Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-11-2022] Lupus ban đỏ là bệnh lý tự miễn dịch mãn tính mà hiện chưa có cách chữa trị. Bệnh khiến hệ thống miễn dịch sản sinh ra các tự kháng thể tấn công các tế bào và mô của chính cơ thể, gây tổn thương nội tạng và dẫn đến các biến chứng sau đó.

Bất kể tuổi tác, bệnh nhân lupus ban đỏ phải đối mặt với tình trạng đe doạ tính mạng và sẽ phải uống thuốc suốt đời.

Tuy nhiên, một số người mắc bệnh lupus ban đỏ đã may mắn khỏi bệnh sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện nâng cao thể chất lẫn tinh thần cổ xưa của Trung Quốc. Dưới đây là những câu chuyện của họ.

(Tiếp theo Phần 1)

Người phụ nữ bị tàn tật do bệnh lupus ban đỏ đã bình phục hoàn toàn

3681f4ac422b3fce6874e4539483606d.jpg

Bà Thái Minh (trái) và người chăm sóc sức khoẻ, bà Lại

Năm 2008, bà Thái Minh, 57 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ và gần như toàn bộ nội tạng đều bị ảnh hưởng. Không có biện pháp điều trị hiệu quả và bà phải dùng thuốc nội tiết tố để kiểm soát bệnh. Song, thuốc nội tiết tố lại gây ra nhiều tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là bị loãng xương. Bà bị gù lưng ngày càng nặng và thấp hơn 12 cm so với trước đây. Để xương chắc hơn, bác sĩ đã tiêm xi măng sinh học vào phần đầu của đốt sống lưng, và chất ổn định xương ở hai bên đùi và bụng dưới của bà hàng ngày.

Một lần nọ khi bà xoay lưng, bà nghe một tiếng “rắc” và gân của bà bị đứt. Sau lần đó, bà không thể đi lại được nữa. Bác sĩ nói bà phải dùng xe lăn đến suốt đời, bà cảm thấy như rớt xuống vực sâu.

Bệnh lupus ban đỏ cũng làm tổn thương thận, dẫn đến chứng phù nề. Bà không thể mang giày, mặt lúc nào cũng sưng phồng và căng tròn đến mức bà không dám soi gương.

Sau đó các triệu chứng như táo bón, loét dạ dày, khô mắt và không tiết nước bọt lần lượt xuất hiện khi bà tiếp tục điều trị. Bà Thái phải đi gặp các bác sĩ chuyên khoa về thấp khớp, chỉnh hình, nhãn khoa, đại trực tràng, thần kinh, thận, tiết niệu, và tiêu hoá để giảm đau.

Bà nói: “Tôi rất chán nản khi phải uống quá nhiều thuốc. Bụng tôi giống như cái hũ thuốc vậy”. Bà còn phải tránh uống một số loại thuốc cùng nhau để tránh tương tác. Có lần bác sĩ khoa tiết niệu đã lắc đầu nói: “Tôi thật không biết phải kê thuốc gì cho chị đây”.

Bà Thái nói: “Thật khó để chịu đựng bệnh tật hành hạ”. Nhưng không nhìn thấy hy vọng khỏi bệnh mới là điều khiến bà tuyệt vọng nhất. Dần dần, bà mắc chứng trầm cảm. Bà bị giảm trí nhớ và đôi mắt trở nên vô hồn.

Bước ngoặt

Mất 5 năm điều trị mà bệnh của bà không thuyên giảm. Một hôm khi bà đang suy nghĩ nên gặp bác sĩ chuyên gia nào thì bất ngờ nghĩ đến xem bói. Bà hỏi bà Lại, người chăm sóc sức khỏe cho bà: “Chị có biết xem bói toán ở đâu không?” Bà Lại nói: “Chị à, sao chị không thử đọc sách Chuyển Pháp Luân?”

Bà Lại và chồng, ông Lâm đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Trước đây, ông Lâm đã nhiều lần khuyên nhủ bà Thái học Pháp Luân Đại Pháp. Lần này, bà Thái quyết định thử.

Ngày 1 tháng 9 năm 2013, bà Lại đưa bà Thái ngồi trên xe lăn đến lớp học Pháp Luân Đại Pháp chín ngày. Vào ngày thứ tư, bà Lại ngạc nhiên khi nhìn thấy đôi mắt đờ đẫn của bà Thái đã có thần sắc trở lại!

