[MINH HUỆ 22-01-2023] Ngày 19 tháng 1, ‘de Volkskrant’, tờ nhật báo lớn thứ ba của Hà Lan, đăng bài viết dưới tiêu đề “Người Trung Quốc ở nông thôn gần như đơn độc trong cuộc chiến chống lại COVID: Nếu bạn không chuyển biến tốt, bạn sẽ chết và mọi chuyện sẽ kết thúc.’”, tác giả là một phóng viên thường trú của tờ báo tại Trung Quốc. Bài báo viết, “Phòng khám của bác sỹ nông thôn lớn tuổi họ Lý có rất nhiều bệnh nhân mắc COVID, nhưng ông ấy không thể cung cấp cho họ được gì ngoài mấy viên thuốc giảm đau. Và khắp vùng nông thôn Trung Quốc cũng vậy: bác sỹ quá ít và hầu như không có thuốc men gì.”

Làn sóng chết chóc trong thầm lặng

Bài báo của de Volkskrant viết tiếp, “Ví như, tại thị trấn Thạch Đầu Chủy của huyện Anh Sơn, tỉnh Hồ Bắc, số ca tử vong cao gấp vài lần so với bình thường. Đó là làn sóng chết chóc trong thầm lặng. Ở vùng nông thôn Trung Quốc, cái chết là điều cấm kỵ và phần lớn người chết không được hỏa táng mà đem chôn cất (bất hợp pháp nhưng được chấp nhận), điều đó càng làm giảm sự chú ý đến mức độ tử vong ở các vùng nông thôn.”

Bài báo còn trích dẫn cuộc phỏng vấn với một nông dân trồng lúa 75 tuổi tên là Hoàng Kế Quý ở huyện Anh Sơn, tỉnh Hồ Bắc. “Nếu người già trong làng bị ốm, họ không thể làm được gì. Họ không thể đến bệnh viện. Nếu họ chuyển biến tốt thì mọi việc sẽ ổn, còn không, họ sẽ chết và mọi chuyện sẽ kết thúc.” Ở địa phương đó, mọi người gọi COVID là “cảm lạnh” hoặc “sốt”. Trong khi đó, các phòng khám trong thôn hoặc bệnh viện thị trấn có dịch vụ kém và thường xuyên hết thuốc, còn bệnh viện thành phố lại nằm ngoài tầm với của dân thường. Thị trấn gần nhất cách đó một giờ lái xe và hầu hết dân làng không có ô tô. Ngay cả khi họ xoay sở để đến được bệnh viện thành phố, nhưng nếu không có “mối quan hệ” thì cũng không thể nhập viện.

Theo Đài Á châu Tự do, nhà hoạt động nhân quyền Giới Lập Kiến sống tại Hoa Kỳ gần đây đã biết đến cái chết của một người đàn ông lớn tuổi tại quê hương của ông ở Sơn Đông, điều khiến người khác nghe thấy mà đau lòng. Ông Giới còn cho biết, tại thôn Cao Trại Tử, thị trấn Triệu Trại Tử quê hương ông, thuộc huyện Cao Đường, thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông gần đây có khoảng 20 người già qua đời với rất nhiều đám tang, và việc tìm được một chiếc quan tài để chôn cất là điều vô cùng khó khăn.

Nhà báo Cố Bắc ở Thượng Hải viết trên mạng xã hội Weibo rằng cô đã phải đợi gần hai tuần, thi thể của mẹ cô mới được hỏa táng. Nhà tang lễ địa phương đã quá tải và không thể cho cô biết khi nào họ mới có thể tổ chức lễ truy điệu cho mẹ cô.

Một phóng viên của The Epoch Times gần đây đã gọi điện tới Nhà tang lễ Thành phố Định Châu và Nhà tang lễ Huyện Thâm Trạch, đều ở tỉnh Hà Bắc. Cả hai nhà tang lễ đều cho biết danh sách chờ hỏa táng rất dài và mọi người phải đặt chỗ trước ít nhất ba ngày. Do nhu cầu cao, họ không thể tổ chức nghi thức tang lễ.

Lò hỏa táng: Thiếu tủ đông, lò đốt và nhiên liệu

Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chấm dứt chính sách ‘Zero-COVID’ vào ngày 7 tháng 12 năm 2022, các nhà tang lễ và lò hỏa táng trên khắp Trung Quốc đã rơi vào tình trạng thiếu túi đựng thi thể, tủ đông, xe chở thi thể và lò đốt.

