[MINH HUỆ 01-02-2023] Vào ngày 30 tháng 1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố rằng COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Kết luận này dựa trên các cuộc thảo luận tại cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban Khẩn cấp về Quy định Y tế Quốc tế (IHR) hôm 27 tháng 1 vừa qua. Cụ thể hơn, cuộc họp đã kết luận “Những đánh giá rủi ro nhanh gần đây tiếp tục mô tả nguy cơ toàn cầu của COVID-19 đối với sức khỏe con người và khả năng lây truyền của nó vẫn cao.”
Ông Ghebreyesus cho biết thêm: “Không thể phủ nhận rằng loại virus này sẽ vẫn là mầm bệnh thường thấy ở người và động vật trong thời gian tới.“ Ông còn cho biết tính đến giữa tháng 1, hơn một nửa trong số gần 40.000 ca tử vong do COVID-19 được báo cáo mỗi tuần xảy ra ở Trung Quốc và số người chết thực tế ở Trung Quốc “chắc chắn cao hơn nhiều”.
Hết giấy để in giấy chứng tử
Khi số ca mắc COVID tăng nhanh vào cuối năm 2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột chấm dứt chính sách zero-COVID vào ngày 7 tháng 12, khiến đại dịch trở nên tồi tệ hơn. Số ca nhiễm bệnh, số bệnh nhân nặng và tử vong bùng nổ, tạo áp lực cực lớn lên các bệnh viện và lò hỏa táng.
Một bác sỹ bệnh viện công tại miền Nam Trung Quốc nói với tờ South China Morning Post rằng họ đã hết loại giấy đặc biệt để in giấy chứng tử do số người chết quá cao trong thời gian gần đây. Ông nói: “Từ trước tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế đến vậy. Chúng tôi đã cấp gần 80 giấy chứng tử chỉ trong một tuần, trong khi trước đây chúng tôi thường cấp một hoặc hai tờ mỗi tháng.”
Các video lan truyền trên internet cho thấy các bệnh viện ở Sơn Đông, Liêu Ninh, Trùng Khánh, Giang Tô, Hắc Long Giang, Cát Lâm và các tỉnh khác đều chật kín bệnh nhân trong dịp Tết cổ truyền (22/1) vừa qua. Một người đàn ông ở miền Nam Trung Quốc đã mô tả cảnh tượng kinh hoàng mà anh nhìn thấy khi tham dự đám tang của một người thân tại lò hỏa táng vào sáng ngày 8 tháng 1. Anh cho biết trong khoảng thời gian anh có mặt tại đó, từ 1 – 5 giờ sáng, anh đã trông thấy gần 100 thi thể được đưa vào hỏa táng. Anh thậm chí còn va vào một xác chết khi đang đi dạo quanh đó. “Những gì ở đó sốc đến nỗi bạn thực sự không muốn nhìn nữa. Nhưng bạn không có lựa chọn nào khác bởi xung quanh bạn có rất nhiều người xếp hàng chờ được hỏa táng,” anh ấy giải thích. “Rất nhiều người bên rất nhiều xác chết. Quả là bất lực và vô vọng.”
“Tiếng nhạc đám tang văng vẳng bên đường mọi lúc, từ sáng sớm đến chập tối”
Theo VOA, tình trạng thiếu thuốc men ở các vùng sâu vùng xa và việc các quan chức địa phương lơ là nhiệm vụ cũng góp phần khiến số người già ở nông thôn tử vong tăng cao. Trước đây, Tết cổ truyền thường là thời điểm quan trọng và vui vẻ nhất trong năm, nhưng năm nay, “Tiếng nhạc đám tang văng vẳng bên đường suốt từ sáng đến chập tối”.
