Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-10-2022] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu!

Tôi muốn chia sẻ với quý đồng tu một số trải nghiệm tu luyện của mình trong những năm qua. Nhìn lại quá trình tu luyện của bản thân, tôi thấy không có nhiều điều xảy ra với mình mà chỉ là những thói quen sinh hoạt hàng ngày, nhưng dường như ngày nào cũng trôi qua không mấy êm đềm. Hầu như ngày nào cũng có những tình huống khiến chấp trước của tôi được phơi bày.

Tôi hy vọng những trải nghiệm tu luyện của mình có thể giúp ích cho các học viên khi họ gặp phải những vấn đề tương tự.

Tiêm phòng Covid

Vào đầu tháng 4 năm nay, vì lý do công việc và cũng vì để tham gia hạng mục hỗ trợ Shen Yun vào tháng 5 nên tôi phải thực hiện việc tiêm phòng vắc xin theo quy định. Dù biết tiêm chủng không ảnh hưởng gì đến người tu luyện nhưng tôi vẫn không thấy thoải mái khi nghĩ đến việc này.

Ngoài thời gian dành cho công việc chính, tôi làm tình nguyện viên cho một hạng mục truyền thông chuyên biên soạn ấn phẩm tiếp thị. Vì vậy, tôi thường cố gắng cập nhật những tin tức mới nhất mà độc giả quan tâm để có thể tiếp cận họ tốt hơn. Một trong những chủ đề nóng thu hút nhiều độc giả đó là vấn đề an toàn vắc xin. Tôi cũng bị cuốn vào chủ đề này và bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu về nó.

Kết quả là đến lúc tôi phải đi tiêm vắc xin thì tất cả những thông tin tiêu cực về vắc xin mà tôi đã tìm hiểu trước đây đều hiện lên trong đầu, bao gồm cả việc các công ty dược không tuân thủ quy trình, các tác dụng phụ và những người trẻ tuổi chết sau khi tiêm. Tâm tôi bị bao bọc trùm một áp lực khủng khiếp. Khi tôi đến hiệu thuốc để tiêm, tôi liên tục phải đấu tranh với những suy nghĩ này — làm những gì tôi phải làm, hoặc đầu hàng trước nỗi sợ hãi phi lý này.

Tôi nhẩm niệm Pháp nhiều lần nhưng vẫn thấy lo lắng. Tôi biết rằng nếu tôi không nhẩm niệm Pháp thi tôi sẽ bị tâm sợ hãi chế ngự.

Trạng thái này vẫn tái diễn sau khi tôi tiêm xong và trở về nhà. Tuy nhiên vài tiếng sau, tôi nhận ra trạng thái này không đúng, tôi không nên căng thẳng như vậy. Trong mọi trường hợp thì tâm lo sợ này không phải là bản thân tôi, nó không nên tồn tại trong trường không gian của tôi. Kể từ thời điểm đó, tôi bắt đầu đối diện với tâm lo sợ này theo một cách khác: không coi nó là bản thân mình, nó chỉ là thứ ngoại lai và ở tầng thứ thấp. Mỗi khi tâm hoài nghi hay lo sợ nổi lên, tôi lại tưởng tượng nó giống như một đứa trẻ đang cáu giận và không quan tâm đến nó. Dần dần, những suy nghĩ này trở nên yếu đi và tôi có thể kiểm soát chúng.

Sau đó, khi tôi bắt đầu học Pháp, nhận thức của tôi về vấn đề này lại thay đổi. Tôi nhận ra rằng thay vì chỉ xem tâm lo sợ như một thứ can nhiễu ngoại lai, tôi nên hướng nội tìm. Nếu tôi không có chấp trước về phương diện này thì không một can nhiễu nào có thể khiến tôi bị động tâm.

Sau khi hướng nội, tôi đã tìm thấy hai chấp trước gây khổ nạn cho tôi. Một là tôi có tâm lo nghĩ về tương lai và mong muốn mọi thứ phải theo kế hoạch. Chấp trước này khiến tôi không thực sự tín Sư tín Pháp, vì trong tiềm thức tôi nghĩ về việc Sư phụ sẽ giúp tôi thực hiện ý tưởng của mình như thế nào, và khi mọi chuyện không đi theo mong đợi của tôi thì tôi cảm thấy rằng Sư phụ đã không quan tâm đến mình. Suy xét sâu hơn thì đó là một suy nghĩ rất bất kính đối với Sư phụ và Đại Pháp. Điều này cho thấy sự kiêu ngạo của tôi, như thể tôi biết rõ về tương lai của mình hơn an bài của Sư phụ.

Sư phụ giảng:

“Kẻ được cứu độ lẽ nào có thể chọn rằng bản thân mình sẽ được cứu độ như thế nào? Đã rớt xuống nước rồi, người ta muốn cứu họ, họ còn nói: ‘ông không được dùng tay trực tiếp cứu tôi, ông phải dùng một chiếc thuyền mà tôi thích đến cứu tôi kia’. Như thế hỏi có được không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002)

Mặc dù đoạn Pháp trên Sư phụ giảng về vấn đề liên quan đến cựu thế lực, nhưng một ý niệm nổi lên trong đầu khiến tôi kinh hãi.

