Bài viết của một học viên ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-09-2022] Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh viêm gan B, trong đó Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với khoảng 80 triệu người mắc bệnh.
Viêm gan có thể phân thành các loại A, B, C, D và E. Loại B là loại phổ biến nhất và nó cũng có thể tiến triển xấu thành xơ gan hoặc ung thư gan. Khoảng 80% ca mắc bệnh ung thư gan ở Trung Quốc bắt nguồn từ viêm gan B. Mặc dù không có phương pháp điều trị y tế nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B, nhưng một số bệnh nhân không cần điều trị mà đã khỏi hẳn căn bệnh sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Dưới đây là một số ví dụ.
Giảng viên tại Học viện Cảnh sát Vũ trang
Ông Trương Kỳ Bình
Ông Trương Kỳ Bình là giảng viên của Khoa Quản lý Bộ đội tại Học viện Cảnh sát Vũ trang Lang Phường (hiện nay là Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc) ở tỉnh Hà Bắc, cấp bậc Trung đoàn phó.
Ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B mãn tính vào năm 1988, và kết quả tái khám tại Bệnh viện Quân y 310 năm 1989 cho thấy ông bị xơ gan. Ông buộc phải nghỉ dưỡng bệnh hơn 8 năm. Trong thời gian đó, ông phải uống thuốc hàng ngày, đi khám bác sĩ hàng tháng và nhập viện hàng năm. Mặc dù ông được hưởng chế độ chăm sóc y tế hàng đầu, nhưng thuận theo thời gian, bệnh của ông ngày càng nặng hơn.
Ông Trương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 4 tháng 10 năm 1996. Không lâu sau, ông có thể ăn và ngủ được, và lại dồi dào sinh lực. Mặc dù không phải tốn một xu nào nhưng bệnh của ông đã được chữa khỏi và ông khoẻ mạnh hơn bao giờ hết. Vợ ông nói: “Em đã cho là mình sẽ phải ở góa trong suốt phần đời còn lại rồi. Thật vui mừng khi anh đã khoẻ lại!”
Thế nhưng sau này, ông Trương bị cấp trên bắt giữ, tạm giam, và bị cách chức chỉ bởi đức tin của ông vào Pháp Luân Đại Pháp. Sau đó, ông đã buộc phải giải ngũ.
Diễn viên phim điện ảnh và truyền hình
Cô Phùng Quyên là diễn viên của Hãng phim Tân Thế Kỷ (New Century)
Cô Phùng Quyên sinh ra tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B mãn tính lúc cô năm tuổi. Tin này đã giáng một đòn nặng cho cô và cha mẹ cô.
Họ bắt đầu một hành trình dài đầy gian khổ để tìm cách chữa bệnh cho cô. Họ đã thử qua Tây y, Trung y, và thậm chí cả bói toán. Bất cứ khi nào có loại thuốc mới chữa bệnh viêm gan, họ đều sẽ thử. Việc này kéo dài khoảng 5 năm và gia đình cô đã gần như cạn sạch tiền tiết kiệm, nhưng bệnh tình của cô Phùng vẫn không cải thiện.
Đến khi cô Phùng bắt đầu học cấp hai, nhà trường nghe nói cô bị bệnh viêm gan B. Sợ cô lây bệnh cho người khác, nhà trường đã đề nghị cô tạm nghỉ học một năm. “Tôi buồn đến mức cảm thấy như trời đất sụp đổ…”, cô kể lại.
Tuyệt vọng, mẹ cô đưa cô đi xét nghiệm một lần nữa. Vì cô mắc bệnh từ lúc nhỏ và việc điều trị kéo dài qua nhiều năm mà không hiệu quả, một chuyên gia y tế đã kết luận rằng bệnh của cô cuối cùng sẽ chuyển biến thành ung thư gan và cô sẽ không sống quá tuổi 20.
Cô Phùng nói: “Tôi cảm thấy như mình đã bị tuyên án tử, mà sẽ bị hành hình khi đến tuổi 20. Tôi cũng từ bỏ mọi phương pháp điều trị và phó mặc bản thân cho số phận an bài”. Tính tình cô ngày càng nóng nảy và cô cũng bị suy giảm trí nhớ.
