Bài viết của Tích Duyên, một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-04-2023] Đại dịch COVID bùng phát vào dịp Tết năm 2020. Khu dân cư của chúng tôi đã bị phong tỏa. Mỗi hộ gia đình cứ 2 ngày mới được cử một người ra khỏi nhà để đi mua sắm. Tất cả đều phải quét mã vạch trước khi vào khu vực công cộng. Hầu hết các công ty đều đóng cửa hoặc yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Mọi người ai nấy đều hoảng sợ, trên đường chỉ có rất ít người đi lại. Ai ra ngoài cũng đều phải đeo khẩu trang. Mọi người thực hiện “giãn cách xã hội” khi nói chuyện với nhau. Tình trạng này khiến những nỗ lực giảng chân tướng về cuộc bức hại cho mọi người trở nên khó khăn hơn.

Sau khi học Pháp nhóm, một học viên nói: “Tôi nhận thấy có nhiều ô tô đậu gần các khu dân cư. Chúng ta không thể vào các tòa chung cư, nhưng nếu chúng ta đặt tài liệu liệu trên xe của họ thì sao nhỉ?” Chúng tôi nghĩ rằng đây là một ý tưởng hay và đã thảo luận cách làm sao cho hiệu quả.

Chúng tôi quyết định in Tuần báo chuyên đề về đại dịch và Tuần báo Minh Huệ, vốn mỏng hơn các tài liệu khác, có thể để vào trong phong bì, sau đó chúng tôi sẽ đặt trên xe ô tô. Vì chủ xe không biết trong phong bì có gì nên rất có thể họ sẽ mở chúng ra.

Lần đầu tiên làm theo cách này, tôi cảm thấy có đôi chút lo lắng. Đường phố vắng tanh. Khi chúng tôi tới gần những chiếc xe ô tô, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy chúng tôi. Vì vậy, một học viên và tôi quyết định phối hợp cùng nhau, một người phát tài liệu trong khi người kia phát chính niệm. Khi thấy ai đó đang đi về phía mình, chúng tôi báo cho nhau biết. Chúng tôi cũng làm một cách trí huệ, cách vài chiếc xe mới đặt tài liệu một lần. Chúng tôi đặt tài liệu trên tay nắm cửa hoặc kính chắn gió của xe. Chúng tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ mới phát được 60 phong bì.

Ngày hôm sau, chúng tôi quay lại kiểm tra. Nhiều ô tô đã rời đi hoặc phong bì đã có người lấy, chỉ một số ít còn sót lại trên kính chắn gió. Một vài chiếc phong bì đã mở rơi dưới đất. Chúng tôi thấy kết quả rất khả quan. Điều này giúp chúng tôi tự tin hơn khi áp dụng phương pháp này.

Sau đó, khu dân cư của chúng tôi đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa và chúng tôi đã có thể ra vào các tòa nhà. Hiện nay, hầu như nhà nào cũng sở hữu ô tô và có rất nhiều ô tô đậu bên ngoài các khu chung cư. Chúng tôi đối đãi với cách giảng chân tướng này một cách nghiêm túc.

Mỗi khi cân nhắc việc lựa chọn nội dung tài liệu phân phát chúng tôi đều xem xét từ góc độ của người khác. Chúng tôi cũng đảm bảo rằng mọi thông tin về Đại Pháp đều lấy từ trang web Minh Huệ. Trong quá trình in ấn, gấp tài liệu và cho vào phong bì, chúng tôi đều phát chính niệm, vì vậy mỗi chiếc phong bì đều mang theo năng lượng lớn mạnh. Trước khi phân phát tài liệu Đại Pháp, chúng tôi phát chính niệm và học Pháp nhiều nhất có thể. Chúng tôi phối hợp với nhau một cách ăn ý. Chúng tôi dùng trí huệ mỗi khi gặp vấn đề cần giải quyết. Hơn một năm nay kết quả vẫn khả quan. Đôi lúc gặp can nhiễu, chúng tôi đã dùng chính niệm để xử lý vấn đề. Chúng tôi cảm thấy mình đang không ngừng đề cao và thăng hoa.

Phối hợp giải cứu các học viên

Gần đây, ở khu vực của chúng tôi có một vụ bắt cóc hàng loạt đã được lên kế hoạch trước. Một học viên mà tôi biết đã bị bắt cóc. Gia đình bà ấy đã công nhận Đại Pháp và ủng hộ bà làm các việc chứng thực Đại Pháp. Khi bà bị bắt, con trai bà hành xử rất chính nghĩa. Cậu ấy từ chối hợp tác với cảnh sát và không ngừng yêu cầu thả mẹ mình ra. Cậu ấy cũng hy vọng các học viên khác sẽ phối hợp để giải cứu mẹ mình.

