Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 20-01-2023] Khiêm cung là một bản tính của sinh mệnh, còn ngạo mạn là tập tính biến dị của sinh mệnh được dưỡng thành từ hậu thiên, cũng là một trong những nguyên nhân khiến tầng thứ của sinh mệnh bị giáng hạ. Sự khiêm cung của con người, về căn bản là nói về sự khiêm cung đối với Thần. Bởi con người là do Thần tạo ra, sinh tồn dưới sự chỉ dạy và coi sóc của Thần, trong bản tính của sinh mệnh luôn lấy chỉ dẫn của Thần để chỉ đạo hành vi của mình, mặc dù khi bảo hộ sinh mệnh, Thần đa phần dùng hình thức Thần tích để xuất hiện, hơn nữa còn triển hiện trên thân một số người. Nếu như sâu thẳm trong sinh mệnh của một người mà tín Thần thì Thần sẽ ở bên cạnh người đó và bảo hộ họ. Thần cũng chưa bao giờ ngừng coi sóc con người. Nhưng cùng với việc chỉnh thể vũ trụ bị lệch rời khỏi Pháp, tâm con người dần dần bị ô nhiễm và biến dị. Nếu như con người sinh ra tâm kiêu ngạo, tự xem mình quá cao, cho rằng thành công có được là nhờ bản sự của mình, từ đó mà coi trời bằng vung, thậm chí còn cảm thấy chính mình quả thực tựa như Thần rồi, mất đi sự tôn kính đối với Thần, vốn là đấng thực sự có thể bảo hộ họ, thì đó là biểu hiện cụ thể cho thấy con người đang đi đến chỗ sa đọa, bại hoại.

Con người nếu muốn vĩnh viễn được Thần bảo hộ, thì phải đứng bên Thần, tín Phần, kính ngưỡng Thần, thời thời khắc khắc bảo trì tâm thái khiêm cung, không được ngạo mạn, không được tự cao tự đại. Tu luyện chiểu theo sự chỉ dạy của Thần là biện pháp trực tiếp nhất để nâng cao tầng thứ của sinh mệnh. Tu luyện chính là tu bỏ tất cả nhân tâm không tốt cùng chấp trước của con người, tuân theo yêu cầu của Sư phụ một cách vô điều kiện. Không ngừng đào bới ra những tâm chấp trước đã ăn sâu vào trong tư tưởng, xương cốt mà loại bỏ đi, còn sót lại cái tâm nào thì đều là hậu họa khôn lường.

Trong quá trình học Pháp, tôi minh bạch ra rằng các sinh mệnh cao tầng cũng có mê, sinh mệnh ở mỗi tầng đều có mê, đều không thể biết được những sự việc siêu việt khỏi tầng thứ của họ.

Sư phụ giảng:

“Không thể hiển thị chân tướng tầng thứ cao cho tầng thứ thấp, đây là Lý của vũ trụ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

Chẳng qua con người mê quá sâu, ngay tại tầng thứ của con người cũng không thể nhìn thấu tỏ sự việc của con người, bởi vậy càng không thể biết được sự việc ở không gian cao tầng siêu việt khỏi con người. Con người cho dù có tu luyện cao đến đâu thì cũng là một sinh mệnh trong vũ trụ, vĩnh viễn không được xem bản thân ở quá cao, bởi bên trên mình còn có vô số sinh mệnh cao tầng. Chỉ có hết sức thiết thực chiểu theo bổn phận mà làm tốt những gì bản thân cần làm là được rồi, hàng ngày đều cần suy xét xem bản thân làm thế nào để thực hiện chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp của Sư phụ, chính là xem làm thế nào để hoàn thành tốt ba việc mà Sư phụ đã giao phó. Đó chính là trách nhiệm và sứ mệnh của tôi và tất cả các đệ tử Đại Pháp.

