Từ Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm qua Internet lần thứ 8 dành cho học viên tại Trung Quốc

Bài viết của một đệ tử ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-11-2011]

Con kính chào Sư phụ!

Xin chào toàn thể các đồng tu!

Để cứu độ chúng sinh được tốt hơn, các học viên trong vùng chúng tôi đã vạch trần tà ác trên diện rộng trong hai năm qua. Mặc dù có những khó khăn nhất định, chúng tôi đã bước đi trên con đường của mình và nhận thức một cách sâu sắc sự quan trọng của việc học Pháp cho tốt và tu luyện cá nhân thật tốt. Dưới đây chúng tôi xin báo cáo quá trình tu luyện với Sư phụ và chia sẻ với các đồng tu.

I. Chia sẻ ý tưởng

Một số học viên nghĩ rằng chúng tôi còn phải cố gắng nhiều trong việc vạch trần chân tướng của những vụ bức hại tại địa phương. Ví dụ, chúng tôi thường vạch trần một vụ bức hại một cách thụ động chỉ sau khi nó đã xảy ra, và chỉ phát tài liệu giảng chân tướng cho những người địa phương. Điều này có hiệu quả trong việc trấn áp tà ác và cứu độ chúng sinh, nhưng trong tiến trình Chính Pháp, chúng tôi nên đột phá vượt qua những hạn chế thụ động đó và làm tốt hơn và cứu nhiều chúng sinh hơn.

Chúng tôi đã đọc bài “Vạch trần tà ác cho dân chúng ngay nơi tà ác sinh sống – Bình chú của Sư phụ”:

“Vạch trần cảnh sát tà ác và kẻ xấu, công bố ở xã hội những hành vi ác của họ, cách làm đó là có tác dụng làm những kẻ ác không còn lý tính kia phải kinh hãi vô cùng, đồng thời giảng chân tướng tại địa phương [của tà ác] cũng khiến cho dân chúng thấy rõ và nhận thức một cách trực tiếp được bức hại của tà ác, đồng thời cũng là biện pháp rất tốt để cứu độ dân chúng bị vu khống đầu độc và lừa dối. Hy vọng toàn thể đệ tử Đại Pháp cũng như học viên mới ở Trung Quốc đều làm thật tốt việc này.”

Mặc dù việc vạch trần những vụ bức hại đã được chúng tôi thực hiện trong những năm qua, chúng tôi đã không làm ngày càng tốt hơn, đặc biệt là một số chân tướng về bức hại đã không được vạch trần rộng rãi. Nhiều hành động bức hại được giật dây bởi Phòng 610 trong vùng và đội an ninh nội địa trong vùng. Chúng tôi đã thu thập tài liệu trong 10 năm gần đây liên quan đến Phòng 610, sản xuất những cuốn sách nhỏ vạch trần những tội ác của Phòng 610 địa phương, sau đó lại ra thêm 5 cuốn sách nhỏ như vậy, và phát cho người dân địa phương. Chúng tôi cũng làm nhiều tờ rơi để vạch trần tội ác của đội an ninh nội địa. Hiệu quả đạt được khá rõ ràng. Một số quan chức ĐCSTQ đã tìm những cuốn sách nhỏ đó để xem tên mình có trong danh sách không. Mặc dù những cuốn sách nhỏ này chưa hoàn chỉnh và không được hệ thống, chúng đã đặt ra nền tảng cho việc vạch trần tà ác trên diện rộng sau này.

Trong khi chúng tôi liên tục thực hiện nhiệm vụ của mình, một số hành động bức hại trên diện rộng đã khiến chúng tôi bị sốc. Hơn 300 học viên đã bị bắt trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic. Trong số đó, hơn 60 người đã bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức. Một ngày tháng 9 năm 2009, hơn 30 học viên trong địa phận của một huyện đã bị bắt. Nhà của họ bị lục soát, và đa số những người này bị đưa đến trại lao động cưỡng bức.