Vị điều phối viên khu vực đã tới và thảo luận với tôi về những vấn đề chúng tôi còn vướng mắc với hy vọng tôi có thể giúp cậu ấy một tay. Ban đầu, tôi cảm thấy mình còn thiếu kinh nghiệm. Tôi cũng có đôi chút lo ngại về sự an toàn của bản thân nên đã không chủ động giúp con trai của đồng tu. Tuy nhiên, khi nhận ra rằng cậu ấy có chính niệm mạnh mẽ và tin tưởng các học viên, tôi thấy mình thật ích kỷ và có tâm bảo vệ bản thân, trái ngược với việc chứng thực Đại Pháp và giải cứu các học viên. Sư phụ giảng,

“việc của bạn cũng là việc của mình…” (Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2002, Giảng Pháp tại các nơi II)

Chẳng phải chúng ta cần tu thành bậc chính giác vô tư vô ngã sao? Làm sao tôi có thể chỉ nghĩ đến bản thân mình? Tôi đã nói với vị điều phối viên rằng tôi sẽ giúp đỡ nhưng tôi còn thiếu kinh nghiệm trong việc này.

Tôi lên mạng và tải xuống tài liệu hướng dẫn cách áp dụng các biện pháp pháp lý để phản bức hại. Tôi cũng tìm kiếm các bài chia sẻ trên trang web Minh Huệ liên quan đến việc giải cứu học viên. Tôi dần dần tích lũy được một số kiến ​​thức. Ngoài ra, tôi còn in những lời bào chữa và các nội dung liên quan đến vấn đề pháp lý từ các đồng tu trên Diễn đàn Công lý. Sau đó, tôi chuẩn bị chia sẻ với con trai của đồng tu. Trong khi đó, các học viên cũng chia sẻ quan điểm rằng việc giải cứu các học viên cũng chính là việc cứu độ mọi chúng sinh ở sở cảnh sát, viện kiểm sát và hệ thống tư pháp mà chúng tôi tiếp xúc. Chúng tôi không nên truy cầu kết quả, cũng như không nên bị động tâm trước những gì diễn ra trên bề mặt. Chúng tôi cần buông cái tình đối với người học viên đang bị bức hại. Sư phụ đang coi sóc họ. Những gì chúng tôi làm là dùng cách này để nói về Đại Pháp và thức tỉnh chúng sinh.

Chúng tôi đã mời con trai của bà ấy đến gặp chúng tôi. Cậu ấy lo lắng đến mức ăn không ngon ngủ không yên. Cậu ấy nói với chúng tôi rằng cậu sợ mẹ mình phải chịu khổ. Vì vậy, thông qua người bạn cùng lớp, cậu đã nói chuyện với một lính canh trong trại tạm giam và nhờ cô ấy chăm sóc mẹ của mình. Cậu còn viết thư cho mẹ, đề nghị mẹ cần sáng suốt và không tranh cãi với cảnh sát. Ban đầu, chúng tôi đã khẳng định sự quan tâm của cậu ấy dành cho mẹ là hoàn toàn đúng đắn. Sau đó, chúng tôi chia sẻ quan điểm về cách mà gia đình của học viên bị bức hại nên làm để hỗ trợ hiệu quả cho người thân của họ. Chúng tôi nhắc nhở cậu ấy ấy rằng mẹ cậu ấy không phạm tội gì cả, nhưng cảnh sát vẫn bức hại mẹ cậu. Vì vậy, chúng tôi cần nói chuyện thẳng thắn với cảnh sát khiến họ buộc phải thả người.

Sau khi thảo luận vấn đề này với chúng tôi, cậu ấy nói cảm thấy thoải mái và tự tin và nói sẽ đến Cục An ninh Nội địa để yêu cầu trả tự do cho mẹ mình. Cậu ấy cũng cho biết trong bức thư tới gửi mẹ, cậu sẽ động viên mẹ hãy mạnh mẽ và không hợp tác với bất kỳ cảnh sát nào. Bà ấy không hề phạm tội gì nên bà ấy cần phải giữ chính niệm.