Sau hơn 20 năm tu luyện, điều tôi yêu thích nhất là học Pháp, ngày nào tôi cũng học Pháp, đương nhiên việc luyện công cũng không thể lơ là. Chỉ cần Sư phụ bảo chúng ta làm thì tôi đều làm, và cố gắng làm thật tốt. Tôi cũng chiểu theo yêu cầu của Sư phụ làm tốt việc giảng chân tướng và phát chính niệm. Đối với những tâm chấp trước mà bản thân ý thức được, tôi đều loại bỏ chúng không chút do dự. Tôi cảm thấy không được để tâm chấp trước dẫn động mà cho phép tư tưởng và hành vi của mình không phù hợp với Pháp. Thấy phương diện nào đó của người khác không phù hợp với yêu cầu của Pháp, tôi liền dương dương tự đắc về bản thân, cho rằng bản thân tu được rất tốt, không có những vấn đề đó. Tu luyện không thể dựa vào cảm giác của bản thân mà phán đoán, tu được tốt hay không tốt chỉ có thể dùng Pháp mà đo lường, Sư phụ mới nhìn được rõ nhất. Điều này khiến tôi nhớ tới một vài sự việc trong quá trình tu luyện của bản thân cho thấy những nhân tâm của tôi như tâm tranh đấu, ngạo mạn, không coi ai ra gì, không khiêm tốn, v.v. Bộc lộ mạnh mẽ đến mức nào.

1. Trong trại lao động

Năm 2001, tôi bị giam giữ phi pháp trong một trại lao động cưỡng bức. Trước mặt bao nhiêu người, đội trưởng cảnh sát cai trại lao động nói với tôi: “Chị này sao mà bướng thế!” Khi đó, cô ấy luôn nói với các học viên Pháp Luân Công bằng giọng cay nghiệt, châm chọc, mỉa mai và chế giễu. Ngay từ đầu, tôi đã phản cảm với cô ấy, chỉ là tôi chưa trực tiếp tiếp xúc với cô ấy lần nào. Thế nhưng cô ấy lại nói tôi như thế, tôi nghe rất tức giận, liền đối đối chọi với cô ấy. Cô ấy thấy tôi không sợ mà còn dám chống đối nên liền nói với tôi bằng giọng châm chọc: “Trên người chị có gai à?”. Tôi lập tức bật lại: “Hình như có đó.” Cô ấy nói: “Thế thì để tôi chà đi cho chị”. Tôi lập tức nói lại: “Chỉ e chị chà không được thôi.” Cô ấy thấy tôi hung hăng như vậy, không giữ thể diện cho cô ta chút nào, liền tự tìm cho mình một đường lùi, nói: “Lau không được thì chị cứ để nó mọc dài ra, dù sao thì cũng không đâm vào tôi được.“ Thấy cô ấy không nói nữa, tôi cũng thuận theo đó mà không nói gì nữa.

Suy nghĩ của tôi lúc đó là: Cho dù sau này có bị cô ấy trả thù thì mình cũng cần nói những gì mình muốn nói, để cô ấy biết rằng người tu luyện Pháp Luân Công chúng ta là bị bắt và bỏ tù phi pháp, chứ không phải vì phạm phải tội gì đó, chúng ta tu Chân-Thiện-Nhẫn và làm người tốt. Nhưng chúng ta không nhu nhược yếu hèn, cũng không dễ bị bắt nạt. Trước mặt bao nhiêu cảnh sát, học viên bị giam giữ phi pháp ở trại lao động, cùng nhân viên quản giáo, tôi đối đáp với cô ấy không nể nang gì, vậy mà sau này cô ấy không đối xử với tôi như thế nữa, cũng không trả thù tôi. Khi đó, tôi cũng biết tâm tranh đấu của mình rất mạnh, không thể nhẫn khi bị sỉ nhục, cười nhạo, nhất là khi bị làm nhục, chế giễu trước mặt nhiều người, cái tâm đó bị đâm đến đau nhói, thực sự cảm thấy rất khó nhẫn chịu. Tâm thái của tôi khi đó là: “Cho dù có phải chịu thống khổ trên thân thể thì cũng phải giữ cho thể diện được tôn nghiêm.”

