Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan

[MINH HUỆ 05-01-2023] Năm nay, “Thuyền Pháp” được trưng bày tại một hội chợ cộng đồng ở Đài Loan là một kiến trúc cao 3 tầng. Nó đã vượt xa hình thức ban đầu của những chiếc đèn lồng. Kích thước của chiếc thuyền cao ba tầng này gần tương đương với một tòa nhà. Với mục đích của một cuộc triển lãm, công việc này đã huy động nhiều nguồn lực và cước vận chuyển rất đắt đỏ.

Điều này thôi thúc tôi đặt ra câu hỏi làm thế nào để sử dụng hợp lý các tài nguyên của Đại Pháp. Trong nhiều năm, các điều phối viên địa phương đã yêu cầu các học viên đóng góp đáng kể để hỗ trợ các sự kiện liên quan đến Đại Pháp, dù họ có khả năng đóng góp hay không.

Vào năm 2003, có một lần tôi tình cờ nghe được một số học viên khá thân cận với các điều phối viên ở địa phương phàn nàn về một hạng mục nếu vận hành sẽ cần 600.000 Đài tệ (gần 20.000 USD). Có người nói rằng chỉ cần “chính niệm chính hành” sẽ có thể có được nguồn tiền. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn còn thiếu 150.000 Đài tệ. Nhiệm vụ của các điều phối viên là phải tìm cách bù vào chỗ thiếu này. Tôi không biết họ đã huy động tiền bằng cách nào, nhưng sự kiện đó đã được tổ chức thành công. Chắc chắn có người đã phải bù vào khoản thiếu hụt đó.

Lương của tôi lúc đó là 20.000 Đài tệ và 600.000 Đài tệ là một con số khổng lồ đối với tôi. Tôi phải tiết kiệm một thời gian mới được một khoản tiền 150.000 Đài tệ. Tôi đã sốc trước sự việc đó và cảm thấy chúng tôi phải có thu nhập ổn định để có thể thực hiện tất cả các hoạt động giảng chân tướng.

Tuy nhiên, một số điều phối viên không đồng ý với quan điểm của tôi. Họ nghĩ rằng tôi có chấp trước mạnh mẽ vào tiền bạc. Xét cho cùng, nhiều học viên có suy nghĩ rằng có thể không đi làm, cống hiến hết mình cho các hạng mục Đại Pháp mới được coi là tinh tấn.

Tôi cũng cảm thấy rằng các điều phối viên trước đây của chúng tôi và những người thân cận với họ đã không giao tiếp tốt với các học viên còn lại về mặt này. Họ đảm nhận rất nhiều trách nhiệm một cách lặng lẽ ở hậu trường. Nhiều học viên chưa bao giờ xem xét số tiền mà chúng tôi sử dụng cho các hạng mục đến từ đâu. Đó có phải là “chính niệm chính hành” không?

Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu. Nhiều học viên đã già đi và một số người khá giả đã qua đời. Các học viên ở độ tuổi ngoài 20 nay đã bước sang tuổi trung niên, thế nhưng hầu hết những người này không đủ mạnh về tài chính vì họ đã làm các hạng mục Đại Pháp toàn thời gian trong nhiều năm với mức lương tối thiểu.

Ví dụ, một học viên ở quận của chúng tôi đã dùng nhà của mình làm điểm học Pháp nhóm trong một thời gian dài. Sau đó, người học viên ấy qua đời, các thành viên khác không phải là học viên trong gia đình ông ấy đã lấy lại ngôi nhà. Các học viên đã phải thuê nhà để duy trì điểm học Pháp này. Có một căn nhà ở gần đó rất rẻ, nhưng không ai có đủ tiền để mua.

Sẽ thật lý tưởng nếu tái sử dụng chiếc thuyền Pháp ba tầng bằng gỗ (hiện nay buổi triển lãm đã kết thúc) để hỗ trợ nỗ lực chứng thực Pháp của chúng ta. Vì nó có kích thước bằng một tòa nhà (mặc dù có hình con tàu), nên nó có thể được sử dụng để hỗ trợ cho du lịch địa phương và quy hoạch của thành phố. Với nhiều người ghé thăm chiếc thuyền hơn, nó có thể khởi tác dụng hồng Pháp và cũng hữu ích đối với hoạt động kinh tế tại địa phương. Bằng cách này, doanh thu tạo ra có thể được sử dụng để duy trì việc đóng thuyền và trang trải cho các hoạt động liên quan khác.

Con thuyền ba tầng này có chuông và còi, có thể thu hút mọi người đến thăm, chỉ cần chúng ta làm tốt công việc quảng bá. Tại sao chúng ta không thử biến con thuyền này thành một nhà hàng hình con tàu, nơi có thể dán các áp phích liên quan đến Đại Pháp? Nếu việc vận hành một nhà hàng gặp khó khăn, có thể sử dụng nó như một quán trà.

Trong quản lý kinh doanh, việc tư duy để đưa ra những ý tưởng sáng tạo, sau đó tổ chức và thực hiện các giải pháp thực tế là rất quan trọng. Trong điều hành một doanh nghiệp, việc điều phối và quản lý cũng rất quan trọng.

Trên đây là một số suy nghĩ mà tôi muốn chia sẻ về cách tái sử dụng tốt hơn con thuyền vốn đã tốn rất nhiều tiền để tạo ra.

Lời của Ban biên tập: Bài viết này chỉ thể hiện sự hiểu biết của tác giả tại trạng thái tu luyện hiện tại của họ nhằm mục đích chia sẻ giữa các học viên để chúng ta “Tỉ học tỉ tu” (“Thực tu,” Hồng Ngâm)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/5/454523.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/26/207067.html

Đăng ngày 08-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share