Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-10-2022] Một cựu kỹ thuật viên cảnh sát ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã bị kết án 3 năm tù vào tháng 8 năm 2022 vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công, pháp môn đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ông Đổng Di Nhiên (61 tuổi) bị bắt vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 khi đang phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, và một số dụng cụ dùng làm tài liệu của ông đã bị cảnh sát tịch thu.

Ông Đổng bị đưa đến trại tạm giam quận mới Thẩm Bắc vào ngày 1 tháng 3 và sau đó bị chuyển đến trại tạm giam quận Hòa Bình. Sau đó cảnh sát đã chuyển hồ sơ của ông tới Viện Kiểm sát quận Vu Hồng, nhưng viện đã trả lại hồ sơ vì không đủ bằng chứng. Tuy nhiên, khi cảnh sát nộp lại hồ sơ vụ án của ông Đổng vào ngày 20 tháng 5, công tố viên đã tiếp nhận và sau đó chuyển vụ việc của ông đến Tòa án quận Vu Hồng vào ngày 15 tháng 6.

Tòa án quận Vu Hồng đã xét xử ông Đổng từ xa qua video vào ngày 4 tháng 8. Tòa chỉ định một luật sư làm người đại diện cho ông. Thẩm phán đã kết án ông 3 năm tù vào ngày 7 tháng 8. Kể từ sau khi ông bị đưa đến Nhà tù Số 2 thành phố Thẩm Dương, lãnh đạo nhà tù đã cấm gia đình ông vào thăm, gửi nhu yếu phẩm hàng ngày hoặc gửi tiền vào thẻ cho ông.

Chị gái của ông Đổng, bà Đổng Tân Hoa, hiện đang định cư tại Los Angeles (Hoa Kỳ) đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho em trai trong một cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc vào ngày 18 tháng 7 năm 2022.

Bà Đổng nói: “Anh trai cả Đổng Hân Nhiên của tôi đã mất mạng vì bị tra tấn trong lúc bị chính quyền giam giữ phi pháp. Sống trong nỗi sợ hãi thường trực và áp lực tinh thần khủng khiếp từ việc các anh chị em chúng tôi bị bức hại mà mẹ tôi cũng đã qua đời. Một người em trai khác của tôi là Đổng Di Nhiên đã từng hai lần bị lĩnh án lao động cưỡng bức và một lần bị cầm tù với tổng cộng 7,5 năm. Khi cậu ấy được thả, một người đàn ông trung niên vốn cường tráng khỏe mạnh giờ đã già đi đáng kể. Cậu ấy trở thành một ông lão gầy trơ xương với đầu tóc bạc trắng”.

ae108e2af37fc86b0524fb6024da84b4.jpg

Bà Đổng Tân Hoa cầm một tấm bảng có ghi “Hãy thả em trai tôi Đổng Di Nhiên ngay lập tức”

Sức khỏe được cải thiện nhờ tu luyện Pháp Luân Công

Tháng 3 năm 1994, ông Đổng Di Nhiên đã mua một cuốn sách Pháp Luân Công trong khi đi Bắc Kinh công tác. Trong vài tháng kế tiếp, ông đã tham dự hai khóa giảng Pháp và một cuộc hội thảo do ông Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Công, tổ chức.

Sống theo tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công, ông Đổng đã không còn chay theo danh lợi và các ham muốn vật chất nữa. Thay vào đó, tâm ông trở nên rộng mở và luôn nghĩ cho người khác trước.

Ông Đổng từng bị bệnh dạ dày nặng do ăn uống thất thường. Không lâu sau khi ông tu luyện Pháp Luân Công, ông đã khỏi bệnh và có sức khỏe tốt.

Bị cơ quan công an sa thải

Ngày 25 tháng 4 năm 1999, 10.000 học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh và các khu vực lân cận đã đi tới Văn phòng Kháng nghị Quốc gia của Quốc vụ viện để kháng nghị vì một môi trường ôn hòa để thực hành đức tin của họ, sau khi một ấn phẩm của Pháp Luân Công bị cấm và một số học viên ở Thiên Tân đã bị bắt chỉ vì yêu cầu một tờ tạp chí rút lại các bài báo vu khống Pháp Luân Công.

Ông Đổng cũng đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện, nhưng sau nhiều lần bị hoãn, đến ngày 26 tháng 4 ông mới tới đó. Lúc này mọi ngả đường dẫn đến văn phòng kháng cáo quốc gia đã bị đóng cửa và được cảnh sát canh gác nghiêm ngặt, nên ông đã bắt chuyến tàu trở lại Thẩm Dương vào buổi tối. Ngày hôm sau, cấp trên của ông (vốn biết về chuyến đi tới Bắc Kinh của ông) đã nói chuyện với ông và cố gắng gây áp lực để ông từ bỏ Pháp Luân Công.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày cuộc đàn áp chính thức bắt đầu, ông Đổng đã bị giam trong một đồn công an để tẩy não và không được về nhà trong nhiều ngày.