Sau khi trở về nhà, chúng tôi thảo luận phương án hành động và sau đó liên lạc với họ hàng của vị học viên đó. Chúng tôi đã nhờ họ bàn bạc với cậu ấy để tới đồn cảnh sát và Cục An ninh nội địa để yêu cầu trả tự do cho mẹ cậu cũng như giảng chân tướng cho họ. Chúng tôi nhờ một số học viên phát chính niệm ở khoảng cách gần. Khi họ đến đồn cảnh sát để yêu cầu thả học viên này, cảnh sát đã từ chối không cho họ vào trong. Viên cảnh sát tiếp đón họ nói với rằng họ không có thẩm quyền thả bà ấy mà hãy nói chuyện với Cục An ninh Nội địa.

Sau đó chúng tôi đến Chi cục Công an để tìm những người thuộc Cục An ninh Nội địa. Chồng bà ấy đã nói chuyện với lính canh ở lối vào về tình hình của bà. Sau đó, một lính canh gọi người của Cục An ninh Nội địa ra ngoài. Người này cho biết vì vụ án vẫn đang mở nên họ không muốn gặp con trai bà và cũng không cho phép cậu ấy vào trong.

Chúng tôi đã thảo luận và quyết định để cậu ấy viết một lá thư giảng rõ sự thật gửi đến Cục An ninh Nội địa và cả sở cảnh sát, viện kiểm sát, hệ thống tư pháp, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, Văn phòng Phúc thẩm, v.v. Bằng cách đó, chúng tôi có thể giảng rõ sự thật trên quy mô lớn. Lúc đầu, cậu ấy có chút lo lắng vì không chắc lá thư này sẽ đi được bao xa.

Tôi nói với cậu ấy: “Khi họ đến bắt mẹ cậu, họ không dám mặc đồng phục cảnh sát. Họ biết rằng các học viên là người tốt và không phạm tội gì. Họ sợ hãi và muốn che đậy việc mình đã làm.”

“Sau khi mẹ cậu bắt đầu tu luyện, bà không chỉ khỏi bệnh mà tâm tính của bà cũng được đề cao. Việc chúng tôi viết lá thư này là để nêu lên sự thật này và đề nghị những người có trách nhiệm để bảo vệ công lý cho bà ấy. Đây chẳng phải là một điều tuyệt vời sao? Có lẽ ở cơ quan nào cũng sẽ có người tốt, có lẽ họ sẽ nói gì gì đó giúp ích cho chúng ta.”

Cậu ấy đã đồng ý viết thư. Cậu ấy viết rằng mẹ của mình đã được hưởng lợi từ việc tu luyện cả về tinh thần lẫn thể chất, và việc tu luyện không trái với quy định của pháp luật. Cậu ấy hy vọng các lãnh đạo sẽ dùng quyền lực một cách khôn ngoan để giúp người lương thiện, bảo vệ công lý và chung tay giúp đỡ gia đình cậu ấy. Cậu ấy đã gửi bức thư này đến từng cơ quan và có hiệu quả rất tốt.

Trong quá trình làm việc với cậu ấy, chúng tôi cũng không ngừng động viên, chia sẻ suy nghĩ của chúng tôi giúp giải đáp các băn khoăn của cậu ấy. Dần dần chính niệm của cậu ấy trở nên mạnh mẽ hơn.

Sau đó con trai người học viên đã thuê một luật sư đến trại tạm giam để gặp bà. Luật sư cho biết mẹ cậu đang trong tình trạng tốt, khiến cậu ấy cảm thấy yên tâm. Các học viên đã gác lại những vấn đề của bản thân để phối hợp với cậu ấy. Cậu ấy rất cảm động. Có lần, cậu ấy nhất quyết mời chúng tôi một bữa ăn. Chúng tôi không muốn từ chối nên đã đi cùng cậu ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn thanh toán tiền cho bữa ăn khi cậu ấy không để ý. Cậu ấy rất cảm động và nói: “Các bác học viên thật tuyệt vời! Các bác đã giúp đỡ cháu và còn trả tiền cho bữa ăn nữa. Cháu thực sự đã hiểu được thế nào là vị tha. Chỉ có các học viên mới có thể làm được như vậy. Các bác thực sự tuyệt vời!”

Vào ngày thứ 37 sau khi người học viên bị bắt, một người từ Cục An ninh Nội địa đã gọi người con trai đến đưa mẹ cậu ấy về nhà. Chúng tôi rất vui mừng và vô cùng biết ơn Sư phụ! Trải nghiệm này cũng khiến chúng tôi chứng kiến ​​được sức mạnh của chính niệm chính hành và phối hợp chỉnh thể.