Chúng tôi đã hướng nội và tìm ra nhiều yếu tố: một trong số đó là chúng tôi đã thiếu sót trong việc vạch trần các hành động bức hại trong địa phương, mà đã diễn ra dưới hai hình thức. Một là những vụ bắt bớ hàng ngày với phạm vi nhỏ, và hai là những vụ bắt bớ trên diện rộng có lệnh chỉ thị từ cấp trên, chẳng hạn như đảng ủy cấp tỉnh và hệ thống Phòng 610. Trong nhiều năm vạch trần bức hại của tà ác, chúng tôi đã không gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến những tên đầu sỏ tà ác đó, mặc dù chúng tôi đã phơi bày được đội an ninh nội địa và công an địa phương đã bắt các học viên như thế nào.

Sư phụ đã giảng trong phần đầu của cuốn Chuyển Pháp Luân,

“Trong toàn bộ quá trình truyền Pháp, truyền công tôi có bổn ý là có trách nhiệm với xã hội, có trách nhiệm với học viên; hiệu quả thu được thật tốt, ảnh hưởng đến toàn xã hội cũng rất tốt.”

Quan điểm khi chúng tôi vạch trần ĐCSTQ là vì muốn để cho người dân thế giới biết bản chất của chúng, để họ tránh xa chúng ra. Vì thế chúng tôi cần vạch trần cuộc bức hại có hệ thống đối với Pháp Luân Công trong cả khu vực của chúng tôi. Nói cách khác, ai là người lên kế hoạch cho các hành động bức hại? Ai ở cấp nào đã thực hiện kế hoạch đó? Vì chúng tôi đã thất bại trong việc chỉ ra những tên đầu sỏ đã lên kế hoạch cho các hành động bức hại, những quan chức chủ chốt đó đã có thể lần này qua lần khác khởi xướng các hành động bức hại trên diện rộng. Các điều phối viên khu vực đều đồng ý với phân tích của chúng tôi. Chúng tôi sẽ giải quyết như thế nào?

Chúng tôi có thể biên tập lại những báo cáo có sẵn trên trang web Minh Huệ Net, nhưng nhiều vụ đã xảy ra nhiều năm trước, thậm chí 10 năm trước. Tình huống có thể đã thay đổi. Một số báo cáo có sẵn cũng không có theo dõi bổ sung. Những vụ này cần phải được xác minh. Chúng tôi phải đưa ra thông tin thật, bao gồm cả về tình trạng tu luyện của học viên/nạn nhân, và kẻ thực hiện công việc tà ác có thay đổi không sau khi biết được chân tướng. Tất cả những chi tiết này cần có điều phối viên địa phương xác minh. Tính chân thực sẽ bảo đảm những thông tin của chúng ta có tính thuyết phục, trấn áp được tà ác và cứu chúng sinh một cách hiệu quả.

Việc vạch trần tà ác trên phạm vi cả một vùng cần có sự tham gia của các học viên trong cả vùng đó. Chúng tôi đã chuẩn bị một bản khảo sát chi tiết cuộc bức hại trong 10 năm qua. Mặc dù các điều phối viên đều đồng ý, nhưng tôi, trong vai trò điều phối viên dự án, lại cảm thấy áp lực to lớn. Tất cả học viên đều phải thu thập dữ liệu, xác minh sự việc, và thu thập hình ảnh tư liệu. Các điều phối viên phải tham gia, và những người biên tập sẽ phải gánh một khối lượng công việc rất lớn. Một hạng mục lớn như vậy có thể hoàn thành không? Tôi lo lắng sẽ lãng phí thời gian quý báu của các học viên.

Thông qua việc học Pháp và hướng nội, cuối cùng tôi đã minh bạch về Pháp. Dữ liệu thống kê đã củng cố giá trị của tài liệu giảng chân tướng của chúng tôi. Sư phụ rõ ràng đã yêu cầu mỗi chúng ta phải tham gia vào việc giảng chân tướng. Chúng tôi đã không để những chấp trước người thường gây ảnh hưởng đến hạng mục quan trọng này. Tôi đã nghĩ nhiều về việc này, và xả bỏ chấp trước vào tâm sợ trách nhiệm, tâm ích kỷ, v.v.

