Bài viết của Kiến Chân ở hải ngoại

[MINH HUỆ 03-01-2023] Có câu nói được lưu truyền rộng rãi rằng một xã hội lành mạnh “Có ba nghề không thể bị suy đồi: Giáo viên dạy học sinh làm sao phân biệt đúng sai, thiện ác, tốt xấu; bác sỹ cứu mạng, chữa lành tổn thương; cán bộ công an, kiểm sát, pháp luật bảo vệ công lý. Ba nghề này đều đòi hỏi người có tín ngưỡng và phẩm đức, mà hễ bại hoại thì sẽ khiến xã hội tha hóa trên diện rộng.

Thế nhưng, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là trong nhiệm kỳ của cố lãnh đạo Giang Trạch Dân, đức hạnh của người làm ba nghề nêu trên đều trở nên bại hoại. Giang bảo mọi người: “im lặng mà làm giàu”, kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả có phải gây hại cho người khác. Do đó, giá trị truyền thống và các tín ngưỡng đều bị ông ta bức hại một cách tàn nhẫn, trong đó có Pháp Luân Công, một môn tu luyện và thiền định ôn hòa theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, bởi tất cả đều dạy con người hướng thiện.

Chính sách chạy theo đồng tiền của Giang đã gây ra vô số vấn đề. Khi quan chức chính phủ và người dân đều từ bỏ các giá trị đạo đức, toàn bộ xã hội Trung Quốc rơi xuống vực thẳm với những bi kịch kinh hoàng: giáo viên hãm hiếp học sinh, hệ thống tư pháp bắt giữ, khởi tố và kết tội những công dân tuân thủ pháp luật (bao gồm cả học viên Pháp Luân Công), và bác sỹ cưỡng bức thu hoạch nội tạng người sống để kiếm lời. Dưới đây là một số ví dụ.

1. Giáo viên hãm hiếp học sinh

Ở Trung Quốc, một số giáo viên cưỡng hiếp, khiến nữ sinh mang thai, một số biến học sinh thành tình nhân lâu dài, và một số giết học sinh khi âm mưu cưỡng hiếp không thành. Các nạn nhân đều còn rất trẻ.

Thảm kịch không thể diễn tả bằng lời

Truyền thông Trung Quốc đưa tin một giáo viên tiểu học ở quận Đại Túc, thành phố Trùng Khánh đã cưỡng hiếp 10 nữ sinh chưa đến tuổi vị thành niên mà ông ta dạy từ năm 2002 đến 2003. Một giáo viên thể dục ở huyện Lũng Tây, tỉnh Cam Túc, đã tiếp cận 12 nữ sinh lớp 9 với danh nghĩa thông qua mối quan hệ để giúp các em vào trường tốt hơn. Người này đã hãm hiếp cả 12 nữ sinh, hai trong số các em đã mang thai.

Một giáo viên 51 tuổi dạy học tại trường tiểu học Trung Dương, huyện Cẩm Bình, tỉnh Quý Châu, đã cưỡng hiếp 12 học sinh tổng cộng 42 lần trong vòng 18 tháng, đồng thời quấy rối tình dục 16 học sinh khác tổng cộng 35 lần. Chỉ có 3 trong số 19 học sinh nữ trong lớp thoát khỏi sự quấy rối tình dục hoặc cưỡng hiếp của hắn.

Tương tự, vào năm 2004, một giáo viên tại trường tiểu học huyện Lâm Hạ, ​​tỉnh Cam Túc, bị phát hiện cưỡng hiếp và quấy rối tình dục 9 bé gái học sinh lớp ba. Một em bị tấn công tình dục 10 lần. Hầu hết các em đều từ 9 đến 10 tuổi, lớn nhất là 14 tuổi.

Kẻ hiếp dâm còn là cán bộ ban giám hiệu nhà trường. Hiệu trưởng Lâm Đăng Bình, trường tiểu học ở thị trấn Nam Hưng, thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, đã cưỡng hiếp 11 nữ sinh 7 lần trong vòng chưa đầy 4 tháng, nạn nhân nhỏ tuổi nhất mới 10 tuổi.