Bản thân tâm tranh đấu chính là biểu hiện của việc không thể nhẫn, và khi bị tâm tranh đấu dẫn động thì càng không nhẫn nổi, bây giờ nghĩ lại tâm tính của tôi lúc đó quả thực kém cỏi vô cùng, tôi thấy thật hổ thẹn, không còn mặt mũi nào đối diện với Sư phụ. Nếu như Sư tôn thấy được biểu hiện của tôi khi đó thì không biết Ngài sẽ đau lòng nhường nào!

2. Tại nơi làm việc

Cách đây vài năm, khi tôi còn công tác trong đơn vị, có lần trò chuyện, một lãnh đạo nói tôi là “thất cá bất phục, bát cá bất phẫn” (bảy cái không phục, tám cái không cam lòng). Lúc đó, tôi vô cùng sửng sốt, trong tâm nghĩ: tôi và anh ấy cũng chưa từng giao tiếp với nhau, bình thường hầu như rất ít gặp, chỉ là mỗi khi tôi trực ban, anh ấy là lãnh đạo chỉ huy trực ban thì ngẫu nhiên đến phòng trực ban một chút rồi rời đi, cũng rất ít khi nói chuyện. Nhưng anh ấy lại bình phẩm về tôi như vậy. Lúc đó tuy rằng ngoài miệng tôi không tranh biện nhưng trong tâm rất khó chịu, thầm nghĩ: anh dựa vào cái gì mà nói tôi “bảy cái không phục, tám cái không cam lòng”? Vì anh là lãnh đạo sao? Kể từ đó tôi sinh ra phản cảm với anh ấy. Hơn nữa, anh ấy cho rằng tôi vì tu luyện Pháp Luân Công mà bị đưa vào trại lao động thì thật không đáng, cho rằng tiến độ công việc của tôi đều bị chậm trễ. Tôi mang theo tâm tình phản cảm mà nói với giọng cứng rắn: “Tôi chẳng có gì phải hối hận.” Anh ấy nghe xong rất tức giận, anh ấy cho rằng anh ấy vì muốn tốt cho tôi nên mới cùng tôi thảo luận vấn đề được mất này, nhưng tôi lại không tiếp nhận. Ngữ khí không tường hòa, thái độ lạnh nhạt, không có thiện niệm mà tôi biểu hiện ra đều là do tâm tranh đấu, ngạo mạn, không coi ai ra gì tạo thành. Vì thế mà không thể khiến người khác thấy được phía mặt từ bi, tường hòa của đệ tử Đại Pháp. Đó là thể hiện cụ thể của việc tôi không đạt đến tiêu chuẩn của Đại Pháp trong tu luyện.

3. Ở nhà

Ở nhà, bố tôi cũng nhiều lần nói tôi không khiêm tốn. Bố còn hay nói tôi kiêu ngạo, không khiêm tốn ngay trước mặt người khác, khiến tôi rất khó chịu, bực tức. Bố nói lời nói của tôi khuyết đức, thì tôi một mực không thừa nhận, mà thường giảo biện, tranh cãi với bố. Hồi đó, trong tu luyện, tuy rằng tôi học Pháp rất nhiều, Pháp lý cũng minh bạch, nhưng tôi lại không đối chiếu ngôn hành của mình với Pháp, cũng không hướng nội sâu tìm ở bản thân, lại còn tưởng mình đã làm tốt lắm, lúc nào cũng cho rằng người khác có định kiến với mình, nhìn mình không thuận mắt, nên mới không có ấn tượng tốt về mình, nên mới có bình phẩm như vậy về mình. Lâu dần, trong tâm tôi nảy sinh tâm oán hận mạnh mẽ.