Tháng 9 năm 1999, cấp trên của ông đã nói chuyện với ông một lần nữa và hỏi liệu ông có tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công hay không. Ông khẳng định rằng ông sẽ không từ bỏ đức tin của mình. Người cấp trên này đã cố gắng gây áp lực lên ông vài lần nữa. Khi thấy ông vẫn kiên định, ban lãnh đạo đã ra lệnh cho ông nộp đơn từ chức vào cuối tháng 9. Ông Đổng từ chối và bị sa thải vào ngày 15 tháng 10 năm 1999.

Bị giam trong trung tâm tẩy não

Ông Đổng và mẹ ông, bà cụ Lương Dục Cầm, đã bị bắt vào ngày 9 tháng 11 năm 2000. Cảnh sát đã tịch thu tài liệu thông tin Pháp Luân Công của họ và tra hỏi về nơi họ lấy tài liệu.

Ông Đổng, mẹ và em gái ông lại bị bắt vào tháng 1 năm 2001 và bị giam trong một trung tâm tẩy não. Họ bị cưỡng chế xem các video về vụ tự thiêu giả mạo Thiên An Môn và sau đó viết báo cáo tư tưởng. Các nhân viên của trung tâm tẩy não giám sát chặt chẽ họ và hàng ngày đều ra lệnh cho họ từ bỏ Pháp Luân Công.

Bản án lao động đầu tiên với thời hạn 2 năm

Lần bắt giữ tiếp theo của ông Đổng xảy ra vào ngày 28 tháng 4 năm 2002, khi cảnh sát phát hiện ông cung cấp tài liệu Pháp Luân Công cho các học viên khác để phân phát. Ông bị kết án 2 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Trương Sỹ.

Lính canh bắt ông và các học viên khác ngồi kẹp lấy nhau, theo đó người ngồi sau áp ngực vào lưng của người ngồi trước. Sau khi ngồi như vậy trong vài giờ, các học viên đều toát mồ hôi đầm đìa.

Lính canh tù cũng cấm ông Đổng ngủ trong suốt 24 ngày. Đôi chân ông sưng đến nỗi ông chỉ có thể mang dép chứ không mang được giày. Sau đó, họ đưa ông đến Trung tâm tẩy não Trương Sỹ để tiếp tục bức hại thêm.

Bản án lao động 2,5 năm

Mặc dù ông Đổng được trả tự do trước hạn, ông lại bị bắt một lần nữa vào ngày 20 tháng 1 năm 2004 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Khi ông từ chối tiết lộ tên của mình, cảnh sát đã khống chế ông trên ghế thẩm vấn và giẫm lên ngực ông. Khuôn mặt ông bầm tím và sưng vù với đôi mắt đỏ ngầu vì bị đánh đập.

Đồn phó Tống Thiết Quân của Đồn Công an Nộ Giang không ngừng dội nước lạnh lên cổ áo của ông Đổng khiến quần áo của ông hoàn toàn ướt sũng. Sau đó, Tống bật quạt thổi thẳng vào người ông Đổng từ nửa đêm đến sáng hôm sau và mở cửa sổ để ông tiếp xúc với nhiệt độ đóng băng cóng bên ngoài.

Hai ngày sau, vào ngày Tết Nguyên đán, cảnh sát đã phi pháp ra quyết định phạt ông Đổng 2,5 năm lao động cưỡng bức. Ông đã tuyệt thực để phản bức hại. Đến ngày thứ 8, ông bị suy thận và được đưa vào bệnh viện hồi sức. Ông bị đưa trở lại trại tạm giam Hoàng Cô vào ngày hôm sau và bị truyền tĩnh mạch trong 8 ngày. Ngay sau khi ông vừa hồi phục được một chút, lính canh đã chuyển ông đến Trại Lao động Cưỡng bức Trương Sỹ.

Trong trại lao động, bác sỹ đã bức thực và đổ lỗi ông Đổng đã gây rắc rối cho anh ta và nhét ống truyền thức ăn vào mũi ông và liên tục đẩy vào rồi kéo ra nhằm tra tấn ông.

Vài ngày sau đó, ông Đổng bị đưa đến Trung tâm tẩy não Trương Sỹ để giam giữ 1 tháng trước khi bị đưa trở lại trại lao động. Khi trại lao động này bị giải thể vào tháng 11 năm 2004, ông bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Thẩm Tân.

Kết án 3 năm tù

Ngày 27 tháng 2 năm 2010, ba cảnh sát đã có mặt tại trạm xăng mà ông Đổng làm việc để bắt giữ ông. Ông từ chối trả lời mọi câu hỏi của cảnh sát và bị đưa đến trại tạm giam vào buổi tối.

Chỉ khi một công tố viên từ Viện Kiểm sát Đại Đông đến thẩm vấn ông Đổng, ông mới biết là cảnh sát đã bắt giữ ông vì có người tố cáo ông đưa tài liệu Pháp Luân Công cho một người nào đó vào ngày 25 tháng 2. Ông Đổng phủ nhận cáo buộc này vì ông đã kết thúc ca đêm vào lúc 8 giờ sáng ngày 25 tháng 2 và về nhà ngay sau đó. Nhưng người tuyên bố là đã nhận tài liệu từ ông nói rằng sự việc đã xảy ra vào cuối ngày hôm đó.