Ngày 4 tháng 6 năm 2007, Thời báo Western Business Daily đưa tin một giáo viên họ Thành ở thị trấn Thường Hà, tỉnh Cam Túc đã cưỡng hiếp 18 nữ sinh tổng cộng hơn 70 lần từ mùa thu năm 2001 đến tháng 3 năm 2005. Trong số 18 nạn nhân, có tới 16 em dưới 14 tuổi. Tên này sau đó bị kết án tử hình.

Năm 2004, một giáo viên cấp hai họ Lý đã cho 24 nữ sinh uống thuốc ngủ và ma túy rồi cưỡng hiếp các em. Y cũng bị kết án tử hình trước sự phẫn nộ của dư luận.

Trên đây mới chỉ là một số vụ hãm hiếp được truyền thông Trung Quốc đưa tin, còn rất nhiều vụ chưa được đưa tin công khai.

Những điều tôi đã chứng kiến

Bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến ​​hai trường hợp: Vào đầu những năm 1990, vài năm sau khi Giang giữ chức vụ cao nhất trong ĐCSTQ, tôi đến Khoa sản của Bệnh viện Lan Châu, tỉnh Cam Túc để thăm một người bạn đang sắp chuyển dạ. Cạnh giường của bạn tôi là một cô bé 15 tuổi. Sao cô bé này lại ở đây? Bạn tôi ra hiệu cho tôi im lặng. Sau đó, bạn tôi nói rằng cô bé tội nghiệp đó, vẫn đang chơi đồ chơi, đến viện để chuẩn bị sinh con do bị giáo viên cưỡng hiếp.

Một trường hợp khác cũng xảy ra ở Bệnh viện Lan Châu, một bà mẹ đến từ nông thôn dắt theo cô con gái khoảng 15-16 tuổi. Cô gái bị đau bụng, một bác sỹ đề em nghị chụp X quang. Kết quả trong bụng em có một bào thai, nhưng em không biết làm thế nào em đã có thai. Khi biết con gái mình mang thai do bị thầy giáo cưỡng hiếp, người cha của em đã tức giận đưa em về nhà dù em đã rất đau vì trở dạ.

2. Bác sỹ biến dụng cụ phẫu thuật thành con dao đồ tể

Quay trở lại đầu những năm 1990, đã xảy ra nhiều câu chuyện về những người bị lấy cắp nội tạng khi vẫn còn sống. Bạn tôi có người thân ở độ tuổi 40. Sau khi tiến hành mổ sỏi mật tại một bệnh viện, cô ấy đã đến một số bệnh viện khác để kiểm tra thêm. Bệnh viện phát hiện thùy gan trái của cô đã biến mất. Vào thời điểm đó, hầu như không ai biết về tội ác thu hoạch nội tạng, vì vậy không ai theo dõi diễn biến thông tin sự việc này.

Trung Quốc là quốc gia có số ca cấy ghép nội tạng rất lớn, thời gian chờ đợi ngắn và chất lượng nội tạng cao. Nội tạng lấy nguồn từ những người còn trẻ tuổi và có nhiều sự lựa chọn. Vấn đề nằm ở nguồn tạng. Vì lý do văn hóa, người Trung Quốc nói chung không sẵn lòng hiến tạng. Ở nước ngoài, người cần ghép tạng phải đợi vài năm mới có người hiến, nhưng ở Trung Quốc có rất nhiều nội tạng sẵn sàng chờ bệnh nhân nhận.

Sau khi nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công ở Trại Lao động Tô Gia Đồn bị phanh phui, tôi muốn tìm hiểu rõ hơn nên đã gọi nhiều cuộc điện thoại cho các bác sỹ ở Trung Quốc. Dưới đây là những điều họ nói.

