Bài viết của Hạm Đạm, đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-09-2022] Vào đầu năm mới 2020, dịch bệnh bắt đầu lan rộng. Hầu hết các thành phố ở Trung Quốc đều bị phong tỏa và nền kinh tế bị đình trệ. Trong lúc nhất thời, chính niệm của tôi không mạnh, tôi quyết định ra nước ngoài thăm con gái và tĩnh tâm học Pháp ở đó, mà không nghĩ đến trách nhiệm của một đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp. Tôi không nghĩ đến việc cứu người. Thay vào đó, tôi chỉ nghĩ cho bản thân và gia đình.

Sau khi sang nhà con gái, tôi đọc Pháp và phát chính niệm hàng ngày. Thế nhưng, bất cứ khi nào tôi đả tọa, tôi đều không thể ngồi song bàn. Ngay cả khi tôi dùng dây thừng để buộc chân mình lại, cơn đau vẫn thấu đến tận xương. Tôi bèn làm theo lời giảng của Sư phụ, gặp vấn đề thì hướng nội tìm. Tôi chợt nhớ đến Pháp của Sư tôn:

“Như mọi người đã biết, các đệ tử Đại Pháp đã đi qua quá trình [đến] viên mãn, nhưng lịch sử hôm nay giao phó cho các đệ tử Đại Pháp trách nhiệm to lớn hơn, không phải là giải thoát và viên mãn cá nhân, mà là cứu độ thật nhiều chúng sinh;” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])

Những lời giảng của Sư phụ như một gậy bổng hát thức tỉnh tôi. Phải rồi, đệ tử Đại Pháp cần phải vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã. Làm sao tôi có thể chỉ nghĩ cho bản thân mình? Lẽ ra tôi nên ở lại Trung Quốc để giảng chân tướng cứu chúng sinh. Khi tôi luyện công vào sáng ngày hôm sau, chân của tôi lập tức không còn đau nữa, và tôi có thể đả tọa trong tư thế song bàn. Tôi vào mạng đặt vé máy bay để trở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, do lệnh phong tỏa nên dù tôi có đặt vé bao nhiêu lần cũng đều bị hủy. Tuy rằng khi đó tôi không thể trở về ngay, nhưng không gì ngăn được tâm cứu người của tôi.

Tôi tìm đến các đồng tu địa phương để tham gia nhóm học Pháp và cùng nhau ra ngoài giảng chân tướng. Song, tôi nhận ra rằng những chúng sinh mà tôi cần cứu đang ở Trung Quốc, và tôi phải nhanh chóng quay về.

Học Pháp tốt, gia cường chính niệm

Khi trở về Trung Quốc, tôi phải cách ly ở Thượng Hải 14 ngày. Trong quãng thời gian đó, tôi đã tranh thủ từng phút từng giây để học Pháp. Mỗi ngày, trừ khi luyện công hoặc phát chính niệm, thời gian còn lại tôi đều học Pháp. Sau bữa sáng, tôi học hai bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Ăn trưa xong, thay vì nghỉ ngơi, tôi học Kinh văn. Và sau bữa tối, tôi tiếp tục học Kinh văn. Trong khi tôi đọc Pháp, chồng tôi nghe băng ghi âm các bài giảng của Sư phụ. Dưới uy lực của Pháp, ông ấy đã thay đổi. Tôi khuyên ông ấy luyện công, và ông ấy đã luyện bốn bài công pháp đứng cùng tôi mỗi tối trong quãng thời gian đó.

Nhờ học Pháp mỗi ngày, chính niệm của tôi đã được củng cố. Tôi nhận ra rằng, trước đây, mặc dù ngày nào tôi cũng học Pháp nhưng tâm tôi không tĩnh. Tôi cũng không thực sự tận dụng tốt thời gian của mình để học Pháp. Học Pháp tốt là điều cơ bản để cứu người. Chính vì tôi học Pháp không đủ, nên chấp trước bảo vệ bản thân của tôi rất mạnh. Mặc dù tôi cũng bước ra để giảng chân tướng cứu người, nhưng tâm sợ hãi của tôi vẫn còn ẩn giấu. Tôi sợ mọi người sẽ không tiếp nhận những gì tôi nói hoặc họ sẽ không hiểu. Thậm chí tôi sợ mình sẽ bị báo cảnh sát. Tôi biết tư tâm của mình đang ngăn cản tôi. Tôi còn cảm thấy ngại ngùng khi giảng chân tướng cho người lạ. Tôi bèn kiên định một niệm: Mình nhất định phải làm tốt ba việc.