Buông bỏ “tâm vị kỷ” bằng cách hướng nội

Gần đây, một học viên là điều phối viên xuất hiện các triệu chứng bệnh. Cô ấy nhìn khá ốm yếu trong vài tháng qua.

Là người điều phối, cô ấy rất nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao, cô ấy cũng có thể chịu đựng gian khổ. Cô ấy đóng vai trò rất quan trọng trong khu vực của chúng tôi, nhưng tôi nghĩ cô ấy không biết tu luyện. Tôi cảm thấy cô ấy chưa ngộ Pháp và có rất nhiều chấp trước, kể cả chấp trước vào làm các việc. Nhìn bề ngoài, có vẻ như cô ấy đã cố gắng giúp đỡ các học viên khác, nhưng trên thực tế, điều này khiến họ dựa dẫm vào cô ấy. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến các học viên đang bước đi trên con đường tu luyện của chính mình. Hầu hết các học viên trong khu vực của cô ấy hiếm khi truy cập Internet, họ để cô ấy sắp xếp mọi việc. Họ không chủ động vào mà phải đợi cô ấy nói gì thì họ sẽ làm theo. Vì ngày nào cũng rất bận rộn, nên việc học Pháp, tu luyện và đề cao của cô ấy bị ảnh hưởng.

Tôi quen cô ấy đã hơn 10 năm. Chúng tôi gặp gỡ và chia sẻ khá nhiều về cuộc sống hàng ngày, cô ấy tin tưởng và thường hỏi ý kiến ​​​tôi. Ban đầu, khi nhìn thấy những vấn đề của cô ấy, tôi đã chỉ ra với tâm thái ôn hòa. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, tôi nói chuyện thẳng thắn hơn. Tôi cảm thấy trạng thái tu luyện của cô ấy không mấy thay đổi trong những năm qua. Tôi dần nảy sinh tâm oán hận. Đôi khi tôi nhắc nhở cô ấy, giọng điệu của tôi không được ôn hòa lắm, tôi thậm chí còn bắt đầu coi thường cô ấy. Tôi biết rằng bản thân cần hướng nội và tu thiện, và nên khoan dung và từ bi đối với những thiếu sót của các đồng tu. Tuy nhiên, tôi không nhìn ra bất kỳ vấn đề lớn nào của bản thân, và cũng đã không hướng nội sâu hơn.

Trong thời gian đó, tôi bắt đầu học thuộc Pháp và tôi cảm thấy có thêm nhận thức mới về tu luyện. Trước đó, khi gặp vấn đề gì, tôi chỉ xem xét ở trên bề mặt và từ quan niệm của người thường. Tôi đã không biết cách hướng nội sâu. Dần dần tôi học được rằng tôi nên nhìn vào chấp trước vượt qua tầng bề mặt, và sau đó loại bỏ chấp trước đó đi. Đồng tu kia rất lo lắng về căn bệnh của mình. Cô ấy luôn hướng nội và hy vọng rằng chúng tôi sẽ chỉ ra những thiếu sót của cô ấy để cô ấy có thể nhanh chóng chính lại và đề cao bản thân.

Tôi đã không nhận ra điều đó, nhưng tôi đã chỉ ra những vấn đề của cô ấy mà không hề quan tâm đến cảm xúc của cô ấy và nói với một thái độ không tốt. Tôi cũng cảm thấy cô ấy phải chịu trách nhiệm về một số vấn đề trong khu vực của chúng tôi. Mặc dù cô ấy không phản đối những gì tôi nói, nhưng tôi biết rằng trạng thái tu luyện của tôi đã đi xuống. Đối mặt với nghiệp bệnh đã khó rồi. Mặc dù tôi đã cố gắng giúp cô ấy tìm ra những thiếu sót và chia sẻ với cô ấy trên bề mặt, nhưng giọng điệu và thái độ của tôi đã gây thêm áp lực cho cô ấy. Điều gì đã khiến tôi phàn nàn về cô ấy, thậm chí đến mức phát điên lên? Tại sao tôi không thể hiểu cảm xúc và khó khăn của cô ấy? Tại sao tôi lại thiếu từ bi đối với các học viên? Tôi tự nhủ rằng mình phải hướng nội. Chẳng phải trạng thái của cô ấy phản ánh các vấn đề của tôi sao?

