Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-09-2023] Sau khi đọc hai bài Kinh văn gần đây của Sư phụ, “Tránh xa hiểm ác” và “Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc”, tôi đã phát hiện ra những chấp trước ẩn giấu rất sâu mà bản thân không ý thức được. Tôi xin chia sẻ một vài thể ngộ với các đồng tu.

Một buổi sáng, trong tâm trí tôi lóe lên một ý niệm: “Hôm nay mình đã luyện cả năm bài công pháp. Lưng của mình sẽ không bị đau.” Ý niệm này vừa xuất hiện đã bị tôi nắm lấy, tôi ý thức được rằng nó không đúng, nhưng đã không đào sâu thêm xem phía sau nó là gì. Buổi tối hôm đó, khi đọc xong hai bài Kinh văn gần đây của Sư phụ, tôi nhận ra rằng tình trạng tu luyện của chúng ta chắc hẳn đang có vấn đề lớn. Tôi tiếp tục đọc lại một lần nữa. Chắc hẳn Sư phụ đã giải thể những chướng ngại trong tâm trí tôi, tôi chợt minh bạch chuyện gì đã xảy ra.

Tôi nhận ra rằng có lẽ vẫn còn điều gì đó đằng sau niệm đầu không chính của mình. Tôi đã hướng nội và tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Tôi muốn được thoải mái sau khi luyện các bài công pháp. Có bao nhiêu suy nghĩ hằng ngày của tôi cũng ấn giấu những động cơ tương tự? Đằng sau những động cơ này là gì?

Vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay, tôi đã quyết định thay đổi thói quen không thể dậy sớm vào buổi sáng để luyện công và tôi đã làm được. Thật tốt khi tôi đã cải thiện được vấn đề này. Nhưng lúc đó một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: “Nếu tôi có thể luyện công, sức khỏe của tôi sẽ tốt hơn và lưng của tôi sẽ không bị đau nữa.”

Có những lúc trong tu luyện tôi đã làm được điều gì đó, trong tâm liền thấy vui mừng, cảm thấy mình có thể sẽ nhận được nhiều hơn những gì mình đã phó xuất. Tôi có một số suy nghĩ như: “Mình đã làm tốt điều này nên mình sẽ có được điều này. Nếu mình làm tốt việc đó thì sẽ nên có được cái này cái nọ.” Cách đây vài năm, một học viên đã nói với tôi: “Tôi đã tìm ra vấn đề của mình. Tôi đã không tu luyện trong Pháp. Thay vào đó tôi đang tìm kiếm điều gì đó từ Đại Pháp.”

Tôi chợt nhận ra rằng đằng sau những chấp trước ẩn giấu của mình là ý nghĩ tìm kiếm điều gì đó từ Đại Pháp như người học viên đó đã đề cập. Tôi có mục đích riêng của mình khi làm các việc. Vậy phía sau những mục đích này là gì? Tôi muốn đạt được những lợi ích cá nhân trong cuộc sống hoặc trong tu luyện, như lợi ích sức khỏe, sự thoải mái, đề cao tầng thứ, thậm chí tôi còn muốn các học viên khác ngưỡng mộ tôi.

Tôi cảm thấy bối rối sau khi nhận thấy quá nhiều chấp trước ẩn giấu trong mỗi niệm đầu của mình. Phía sau những chấp trước vi tế là những vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng mình tu luyện tinh tấn, nên đã tự hỏi bản thân tại sao tôi lại gặp phải những vấn đề lớn và đi lệch khỏi Pháp như vậy. Bài kinh văn mới của Sư Phụ đã cho tôi câu trả lời: Tôi hiểu rằng trong tu luyện tôi đang

“toàn dùng tâm con người, niệm con người, cái tình của con người mà đo lường vấn đề…” (Tránh xa hiểm ác)

Nhiều năm trước, tôi đột nhiên cảm thấy Sư phụ không quản tôi nữa. Khi đó, tôi vẫn còn trẻ và chưa hiểu rõ về tu luyện. Nhưng sự việc đó vẫn lưu lại trong ký ức của tôi. Tôi cảm thấy rất xấu hổ về bản thân mỗi khi nhớ lại điều đó. Trong những năm gần đây, đôi khi có những suy nghĩ vẫn lóe lên trong đầu tôi như nếu không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi sẽ đi khắp thế giới hoặc làm việc này việc kia. Mặc dù tôi đã phủ nhận những niệm đầu này, nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng mình chưa thật sự đào sâu để tìm ra nguyên nhân phía sau.