Anh Lưu Sỹ Huy, một luật sư sinh ra và lớn lên ở thôn Tây Sơn, khu tự trị Khách Lạt Thấm Kỳ, thành phố Xích Phong, Nội Mông, đã gọi điện để chúc Tết gia đình vào ngày 23 tháng 1 (ngày mùng hai Tết) và được biết tình trạng bi thảm, rằng có hơn 20 người (chủ yếu là người già) ở hai ngôi làng lân cận (thôn Vu Gia Danh Tử ở phía Tây và thôn Tiểu Ô Châu Mai Thấm ở phía Nam) đã qua đời. Anh cho biết, “Lúc đó tôi nghe thấy vậy mà kinh hãi. Trước đây mùa đông thường chỉ mất một hoặc hai người, thường không quá ba đến năm người. Vậy mà đợt dịch bệnh lần này, chỉ hơn một tháng đã khiến hơn 20 người ra đi.”
Nhà hoạt động nhân quyền Giới Lập Kiến, người gốc Sơn Đông, cũng nói với VOA rằng quê ông, ở thôn Cao Trại Tử, thị trấn Triệu Trại Tử, huyện Cao Đường, thành phố Liêu Thành có khoảng 1.000 cư dân, và ít nhất 20 người già đã qua đời vì COVID. Trong số đó có một người là người thân của ông, ngoài 60 tuổi, đã mất trong vòng một tháng sau khi cả nhà ông bị nhiễm bệnh. “Ông ấy bị viêm phổi, ho khan, sốt cao mãi không hạ, tới nửa đêm thì ông ấy đi.”
Những nơi bị lãng quên trong đại dịch
Châu tự trị Dân tộc Di Lương Sơn là một khu vực hẻo lánh ở tỉnh Tứ Xuyên, nơi nhóm người dân tộc Di chiếm khoảng một nửa trong số 4,7 triệu cư dân của tỉnh. Theo VOA đưa tin vào ngày 30 tháng 1, làn sóng COVID mới đã quét sạch nơi đây trong thầm lặng. Nhiều cư dân cao tuổi trong vùng không biết chính xác COVID là gì và nghĩ rằng đó chỉ là cảm lạnh. Một bác sỹ ở Bệnh viện Nhân dân Hỷ Đức cho biết trong 3 ngày liên tiếp (10-13 tháng 1), mỗi ngày có trên 150 bệnh nhân đến chụp CT hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID. Tất cả các khoa đều chật kín bệnh nhân. Thậm chí một viện dưỡng lão địa phương đã chuyển tới 30-40 người cao tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính. 90% nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.
Chu Bân, một người theo đạo Cơ Đốc thay mặt cư dân Lương Sơn kêu gọi quyên góp thuốc men đã nhấn mạnh khu vực này là “một nơi bị lãng quên và bỏ mặc trong thảm họa COVID”. Một số người dân địa phương đêm trằn trọc ngủ không yên, mới nhận ra rằng mạng người quý hơn vàng.
Thôn Văn Đồng, huyện Giả, thành phố Du Lâm, tỉnh Thiểm Tây, cách Lương Sơn khoảng 2.000 km, cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Cụ ông Đỗ Kim Liên, người vừa sống sốt sau dịch bệnh, cho biết từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, hầu hết người dân ở Đội 2 của thôn đã bị nhiễm bệnh, tháng trước trong thôn có 6 người già qua đời. Ông nói: “Có ai quan tâm đâu, bí thư thôn tuy biết tình hình bệnh dịch nghiêm trọng nhưng cũng đành chịu. Lúc tôi bị tôi chẳng thiết ăn gì, cứ buồn nôn mà không nôn ra được, đầu đau tới hơn chục ngày ròng.”
Số trường hợp hủy đăng ký hộ khẩu mỗi ngày tăng cao
Một nhân viên đăng ký hộ khẩu từ một đồn cảnh sát ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang cho biết trong khoảng từ ngày 20 – 31 tháng 12, trung bình mỗi ngày anh đã xử lý hơn 100 trường hợp hủy đăng ký hộ khẩu do có người chết. Khu vực đô thị Mẫu Đơn Giang có khoảng 900.000 cư dân với hơn 30 đồn cảnh sát. Theo đó, số người chết hàng ngày có thể lên tới hơn 3.000 người, tương đương với 30.000 người chết (khoảng 3% dân số) trong 10 ngày. Tất nhiên, không phải mọi trường hợp tử vong đều do COVID gây ra, nhưng số người chết thông thường (trước COVID) chưa bao giờ cao đến vậy.