Tất cả “người hiến tạng” đều dưới 30 tuổi

Bệnh viện Quân đội 301 trực thuộc Quân ủy Trung ương tại Bắc Kinh, chuyên điều trị cho các bệnh nhân là quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Một bác sỹ phẫu thuật cấy ghép nói rằng họ không được phép chia sẻ thông tin về người hiến tạng và bất kỳ bệnh viện nào chia sẻ thông tin này sẽ bị dừng hoạt động cấy ghép nội tạng. Bác sỹ này xác nhận rằng tất cả những người hiến gan đều dưới 30 tuổi. Một nữ bác sỹ phẫu thuật từ Bệnh viện Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) thuộc Lực lượng Không quân 747, tỉnh Tân Cương cho biết nguồn nội tạng đến từ các bệnh viện địa phương và họ đã thực hiện hàng trăm ca cấy ghép trong 10 năm qua. Nhiều cơ quan tạng có sẵn, thậm chí các bệnh viện y khoa Trung Quốc cũng tham gia cấy ghép thận.

Bác sỹ phẫu thuật Trương Tuyết Phong thuộc Bệnh viện Quân đội 474 ở Lan Châu, tỉnh Cam Túc, cho biết nhóm của ông đã thực hiện cấy ghép gan và thận hơn 10 năm qua. Những người hiến tạng đều là nam thanh niên, không phải phụ nữ. Ống nói: “Nhiều người Nga cũng đến đây để cấy ghép tạng. Bạn cứ tới đây, chúng tôi đang có chương trình khuyến mãi”, “Không cần phải lo lắng về người hiến tạng. Chừng nào chúng tôi còn liên lạc được với tòa án, hàng loạt người hiến tạng sẽ tiếp tục đến – tất cả đều khỏe mạnh.” Ông nói thêm rằng họ có thể đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của bệnh nhân. Một người hiến tạng có thể cung cấp cả hai bộ phận gan và thận nếu bệnh nhân có nhu cầu.

Bác sỹ phẫu thuật thường tránh các cuộc trao đổi về người hiến tạng

“Đây có phải là [nguồn nội tạng] từ [học viên] Pháp Luân Công không?” Tôi đã hỏi một bác sỹ phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu Vũ Uy, tỉnh Cam Túc. Bác sỹ này nói không thể trả lời câu hỏi của tôi qua điện thoại. Nhưng bác sỹ đảm bảo với tôi, “Các tài xế đều biết chỗ chúng tôi – đi taxi chỉ mất 3 nhân dân tệ.”

Giám đốc bệnh viện Quân đoàn Cảnh sát Vũ trang Tân Cương cho biết: “Chúng tôi có thể nói về người hiến tạng khi gần đến thời gian phẫu thuật, không thể nói sớm hơn.”

Một bác sỹ phẫu thuật tại Bệnh viện Tim mạch tỉnh Cát Lâm cho biết họ không được phép chia sẻ thông tin về người hiến tạng.

Người hiến tạng “tự nguyện”

Bác sỹ phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Côn Minh, tỉnh Vân Nam cho biết tất cả giác mạc của họ đều còn tươi. Bác sỹ tại Bệnh viện Hữu An, Bắc Kinh nói rằng nguồn nội tạng đến từ “những người hiến tạng tình nguyện”, không phải từ tù nhân. Bác sỹ phẫu thuật thận tại Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang tỉnh Ninh Hạ đồng ý: “Thận chỗ chúng tôi lấy từ những người hiến tạng tự nguyện, không phải từ tử tù.”

Bác sỹ Nhạc ở Bệnh viện số 2 Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã thực hiện ca phẫu thuật ghép thận cho một giám đốc về hưu của Bệnh viện số 1 Lan Châu. Ông nói với bệnh nhân, “Thận là của một nam thanh niên 24 tuổi, rất khỏe mạnh. Tôi không thể nói với ông thêm bất cứ điều gì và xin đừng nói với người khác.” Bệnh nhân này sống được thêm bốn năm rồi qua đời. Một y tá thuộc khoa ghép thận của Bệnh viện số 4 Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh cho biết bệnh viện nơi cô làm chuyên ghép thận. Cô nói: “Chúng tôi có thể tìm được tạng cho bạn trong vài ngày tới – tất cả đều từ người còn sống.”

