[MINH HUỆ 20-07-2023] Bài viết này gồm ba lá thư của các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Châu Âu. Những vụ việc được miêu tả trong thư phản ánh một số hiện tượng phức tạp do tâm chấp trước của học viên vào làm các việc Đại Pháp tạo thành. Các tác giả không chỉ đích danh ai mà chỉ đề nghị mọi người tạo ra ảnh hưởng tích cực đến môi trường tu luyện bằng cách đề cao tâm tính và dĩ Pháp vi Sư.
Lá thư thứ nhất: Thực tu và môi trường tu luyện
Gần đây Ban Biên tập Minh Huệ có đăng ba bài viết: “Phụ trách“, “Tâng bốc và tự tâm sinh ma” và “Kinh văn mới có thể phát trong người thường không?”
Một số học viên đã chia sẻ thể ngộ sau khi đọc các bài viết này, bao gồm “Một học viên bên ngoài Trung Quốc bày tỏ quan ngại – Thư gửi Ban biên tập Minh Huệ“. Tôi nghĩ tất cả bài viết này đều phản ánh một số vấn đề mà chúng ta gặp phải. Điều này khiến tôi tự hỏi tại sao một số học viên lâu năm vẫn không có ảnh hưởng tích cực đến môi trường tu luyện, đặc biệt là những người ở hải ngoại.
Tôi muốn nói về một việc đã xảy ra trong địa phương chúng tôi. Ally (hoá danh), một học viên phương Tây là người phụ trách Phật Học hội địa phương, hỏi tôi có muốn làm thành viên của Phật Học hội không. Tôi nói tôi không muốn làm. Có một học viên khác muốn giúp nhưng Ally không coi trọng người đó.
Trong vài năm qua, Ally đã hoán đổi ba hoặc bốn học viên người Trung Quốc trong Phật Học hội. Chỉ riêng năm ngoái, cô ấy đã hoán đổi toàn bộ các thành viên của Phật Học hội ba lần. Trong những năm qua, nếu có người hỏi cô ấy thành viên của Phật Học hội là ai, cô ấy sẽ không trả lời. Gần đây cô ấy đã làm vậy vì có tình huống khẩn cấp. Nếu tôi đồng ý trở thành thành viên của Phật Học hội, tôi biết cuối cùng cô ấy có thể hoán đổi tôi.
Môi trường học Pháp và chia sẻ tích cực không còn tồn tại
Bài viết “Phụ trách” của Ban Biên tập Minh Huệ đã nói “gặp mâu thuẫn thì hướng ngoại đẩy ra, hướng ngoại cầu, không xét vấn đề từ góc độ tu luyện. Rồi rất nhiều học viên mới đắc Pháp từ sau năm 2000 thì không còn biết điểm học Pháp và luyện công tập thể nên có không khí và sự thuần tịnh như thế nào nữa.”
Trong thời gian chia sẻ kinh nghiệm tu luyện sau khi học Pháp tập thể, Ally luôn được bốn hoặc năm học viên người Trung Quốc vây quanh khen ngợi và cô ấy không thèm quan tâm đến các học viên khác. Cho dù thảo luận về vấn đề gì thì chẳng mấy chốc một trong những kẻ xu nịnh sẽ nhắc đến Ally. Đôi khi cô ấy được nhắc đến hơn chục lần trong một buổi tối. Những buổi thảo luận sẽ xoay quanh việc cô ấy tu luyện và việc cô ấy đã xử lý các vấn đề liên quan đến Đại Pháp như thế nào. Có những lần mà cả buổi tối chỉ toàn liên quan đến Ally vì cô ấy không hiểu tiếng Trung và các học viên sẽ dành nhiều thời gian để phiên dịch cho cô ấy. Dần dần cô ấy quen với việc được các học viên Trung Quốc khen ngợi bằng cách đó. Việc này đã kéo dài hơn 10 năm rồi.
Rất nhiều học viên không tự tìm hạng mục Đại Pháp để tham gia mà đợi cô ấy sắp xếp và phân công công việc để làm.
