa sổ mở toang để khiến bà bị đông cứng. Một số tù nhân có lần đã đẩy bà xuống đất, khiến lưng của bà bị thương nặng. Ngoài việc tra tấn về thể xác, bà còn bị buộc phải xem các video bôi nhọ Pháp Luân Công mỗi ngày.

Sau khi bà bị chuyển đến đội 2, lính canh còn đặc biệt ép bà ngồi bất động trên ghế mỗi ngày. Bà phải giữ hai chân sát vào nhau, đặt ha tay lên đùi và mắt nhìn thẳng về phía trước. Nếu bà cử động hoặc chỉ hơi cong tay một chút, tù nhân theo dõi bà sẽ tát vào mặt, đánh đập hoặc đâm vào tay bà bằng bút bi. Mu bàn tay của bà đầy vết thương do bị đâm chọc.

ee94def4d11d9fb9d1a0614d5d574d32.jpg
Tái hiện cảnh tra tấn: ngồi bất động trên một chiếc ghế nhỏ và đứng nghiêm trong thời gian dài

Ngày 18 tháng 5 năm 2005, sau khi được thả ra khỏi trại lao động và trở về căn hộ trong khuôn viên trường, bà Kỳ liên tục bị bảo vệ trường học và các nhân viên cộng đồng theo dõi. Sự sách nhiễu và giám sát ngày càng gia tăng sau khi đại dịch COVID bùng phát năm 2020. Ngay cả học sinh, nhân viên giao hàng và các nhân viên khác của trường cũng bị yêu cầu phải giám sát bà khi bà đi dạo trong khuôn viên trường. Bà thường bị theo dõi khi đi tới siêu thị, ngân hàng hay tiệm làm tóc gần đó.

Bà không được phép rời khỏi nhà trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 25 tháng 3 năm 2022 và đặc biệt là trong Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2 năm đó. Nếu phải đi ra ngoài, bà cần xin phép công an địa phương trước.

Ngày 24 tháng 4 năm 2022, khi bà Kỳ từ chối trả lời 3 cuộc điện thoại sách nhiễu từ cảnh sát Đào Quân Phong thì vào lúc 3 giờ chiều ngày hôm đó liền có 7 công an mặc thường phục đã đến nhà bà. Họ đập cửa nhà bà, che lỗ nhìn trộm trên cửa và camera an ninh của bà, sau đó cắt nguồn điện và kết nối Internet của nhà bà.

Ngay sau đó, một số cảnh sát đã đập vỡ cửa nhà bà và xông vào. Cho rằng có người đã báo cáo việc bà tập Pháp Luân Công, họ lục soát mọi ngóc ngách trong nhà và cạy mở tất cả tủ, ngăn kéo và tủ đựng quần áo của bà. Khoảng 80 cuốn sách Pháp Luân Công của bà, một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, 2 máy tính để bàn (trong đó có một chiếc bị hỏng), 1 máy tính xách tay, 3 máy nghe nhạc, một số điện thoại di động và camera an ninh trong nhà của bà đều bị tịch thu. Ngay cả những cuốn tạp chí và sách cổ do bố mẹ bà sưu tầm họ cũng không tha.

Sau đó, bà Kỳ bị đưa đến đồn công an địa phương. Ở đó cảnh sát cưỡng bức lấy dấu vân tay, mẫu máu và nước tiểu của bà. Họ cũng thực hiện đo điện tâm đồ và chụp X-quang cho bà. Khi bà yêu cầu được biết lý do bị bắt giữ, một cảnh sát trả lời rằng đó là vì bà vừa hét lên “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Bởi trại giam địa phương từ chối tiếp nhận bà do đại dịch, nên 1 ngày sau bà được tại ngoại với thời hạn 1 năm. Thế nhưng 5 tháng sau bà bị bắt lại và vẫn bị tạm giam kể từ đó.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/28/466149.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/3/212326.html

Đăng ngày 18-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share