Một bác sỹ chuyên khoa Tiết niệu thuộc Bệnh viện Dân tộc tỉnh Quảng Tây cho hay trước đây họ đã sử dụng nguồn tạng của các học viên Pháp Luân Công nhưng sau đó gặp khó khăn trong việc lấy thêm tạng. Nhưng ông cho biết cả thận và gan đều có sẵn tại Bệnh viện số 3 của Đại học Tôn Trung Sơn, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Bác sỹ tại Bệnh viện số 3 của Đại học Tôn Trung Sơn đã xác nhận điều này: “Vâng, chúng tôi có thể tìm được ‘người hiến tạng’ là học viên Pháp Luân Công còn sống, và nội tạng sẽ có sẵn sau một hoặc hai tuần.”

Các nơi khác cũng tương tự. Y tá trưởng Vương của Trung tâm Cấy ghép thuộc Bệnh viện Đại học Trịnh Châu Số 1, tỉnh Hà Nam, cho biết họ có nguồn tạng là các học viên Pháp Luân Công trẻ tuổi. Giám đốc Bành của Trung tâm Cấy ghép Thận thuộc Bệnh viện Quân đội 460, thành phố Trịnh Châu, cho hay nguồn tạng của bệnh viện đến từ những người hiến tạng bị chết bất thường. Bác sỹ phẫu thuật của Trung tâm Cấy ghép thuộc Bệnh viện Thụy Kim Thượng Hải cho hay, người hiến tạng còn rất trẻ và thời gian chờ đợi chỉ cần hai tuần, ông nói: “Không cần hỏi thêm về người hiến tạng. Chúng tôi sẽ dùng nguồn tạng tốt.”

Bác sỹ Đại, bác sỹ phẫu thuật của Trung tâm Cấy ghép Gan thuộc Bệnh viện Đại học Giao thông Thượng Hải Số 1, cho biết họ đã tiến hành hơn 500 ca cấy ghép. Ông nói: “Bạn chỉ việc đến, chúng tôi hiện đã có người hiến tạng, họ đang ở độ tuổi 20”, “Chúng tôi có thể thực hiện việc cấy ghép sớm nhất trong vòng một tuần. Chi phí cho một lá gan là 200.000 nhân dân tệ.” Khi được hỏi ông có “người hiến tạng” là các học viên Pháp Luân Công không, ông nói ông không nói cụ thể hơn cho đến khi gặp được bệnh nhân. Các bác sỹ khoa Tiết niệu thuộc Bệnh viện trực thuộc đầu tiên của Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hải cho biết họ đã được mời lấy tạng của các học viên Pháp Luân Công, nhưng họ đã từ chối.

Bác sỹ phẫu thuật của Bệnh viện 181 thuộc Bệnh viện Quân khu Quảng Châu cho hay họ đã tiến hành khoảng 1.000 ca ghép thận, nhưng không biết nguồn tạng đến từ đâu. Tương tự, một bác sỹ phẫu thuật ở Bệnh viện Đại học Y khoa Sơn Tây Số 1 cho biết họ đã thực hiện hơn 100 ca ghép thận. Ông nói: “Những người hiến tạng đều ở độ tuổi từ 18 đến 30 và rất khỏe mạnh.” Khi được hỏi họ là những người như thế nào, ông nói ông không thể trả lời vì lo ngại cuộc trò chuyện có thể bị ghi âm.

Mỗi ca ghép tạng có đến mấy người hiến tạng dự phòng

Một bác sỹ phẫu thuật thuộc Trung tâm Cấy ghép bệnh viện tỉnh Sơn Đông cho biết họ đã thực hiện nhiều ca cấy ghép nội tạng chất lượng cao, nguồn tạng từ những người trẻ tuổi. Vị bác sỹ này nói: “Với ca ghép gan ngày hôm qua, tôi đã mổ phanh và phát hiện gan bị nhiễm mỡ. Vì vậy, tôi đã mổ người khác và thấy lá gan này tốt. Vì vậy, tôi đã sử dụng lá gan của người thứ hai để cấy ghép.” Bác sỹ phẫu thuật này cho hay mỗi ca ghép tạng thường có mấy người hiến tạng xếp hàng dự phòng, phòng trường hợp gan không tốt và ca phẫu thuật không diễn ra được như kế hoạch. Một y tá của trung tâm cấy ghép tạng này cũng nói tương tự: “Ở đây, chúng tôi có nhiều ca ghép thận, chúng tôi chưa bao giờ thiếu nguồn tạng. Có nhiều thận lắm, tất cả đều từ người còn sống.” Các bác sỹ phẫu thuật có nhiều cách để đảm bảo nguồn nội tạng, nhưng cô không thể nói nhiều hơn. Khi được hỏi có phải các học viên Pháp Luân Công là người hiến tạng hay không, cô trả lời: “Chỉ cần bệnh nhân đến, chúng tôi sẽ đảm bảo nguồn tạng sẵn sàng.”

