[MINH HUỆ 01-01-2023] Khi người dân trên khắp thế giới đang tự do mừng đón năm mới sau ba năm chịu sự hoành hành của đại dịch, thì người dân Trung Quốc vẫn đang chìm sâu trong đỉnh điểm của làn sóng covid mới với số ca dương tính tăng mạnh. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột chấm dứt chính sách Zero-Covid mà không có cảnh báo hoặc kế hoạch dự phòng nào, chính quyền này đã buông tay trước sinh tử của người dân, để cho họ đơn độc chống chọi với dịch bệnh. Từ những công dân bình thường đến các quan chức chính phủ phải vật lộn để tự bảo vệ mình khi hệ thống chăm sóc sức khỏe và các lò hỏa táng của Trung Quốc đang bị quá tải bởi số ca tử vong do COVID ngày càng tăng.
Ông lão 90 tuổi phải đi bộ hai giờ đồng hồ để mua thuốc
Theo Đài Á Châu Tự Do, một cụ ông 90 tuổi sống một mình ở vùng nông thôn phía Tây Nam Trung Quốc, sau khi nhiễm COVID, đã phải đi bộ hai giờ để mua thuốc. Mấy người dân làng lớn tuổi khác nói với phóng viên: “Hầu như tất cả mọi người trong làng đều bị nhiễm rồi.”
Hàm Đan, một thành phố lớn ở tỉnh Hà Bắc giáp với các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông và Hà Nam, có số ca mắc COVID tăng mạnh. Hầu hết các trường hợp qua đời là người cao tuổi, nhưng cũng có một số ít là người trẻ tuổi. Quan tài các nơi đều đã bán hết, muốn hỏa táng phải đợi vài ngày. Một số gia đình ở nông thôn đành phải bí mật hỏa táng người thân vào ban đêm. Tại các lò hỏa táng, xe chở thi thể bệnh nhân xếp thành hàng dài chờ đợi.
Một thành phố cấp quận mới đây đã tiến hành một cuộc khảo sát nội bộ tại các trường học địa phương. Kết quả cho thấy gần 83% giáo viên và 79% học sinh bị nhiễm bệnh. Phần lớn trong số họ đều có các triệu chứng rõ rệt: một số bị đau nhức xương cốt không thể chịu nổi, một số bị sốt cao kéo dài 5-6 ngày, và một số trở nên rất yếu và sút đến 5 kg chỉ trong vài ngày. Ban đầu, đa số mọi người nhẹ dạ tin theo lời nói dối của ‘chuyên gia’, rằng bệnh này nhẹ chỉ như bệnh cúm thông thường, nên đã chủ quan không có ý thức phòng bệnh. Khi xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng, họ mới biết là mình đã bị lừa. Một người nói: “Ai nhiễm mới biết khốn khổ nhường nào”.
Các quan chức ĐCSTQ và giáo sư đại học qua đời vì Covid
Một số quan chức ĐCSTQ về hưu đã chết vì Covid như:
-
Lữ Thụ Kim, quan chức của Cục Công an Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
-
Nhan Thừa, cựu Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
-
Phòng Lập, cựu Chủ tịch Ban Tuyền truyền Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.
-
Vương Hoài Cần, cựu Bí thư Quận ủy Tây Thanh, thành phố Thiên Tân qua đời vào ngày 25 tháng 12. Từng là chủ tịch của ‘Hiệp hội chống tà giáo Thiên Tân’, Vương đã tích cực tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Ngoài ra, thẩm phán Thạch Hồng Tinh của Tòa án Quận Thiên Tân, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã qua đời vì Covid ở tuổi 37.