Có những lúc tôi không tinh tấn, những niệm đầu này đôi khi lại xuất hiện trong đầu tôi: Nếu tôi bị tà ác bắt cóc, thực sự không chịu được thì sẽ thỏa hiệp. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy tâm sợ hãi của mình quá mạnh mẽ, nhưng bây giờ tôi không còn nghĩ như vậy nữa. Đây là vấn đề về cơ điểm tu luyện. Tôi ôm theo tâm truy cầu mà học Pháp, nhưng vẫn muốn hưởng lợi từ Đại Pháp, đôi khi còn oán giận Sư phụ, thậm chí còn nghĩ đến việc thỏa hiệp với tà ác để bảo vệ bản thân. Nhìn thấy những chấp trước ẩn giấu này của mình, tôi thực sự cảm thấy mình không giống một người tu luyện chút nào. Tôi cảm thấy nếu những chấp trước ẩn giấu này không bị vạch trần và loại bỏ, tôi thực sự sẽ gặp nguy hiểm. Tôi đã dành khoảng một ngày để suy nghĩ về tình hình tu luyện hiện tại của mình, đồng thời cẩn thận làm rõ mối quan hệ giữa những chấp trước này.

Khi tôi nghiêm túc muốn tu luyện bản thân, Sư phụ đã điểm hóa cho tôi đọc đoạn giảng Pháp dưới đây:

Đệ tử: Ma tính rất mạnh, hoàn cảnh xung quanh lại không tốt, [nên] xử lý thế nào?

Sư phụ: Tôi nghĩ điều này đều có liên quan đến tu luyện của chư vị, không phải là giúp chư vị tiêu nghiệp thì là giúp chư vị đề cao tâm tính, cho nên chư vị phải đối đãi một cách đúng đắn. Có người khi ở vào hoàn cảnh rất khó khăn, bởi vì chư vị là người tu luyện, cho nên bảo đảm đối với chư vị đều có chỗ tốt. Cho nên chư vị cho rằng đối với chư vị không có chỗ tốt là [do] chư vị còn chưa buông được [tâm] con người tạo thành, chư vị cảm thấy bất công với chư vị, chư vị cảm thấy họ không nên đối xử như vậy với chư vị, nên đối xử với chư vị tốt hơn. Thế nhưng đứng tại góc độ người luyện công, mọi người đều đối xử tốt với chư vị như vậy, [thì] chư vị tu thế nào đây? Tâm của chư vị làm thế nào bộc lộ ra được đây? Chư vị làm sao mà đề cao đây? Chư vị làm sao mà tiêu nghiệp đây? Chẳng phải là vấn đề này sao? Cho nên [khi] chư vị gặp phải tất cả những ma nạn này, chư vị không được ôm giữ tâm chống đối, chư vị nhất định phải đối đãi một cách đúng đắn. Bởi vì chư vị là người tu luyện, không giống như tôi. Nếu ai đối đãi với tôi, đối đãi với Đại Pháp như vậy, thì đó chính là tà ác phá hoại gây cản trở Chính Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999])

Tôi vẫn luôn dùng nhân tâm để đo lường việc tu luyện và muốn nhận được nhiều lợi ích khác nhau từ Đại Pháp. Khi không đạt được điều mình mong muốn hoặc khi mọi việc không diễn ra như mình mong đợi, tôi lại nghi ngờ và thậm chí oán hận. Bây giờ tôi đã hiểu tại sao tôi lại có sự oán hận như vậy. Tôi làm mọi việc đều mang theo mục đích và tôi sẽ phàn nàn khi không đạt được mục đích của mình. Tu luyện là buông bỏ những chấp trước nhưng tôi lại luôn truy cầu điều gì đó từ Đại Pháp, điều này hoàn toàn trái ngược với tu luyện. Phía sau sự truy cầu này chính là tự tư và chấp trước vào bản thân.