Một người đàn ông ở trại giam Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang cho biết, trước đây, họ có thể dễ dàng tìm được “người hiến tạng” là học viên Pháp Luân Công, “Ngay bây giờ tôi có thể dễ dàng tìm được bảy hoặc tám người đàn ông dưới 40 tuổi. Nhưng [nguồn cung nội tạng] cần phải được tòa án thông qua và xét nghiệm tương thích về nhóm máu.” Bác sỹ phẫu thuật của khoa Cấy ghép Gan tại Bệnh viện Chiết Giang Số 1 cho biết họ đã thực hiện hàng trăm ca cấy ghép trong 10 năm qua. Những người hiến tạng bao gồm cả người còn sống và đã chết, một số cơ quan tạng cần phải thông qua tòa án trước. Bác sỹ Diệp Bổn Tiền của Khoa Cấy ghép Gan tại Bệnh viện Đại học Y An Huy cho biết nguồn hiến tạng được đảm bảo có trong vòng một tuần đến mười ngày. Khi được hỏi liệu các học viên Pháp Luân Công có thể là nguồn tạng vì sức khỏe tốt hay không, ông trả lời chắc chắn.

Một y tá khoa phẫu thuật Thận, Bệnh viện tỉnh Thiểm Tây cho biết, sau khi bác sỹ phẫu thuật La Vĩnh Khang của Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang Thiểm Tây đến làm ở đây, từ năm 2003 đến nay, họ đã thực hiện nhiều ca. Bác sỹ La và bác sỹ phẫu thuật chính Hoàng Khể Phúc có kinh nghiệm trong việc đảm bảo nguồn cung tạng, những người hiến tạng đều trẻ và khỏe mạnh. Y tá cho biết: “Sau khi xác định được một nhóm người hiến tạng, họ sẽ gọi cho chúng tôi để chuẩn bị sẵn sàng. Việc cấy ghép bắt đầu ngay khi họ mang tạng đến. Chúng tôi thường thực hiện ba, bốn ca cấy ghép cùng lúc. Ngay cả một số bệnh viện trước đây không thực hiện cấy ghép bây giờ cũng có thể thực hiện được.”

Một y tá khoa Ghép thận làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Tây An Số 2, tỉnh Thiểm Tây cho biết họ đã thực hiện cấy ghép nhiều năm nay. Sau khi một trung tâm cấy ghép được thành lập ngay trong bệnh viện, công việc càng thuận tiện hơn, thậm chí khoa truyền nhiễm cũng tiến hành cấy ghép gan. Ông Trương Ba, giám đốc Bệnh viện Tây Kinh có nhiều mối quan hệ để bảo đảm nguồn cung tạng ở các vùng lân cận như Hàm Dương và Vị Nam. Các bác sỹ phẫu thuật sẽ đích thân đến lựa chọn những người trẻ, khỏe mạnh để xét nghiệm máu và khả năng tương thích.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu họ [những người hiến tạng] từ chối lấy mẫu máu?” tôi hỏi.

Y tá trả lời: “Điều đó không phụ thuộc vào họ. Hơn nữa họ không biết gì cả. Họ không biết lấy mẫu máu để làm gì.”