Cuối cùng tôi cũng không còn lo lắng nữa. Các điều phối viên đã chia sẻ kinh nghiệm và nhận thức của họ trong việc vạch trần bức hại và đưa ra nhiều đề xuất. Chúng tôi phân công các nhiệm vụ để thực hiện bản khảo sát. Quá trình thực hiện đã chứng tỏ uy lực của chỉnh thể của chúng tôi. Chúng tôi nhanh chóng thu thập xong dữ liệu và thậm chí tìm được một số hình ảnh. Một số người không đồng ý với ý tưởng của tôi. Tôi đã coi đó như một cơ hội tốt để tu luyện và đã nghiêm túc hướng nội.

Một lần có hai đồng tu ở huyện khác muốn tôi đến đó giao lưu. Vừa đến đó, tôi nhìn thấy vài đồng tu đang đợi tôi. Họ nói họ nghĩ rằng việc phát Cửu bình và những cuốn sách nhỏ khác cũng có thể cứu người, vậy tại sao chúng tôi lại mất nhiều công sức như vậy để làm ra báo cáo đó? Tôi lúc đầu cũng muốn giải thích, nhưng đã tự trấn áp tư tưởng đó lại. Tôi nghĩ hiếm khi được nghe ý kiến của họ. Tôi phải hướng nội và không được chú trọng vào việc ai sai hay đúng. Tâm trí tôi trở nên bình hòa hơn. Tôi tiếc rằng mình đã không nghe họ ngay từ đầu, và tôi đã tìm ra được thiếu sót của mình: Tôi đã không coi mình là một người tu luyện, tôi đã không cố gắng nghe xem người khác nói gì. Đó là một bài học đau đớn. Sau khi họ nói xong, tôi bình tĩnh hỏi xem họ còn điều gì muốn chỉ ra cho tôi thấy không. Họ cũng bình tĩnh lại và ngừng phàn nàn. Tôi đã không biện hộ cho bản thân, mà giải thích việc cả vùng của tôi đã tham gia vào hạng mục này như thế nào, và nói về nhận thức của tôi. Tất cả bọn họ, trừ một người, đã thay đổi ý kiến và đồng ý tham gia vào công việc này.

Sau khi về nhà, tâm của tôi vẫn nặng trĩu. Những gì mà các đồng tu đó nói như những nhát búa bổ mạnh lên đầu tôi. Có thể Sư phụ đang dùng lời lẽ của họ để thức tỉnh tôi. Không phải hạng mục đó sai, mà tâm thái của tôi đã không được đúng. Tôi đã không thể lắng nghe ý kiến của người khác một cách chân thành. Sâu thẳm trong tâm trí tôi đã nghĩ là tôi luôn đúng, và bất kể ai không đồng ý với tôi đều là sai. Nếu trước đây tôi đã hỏi ý kiến của các đồng tu giống như hôm nay, họ cũng đã có thể giúp tôi chỉ ra thiếu sót của mình sớm hơn. Nhờ thế mà hạng mục cũng đã có thể thay đổi sớm hơn và được củng cố cho tốt hơn. Cuối cùng tôi cũng đã tìm ra những thứ vi lạp đã ngăn cản tôi không thể đề cao tinh tấn, và tôi rất quyết tâm tu bỏ những thứ xấu xa.