Bây giờ, ngẫm lại thì thấy chính là vấn đề của tôi. Tôi tu luyện bao lâu thế rồi, nhưng về vấn đề tâm tranh đấu, ngạo mạn, không coi ai ra gì, không khiêm tốn, … tôi hầu như chưa tu chính mình, chưa từng cho rằng bản thân có vấn đề ở phương diện này hay có gì đó chưa đúng. Tôi cho rằng mình học Pháp hàng ngày, minh bạch được rất nhiều Pháp lý thì đã là người tu luyện rất tốt rồi. Kỳ thực, khi đó tuy tôi minh bạch được một số Pháp lý, nhưng lại không chiểu theo Pháp lý mà làm, thế cũng bằng như không tu chính mình, không thể tính là người tu luyện. Bởi vậy, người khác có cách nhìn và bình phẩm không tốt như vậy về tôi là đúng. Là vì nội tâm tôi không thuần tịnh, nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hành của tôi đều không đạt tiêu chuẩn của Pháp, không chiểu theo yêu cầu của Sư phụ rằng người tu luyện cần “hướng nội tìm”, tu luyện thì tu không vững chắc, cho nên tín tức biểu hiện ra khiến người ta cảm thấy tôi ương ngạnh, kỳ cục, không thể khiến người khác nhìn ra sự tường hòa và mỹ hảo của Đại Pháp ở tôi, mà chỉ thấy sự “gai góc”, “không phục”, “không cam lòng”, “không coi ai ra gì”, “ngạo mạn”, “không khiêm tốn”,… Bởi vì hành vi chịu sự chi phối của tư tưởng, trong tâm tôi đầy tư tưởng ương ngạnh không phù hợp với Pháp thì làm sao biểu hiện ra được hành vi tốt đây? Kỳ thực, khi đó, người khác trong lúc vô tình nói ra suy nghĩ ​​và bình phẩm không tốt về tôi đều là biểu đạt chân thực từ nội tâm họ, cũng là biểu hiện chân thực của họ đối với tôi, bởi vì khi đó tôi đã tạo cho mọi người ấn tượng như vậy, vì tâm tôi không thuần tịnh, mang theo tâm tranh đấu, ngạo mạn, tâm coi thường người khác, đó đều là những biểu hiện bất hảo.

Đương nhiên, đó là con người tôi trong quá khứ, hiện giờ trong khi học Pháp tôi đã vứt bỏ những tư tưởng bất hảo, thói quen xấu, quan niệm biến dị cùng tâm ngạo mạn, không coi ai ra gì, … cùng những thứ bất hảo khác. Hàng ngày, tôi đều chiểu theo Đại Pháp của Sư phụ, không ngừng thanh lý trường không gian của bản thân, để thân tâm được hòa tan trong Pháp, đồng hóa với Pháp, cải biến những tâm bất hảo, thuận theo đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ, làm một đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp đạt tiêu chuẩn.

Chỉ có thời thời khắc khắc “hướng nội tìm” mới có thể tìm ra những chấp trước và nhân tâm bất hảo của bản thân, chỉ có loại bỏ hết thảy chấp trước và nhân tâm bất hảo mới có thể đề cao cảnh giới tư tưởng, mới có thể triển hiện cảnh giới cao thượng của đệ tử Đại Pháp, mới có thể khiến thế nhân nhận thấy sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp, và tuân theo Chân-Thiện-Nhẫn làm người tốt.

Học Pháp là không thể truy cầu, có thể hiểu được đến mức nào thì là mức đó, có thể lý giải được bao nhiêu thì là bấy nhiêu. Đại não của con người là hữu hạn, còn Đại Pháp là vô hạn. Là đệ tử Đại Pháp, chính là cần học Pháp cho nhiều, “vô cầu nhi tự đắc” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996]), mà phía tu luyện tốt rồi thì điều gì cũng đều có thể lý giải được.

Trên đây là chút cảm ngộ trong tu luyện của bản thân, có điều gì không phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/20/448300.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/9/207603.html

Đăng ngày 06-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share