Sau khi kết thúc lớp học, bà Thái tham gia nhóm luyện công. Luyện công khiến bà cảm thấy hết sức dễ chịu, từ đó đến nay bà luyện công mỗi ngày.

Vào ngày thứ năm luyện công, chứng táo bón của bà đã khỏi; một tháng sau, bà dần dần ngừng uống thuốc, hết thuốc này đến thuốc khác. Bà không đi khám bác sĩ vì bà cảm thấy khoẻ. Sau bốn hoặc năm tháng tu luyện, móng tay và móng chân của bà lúc trước xám đen thì nay đã sạch đẹp như mới mọc.

Sau 7 tháng, bà Thái không chỉ có thể tự đi lại mà còn tự đi bộ lên cầu thang, từ tầng một đến tầng bốn. Bà hiện không khác gì một người khỏe mạnh.

Giám đốc công ty đối diện nhà bà Thái đã chứng kiến sự thay đổi của bà và cảm thấy mừng cho bà: “Dạo gần đây chị trông thật khỏe mạnh. Chị đang tập thể dục à?” Bà nói: “Tôi đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp!” Bà cảm thấy hơi tiếc vì đã không chụp tấm ảnh nào lúc đang mắc bệnh, bởi lúc đó bà thậm chí còn không dám soi gương.

Bà nhớ lại lần đầu khi mới tham gia nhóm luyện công, những người ở độ tuổi 80 tưởng bà cùng độ tuổi với họ. Chính là Pháp Luân Đại Pháp đã mang lại màu sắc cho cuộc sống ảm đạm của bà.

Bà Thái nói trong nước mắt: “Tôi vô cùng cảm tạ ân điển của Sư phụ đã cứu tôi thoát khỏi địa ngục và ban cho tôi cuộc đời thứ hai”.

“Linh đan liệu dược nào đã cứu sống chị vậy?”

Tôi là công nhân nhà máy ở miền Bắc Trung Quốc. Gia đình bốn người chúng tôi tuy không khá giả nhưng đầm ấm, hạnh phúc.

Tháng 6 năm 1994, lúc tôi 27 tuổi thì mắc bệnh lupus ban đỏ. Chúng tôi biết đó là căn bệnh khó chữa, thuộc loại bệnh nan y. Chồng tôi đưa tôi đến tất cả bệnh viện trong thành phố nhưng không có cách chữa trị hiệu quả. Bệnh lupus ban đỏ tấn công nội tạng của tôi làm tổn thương nghiêm trọng cả hai bên thận. Tim và dạ dày của tôi cũng bị ảnh hưởng. Tôi không thể tiểu tiện hay đại tiện. Cả người tôi sưng vù và chứng sốt cao không hạ. Ngoài thuốc Tây Y, tôi còn uống cả thuốc Trung Y, nhưng không có tác dụng. Sức khoẻ của tôi giảm sút hàng ngày, đến khi tôi phải nằm liệt một chỗ. Tôi chi sạch tiền tiết kiệm của gia đình và vay mượn từ những người mà chúng tôi quen biết để chữa bệnh. Nhưng ngay cả nếu chúng tôi có tiền thì tiền cũng không thể cứu được tôi.

Tết Nguyên đán năm 1995, trong khi những gia đình khác tận hưởng không khí Tết thì gia đình tôi vô cùng buồn bã. Tôi nghĩ đến việc tự tử. Chồng tôi cảm nhận được điều này. Anh ấy lo lắng: “Em đừng nghĩ quẩn! Anh xin em, đừng rời bỏ gia đình này!” Tôi tiến thoái lưỡng nan giữa việc sống và chết.

Trong lúc khó khăn này, đồng nghiệp của chồng tôi đã gây quỹ để giúp chúng tôi đón Tết. Song, chồng tôi không dùng số tiền này để mua thức ăn mà mua thuốc thảo dược cho tôi trị giá hàng nghìn tệ, coi như tia hy vọng cuối cùng. Nào ngờ bệnh lupus ban đỏ không khỏi mà tôi còn mắc thêm bệnh xơ cứng bì (xơ cứng da và mô liên kết mãn tính).