Các nguyên lý trong tu luyện là phản đảo với thế giới con người. Chịu khổ chịu nạn đều là hảo sự và giúp chúng ta đề cao tâm tính. Tuy nhiên, những quan niệm của tôi vẫn dừng lại ở chỗ quan niệm con người, không có sự chuyển biến. Tôi coi việc chịu khổ là một việc xấu, trong tâm bài xích nó. Đối với những nạn nhỏ, tôi vẫn có thể chịu được, nhưng nạn lớn một chút liền không chịu được và hoài nghi, oán hận. Tôi cảm thấy hài lòng khi làm được điều gì đó cho Đại Pháp và cảm thấy mình tinh tấn hơn một chút trong tu luyện. Chính là tâm an dật đã khiến tôi lơ là trong tu luyện. Khi tôi dùng nhân tâm, nhân tình để lý giải tu luyện, tâm của tôi chính là đang ở nơi con người chứ không phải ở trong Pháp.

Tôi cũng muốn chia sẻ trải nghiệm của mình về việc Sư phụ đã giúp tôi tiêu nghiệp và vượt quan. Tôi đã có các triệu chứng của COVID vào cuối năm ngoái. Tôi bị sốt cao trong ba ngày liên tiếp và cảm thấy thật khủng khiếp. Lúc đầu, tôi quyết tâm vượt qua khảo nghiệm này, nhưng cuối cùng tôi đã bỏ cuộc. Tôi cảm thấy buồn và thất bại. Tôi trở nên lười biếng trong tu luyện.

Sau đó, khi thân thể bình phục, tôi thấy rằng một số nghiệp tư tưởng dơ bẩn từng phản ảnh trong tâm trí tôi đã không còn nữa (trước đó tôi luôn cảm thấy mình không thể loại bỏ nó và nó luôn cản trở tôi), và tôi học thuộc Pháp nhanh hơn trước rất nhiều. Lần này tôi hiểu sâu sắc lời giảng của Sư phụ:

“…chư vị học Đại Pháp rồi, thì vô luận chư vị gặp tình huống tốt hay tình huống xấu, thì đều là hảo sự,…” (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)

Trước đây, khi cầu xin sự giúp đỡ từ Pháp, tôi luôn cảm thấy mình như một đứa trẻ hư, thiếu lòng biết ơn đối với sự quan tâm, vị tha của những người lớn tuổi. Tôi coi lòng từ bi của Sư phụ là điều hiển nhiên. Trong hai ngày qua, tôi nhận ra rằng mình nên biết ơn Sư phụ và dùng tấm lòng trân quý và thiện để đối đãi với những người và sự việc xung quanh. Bởi vì đây là sự an bài và ân huệ của Sư phụ, và nó có liên quan mật thiết đến sự tu luyện của bản thân tôi, tôi nên tận lực đối đãi bằng thiện niệm.

Tôi nghĩ mình nên suy nghĩ cẩn thận về việc bản thân mình rốt cuộc tu luyện vì điều gì, tu luyện cho ai và tu luyện như thế nào. Tôi đang đứng từ cơ điểm nào để lý giải việc tu luyện, đây là điều quan trọng nhất. Nếu tôi đặt tâm mình ở nơi con người, tôi chỉ có thể là con người. Nếu tâm tôi ở trong Pháp thì tôi là một người tu luyện.

Tôi viết bài chia sẻ này để phơi bày những chấp trước nhân tâm tà ác đã ẩn giấu bấy lâu nay, khiến chúng biến mất khỏi trường không gian của tôi. Đồng thời, việc này cũng để lại cho tôi một bài học giáo huấn sâu sắc, cảnh tỉnh tôi phải bước đi cho chính trên con đường sau này và không lặp lại sai lầm tương tự nữa. Tôi hy vọng rằng các đồng tu khác có thể coi trường hợp của tôi như một lời cảnh tỉnh và tu chính bản thân.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/18/465373.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/5/212361.html

Đăng ngày 09-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share