Phóng hạ tâm danh lợi

Gần đây, con gái tôi (chưa tu luyện) ở nước ngoài gọi điện về cho tôi. Cháu bảo tôi phải làm hai việc: Một là tôi phải bán một trong những căn hộ của mình càng sớm càng tốt và chuyển tiền vào tài khoản của cháu ở nước ngoài. Sau đó, tôi phải viết di chúc để lại toàn bộ tiền bạc, tài sản cho cháu. Tôi liền bảo cháu: “Con là đứa con duy nhất của bố mẹ, con cứ yên tâm rằng tiền bạc và tài sản đều sẽ để lại cho con. Bố mẹ không cho con thì cho ai?“

Căn hộ mà con gái gợi ý chúng tôi bán nằm ở khu sầm uất của thành phố. Một mét vuông đất ở đó có giá khoảng 50 – 60.000 Nhân dân tệ. Tuy nhiên, chúng tôi không thể bán căn hộ này vì bố mẹ chồng tôi đang sống ở đó. Hai cụ đều già cả rồi. Chúng tôi không thể khiến họ chịu dằn vặt trong những năm tháng cuối đời bằng cách bắt họ chuyển về căn hộ cũ. Nơi đó không có thang máy, lại phải leo bẩy tầng lầu, đối với người già mà nói quả thực không tiện.

Trước kia, con gái tôi bảo sao tôi thường làm vậy, miễn là không vi phạm nguyên tắc của tôi. Nhưng lần này, vì tôi không làm theo lời cháu nên cháu đã làm ầm lên. Mâu thuẫn xảy ra đột ngột khiến tôi không biết giải quyết ra sao, bèn gọi điện cho chị gái tôi và hỏi ý kiến của bác ấy. Chúng tôi nói chuyện rất lâu nhưng cuối cùng vẫn không đi đến đâu. Sau khi đặt điện thoại xuống, tôi chợt nhớ ra rằng mọi vấn đề mà một người tu luyện gặp phải đều là hảo sự. Tôi nghĩ rằng Sư phụ đang ban cho tôi một cơ hội để buông bỏ chấp trước vào con gái.

Hồi chúng tôi mới lấy nhau, chồng tôi làm việc ở một thành phố khác. Tôi vừa đi làm vừa phải tự mình chăm sóc con gái nhỏ. Bố mẹ chồng đối xử tệ và không giúp gì tôi nhưng tôi không hề so đo. Giờ đây, hai ông bà đã già cả rồi. Là người tu luyện, tôi biết mình nên đối xử tốt, hiếu kính với họ như thể họ là cha mẹ ruột của mình.

Tôi kiên quyết nói với con gái: “Mẹ không thể để ông bà chuyển đi được. Cổ nhân có câu ‘Bách thiện hiếu vi tiên’ (Trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu). Trong xã hội bại hoại này, chúng ta nên nhớ những đức tính cổ xưa như ‘kính già yêu trẻ’. Hơn nữa, mẹ là một người tu luyện, mẹ không thể làm được điều đó.”

Ngày nay, giới trẻ ở Trung Quốc đều đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tẩy não. Bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đảng, chúng chỉ quan tâm đến tiền. Con gái thấy tôi không làm theo ý mình, bèn đưa ra một đề nghị khác, bảo tôi chuyển quyền sở hữu hai căn hộ cho cháu. Cháu yêu cầu chúng tôi viết tên cháu vào chứng thư và bảo chúng tôi viết di chúc. Khi nghe thấy cháu nói vậy, tôi thấy có phần hơi quá đáng. Bố mẹ chồng tôi đã ngoài 80 cả rồi nhưng chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu họ lập di chúc. Con gái tôi bị sao thế này?

Con gái tôi ngày nào cũng gọi điện về cho tôi, chỉ vì chuyện này mà làm ầm lên. Dường như tiền đối với cháu quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Người tu luyện không chấp trước vào vật chất, thứ mà người thường muốn thì chúng ta không màng, còn thứ mà chúng ta muốn thì người thường có muốn cũng không được. Tôi liền bàn bạc với chồng, cuối cùng quyết định chuyển nhà cho con gái. Chúng tôi có thể buông bỏ mọi thứ vật chất trên cõi đời này.