Anh Trần Hòa Dương, một cư dân ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) những gì anh biết được từ một người bạn làm việc trong cục dân chính. Theo người bạn này, khoảng 5.000 người trong quận Hoàng Phan đã chết kể từ khi chính sách zero-COVID kết thúc vào đầu tháng 12, tương đương với số người tử vong của quận trong một năm. “Khu Hoàng Pha có khoảng 900.000 cư dân và số người chết ở mức đáng báo động vì cao gấp vài lần bình thường. Gần đây có rất nhiều ngôi mộ mọc lên xung quanh các khu vực ngoại thành. Rất nhiều trong số họ qua đời vì COVID”, anh Trần nói.
Nhiều thành viên và tín đồ của ĐCSTQ qua đời vì COVID
Nhiều thành viên và tín đồ của ĐCSTQ gần đây đã qua đời vì virus corona, còn được gọi là virus Trung Cộng.
- Ông Ngạc Hồng Binh, trưởng Đồn cảnh sát Bạch Sa Châu Nhai thuộc phân khu quận Vũ Xương ở Vũ Hán, đã gục ngã trước lối vào nhà riêng vào ngày 22 tháng 1, tức mồng Một Tết, và qua đời vào ngày hôm sau ở tuổi 55 do nhồi máu cơ tim, một triệu chứng liên quan đến COVID;
- Ông Trần Lập Ngôn, đảng viên ĐCSTQ và cựu giám đốc Học viện Mỹ thuật tỉnh Hồ Bắc, qua đời vào sáng ngày 25 tháng 1 tại quận Vũ Xương, Vũ Hán;
- Hai nghệ sỹ của Học viện Mỹ thuật Hồ Bắc, Đổng Lập chuyên về tranh sơn dầu và Niếp Kiền Nhân, chuyên về hội họa Trung Quốc, cũng mới qua đời;
- Trần Tử Du, cựu trưởng Khoa Vật lý tại Đại học Hàng không và Du hành Vũ trụ Bắc Kinh, qua đời ở tuổi 63 vào ngày mùng Một Tết (22 tháng 1);
- Cổ Khánh Quân, phó giáo sư trường Nhân văn và Truyền thông thuộc Đại học Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang, qua đời ở tuổi 48 vào ngày 23 tháng 1;
- Dương Tồn Xương, cựu trưởng Khoa Văn học tại Đại học Sư phạm Sơn Đông và cũng là tác giả của một số cuốn sách về chủ nghĩa Mác, qua đời ở tuổi 60 tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào ngày 26 tháng 1; và
- Vương Vu, đảng viên ĐCSTQ, thành viên của Viện Khoa học Trung Quốc, qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 26 tháng 1.
Một cuộc họp giao ban nội bộ ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, cho biết số thi thể được hỏa táng trong thành phố từ ngày 1 tháng 12 năm 2022 đến ngày 2 tháng 1 năm 2023 cao hơn bình thường khoảng 6 – 7 lần. Chẳng hạn như, 493 thi thể đã được hỏa táng vào ngày 4 tháng 1, gấp 6 lần so với cùng ngày năm trước.
Gần đây, Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh đã công bố nhiều cáo phó, ít nhất là 23 tờ trong khoảng thời gian từ ngày 4 tháng 12 năm 2022 đến ngày 13 tháng 1 năm 2023. Con số này gần bằng với tổng số 26 trường hợp tử vong được đại học này công bố từ tháng 1 – 11 năm 2022.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/31/456306.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/1/207154.html
Đăng ngày 04-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.