Ý niệm đó là: “Nếu Sư phụ đang coi sóc cho tôi thì tôi sẽ không gặp phải bất kỳ triệu chứng hay tác dụng phụ nào. Nếu tôi bị phản ứng phụ sau tiêm thì có nghĩa là tôi có sơ hở trong tu luyện nên bị cựu thế lực dùi vào và Sư phụ không thể giúp tôi”.

Tôi bị ám ảnh bởi những biểu hiện ở tầng thứ bề mặt cũng như liệu tôi có được Sư phụ bảo hộ hay sẽ bị hại theo cách nào đó. Chính những ám ảnh này khiến tôi có hoài nghi, thiếu niềm tin vào sự bảo hộ của Sư phụ.

Tất cả những gì Sư phụ muốn ở chúng ta là chân tâm tu luyện. Chỉ cần là tu luyện chân chính thì dù có trượt ngã hay đi sai đường, Sư phụ cũng sẽ điểm hóa và chỉ dẫn cho chúng ta. Đây là thể ngộ của tôi về tín Sư tín Pháp. Có thể không phải lúc nào chúng ta cũng thích hoặc hiểu được những điều xảy ra với mình, kế hoạch có diễn ra theo ý muốn của bản thân hay không, nhưng chúng ta cần có niềm tin chắc chắn rằng chúng ta luôn được Sư phụ coi sóc và Ngài sẽ an bài những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta.

Chấp trước thứ hai có mối liên hệ mật thiết với chấp trước thứ nhất đó là tâm sợ chịu khổ. Lý do vì sao tôi quá lo lắng về việc liệu vắc-xin có tác dụng phụ mạnh mẽ hoặc lâu dài đối với tôi hay không là vì trong sâu thẳm tôi sợ điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra với mình.

Điều này đã hiển lộ ra một tư tưởng bất chính khác, đó là tôi tu luyện không phải vì để đề cao chân chính mà là vì mong muốn không phải đối diện với những điều khiến tôi khó chịu. Tôi đã đọc những bài chia sẻ của các học viên về vấn đề nghiệp bệnh, bức hại tài chính, mâu thuẫn trong quan hệ gia đình và tôi lo sợ sẽ phải trải qua những quan nạn này nếu tu luyện không tốt. Nói cách khác, mục đích tu luyện của tôi là để duy trì những gì tôi có trong xã hội người thường.

Kiểu suy nghĩ này trái ngược với nguyên lý tu luyện cơ bản mà Sư phụ giảng:

“Lấy chịu khổ làm vui”. (Khổ Kỳ Tâm Chí, Hồng Ngâm I)

Hơn nữa, ý niệm này khiến tôi không thể buông bỏ tự ngã trước khảo nghiệm, bởi vì chấp trước bảo vệ lợi ích cá nhân đã ăn sâu vào động lực tu luyện của tôi.

Áp lực trong tâm tôi đã giảm bớt đáng kể sau khi hai chấp trước này bị phơi bày. Ngay trước khi đi ngủ vào tối hôm đó, tôi nhận thấy tiêm vắc xin không còn là vấn đề phải lo lắng nữa, tôi nên giao phó mọi việc cho Sư phụ và không cần phải suy nghĩ về nó.

Giờ đây khi truy xét lại sự việc này, tôi nhận ra hai chấp trước khác nữa đó là chấp trước vào tin tức của người thường và chấp trước vào kết quả. Trải nghiệm này khiến tôi nhận ra rằng tu luyện không phải là chuyện nhỏ. Đôi khi các biểu hiện của chấp trước rất phức tạp, chỉ có cách đo lường mọi ý niệm và hành động theo Pháp mới có thể trừ bỏ được hết thảy các chấp trước. Ngoài ra, tôi cũng hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa bản thân với Sư phụ và Pháp, cũng như tầng thứ tu luyện của chúng ta được thể hiện qua việc “làm những gì Sư phụ muốn chúng ta làm”.

Trừ bỏ tâm lo sợ

Khi lớn lên, điều tôi sợ nhất là diễn thuyết hoặc diễn xuất trước đám đông. Không phải vì tôi ghét thu hút sự chú ý mà vì tôi sợ bị mắc lỗi hay bị mất thể diện trước mọi người.

Trong công việc hàng ngày, kỹ năng thuyết trình trước đám đông cũng là một phần trong chuyên môn mà tôi cần phải cải thiện. Sau đó, người quản lý đã đề nghị tôi làm việc với một chuyên gia đào tạo về kỹ năng thuyết trình, cô ấy cũng là cộng tác viên của công ty chúng tôi.

Có một lần, huấn luyện viên diễn thuyết của tôi hỏi tại sao tôi lại lo lắng trước khi phát biểu. Tôi trả lời là tôi sợ làm mọi thứ rối tung. Cô ấy lại hỏi tiếp vì sao tôi sợ mọi thứ rối tung. Tôi trả lời vì không muốn mọi người nghĩ xấu về tôi. Và cô ấy cứ liên tiếp hỏi tôi tại sao sau mỗi câu trả lời cho đến khi tôi nói ra điều này:

“Tôi không muốn có bất kỳ điều tồi tệ nào xảy đến với mình”.