II. Phối hợp toàn tâm cho công tác biên tập

Đối với những người làm biên tập, ngoài các công việc hàng ngày ra, họ phải gánh thêm một lượng công việc rất lớn. Địa khu của chúng tôi có rất nhiều thành phố và quận huyện, trong đó hàng nghìn sự việc đã xảy ra trong 10 năm qua. Nhưng chúng tôi có mục đích rõ ràng: để cứu độ chúng sinh thì phải tốn bao nhiêu công sức cũng xứng đáng. Xem qua tư liệu, chúng tôi đều không thể tin được sự tàn bạo của cuộc bức hại: rất nhiều học viên đã bị tra tấn dã man, gây ra những thương tật, và tử vong. Rất nhiều gia đình bị tan vỡ, rất nhiều người già đã mất mạng, rất nhiều trẻ nhỏ bị bỏ rơi. Tay sai của ĐCSTQ quả thật quá xấu xa.

Những đệ tử chúng tôi đã trực tiếp trải qua cuộc bức hại, chúng tôi biết chân tướng cuộc bức hại xung quanh mình và sẵn sàng vạch trần chúng. Nhưng có một số vụ việc trong địa khu mà chúng tôi chưa bao giờ biết. Chúng tôi mới chỉ vạch trần những bức hại xảy ra trong phạm vi nhỏ. Làm sao người khác có thể biết được về chúng nếu ngay cả chúng tôi cũng không biết. Nước mắt chúng tôi chảy dài. Chúng tôi phải vạch trần những vụ việc này cho cả địa khu biết. Chúng tôi thường làm việc suốt đêm, nhưng vẫn kiên trì học Pháp, và chú trọng vào việc phát chính niệm. Chúng tôi cố gắng làm báo cáo sao cho tất cả mọi người đều dễ đọc.

Chúng tôi đã tổ chức nội dung tài liệu theo bốn hệ thống trách nhiệm liên đới, đó là hệ thống đảng, hệ thống Phòng 610, hệ thống công an/kiểm sát/tòa án, và những nơi thi hành án như nhà tù, trại lao động, và trại giam. Ví dụ, trong phần đầu tiên, hệ thống ĐCSTQ, chúng tôi đã xác định những thành phố, thành phố cấp huyện, huyện, quận, làng, xã, thôn và mỗi cấp viên chức đã tham gia vào cuộc bức hại. Mỗi vụ việc đều nêu rõ thời gian, địa điểm, tên của học viên/nạn nhân, tên người bức hại, các phòng ban có liên quan, vị trí của những người liên quan, và những sự việc khác. Chúng tôi có thể kiện những người phạm tội đó dựa trên thông tin của những vụ việc này.

Sư phụ đã giảng trong “Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011”,

“Như mọi người đã biết có rất nhiều đệ tử Đại Pháp đã lập ra một số hạng mục [các việc] phản bức hại, hạng mục giảng chân tướng, hạng mục cứu người, chủ yếu nhất là mọi người cần phối hợp tốt, phối hợp với nhau tốt thì mới có thể khiến công việc làm được tốt.”

Cả địa khu đều ủng hộ chúng tôi, và phối hợp tốt. Chúng tôi thường hướng nội, và củng cố chính niệm. Chúng tôi thảo luận mọi việc với tâm bình hòa. Mỗi khi có ý kiến trái ngược, chúng tôi luôn tìm ra khuyết điểm của bản thân, đặt sự ích kỷ sang một bên và đạt đến sự đồng thuận. Các đồng tu liên tục tu bỏ những nhân tố tà ác trong quá trình này. Ví dụ, chúng tôi biết những viên chức cũng chỉ là nạn nhân, và Sư phụ cũng muốn cứu độ họ. Nhưng khi đọc về những tội ác của họ, chúng tôi không thể không cảm thấy oán hận, từ đó thể hiện ra lời nói không được từ bi. Chúng tôi nhận ra vấn đề này và xóa những từ đó đi. Chúng tôi liên tục tu bỏ những thứ không thuần khiết trong khi nhiều lần chỉnh sửa tin bài.