Tôi muốn soi gương nhưng cả nhà đã giấu gương đi. Khó khăn lắm mới với được chiếc gương, tôi sững người: Đây là tôi sao?! Một người ốm yếu, miệng méo, mắt trũng sâu, đờ đẫn và gần như hói đầu. Trông hệt như xác ướp. Hèn gì mọi người không dám nhìn tôi. Một lần nữa, tôi muốn kết liễu mạng sống.

Tháng 2 năm 1996, hàng xóm của tôi ở tầng hai là dì Nghiêm đã đem cho tôi một cuốn băng về buổi chia sẻ kinh nghiệm của các học viên Pháp Luân Công. Thực ra cách đây vài năm, dì đã đưa tôi sách Chuyển Pháp Luân, nhưng lúc đó tôi không quan tâm lắm nên trả lại mà chưa từng đọc qua cuốn sách.

Lúc nghe băng chia sẻ, tôi có chút hoài nghi rằng những học viên đó có thực sự được chữa khỏi bệnh chỉ nhờ tu luyện Pháp Luân Công hay không, nhưng đồng thời tôi cũng hy vọng nhìn thấy kỳ tích xảy đến với mình. Vậy nên tôi đã mượn cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Lần này, tôi đọc toàn bộ từ đầu đến cuối. Càng đọc, tôi càng thích. Tôi đọc xong trong vòng ba ngày rồi đọc lại. Trong một tháng, tôi đã đọc hơn 10 lần liên tiếp.

Sư phụ giảng:

“Phật gia có giảng duyên phận; mọi người đều là [nhờ] duyên phận mà đến; đắc được [nó] rồi có thể là vì chư vị [đáng] nên được [nó]; do vậy chư vị phải biết quý tiếc, đừng có ôm giữ tâm hữu cầu nào hết.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Trước đây, tôi thường than thở mình là người bất hạnh và thiếu may mắn. Bây giờ tôi nhận ra mình thực sự được ban phúc mới có cơ hội tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào thời khắc then chốt của cuộc đời. Tôi minh bạch chỉ có tu luyện mới có thể cải biến sinh mệnh. Với mong muốn tu luyện mạnh mẽ, tôi đứng dậy và bước xuống cầu thang đi đến nhà dì Nghiêm. Tôi muốn học các bài công pháp.

Sau khi luyện xong bài thứ nhất, vì tôi thở hổn hển nên dì Nghiêm đưa tôi về nhà. Tôi ngồi trên giường nghỉ một lát rồi mượn cuốn Pháp Luân Công. Tôi bắt đầu tự học năm bài công pháp theo hình chụp trong sách.

Sau đó, dì Nghiêm đến nhà tôi để chỉnh sửa các động tác và động viên tôi tham gia nhóm luyện công trong công viên. Với sự giúp đỡ của chồng, tôi đã đến công viên để luyện công. Cuối cùng tôi đã trở thành học viên Pháp Luân Công! Tôi vui mừng không thể tả.

Vào ngày thứ tư, tôi tự mình đến công viên. Thật khó để luyện bài công pháp thứ hai (bài bão luân) nhưng tôi gia tăng thời gian từng chút từng chút một, từ một phút lúc đầu đến mười phút sau một tháng.

Dần dần, tôi có thể đi chợ. Lúc đầu tôi chỉ có thể xách nổi túi rau củ nặng nửa ký hoặc một ký. Sau đó tôi có thể xách một trái dưa hấu lớn. Kể từ đó tôi không còn phải uống một viên thuốc nào nữa.

Khi tôi không ngừng tu luyện, tính cách tôi cũng cải thiện, và cơ thể tôi được tịnh hoá. Cân nặng của tôi gần 59 kg và gia đình tôi lại hạnh phúc như xưa. Hàng xóm nhà tôi nói: “Một người sắp chết như cô ấy đã hoàn toàn bình phục. Pháp Luân Đại Pháp thật thần kỳ!”

Khi tôi chạy xe đạp đi làm lại vào ngày 1 tháng 4 năm 1997, các đồng nghiệp của tôi đều sửng sốt. Họ vây quanh tôi và hỏi: “Linh đan diệu được gì đã cứu sống chị vậy?” Tôi phấn khởi bảo họ: “Là Pháp Luân Đại Pháp đã cứu mạng tôi”.

(Còn tiếp)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/29/452463.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/30/207123.html

Đăng ngày 17-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share