Cô ấy đã bật cười khi nghe thấy tôi nói vậy. Đó cũng là lúc tôi nhận ra suy nghĩ của mình thật nực cười ngay cả với người thường, nhưng đây chính xác là lý do khiến tôi luôn lo sợ.

Đương nhiên, tôi thường nhìn nhận các vấn đề hướng đến lợi ích của bản thân, chẳng hạn như: lựa chọn nào có lợi nhất cho mình hoặc làm thế nào để giảm thiểu tổn hại của bản thân. Tôi sẽ cảm thấy căng thẳng và lo lắng trước mỗi hành động mà tôi nghĩ có thể tổn hại đến lợi ích của bản thân, nó có liên quan đến danh, lợi và tình.

Tuy nhiên, chấp trước này lại được che đậy bởi những lý do có vẻ cao cả. Ví dụ như trong công việc, tôi thấy lo lắng khi tham gia cuộc họp với ban lãnh đạo công ty vì tôi e ngại mình sẽ mắc sai lầm đáng xấu hổ, điều này sẽ khiến ban lãnh đạo không có thiện cảm về tôi thì tôi sẽ khó giảng chân tướng cho họ.

Nhưng, tư tưởng này là bất thuần vì nó dựa trên nhận thức không đầy đủ của tôi về Pháp và để che đậy tâm vị kỷ. Gần đây tôi có đọc một bài chia sẻ của một học viên, cô ấy có trích dẫn đoạn Pháp Sư phụ giảng:

“Chư vị thấy ai khi không có chính hành ấy, thực ra chính là chính niệm không đầy đủ. Vì tư tưởng chỉ đạo hành động của con người; khi chính niệm của chư vị đầy đủ thì khẳng định rằng sẽ đoan chính; nói chính niệm không chính nên hành vi mới không đoan chính.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003])

Thể ngộ của cô ấy về đoạn Pháp này là, tư tưởng chỉ đạo hành vi của chúng ta. Thông thường, chúng ta cho rằng những rắc rối gặp phải là do chúng ta đã nói hoặc làm điều gì đó sai. Nhưng trên thực tế, nguyên nhân sâu xa của những lời nói và hành động sai trái này lại do những tư tưởng bất chính chỉ đạo.

Tương tự như vậy, khi tôi lo lắng, tất cả ý niệm xuất hiện trong đầu đều là vị tư. Lúc đó tôi chỉ biết lo lắng cho bản thân, tôi sẽ làm những gì, điều gì sẽ hoặc không xảy ra với tôi và mọi người sẽ nghĩ gì tôi. Hầu như không có chỗ nào để suy nghĩ cho người khác. Những tư tưởng đó sao có thể khiến chúng ta thiện đãi chúng sinh?

Ngay cả bây giờ, tôi vẫn chưa hoàn toàn vượt qua được tâm thái lo lắng khi thuyết trình hay nói chuyện với người lạ. Tôi biết sự căng thẳng này không mang lại lợi ích gì cho tôi hay khiến tôi thể hiện tốt hơn. Nó là một tâm chấp trước mà tôi cần phải tu bỏ. Chỉ khi tôi buông bỏ bản thân và hòa tan trong Pháp thì tôi mới có thể làm được điều tốt nhất.

Trên thực tế, ngay cả khi tôi làm mọi thứ rối tung lên thì đó cũng là cơ hội để tôi hướng nội tìm thiếu sót.

Sư phụ đã giảng:

“Trong tu luyện, dù chư vị gặp phải sự việc hay hay sự việc dở, đó đều là việc tốt cả, bởi vì chính là chư vị tu luyện rồi thì [chúng] mới xuất hiện.” (Gửi Pháp hội Chicago, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Bây giờ tôi thực sự tin vào điều này và nỗ lực tu bỏ tâm vị tư và tâm lo sợ của bản thân.

Lời kết

Hơn một năm qua, tôi thực sự cảm thấy như mình được đẩy lên trong tu luyện. Mỗi ngày trôi đi, dường như tôi lại tìm thấy càng nhiều tâm chấp trước hơn, ngay cả những suy nghĩ mà trước đây tôi cho là vô hại.

Dù có lúc tôi thấy ghê sợ khi phát hiện ra một số chấp trước của mình ẩn giấu quá sâu. Con xin được cảm tạ ân Sư đã không từ bỏ một học viên như con và cho con có vinh diệu được tham gia tiến trình Chính Pháp.

Trên con đường tu luyện của mình, tôi đã mắc nhiều sai lầm. Nếu không có sự chỉ dẫn và chăm sóc từ bi của Sư phụ thì tôi đã không thể tiến xa đến ngày hôm nay.

Tôi chỉ có thể báo đáp ân Sư bằng cách cố gắng tu luyện tinh tấn hơn và cứu độ chúng sinh nhiều hơn.

Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì chưa phù hợp với Pháp.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/3/450216.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/7/204189.html

Đăng ngày 19-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share