Điều dưỡng trưởng Đào của khoa Tiết niệu thuộc Bệnh viện Đa khoa Quân khu Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, cho biết họ đã thực hiện hơn 1.000 ca ghép thận. Điều dưỡng Đào nói: “Nguồn thận của chúng tôi là tốt nhất. Tùy theo nhu cầu của bệnh nhân, việc xác định nhóm máu tương thích có thể được hoàn thành trong vài ngày, thậm chí trong cùng ngày – chúng tôi lấy máu từ người hiến tạng, chỉ hai tiếng rưỡi là có kết quả. Các bác sỹ phẫu thuật của chúng tôi đến tận nơi để đảm bảo người hiến tạng là tốt nhất.”

Bác sỹ phẫu thuật ghép gan Lưu Thụ Nhân làm việc tại Bệnh viện 458 của Không quân Quảng Đông, cho biết họ đã thực hiện 40 ca cấy ghép chỉ riêng trong năm 2002. Bác sỹ Lưu xác nhận: “Nơi cung cấp tạng được chỉ định sẵn. Đôi khi chúng tôi cũng lấy nguồn tạng từ người trung gian nữa.”

40 ca ghép gan và thận miễn phí

Vài năm trước, Bệnh viện tỉnh Hồ Nam chạy quảng cáo trên Google để mời chào miễn phí 20 ca ghép gan và 20 ca ghép thận. Bác sỹ Chu Học Lực, chuyên phẫu thuật gan mật của bệnh viện này cho biết quảng cáo đó là để nâng cao danh tiếng cho bệnh viện. Ông nói: “Nguồn nội tạng có chất lượng tốt, người hiến tạng còn trẻ. Một số là tù nhân và một số không phải tù nhân.” Khi được hỏi họ có phải là học viên Pháp Luân Công hay không, ông Chu từ chối trả lời và cúp máy.

Một y tá Khoa Gan mật của Bệnh viện Lan Châu Số 1, tỉnh Cam Túc cho biết khoa của cô đã thực hiện 4 ca ghép gan trong một tháng, trong đó 3 bệnh nhân đã chết sau vài ngày và bệnh nhân thứ tư chết trong vòng một tháng. Cô cho biết gan là do Đại học Quân y Số 4 cung cấp. Có nói: “Khi có bệnh nhân, chúng tôi sẽ gọi cho họ và họ sẽ bay đến cùng với tạng sau bốn giờ.”

Bác sỹ phẫu thuật của Bệnh viện Bệnh thận Vân Nam cho biết nội tạng thường được chuyển đến vào buổi tối. Ông nói: “Vì vậy, chúng tôi tiến hành cấy ghép tạng vào ban đêm, thường là 7-8 ca cấy ghép cùng lúc. Năm ngoái, chúng tôi đã thực hiện 150 ca.” Một bác sỹ phẫu thuật khác từ Bệnh viện Tương Nhã thuộc Đại học Trung Nam cho hay họ đã thực hiện hàng trăm ca ghép gan trong 5-6 năm qua. “Chúng tôi đảm bảo chất lượng tạng”, ông nói, nhưng không đưa ra thông tin nào về người hiến tạng.

Trong một xã hội tha hóa về đạo đức, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Một số tội ác man rợ vượt ngoài sức tưởng tượng của con người, từ việc giáo viên cưỡng hiếp học sinh đến cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Khi Giang Trạch Dân bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, ông ta đã ra lệnh “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể [của các học viên Pháp Luân Công].” Khi bộ máy nhà nước dốc toàn lực đàn áp các học viên ôn hòa và kích động lòng thù hận của công chúng, nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống đã trở thành chương đen tối nhất trong thảm kịch này.

3. Hệ thống tư pháp làm tiền, hại người

Thời cổ đại, con người trung thực và đáng tin cậy, thậm chí ban đêm cũng không cần đóng cửa. Nhưng sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, đặc biệt trong nhiệm kỳ của Giang, các chính sách chạy theo đồng tiền của ông ta đã khiến xã hội không còn an toàn, tỷ lệ tội phạm cao.