May mắn thay, cô đã sống sót qua tuổi 20 và may mắn bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở tuổi 22. Tính tình và trí nhớ của cô được cải thiện. Sau khi kết hôn, cô và chồng chuyển đến Canada vào năm 2016. Không lâu sau, cô Phùng phát hiện ra mình đã có thai. Vì tiền sử mắc bệnh và tính chất lây nhiễm của virus viêm gan B, cô lo rằng căn bệnh sẽ di truyền sang em bé.
“Điều bất ngờ đối với tôi là, sau khi em bé được sinh ra, tất cả kết quả xét nghiệm đều tốt. Bác sĩ nói con tôi là một em bé rất khoẻ mạnh!” Cô Phùng nhớ lại: “Các kết quả xét nghiệm của tôi cũng tốt. Mãi cho đến khi đó tôi mới nhận ra căn bệnh viêm gan đã biến mất trong bốn năm tôi tu luyện”.
“Tôi vô cùng biết ơn Pháp Luân Đại Pháp và Sư phụ Lý, Nhà sáng lập pháp môn”, cô nói.
Viêm gan và xơ gan
Ông Trương Quốc Ngọc, 50 tuổi, là nông dân ở huyện Lĩnh Thành, thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông. Tháng 9 năm 2012, cả hai chân của ông đều bị sưng phù và bệnh viện huyện chẩn đoán ông mắc bệnh viêm gan. Kết quả tái khám tại Bệnh viện Đức Châu cho thấy ông bị xơ gan cổ trướng. Mọi phương pháp chữa trị cho ông đều không có tác dụng. Bụng của ông phình to như phụ nữ mang thai sắp sinh nhưng thân thể ông rất tiều tuỵ. Sau khi được chuyển đến Khoa Bệnh Gan của Bệnh viện Truyền nhiễm Tế Nam, ông được điều trị thêm nhưng bệnh tình vẫn không mấy cải thiện.
Lúc đó, ông Trương được đưa về nhà dưỡng bệnh. Một tháng sau, ông bắt đầu ngủ mê man và sau đó rơi vào trạng thái hôn mê, cận kề cửa tử. Gia đình đưa ông vào bệnh viện huyện để cấp cứu. Tối hôm đó, họ cũng chuẩn bị sẵn đồ khâm liệm và quan tài cho ông.
Một trong số những người bà con của ông là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi biết về tình trạng sức khoẻ của ông, bà đã bảo cả gia đình ông ghé sát tai ông niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Sáng hôm sau, ông Trương đã tỉnh lại một cách thần kỳ, khiến bác sĩ vô cùng kinh ngạc. Dần dần, độ đạm của ông cũng được cải thiện.
Ấn tượng bởi những cải biến sức khoẻ của mình, ông Trương dừng phương pháp điều trị đắt tiền mà ông không còn đủ khả năng chi trả và quay về nhà để tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cũng như những học viên khác, ông cũng bắt đầu chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để tu tâm tính trở thành một công dân tốt hơn. Hai tháng sau, ông đã có thể luyện công và cái bụng căng phồng của ông đã trở lại bình thường. Sau đó, ông có thể đi lại và làm việc như một người khoẻ mạnh.
Viêm gan 18 năm đã biến mất hoàn toàn trong hai ngày
Bà Mao Phượng Anh (phải) và chồng bà, ông Hiệp Đồng Quý (trái), và hai người con của họ (Ảnh chụp ở Toronto năm 2003).
Bà Mao Phượng Anh là y tá tại Bệnh viện liên kết Số 1 của Đại học Y Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Năm 1978, lúc bà 20 tuổi, bà bị trướng bụng, kèm theo mệt mỏi và miệng khô đến mức không còn nước bọt. Bà cũng chảy rất nhiều mồ hôi khi ngủ, đến mức cả gối và chăn đều ướt sũng.