Tận dụng mọi cơ hội để cứu người

Cứu chúng sinh là trách nhiệm, trách nhiệm không thể thoái thác của đệ tử Đại Pháp chúng ta. Tôi đã tận dụng mọi cơ hội để giảng cho học trò, phụ huynh, bạn học, bạn bè và những người qua đường về chân tướng Đại Pháp, nguyên nhân của thảm họa, cách thoát khỏi tai họa và tự cứu mình để được an toàn.

Một hôm, một người bạn thời tiểu học là cán bộ đã nghỉ hưu đến nhà tôi chơi. Tôi nói với cô ấy về sự mỹ hảo của Pháp Luân Đại Pháp và về những trải nghiệm tu luyện của tôi. Tôi bảo cô ấy rằng dù đã ngoài 60 nhưng sức khỏe của tôi rất tốt. Cô ấy khen tôi trông trẻ hơn hầu hết những người ở cùng độ tuổi của chúng tôi. Cô ấy cũng bảo rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Tuy nhiên, khi tôi đề cập đến việc làm tam thoái, cô ấy do dự. Tôi nghĩ chắc mình giảng còn chỗ nào chưa rõ. Đột nhiên, tôi nhớ đến đoạn Pháp của Sư phụ:

“Hãy dùng chính niệm; chư vị thấy rằng cần thực hiện như thế nào, thì chư vị hãy làm như thế; khi gặp vấn đề tự nhiên chư vị biết được giải quyết ra làm sao. Chính niệm mạnh mẽ thì hết thảy đều thuận lợi, bảo đảm sẽ làm được tốt.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])

Cô ấy suy nghĩ một lát rồi chủ động nói: “Thà tin còn hơn không, mình sẽ thoái xuất để được an toàn.”

Một tối mùa thu năm ngoái, tôi vừa đi dạo vừa hát trong công viên. Người phụ nữ đang đi trước mặt tôi đột nhiên dừng bước, ngoái lại và mỉm cười với tôi. Tôi nói: “Cô cũng thích hát à.” Chúng tôi bắt đầu trò chuyện về những bài hát mà chúng tôi yêu thích. Sau đó, tôi hỏi cô ấy đã nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp chưa. Tôi giải thích rằng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp là phổ quát, rằng cách đây hơn 20 năm đã từng có hàng triệu người ở khắp phố lớn ngõ nhỏ của Trung Quốc tu luyện môn này.

Cô ấy bảo: “Em có biết. Bệnh viện chúng em có một học viên Pháp Luân Công, ngay khi cấp trên tới kiểm tra, cô ấy đã bị nhốt lại.” Tôi hỏi cô ấy nguyên nhân tại sao, cô ấy trả lời: “Bởi vì cô ấy tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.” Tôi hỏi cô ấy liệu đơn vị cô ấy làm vậy có đúng không, cô ấy trả lời: “Em không biết.” Sau đó, tôi hỏi cô ấy nghĩ gì về học viên này, cô ấy lập tức trả lời: “Cô ấy là một người tốt chị ạ.” Tôi liền nói: “Bệnh viện của cô làm thế là đang bức hại người tốt đấy.” Cô ấy gật đầu đồng ý.

Lúc đó, tôi bình tĩnh giải thích cho cô ấy sự thật về “ngày 13 tháng 5” đến “ngày 20 tháng 7”, rồi cả việc Pháp Luân Đại Pháp được hồng truyền khắp thế giới ra sao trong hai thập kỷ qua. Tôi cũng nói với cô ấy về việc ĐCSTQ đã phát động cuộc bức hại như thế nào và tội ác thu hoạch nội tạng của nó. Sau khi yên lặng lắng nghe, cô ấy đã đồng ý thoái ĐCSTQ và các tổ chức thanh thiếu niên của nó. Cô ấy bảo rằng cô ấy sẽ nhớ niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo.” Chúng tôi trao đổi số điện thoại cho nhau.

Một thời gian sau, cô ấy mời tôi đến nhà để hướng dẫn cô ấy các bài công pháp. Cô ấy nói: “Luyện công xong, em ngủ rất ngon”.

Sau đó một tuần, cô ấy còn giới thiệu tôi với bạn bè của cô ấy. Ngay khi gặp họ, tôi đã giảng chân tướng cho họ và tất cả đều làm tam thoái. Họ không ngừng cảm ơn tôi.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả.Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/9/446765.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/8/205079.html

Đăng ngày 02-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share