Bản thân tôi đã trải qua một số sự cố khi còn ở Trung Quốc. Tôi đạp xe đến chợ nông sản. Vì không khóa xe đạp khi vào mua hàng mà bị mất xe chỉ trong vài phút. Lần khác, khi chuẩn bị trả tiền mua hàng thì nhận ra ví của mình đã bị đánh cắp. Vào một dịp khác, tôi để bộ quần áo mới trên ghế sau của chiếc xe đạp, mải mua hàng, đến lúc quay lại thì nó đã biến mất. Và một lần khác, tôi bắt quả tang một thanh niên mặc vest lục lọi túi xách của tôi khi tôi đang đi mua sắm.

Tôi nói lớn: “Dừng lại!”, “Cậu đang làm gì thế?”

“Biết tôi đang làm gì rồi đấy thôi”, cậu thanh niên nhếch mép cười và nói với tôi. “Im đi, hoặc sẽ bị đánh!” Vì vậy, tôi che miệng và không nói thêm lời nào.

Một người bạn của tôi là cảnh sát tại Ga xe lửa Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Tôi kể cho anh ấy nghe về người thanh niên và nói rằng cậu ấy thật đáng thương, thứ cậu lấy không đáng giá nhưng nếu bị bắt thì sẽ bị đánh đập.

Bạn tôi nói: “Chúng tôi không đánh kẻ trộm vì chúng tôi móc nối với nhau, chúng chia sẻ cho chúng tôi những thứ ăn cắp được.” Nhưng đôi khi cảnh sát cũng trừng trị những tên không chia đồ lấy cắp được. Ví dụ, trên các toa tàu, cảnh sát sẽ chỉ định tên trộm nào được làm việc trong toa nào. Anh giải thích thêm: “Hễ hành khách báo mất gì, là chúng tôi biết ngay ai lấy.”

Làm ăn với bọn trộm cũng là một cách kiếm tiền. Nhưng nó chẳng là gì so với chuỗi cung ứng thu hoạch nội tạng béo bở. Sau khi Giang ra lệnh cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống, rất nhiều bệnh viện quân y đã vào cuộc như các ví dụ đã nêu trên. Từ góc độ nào thì cũng là bất hợp pháp nên các bác sỹ không thể nói về nguồn gốc nội tạng.

Một bác sỹ phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang Thiểm Tây xác nhận: “Từ năm 2000 đến 2005 [trước khi hoạt động thu hoạch nội tạng bị phanh phui vào năm 2006], chúng tôi đã thực hiện hơn 100 ca ghép thận mỗi năm. Thậm chí, chúng tôi còn có bệnh nhân đến từ Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao. Chúng tôi không thể nói về người hiến tạng vì điều đó là vi phạm pháp luật – chúng tôi chỉ có thể bí mật làm. Cả nước đều như vậy. Chúng tôi chỉ việc hỏa táng thi thể nếu không có người nhà hỏi đến. Khi có người nhà hỏi thông tin về người đã mất, chúng tôi vẫn hỏa táng và đưa cho họ lọ đựng tro cốt, nói rằng người đó đã chết vì một căn bệnh cấp tính. Nhiều gia đình thậm chí còn không nhận được tro cốt.”

Tôi hỏi: “Người hiến tạng có biết không?”

Bác sỹ phẫu thuật trả lời: “Không, họ không biết. Chúng tôi chỉ nói với họ rằng đang có bệnh truyền nhiễm nên việc lấy máu là cần thiết. Nhân viên tòa án dẫn chúng tôi đến gặp người hiến tạng.”

Tôi hỏi tiếp: “Nếu họ từ chối lấy máu thì sao?”

Bác sỹ trả lời: “Cảnh sát vũ trang sẽ đánh đập họ. Họ sẽ bị cưỡng chế lấy máu.”

Bác sỹ nói thêm: “Tòa án cấp trung cấp thành phố đang xử lý việc này, họ là một khâu trong chuỗi cung ứng tạng. Bệnh viện mà liên hệ trực tiếp với trại giam, trại lao động hay nhà tù thì đều không được. Ngay lúc này, quân đội và các quan chức địa phương đang hối lộ tòa án – ai trả nhiều tiền hơn sẽ có được người hiến tạng. Từ chủ tịch tòa án đến các quan chức tòa án hình sự, chúng tôi phải hối lộ từng người trong số họ. Trước kia, mỗi lần, họ còn cung cấp được cho chúng tôi rất nhiều người hiến tạng. Bây giờ, mỗi lần, họ chỉ có thể cung cấp vài người thôi.”