Mặc dù thiếu bằng chứng, Tòa án Đại Đông vẫn kết án ông Đổng 3 năm tù.

Ngày 15 tháng 2 năm 2011, ông Đổng đã bị đưa đến một chi nhánh nhà tù dành cho các tù nhân mới bị kết án. Ông bị đánh thức vào lúc 5 giờ sáng và bị tẩy não suốt 16 tiếng trong khi phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ mà không nhúc nhích. Thời gian ngồi dài như vậy đã khiến mông và lưng ông vô cùng đau nhức. Lính canh cũng ra lệnh cho ông bước đi với hay tay đưa ra sau lưng và đầu cúi xuống.

Ông Đổng đã bị chuyển đến Nhà tù Bàn Cẩm vào ngày 28 tháng 3 năm 2011. Trong tháng đầu tiên bị tẩy não chuyên sâu, ông đã bị đánh vào đầu vì không đeo thẻ tên tù nhân.

Trưởng ban giáo dục nhà tù Hồ Hiểu Đông đã đưa ông Đổng đến một căn phòng không có cửa sổ vào tháng 5 năm 2011. Ông ta còng tay và chân ông Đổng vào bốn chiếc vòng kim loại được gắn cố định trên tường và sốc điện ông bằng bốn chiếc dùi cui điện, dùng nắm đấm chà mạnh vào xương sườn và dùng thước nhựa đánh vào phía bên đùi trong của ông Đổng, khiến phần đùi của ông Đổng nhanh chóng bị sưng lên. Tra tấn sốc điện, đặc biệt là vào vùng nách, xương sườn, cổ, ngực và đùi của Đổng, kéo dài liên tục từ tối đến sáng hôm sau.

Ông Đổng bị đưa đến Nhà tù Bản Khê vào ngày 8 tháng 5 năm 2012, và bị cưỡng bức lao động 15 giờ may quần áo mỗi ngày mà không được trả công. Ông không được nghỉ một ngày nào trong 8 tháng đầu tiên ở đó. Ông được trả tự do vào ngày 26 tháng 2 năm 2013.

Sự qua đời của mẹ và anh trai

Anh trai cả Đổng Hân Nhiên của ông đã bị đưa tới trung tâm tẩy não 2 lần và bị lĩnh án 3 năm lao động cưỡng bức vào tháng 10 năm 2001.

Ông đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn trong khi bị giam giữ, bao gồm cấm ngủ, đánh đập, sốc điện, đốt bằng tàn thuốc lá và xuyên tăm vào móng chân. Ngoài tra tấn, ông còn bị cưỡng bức lao động khổ sai trong nhiều giờ đồng hồ.

Ông Đổng được tại ngoại điều trị y tế vào tháng 12 năm 2001 nhưng lại bị bắt vào ngày 31 tháng 3 năm 2004, sau khi liên tục thay đổi chỗ ở để tránh bị bức hại. Ông bị cảnh sát tra tấn tàn bạo và phải nhập viện.

Khi vợ ông Đổng đến thăm ông tại bệnh viện vào ngày 4 tháng 6 năm 2004, ông đã vô cùng tiều tụy và hôn mê bất tỉnh. Bác sỹ đã ban hành tình trạng nguy kịch của ông hai ngày trước đó. Ông bị thương do điện giật và bỏng thuốc lá khắp người. Trong miệng ông có những cục máu đen do bị bức thực, và cổ tay phải của ông bị gãy. Cảnh sát đã đồng ý thả ông sau khi vợ ông nộp 3.000 nhân dân tệ chi phí y tế và 5.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh.

Sau khi trở về nhà ông Đổng không thể phục hồi và nằm liệt giường suốt 10 năm và qua đời vào ngày 12 tháng 11 năm 2013, hưởng dương 58 tuổi.

Mẹ của mấy anh chị em ông Đổng, bà cụ Lương, đã bị giam trong một trung tâm tẩy não 2 lần. Nhà của bà cụ bị lục soát 3 lần. Năm 2002, khi ở tuổi 73, bà cụ phải liên tục thay đổi chỗ ở trong suốt 6 tháng để tránh bị bắt giữ.

Tồi tệ hơn nữa, chính quyền đã cưỡng chế phá hủy ngôi nhà của họ vào tháng 11 năm 2007. Đối mặt với áp lực tài chính và căng thẳng tinh thần cực độ, bà cụ đã qua đời vào tháng 7 năm 2008, ở tuổi 79.

Bài liên quan:

Los Angeles, Hoa Kỳ: Kháng nghị ôn hòa trước Lãnh sự quán Trung Quốc kêu gọi giải cứu thân nhân bị bức hại ở Trung Quốc

Một gia đình bị bức hại: Người mẹ già qua đời, con trai bà tiếp tục bị bắt, người con trai khác bị bại liệt vì bức hại

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/29/451255.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/11/4/204590.html

Đăng ngày 09-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share