Bà được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan. Tệ hơn nữa, bệnh gan của bà lại là loại C mãn tính, là dạng khó điều trị nhất trong số các loại viêm gan.
Bà Mao ngày ngày sống trong nước mắt và cả gia đình bà vô cùng lo lắng. Họ đã tìm đến những bệnh viện tốt nhất ở tỉnh Cam Túc để khám chữa, nhưng vô ích. Cuối cùng, họ đến Bắc Kinh và tìm được một bác sĩ có xuất thân là con cháu của một ngự y trong triều. Là chuyên gia về viêm gan, bác sĩ này là một trong những bác sĩ hàng đầu ở Trung Quốc và bệnh nhân của ông bao gồm cả các cán bộ cấp cao ở trung ương. Mặc dù bác sĩ chỉ nhận chữa cho 20 bệnh nhân trong một tuần, song bà Mao may mắn đặt được lịch hẹn với ông ấy. Cuối cùng bác sĩ kết luận bệnh của bà không thể cứu chữa.
Gia đình bà không bỏ cuộc. Họ tìm các bài thuốc dân gian và còn đến các đền chùa để cầu khấn, nhưng không có tác dụng. Một lần sau khi kiểm tra sức khoẻ định kỳ vào năm 1996, bà Mao không dám nhìn vào các kết quả đáng sợ của mình.
Bà khóc và hỏi bác sĩ: “Tôi có thể sống được 6 tháng nữa không?”
Bác sĩ an ủi bà: “Chị có thể sống được một năm nữa“.
Bà Mao suy sụp tinh thần và không biết mình đã về nhà bằng cách nào.
Một người hàng xóm đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho bà vào ngày 21 tháng 7 năm 1996. Bà tham gia nhóm luyện công vào sáng hôm sau và bắt đầu đọc sách Chuyển Pháp Luân sau khi về nhà. Trong lúc đọc sách, bà ngạc nhiên khi thấy miệng của bà đã có nước bọt trở lại và bà thấy nó còn có vị ngọt nhẹ. Hơn nữa, cơn đau bụng mãn tính cũng được chữa khỏi. Ban đêm khi ngủ bà cảm thấy toàn thân ấm áp nhưng không bị toát mồ hôi.
Bà Mao nhớ lại: “Tôi rất chấn động. Làm sao mà cuốn sách lại có hiệu quả kỳ diệu đến vậy! Căn bệnh viêm gan C hành hạ tôi suốt 18 năm đã biến mất không còn chút tung tích chỉ trong 2 ngày”.
Một tuần sau, bà khoẻ mạnh và quay lại bệnh viện tìm gặp vị bác sĩ trước đó đã chẩn đoán rằng bà chỉ còn sống được một năm. Bà mỉm cười bảo bác sĩ rằng bà đã hồi phục sức khoẻ.
“Ông ấy nhìn tôi mà không nói một lời nào. Có lẽ ông ấy nghĩ tôi bị chấn thương tâm lý nặng đến mức nói những điều vớ vẩn. Ông ấy không dám nói bất cứ điều gì vì sợ khiến tôi kích động, rồi rời khỏi phòng”, bà Mao nói.
Sau đó khi bà cho bác sĩ xem các kết quả xét nghiệm, bác sĩ nhìn chằm chằm vào từng dòng kết quả và không thể tin vào mắt mình.
“Tôi có thể nói rằng lúc ấy ông ấy thực sự bị sốc vì đây đúng là phép màu, là điều vượt quá giới hạn kiến thức và đào tạo y khoa của ông ấy”, bà Mao nói.
Là một y tá, bà Mao cũng không thể lý giải được điều này. Nhưng giống như các học viên Pháp Luân Đại Pháp khác, bà vui mừng khôn xiết bởi những gì Pháp Luân Đại Pháp đã mang đến cho bà. “Không lời nào có thể diễn tả được lòng biết ơn của tôi đối với Pháp Luân Đại Pháp và tôi chân thành khuyên mọi người hãy tu luyện pháp môn này”.
(Còn tiếp)
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/7/446888.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/10/202723.html
Đăng ngày 29-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.