Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-03-2023]
Tên: Trương Cửu Hải (张久海)
Giới tính: Nam
Tuổi: 56
Huyện: Bình Cốc
Thành phố: Bắc Kinh
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: Tháng 1 năm 2023
Ngày bị bắt cuối cùng: Ngày 8 tháng 5 năm 2017
Nơi giam giữ cuối cùng: Không rõ
Một cư dân Bắc Kinh đã qua đời vào đầu năm 2023, sau 1,5 năm mãn hạn án tù oan sai 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông hưởng dương 56 tuổi.
Trước đó, cha mẹ của ông Trương Cửu Hải đã qua đời. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ba người họ bị bắt giữ hết lần này đến lần khác và chỉ có khoảng thời gian rất ngắn ngủi ở bên nhau.
Mẹ của ông Trương qua đời vào tháng 11 năm 2014. Kể từ lần cuối ông Trương bị bắt (vào tháng 5 năm 2017), cha ông là ông Trương Tác Kiệt, bị gãy phần xương hông và không thể tự chăm sóc bản thân. Bảy tháng sau, ông cụ đã ra đi trong cảnh lẻ loi, cơ cực.
Đến tháng 5 năm 2021, ông Trương được trả tự do khi mãn hạn án tù 4 năm, nhưng phải vật lộn với tình trạng sức khỏe kém do bị tra tấn trong tù, và rồi ông cũng qua đời.
Bốn lần bị kết án lao động
Trước án tù gần đây nhất, ông Trương đã từng thụ án 4 lần ở trong trại lao động với tổng cộng 7 năm. Sau khi được thả, ông buộc phải sống lưu lạc trong vài năm để tránh bàn tay cảnh sát.
Năm 2000: Bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức
Ông Trương bị bắt vào năm 2000 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Người đàn ông 33 tuổi khi đó đã bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức, và thời hạn còn bị kéo dài thêm 6 tháng. Ở trong Trại tạm giam địa phương, lính canh ấn đầu ông xuống giường và sau đó kéo ngược hai cánh tay của ông ra phía sau hết cỡ. Ông run rẩy vì đau đớn và gần như bất tỉnh.
Sau đó ông Trương bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Đoàn Hà. Vì ông không từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh cấm ông ngủ tới tận 3 giờ sáng. Theo lệnh của lính canh Nghê Chấn Hùng, 2 tù nhân đã đè ông Trương trên mặt đất và trói ngoặt hai tay ông ra phía sau. Họ thay phiên đánh đập và dùng giày đập vào mặt và đầu ông. Mặt ông sưng phù và bầm tím. Họ còn bịt miệng ông để ngăn ông la hét, khiến ông gần như ngạt thở.
Năm 2002: Bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức
Ông Trương lại bị bắt vào tháng 4 năm 2002 khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở Công viên Ngọc Uyên Đàm. Trong lúc thẩm vấn cảnh sát đã sốc điện ông bằng dùi cui điện. Ông đã tuyệt thực để phản kháng và được trả tự do trong tình trạng cận kề cái chết. Ông đã đi trốn và sống lưu lạc trong 4 tháng. Khi không thể tìm ra ông Trương, cảnh sát quay sang sách nhiễu gia đình ông.
Ngày 6 tháng 8 năm 2002, ông Trương bị cảnh sát phát hiện và bắt đến Trung tâm tẩy não huyện Bình Cốc, sau đó chuyển đến trại tạm giam địa phương. Lính canh ra lệnh cho tù nhân đánh đập và trói ông trên giường để hạ nhục ông.
Ông Trương nhanh chóng bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Đoàn Hà để chấp hành bản án 2 năm. Ông ấy bị trói trong 40 ngày và ông đã tuyệt thực. Lính canh tiếp tục tra tấn ông như vậy trong 32 ngày nữa, sau đó mới thả ông ra.