Chúng tôi nhận ra rằng bất kể chúng tôi đang tu đến tầng thứ nào, Pháp sẽ cho chúng tôi trí huệ ở tầng đó. Có những từ đến trong đầu chúng tôi một cách tự nhiên, và chỉ cần 1 lần mở cuốn từ điển dày cộp ra, từ ngữ chúng tôi cần tìm nằm ở ngay trang đó. Sư phụ đã dọn sẵn con đường cho chúng ta đi.

Sau khi bản nháp thứ nhất hoàn thiện, chúng tôi đến mỗi thành phố và huyện để xác minh sự việc. Chúng tôi đã thay đổi một câu “một viên chức đứng đầu Phòng 610 cấp huyện đã nhận hơn 1 triệu nhân dân tệ,” thành “Phòng 610 đã tống tiền hơn 1 triệu nhân dân tệ,” vì chúng tôi biết ông ta sẽ không dám bỏ túi cả số tiền này. Trong quá trình xác minh, chúng tôi cũng tìm ra nhiều vụ việc điển hình.

Sau khi việc xác minh hoàn tất, chúng tôi đã thực hiện biên tập lại các tài liệu nhiều lần. Quá trình này đã khảo nghiệm tâm tính của tôi. Tôi là người nhanh nhẹn nên khi thấy người khác xem từng trang từng trang một thì tôi thấy mất kiên nhẫn. Các đồng tu nói với tôi rằng chúng tôi phải làm thật tốt, không thể để tà ác lợi dụng. Tôi nhận ra tâm nóng vội không phải là một phần trong bản ngã của mình. Dường như tôi đã biến thành người khác, và tiếp tục ngồi xuống bình tĩnh làm công việc biên tập.

Phần 1 và phần 2 nhanh chóng được đăng trên trang web Minh Huệ Net. Các đồng tu địa phương nhanh chóng in những cuốn sách nhỏ, và mang đi phân phát trong 6 tháng qua. Mặc dù những cuốn sách đó khá dày, nhưng mọi người vẫn thích đọc về những vụ việc xảy ra trong địa khu. Nó đã khiến cho các viên chức bị sốc. Một lãnh đạo Phòng 610 đã hai lần ra lệnh bắt bớ trên diện rộng và thiết lập nhiều điểm tẩy não. Sau khi đọc những cuốn sách nhỏ của chúng tôi, gia đình của ông ấy thấy sợ hãi, và ông ấy cũng nói rằng ông ấy không nên làm phạm tội đối với Pháp Luân Công. Đội trưởng đội an ninh nội địa cũng nói với các học viên, “Những việc này không phải tất cả do tôi làm; tôi chỉ theo nhiệm vụ thôi.” Các đồng tu liền hỏi lại ông ấy, rằng ông ấy có làm những việc đó không. Ông ấy chỉ im lặng. Một đội trưởng đội an ninh nội địa ở huyện khác nói với một học viên, ‘tôi không có đến nhà của người học viên đó đâu, hãy sửa lại thông tin trong sách đi.

Các đồng tu thấy những cuốn sách nhỏ đó rất có hiệu lực, và chúng tôi chưa bao giờ có những tài liệu thuyết phục như vậy. Nó không chỉ dừng lại ở một vụ việc, mà bao phủ toàn bộ địa khu, từ trên xuống dưới. Mọi người đều có thể thấy rõ ràng cuộc bức hại trong địa khu chúng tôi.

III. Kiên định làm ba việc bằng cách hướng nội

Chúng tôi thấy rất được khích lệ bởi phần 1 và 2, nhưng phần 3 đã bị chậm lại vài tháng. Chúng tôi nhận ra chấp trước vào tâm hoan hỷ. Phần 3 nói về công an/kiểm sát/tòa án, và có thêm nhiều nội dung. Chúng tôi nghĩ tốt nhất là để các đồng tu soạn ra bản sơ thảo, chưa cần thảo luận với các học viên trong vùng. Một kế hoạch “dễ dàng” như vậy đã khiến chúng tôi bị chậm hơn 2 tháng. Con đường chúng ta đi rất hẹp, chúng ta không thể lười biếng trong bất kỳ hạng mục nào.