Theo thông tin Reuters thu thập được, lò hỏa táng tại Giới Thủ, một thị trấn ở tỉnh An Huy, không thể đáp ứng nhu cầu cao nên phải mua gấp 30 tủ đông ba cửa tích hợp. Một lò hỏa táng ở thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông mới ra thông báo khẩn cần mua hai lò đốt. Một nhà tang lễ ở thành phố Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết dầu diesel của họ “gần cạn kiệt” và cần mua 196.230 lít dầu diesel. Lượng nhiên liệu này đủ để thiêu khoảng 20.000 thi thể và cao hơn 40% so với mức tiêu thụ nhiên liệu bình thường hàng năm của cơ sở này.

Không được ghi COVID là nguyên nhân tử vong

Tình trạng quá tải ở các hỏa táng cho thấy sự gia tăng số ca tử vong. Hàng năm, chính quyền quận Nam Quan của thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, tiến hành khảo sát các nhóm dễ bị tổn thương (như người có thu nhập thấp, người khuyết tật, hoặc người cao tuổi) vào đầu và cuối mỗi năm để xác định số tiền cứu trợ sẽ phân bổ cho năm sau. Trong cuộc khảo sát vào tháng 12 năm 2022, một trong các tiểu khu đã hụt 98 người khuyết tật, mặc dù không rõ nguyên nhân nhưng ai cũng biết là vì COVID. Nam Quan có khoảng 620.000 cư dân trong tổng số 25 tiểu quận, nghĩa là có khoảng 25.000 người ở mỗi tiểu quận. Dữ liệu từ Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc cho thấy có 85 triệu (khoảng 6,5% trong số 1,3 tỷ người ở Trung Quốc) là người khuyết tật vào năm 2010. Nếu sử dụng 6,5% để ước tính gần đúng dân số khuyết tật, thì mỗi quận có khoảng 1.625 ( 25.000*6,5%) cư dân khuyết tật. Điều này có nghĩa là tỷ lệ tử vong của người khuyết tật là 6% (98/1625).

Mặc dù số người chết cao, nhưng ĐCSTQ vẫn không chịu thừa nhận điều đó. Một bài báo có tiêu đề “ Người thân tức giận vì COVID không được ghi trong giấy chứng tử ở Trung Quốc: ‘Các vị đang cố che giấu điều gì?’” trên tờ “Financial Times” ngày 20 tháng 1 cho biết, “Một số người đã mất đi sáu người thân vì virus corona chỉ trong mấy tuần gần đây cho biết họ rất thất vọng khi thấy giấy chứng tử ghi ‘viêm phổi’ hoặc ‘bệnh tim’ hoặc các nguyên nhân tử vong khác thay vì Covid.”

Một trong số họ là cô Vương, cô cho biết bệnh viện nơi cha cô qua đời chật cứng bệnh nhân COVID. “Cho đến cuối cùng, cha tôi vẫn không thể có được máy thở,” cô nói thêm. “Tôi cảm thấy bất lực. Khi đó chúng tôi đã ở bệnh viện, nhưng tôi không thể điều trị cho cha mình.” Cô và mẹ cô rất buồn vì nguyên nhân cái chết thực sự không thể được ghi lại, nhưng họ không có lựa chọn nào khác.

Những người khác cũng có trải nghiệm tương tự. “Một số chuyên gia y tế nói với Financial Times rằng các quan chức địa phương đã không khuyến khích họ đưa virus corona vào các tài liệu chính thức bằng cách làm phức tạp quy trình xác định nguyên nhân cái chết hoặc chủ động yêu cầu các tổ chức y tế không đưa các từ này vào,” bài báo viết.

Chặn thông tin

Ngoài việc bịt miệng các ca tử vong do COVID thông qua các cơ sở y tế và lò hỏa táng cũng như các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát, ĐCSTQ còn chặn các phương tiện truyền thông nước ngoài không cho truy cập những thông tin đó.

Cư dân mạng Tào Lợi Quân viết trên mạng xã hội Toutiao vào ngày 18 tháng 1 rằng các quan chức ĐCSTQ ở tỉnh Cam Túc đã đưa ra thông báo khẩn cấp về việc quản chế và chặn tài khoản của ba phóng viên truyền thông nước ngoài. Những phóng viên này được cho là đã phỏng vấn các bệnh viện, phòng khám và cư dân địa phương “khi chưa được phép”. Thông báo cũng cảnh báo không cho người dân tiết lộ thông tin về COVID.

Airfinity, một công ty dữ liệu sức khỏe có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã cập nhật mô hình lây lan của đại dịch vào ngày 20 tháng 1. Họ ước tính rằng kể từ tháng 12 năm 2022, tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc đã lên tới hơn 110 triệu, với số người chết là hơn 700.000 trường hợp, tương đương mỗi ngày có hơn 4 triệu ca nhiễm và hơn 33.000 ca tử vong. Do sự di chuyển lớn của người dân trong dịp Tết, số người chết bởi Covid có thể lên tới 36.000 ca mỗi ngày.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/22/455860.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/23/206819.html

Đăng ngày 24-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share