Sang năm 2003, ông bị chuyển đến “Đội huấn luyện”. Họ tra tấn ông vô cùng tàn bạo nhằm buộc ông phải từ bỏ Pháp Luân Công. Ông không được phép ngủ và uống nước. Khẩu phần mỗi bữa của ông chỉ gồm nửa cái bánh hấp và hai cọng dưa chua.
Phần lớn thời gian trong ngày ông phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, và bất cứ một cử động nhỏ nào cũng sẽ khiến ông bị lính canh đánh đập dã man. Cơ thể ông chi chít vết bầm tím, thêm vào đó ông còn bị gãy 4 cái xương sườn và xương gò má bên phải. Đùi của ông ấy sưng tấy và ông ấy lên cơn sốt. Lính canh không những bỏ mặc ông không điều trị mà còn bắt ông chạy vòng quanh và đi dọn dẹp phòng giam.
Khi Trương Bảo Lợi trở thành đội trưởng của đội huấn luyện vào tháng 9 năm 2003, ông Trương thậm chí còn bị đánh đập tàn nhẫn hơn. Hình thức tra tấn ngồi đã tăng lên thành 20 giờ một ngày, kết quả là ông bị đi tiểu ra máu. Ông đã nhiều lần tuyệt thực để phản kháng.
Năm 2008: Bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức
Ông Trương bị bắt vào ngày 8 tháng 5 năm 2008, khi đang làm việc tại một công viên địa phương. Cảnh sát đã bắt ông phải chịu tiếp thời hạn 2 năm ở trại lao động.
Sau khi được thả vào tháng 5 năm 2010, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu và theo dõi cuộc sống hàng ngày của ông. Một lần nữa, ông ấy buộc phải rời nhà sống lưu lạc để tránh cảnh sát.
Năm 2012: Bị kết án 2 năm ở lao động cưỡng bức
Ngày 29 tháng 3 năm 2012, vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công trên xe buýt, ông Trương khi ấy 45 tuổi, đã bị bắt giữ và bị đưa đến trại lao động lần thứ tư với thời hạn 2 năm. Đầu tháng 5 năm 2012, ông bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Tân An, ở đó lính canh đã bức thực ông bằng những loại thuốc không rõ nguồn gốc cho tới tháng 6 năm 2013. Sau 15 tháng tra tấn, ông được trả tự do sớm vào ngày 24 tháng 6 năm 2013.
Bị kết án 4 năm tù cùng cái chết oan uổng
Sau khi mẹ của ông Trương qua đời vào tháng 11 năm 2014, ông sống cùng cha mình. Tối ngày 8 tháng 5 năm 2017, xe cảnh sát đột nhiên chặn đường và băt giữ ông khi ông đang đi ra ngoài. Cảnh sát đã lục soát nhà và tịch thu máy tính xách tay cùng máy in của ông. Ông bị giam giữ ở trong trại tạm giam Quận Bình Cốc. Vụ bắt giữ ông ấy được phê chuẩn vào ngày 14 tháng 6. (Bình Cốc thời gian này từ cấp huyện đã chuyển thành quận).
Tháng 6 năm 2017, người cha 74 tuổi của ông Trương bị té ngã dẫn đến gãy xương hông. Ông cụ không thể đi lại và tự chăm sóc bản thân. Luật sư của ông Trương đã nhiều lần nộp đơn yêu cầu chính quyền cho phép ông Trương tại ngoại để về chăm sóc cha mình, nhưng hết lần này đến lần khác bị bác bỏ.
Đầu tháng 8 năm 2017, cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của ông tới Viện Kiểm sát Quận Bình Cốc. Ngày 21 tháng 8, nữ kiểm sát viên Liêu Lộ đã truy tố ông và chuyển vụ án của ông tới Tòa án Quận Bình Cốc.
Vào ngày 3 tháng 9, 2 tuần trước phiên tòa của ông Trương, cha ông được đưa đến bệnh viện. Do phần thân của ông ấy bị mưng mủ nghiêm trọng, có giòi bọ ở nhiều chỗ nên bác sỹ không thể phẫu thuật cho ông ấy.