Những học viên thích tâng bốc Ally thường cần sự giúp đỡ của cô ấy. Ví dụ, họ cần giúp để tham gia một hạng mục hoặc hoạt động Đại Pháp nào đó, hoặc người nhà của họ cần cô ấy cấp một số giấy chứng nhận cho hồ sơ nhập cư. Họ thường làm hài lòng Ally vì đã được cô ấy giúp đỡ.
Sau một thời gian, một số học viên lâu năm rời khỏi nhóm vì họ không thấy thoải mái trong một môi trường tu luyện đầy những người xu nịnh. Những học viên mới đến tiếp tục lặp lại văn hóa xu nịnh một cách hữu ý hay vô ý. Có một lần, khi một học viên lâu năm đến buổi học Pháp nhóm, Ally lập tức biểu hiện căng thẳng và khó chịu. Một kẻ xu nịnh nhìn thấy sự khó chịu của cô ấy liền công khai buộc tội học viên lâu năm đã gây ra rắc rối cho buổi học Pháp.
Không thành thật
Khi chúng ta tổ chức hoạt động Đại Pháp, mục đích là để cứu người chứ không chỉ để chụp hình và viết bài để được đăng lên Minh Huệ Net.
Để tổ chức một hội thảo phơi bày tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, Phật Học hội địa phương đã thuê một rạp hát có sức chứa hàng trăm người. Họ mời một luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada đến phát biểu tại sự kiện. Nhưng vì sự kiện không được quảng bá tốt nên chỉ có 10 người đến tham gia. Đa số các học viên địa phương đều không đi. Khi vị luật sư hỏi tại sao chỉ có ít khán giả như vậy, học viên phụ trách sự kiện trả lời vì đa số mọi người đều đi nghỉ mát cả rồi.
Hầu như chắc chắn chúng ta sẽ gặp đủ loại khó khăn khi tổ chức sự kiện Đại Pháp, nhưng chúng ta nên vượt qua khó khăn để sự kiện đó thực sự có hiệu quả cứu nhiều chúng sinh hơn nữa. Nếu không thì chỉ như giải trí và không có ý nghĩa.
Lá thư thứ hai: Phản ánh việc các học viên xuất hiện nghiệp bệnh và qua đời
Gần đây, chúng ta liên tục nghe nói các học viên xuất hiện nghiệp bệnh, một số đã qua đời. Tôi muốn nói đó không phải là những trường hợp cá biệt và chúng ta nên gióng lên hồi chuông báo động. Chúng ta cần thảo luận vấn đề này dựa trên Pháp.
Giải thể can nhiễu của Cựu thế lực và bảo vệ nhục thân
Một học viên ở địa phương chúng tôi được đưa đến bệnh viện và nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Chúng tôi thảo luận và quyết định phát chính niệm để giúp anh ấy. Một học viên đã gặp riêng tôi hỏi nhỏ: “Tại sao chúng ta phải phát chính niệm (cho tình huống này)? Tôi nên phát ra niệm gì khi phát chính niệm cho anh ấy”.
Tôi nói: “Nghiệp bệnh không phải là Sư phụ an bài, chúng ta phải phủ nhận nó“.
Cô ấy lại hỏi: “Làm sao chị biết Sư phụ không an bài việc này?”
Tôi bảo cô ấy: “cựu thế lực nhắm vào tu luyện cá nhân và lấy cớ loại bỏ chấp trước của học viên mà gây ra can nhiễu, bức hại. Thực ra, chúng đang can nhiễu đến việc Chính Pháp của Sư phụ và điều này không được phép. Chúng ta hãy mau phát chính niệm nào”.
Thông qua vụ việc này, tôi nhận ra đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nói về vấn đề học viên xuất hiện nghiệp bệnh và qua đời. Chúng ta cần phải biết cách bình tĩnh đối diện và xử lý những tình huống như vậy dựa trên Pháp.
Chỉ bằng cách hướng nội chúng ta mới có thể vượt qua khảo nghiệm
Sư phụ đã nhiều lần giảng về vấn đề nghiệp bệnh. Khảo nghiệm chúng ta gặp phải trong tu luyện là cơ hội để chúng ta đề cao tâm tính, là cách duy nhất để chúng ta vượt quan.