Khi tôi nghĩ về điều này, tôi cảm thấy vô cùng hối hận. Tôi cảm thấy mình đã làm cô ấy thất vọng. Trong một thời gian rất dài, tôi đã không hướng nội một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, bây giờ tôi bắt đầu nhìn nhận lại bản thân và hướng nội thật sâu. Sư phụ đã đề cập trong cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, rằng khi con người đố kỵ thì họ coi thường người khác. Chẳng phải tôi đã như thế sao? Tuy nhiên, tôi không chắc mình đã đố kỵ với cô ấy về điều gì. Bản thân tôi không muốn trở thành điều phối viên, vậy sự ghen tị đó đến từ đâu? Khi tôi ghi nhớ những gì Sư phụ giảng về tâm tật đố trong cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi hiểu rằng tôi không tin cô ấy. Theo quan điểm của tôi, tôi cảm thấy rằng cô ấy không đạt được tiêu chuẩn của một điều phối viên. Bất cứ khi nào tôi nhận thấy những thiếu sót của cô ấy, tôi cảm thấy mất cân bằng và thậm chí phẫn nộ.

Tôi cũng cảm thấy rằng cô ấy không hiểu rõ về các nguyên lý của Pháp và có những chấp trước mạnh mẽ. Chẳng phải tôi đã cảm thấy rằng mình tốt hơn cô ấy sao? Bất cứ khi nào thấy vấn đề của cô ấy, tôi đều trực tiếp chỉ ra. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với cô ấy. Nhưng khi xem xét lại bản thân, tôi tự hỏi liệu tôi có thực sự làm điều đó vì lợi ích của cô ấy hay không. Khi tôi thấy cô ấy không tiến bộ, lẽ ra tôi phải thông cảm cho cô ấy. Vậy tại sao tôi lại cảm thấy phẫn nộ và khó chịu? Tôi chợt nhận ra rằng tôi có một sự ích kỷ ẩn sâu bên trong.

Con xin cảm tạ Sư phụ đã khai thị cho con! Tôi hiểu rằng động cơ giúp đỡ cô ấy của tôi là vị kỷ. Tôi đã dùng những gì tôi cảm thấy một điều phối viên nên như thế nào để đánh giá cô ấy. Tôi đã thiếu lòng trắc ẩn đối với một học viên đang đối mặt với nghiệp bệnh. Tôi không thể nghĩ theo quan điểm của cô ấy, thay vào đó, tôi đã đánh giá cô ấy. Tôi đột nhiên hiểu ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tôi có mâu thuẫn gay gắt với người nhà của một đồng tu. Tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm với anh ấy. Khi nhìn thấy khuyết điểm của anh ấy, tôi đã thẳng thắn chỉ ra và mong anh ấy sửa đổi. Khi anh ấy không chấp nhận những gì tôi nói, tôi cảm thấy phẫn nộ và bực bội. Mối quan hệ của chúng tôi trở nên căng thẳng. Tôi cảm thấy mình đã rất có lỗi.

Hai ngày trước, tôi đọc một bài viết trên trang web Minh Huệ, trong đó người học viên nói: “Mọi sinh mệnh đều do Sáng Thế chủ tạo ra. Mỗi sinh mệnh đều dùng cách thức của bản thân để triển hiện sự vĩ đại của một sinh mệnh. Không ai có thể làm thay người khác, và không ai được bảo người khác phải làm gì.” Khả năng nhận thức về Pháp của mỗi người là khác nhau, trạng thái tu luyện của mỗi người là khác nhau. Mỗi người đều đi trên con đường của riêng mình và dùng các cách thức khác nhau để trợ Sư Chính Pháp. Cơ hội phối hợp cùng nhau trong thời kỳ Chính Pháp là ở cơ duyên của chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên đối đãi với các học viên một cách khiêm tốn và tôn trọng. Khi chúng ta nhìn thấy những thiếu sót của người khác, chúng ta nên dùng thiện tâm nhắc nhở lẫn nhau, cùng nhau đề cao và phối hợp hiệu quả để bước đi tốt trên con đường trợ Sư Chính Pháp thiêng liêng này.

Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi một lần nữa: Cảm tạ Ngài đã thu nhận con làm đệ tử của Ngài! Cảm tạ Ngài đã từ bi bảo vệ con, và dẫn con bước đi trên con đường trở về nhà!

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/4/19/444483.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/23/210008.html

Đăng ngày 18-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share