Ngày 8 tháng 9, một lần nữa luật sư của ông Trương đệ đơn xin cho thân chủ của mình được tại ngoại để chăm sóc cha mình, nhưng công tố viên và thẩm phán vẫn khước từ yêu cầu phía luật sư.
Ông Trương bị đưa ra xét xử trước tòa vào ngày 19 tháng 9. Luật sư của ông đã bào chữa vô tội cho ông. Luật sư lập luận rằng không có bằng chứng nào từ công tố viên đưa ra có thể sử dụng để chứng minh cho cáo buộc chống lại thân chủ của ông. Ngày 30 tháng 9 năm 2017, thẩm phán vẫn bất chấp kết án ông Trương 4 năm tù với khoản tiền phạt 8.000 Nhân dân tệ.
Hai tháng sau, cha ông Trương qua đời tại nhà.
Ngày 7 tháng 5 năm 2021, sau 4 năm bị giam cầm và tra tấn ở trong tù, ông Trương đã được về nhà. Do suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần, ông chật vật với sức khỏe kém và không thể phục hồi. Cuối cùng, ông phải nằm liệt giường và qua đời vào đầu năm 2023.
Cha mẹ bị bức hại
Trong khi ông Trương vẫn đang thụ án ở trại lao động lần thứ hai, cha ông đã bị bắt vào năm 2002. Cảnh sát đã trói ông cụ vào một cây cột điện, đánh đập và mắng chửi ông cụ. Một viên chức trong chính quyền thôn không nhịn nổi và hỏi cảnh sát: “Các anh còn chút nhân tính nào không? Các anh thậm chí lại đi bắt một người tốt như vậy. Các anh không có việc gì khác tốt hơn để làm à?”
Mặc dù cảnh sát đã thả ông Trương do sự phản đối kịch liệt từ công luận, nhưng sau đó họ lại tiếp tục bắt giữ ông và vợ ông. Cả hai đều bị đưa đến trại lao động và mãi đến năm 2004 mới được thả.
Vào lúc nửa đêm của một ngày trong năm 2006, một toán cảnh sát đã đột nhập vào nhà của ông Trương Cửu Hải và lục soát khắp nơi. Họ cũng đưa mẹ ông đến Đồn Công an Lưu Gia Điếm và giữ bà ở đó trong một thời gian ngắn.
Ông Trương Cửu Hải bị bắt một lần nữa vào ngày 8 tháng 7 năm 2014, sau khi bị trình báo vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Máy tính xách tay, máy in, sách Pháp Luân Công và các tài liệu liên quan của ông đã bị tịch thu.
Một người dân trong thôn đã nói với cảnh sát tham gia vụ bắt giữ: “Gia đình ông ấy đều là người tốt. Các tài liệu mà họ phân phát đều là để nói sự thật, vậy tại sao các anh lại ngăn họ làm vậy?” Ông Trương sớm được tại ngoại và bị quản thúc tại gia. Điện thoại bàn của gia đình ông cũng bị theo dõi.
Vốn phải chống chọi với tình trạng sức khỏe yếu sau nhiều năm sống trong sợ hãi, mẹ của ông Trương chịu đả kích nhiều hơn khi ông bị bắt, nên đã qua đời vào ngày 6 tháng 11 năm 2014.
Bài liên quan:
Bắc Kinh: Một học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, người cha bị bỏ mặc trong cơn hấp hối
Người đàn ông Bắc Kinh lại bị bắt vì đức tin của mình
Trại lao động cưỡng bức Tân An ở Bắc Kinh cung cấp lao động nô lệ cho các trại lao động khác
Ông Trương Cửu Hải đến từ Bắc Kinh đã ba lần bị đưa đến trại lao động cưỡng bức
Cảnh sát lại bắt cóc học viên Trương Cửu Hải ở Bình Cốc, Bắc Kinh
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/2/457310.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/4/207546.html
Đăng ngày 24-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.