Khi tôi thuyết phục ông ngừng cấy ghép tạng, ông nói điều đó không phụ thuộc vào ông, “Bệnh viện sẽ khiển trách chúng tôi không mang lại lợi nhuận vì bệnh viện tính phí cung cấp tạng cho chúng tôi và họ cũng cần tiền để hối lộ tòa án. Đôi khi tòa án sẽ cho chúng tôi biết khi có một lô [người hiến tạng], và nếu chúng tôi từ chối lời mời của tòa án, thì họ sẽ không ngó ngàng đến chúng tôi trong những đợt tiếp theo nữa – chúng tôi phải giữ uy tín khi làm nghề này.”

Sau khi tôi nói với ông về nạn thu hoạch nội tạng bị phanh phui tại Trại Lao động Tô Gia Đồn, ông nói ĐCSTQ vẫn luôn tàn nhẫn: “Tôi biết đó là một công việc rủi ro, một ngày nào đó Đảng có thể quay lưng lại và giết chúng tôi. Tòa án biết có những trường hợp là học viên Pháp Luân Công. [Các bác sỹ] chúng tôi giả vờ không biết gì. Cả nước đều như vậy. Nếu một ngày nào đó Đảng tìm đến tôi, vô số bác sỹ trên đất nước này cũng sẽ bị hành quyết.”

Tương tự, một bác sỹ chuyên khoa Tiết niệu của bệnh viện Hữu nghị Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) cũng thừa nhận rằng, bệnh viện giữ quan hệ “tốt” với tòa án thì sẽ dễ lấy thận hơn. Không chỉ tòa án, mà cả cảnh sát cũng có liên quan chặt chẽ.

Vương Lập Quân, nguyên Giám đốc Sở Công an Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, thành lập “Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Tại chỗ” đặc biệt. Một trong những sản phẩm của ông có tên là “Thiết bị tác động chấn thương thân não tiền phát”, có thể hạ gục một người ngay lập tức trong quá trình thu hoạch nội tạng. Sau khi giành được giải thưởng cho “phát minh” này và có bài phát biểu vào tháng 9 năm 2006, ông ta cho biết, “Khi chúng tôi thấy một người được đưa đến nơi hành quyết, chỉ trong vài phút, mạng sống của người này được chuyển hóa để kéo dài sự sống cho người khác. Thật chấn động tâm can. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng.”

“Phát minh” của Vương dựa trên nhiều trường hợp cưỡng bức thu hoạch nội tạng thảm khốc và nhằm mục đích khiến cơn ác mộng kéo dài hơn nữa. Ông ta nói: “Thành tựu khoa học và công nghệ của chúng tôi trong lĩnh vực này là sự kết tinh của hàng nghìn cuộc thử nghiệm chuyên sâu tại chỗ với nỗ lực của nhiều người trong chúng tôi.”

Tôi hỏi một bác sỹ phẫu thuật là một đối tượng của “thí nghiệm” tại chỗ của Vương.

“Đó đều là học viên Pháp Luân Công phải không?”

Ông trả lời: “Phải.”

Bước sang năm 2023, chúng ta đang đối mặt với nhiều bất trắc trong thế giới này, bao gồm cả làn sóng gia tăng COVID bất thường đang diễn ra tại Trung Quốc gần đây. Song trước hết và trên hết, chúng ta phải chấm dứt những tội ác phạm phải dưới sự cai trị của ĐCSTQ đối với người dân vô tội, từ những cô bé khóc một cách bất lực cho đến những học viên Pháp Luân Công bị “mất tích” chỉ vì có đức tin để trở thành những công dân tốt hơn. ĐCSTQ đã viết nên một chương đen tối ghê rợn trong lịch sử, chúng ta phải chấm dứt cơn ác mộng này để thế hệ tiếp theo có thể sống trong một thế giới hòa bình và an toàn.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/3/454438.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/4/206034.html

Đăng ngày 13-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share