Chúng ta không nên phủ nhận rằng mình có chấp trước nhất định. Có thể là do chúng ta chưa phát hiện ra hoặc có nhưng lại không muốn đối diện nó. Tôi tin rằng nếu thẳng thắn đối diện với các chấp trước của mình, chúng ta sẽ thấy không khó để loại bỏ chúng. Rốt cuộc, tâm chấp trước không phải là chúng ta. Chúng khiến chúng ta tin rằng chúng là chúng ta vì chúng không muốn bị giải thể.
Chỉ những ai đã tu luyện viên mãn hoặc chưa từng tu luyện thì mới không tìm thấy chấp trước. Một người tu luyện nên liên tục tìm kiếm chấp trước, loại bỏ và đề cao. Sư phụ tạo cơ hội cho chúng ta phát hiện ra chấp trước của mình và đề cao bản thân, nhưng một số người đã nhượng bộ chấp trước, hết lần này đến lần khác từ bỏ cơ hội. Khi một học viên bị bao bọc bởi chấp trước, quan niệm, hoặc những thứ bất hảo trong trường không gian người đó và ở tại một tầng thứ quá lâu, học viên đó có thể bị nghiệp bệnh kéo dài.
Sư phụ giảng:
“Hễ tâm tính chư vị đề cao, thì thân thể chư vị sẽ phát sinh biến đổi to lớn; hễ tâm tính chư vị đề cao lên; thì vật chất của thân thể chư vị bảo đảm sẽ biến đổi.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Lá thư thứ ba: Một vài suy ngẫm về những thông báo gần đây của Minh Huệ
Sau khi đọc xong ba bài viết của Ban Biên tập Minh Huệ, tôi chấn động và không khỏi suy ngẫm. Thể ngộ của tôi là khi chúng ta học Pháp, không chỉ là vấn đề đọc Pháp hay không mà phải thực sự đồng hoá với Pháp, hướng nội, và hình thành môi trường mà chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau trong quá trình tu luyện.
Là học viên Đại Pháp, chúng ta phải học Pháp, hoặc chí ít là học trên hình thức. Một số học viên, mỗi ngày dành rất nhiều thời gian để học hoặc ghi nhớ Pháp. Tuy nhiên, học Pháp không phải ở số lượng nhiều hay ít, mà chúng ta có buông bỏ được nhân tâm và quan niệm sau khi học Pháp hay không. Chỉ khi đó chúng ta mới đồng hoá với Pháp.
Chúng ta có thực sự trong tâm luôn có Pháp và để Pháp chỉ đạo việc tu luyện hay không? Đặc biệt là các học viên lâu năm, có thể cởi mở chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, chân chính hướng nội và giúp những học viên khác đề cao dựa trên Pháp vì vậy mà chỉnh thể tu luyện được đề cao không? Chúng ta có hiểu tu luyện là gì không mặc dù mỗi ngày đều học Pháp, luyện công, phát chính niệm trên hình thức? Tại sao chúng ta phải phát chính niệm? Khi chúng ta giúp đỡ người khác, chúng ta có 100% vô tư vô ngã không, hay chúng ta vẫn còn dẫu một chút cái tâm tự tư tự lợi? Chỉ có chính chúng ta mới hiểu rõ. Chúng ta cần loại bỏ hết thảy chấp trước trong quá trình tu luyện.
Sư phụ giảng:
“Dẫu tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại có thay đổi thế nào đi nữa, đặc tính của vũ trụ không hề thay đổi; Nó chính là tiêu chuẩn duy nhất để xác định người tốt xấu.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Hãy cùng nhau tạo ra một môi trường tu luyện trong đó cho phép các học viên đối chiếu lẫn nhau và tinh tấn đề cao trong quá trình tu luyện, tuyệt không phải cấp thị trường cho những thói xấu như “Tâng bốc người khác và hiển thị bản thân“.
Ghi chú của Ban Biên tập: Bài viết này thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, xin chia sẻ cùng quý đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu” (Hồng Ngâm).
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/20/463177.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/27/210511.html
Đăng ngày 08-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.