Một số giáo sư đại học cũng đã qua đời vì nhiễm Covid, cụ thể như:
-
Lê Đức Dương, đảng viên ưu tú của ĐCSTQ, nhà triết học Mác nổi tiếng đồng thời là giáo sư tại Đại học Công nghệ Vũ Hán, đã qua đời tại Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán vào ngày 28 tháng 12 năm 2022 ở tuổi 85. Theo thông tin được đăng trên trang Minghui.org, Lê là thành viên lâu năm của Hiệp hội Chống tà giáo Hồ Bắc và chuyên gia cố vấn của Phòng 610 Hồ Bắc, điều đó cho thấy ông ta có dính líu sâu vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
-
Trần Hán Dân, giáo sư mỹ thuật tại Đại học Thanh Hoa, qua đời vào ngày 29 tháng 12. Là một đảng viên trung thành của ĐCSTQ, Trần đã tham gia thiết kế đồng Nhân dân tệ của ĐCSTQ, biểu tượng Hồng Kông trở về với Trung Quốc, và quan tài pha lê của Mao Trạch Đông.
-
Khâu Quan Nguyên, giáo sư Khoa Kỹ thuật Điện – Điện tử tại Đại học Giao thông Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, qua đời vào ngày 29 tháng 12.
Rủi ro toàn cầu
Trước tình hình dịch bệnh gia tăng ở Trung Quốc, hơn 10 quốc gia đã đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của các ca nhiễm COVID, bao gồm Úc, Canada, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật Bản, Ý, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, Philippines và Ma-rốc.
Ngày 31 tháng 12, Ma-rốc đã công bố lệnh cấm khách du lịch đến từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 3 tháng 1 năm 2023. Bộ Ngoại giao nước này cũng tuyên bố những hạn chế này có thể sẽ được áp dụng đối với mọi du khách đến từ Trung Quốc bất kể quốc tịch của họ. Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cũng đã đưa ra một thông báo cực kỳ khẩn cấp, cho biết họ sẽ tăng cường giám sát tất cả các triệu chứng hô hấp của hành khách đến từ Trung Quốc.
Ông Etienne Decroly, nhà virus học từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin La Dépeche cho biết mặc dù chủng virus corona đang lây lan ở Trung Quốc vẫn là biến thể Omicron và người Châu Âu đã có đủ kháng thể. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu nó có trải qua đột biến trong đợt bùng phát lớn hay không. Theo quan điểm của ông, Trung Quốc hiện là một nhà máy đột biến virus khổng lồ, bởi vì trong làn sóng lây nhiễm dữ dội, chủng đột biến sẽ xuất hiện và lây lan sang các quốc gia khác.
Những câu hỏi chưa được trả lời
Do số lượng lớn các ca nhiễm nghiêm trọng, hệ thống y tế ở tỉnh Hà Bắc đã gần như sụp đổ. Một bác sỹ làm việc ở tuyến đầu cho biết loại virus này dường như không phải là biến thể Omicron, mà “đúng hơn, nó tương tự như những gì đã xảy ra với Vũ Hán trong đợt bùng phát đầu tiên vào năm 2020.”
Bác sỹ Trần, bác sỹ phẫu thuật tại một bệnh viện hàng đầu ở tỉnh Hà Bắc, cho biết số lượng bệnh nhân quá cao. Với nguồn lực nhân viên và dịch vụ chăm sóc y tế có hạn, bệnh viện của ông đang trên bờ vực sụp đổ. “Các phòng khám và khoa cấp cứu trong bệnh viện đều đông nghịt, không khác gì chợ nông sản”, ông nói. “Cả bác sỹ và y tá đều trong tình trạng gần như kiệt sức. Ngoài các bệnh nhân COVID mới nhập viện, còn có các bệnh nhân phải phẫu thuật. Nhiều bác sỹ tuy đã bị sốt trong một thời gian dài nhưng vẫn phải tiến hành phẫu thuật.”
Sau cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 30 tháng 12, trong đó viết: “WHO một lần nữa đề nghị Trung Quốc thường xuyên chia sẻ dữ liệu cụ thể và xác thực về tình hình dịch bệnh COVID – bao gồm dữ liệu về trình tự gen, dữ liệu về tác động của dịch bệnh bao gồm số ca nhập viện, số ca điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và số ca tử vong.”
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/1/454380.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/2/205943.html
Đăng ngày 04-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.