Đầu tiên chúng tôi đã hứa sẽ không làm ảnh hưởng đến công việc chứng thực Pháp trong địa phương. Các học viên trong vùng không có thời gian và khả năng để gánh khối lượng công việc khổng lồ như vậy. Sư phụ đã giảng,

“Dụng tâm không đúng, cách làm có vấn đề thì sẽ rất khó.” (“Giảng Pháp tại hội thảo luận Đài truyền hình Tân Đường Nhân [2009]”)

“Tuy nhiên đã là đệ tử Đại Pháp mà giảng, những việc chư vị cần làm, đặc biệt là ba việc này, là không được buông lơi, quyết không được lơi lỏng.” (“Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011”)

Chúng tôi đã coi đó như một bài giáo huấn nghiêm khắc, và nhanh chóng sắp xếp tài liệu. Chấp trước của tôi lại nổi lên. Tôi đã đề xuất kêu gọi các đồng tu trong thành phố phát chính niệm để trợ giúp cho nhóm của chúng tôi. Một học viên khác nghĩ rằng không cần thiết phải như vậy. Sau đó tôi nhấn mạnh thêm sự quan trọng của việc phát chính niệm, và anh ấy vẫn nói thêm rằng việc đó không cần thiết. Vì cả hai chúng tôi đều chấp trước vào quan niệm của bản thân, một trong số các máy tính của chúng tôi đã bị hỏng. Chúng tôi thậm chí đã không hướng nội khi một quyết định sai lầm khác được đưa ra – chỉ giao cho một học viên làm hạng mục, và để tôi có thời gian làm hạng mục khác. Chỉnh thể của chúng tôi đã bị phá vỡ. Trong khi đó, tà ác ở các không gian khác đã khiến cho người làm biên tập chính của chúng tôi gặp phải việc nghiêm trọng trong gia đình. Việc này đã khiến chúng tôi chậm trễ thêm một tháng nữa.

Giờ đây nhìn lại, không thể nghĩ được làm sao chúng tôi lại liên tiếp phạm phải những sai lầm như vậy. Chúng tôi nhận ra gần đây chúng tôi học Pháp ít hơn. Chúng tôi cũng đã không thể tĩnh tâm học Pháp. Tu luyện là nghiêm túc: nếu không có chính niệm đầy đủ, chúng tôi sẽ có thể bị can nhiễu.

Sau khi nhận ra thiếu sót, chúng tôi nhanh chóng học Pháp nhiều hơn. Nhiều nhóm đã phát chính niệm cho chúng tôi trong 1 tiếng mỗi tối. Chúng tôi đã tổ chức vài buổi họp. Chúng tôi có thể cảm thấy uy lực tạo nên bởi chỉnh thể. Nhóm nhỏ của chúng tôi lại trở lại với công việc. Chúng tôi đã nghiêm túc yêu cầu bản thân, và quyết tâm sẽ học Pháp cho dù là bận như thế nào. Giờ chúng tôi đều có tâm thái ổn định, và đã thành thục trong tu luyện. Bản sơ thảo của phần 3 đã được hoàn thành.

Mặc dù hạng mục của chúng tôi chưa hoàn thành, chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi để cho các vùng khác tham khảo. Bài chia sẻ này cũng là một quá trình tu luyện liên tục thanh lý bản thân. Con đường của chúng ta đi rất hẹp, nhưng các đệ tử chân chính sẽ cùng Sư phụ đi đến bước cuối cùng.

Trên đây là nhận thức ở tầng thứ hữu hạn của tôi. Xin hãy chỉ ra những gì còn thiếu sót.

Xin cảm tạ Sư phụ đã cho chúng con cơ hội để chia sẻ.

Cám ơn toàn thể các đồng tu đã phó xuất giúp cho Pháp hội lần này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/11/19/明慧法会–以地区为整体揭露迫害的体会-249452.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/11/27/129722.html
Đăng ngày 16-12-2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share