Bài viết của Khám Nghi Mông

[MINH HUỆ 15-09-2022] Ngày Tết Trung thu năm nay, khi nhà nhà ở Trung Quốc đoàn viên bên nhau, thì một gia đình ba người ở thôn Đông Nho Lai, thị trấn Mông Âm, huyện Mông Âm, tỉnh Sơn Đông lại sẽ vĩnh viễn không bao giờ có thể còn được đoàn tụ bên nhau.

Bởi chính quyền bức hại Pháp Luân Công, pháp môn mà gia đình họ cùng tu luyện, người mẹ đã qua đời một cách oan uổng ở tuổi 47 vào ngày 19 tháng 8 năm 2015. Sáu năm sau người cha qua đời vào ngày 19 tháng 6 năm 2021 khi ngoài 60 tuổi. Người con gái còn sống sót duy nhất của gia đình họ hiện đang thụ án 7 năm tù, cũng chỉ vì kiên định đức tin của mình.

Một gia đình tuyệt vọng được Pháp Luân Công cứu rỗi

Ông Tôn Phi Tiến và vợ là bà Vu Tại Hoa đều là nông dân. Họ từng mắc nhiều căn bệnh và con gái họ là cô Tôn Ngọc Kiều cũng bị bệnh tật ngay từ khi mới lọt lòng. Gia đình họ sống trong cảnh bần hàn và luôn cảm thấy phiền muộn. Hàng xóm thường nghe tiếng gào khóc và cãi nhau om sòm phát ra từ nhà họ.

Ngay sau khi một nhà ba người họ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, mọi căn bệnh của họ đều biến mất. Bởi chiểu theo Pháp lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của pháp môn, bà Vu đã cải biến thành một người ôn hòa thiện lương, tận hiếu với cha mẹ chồng, điều này đã giúp gia đình bà trở nên hòa thuận và luôn tràn ngập tiếng cười.

Hai vợ chồng bà Vu đã giới thiệu Pháp Luân Công cho người thân và bè bạn. Chứng kiến sự thay đổi của họ, nhiều người cũng đã bước vào tu luyện.

Sự bất công

Được thụ ích to lớn từ Pháp Luân Công, hai vợ chồng quyết định lên tiếng nói lời công đạo cho pháp môn khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp pháp môn trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999.

Ngày 10 tháng 12 năm 1999, bà Vu và một vài học viên trong thôn đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Họ bị bắt và giam trong Đội Cảnh sát Số 2 ở huyện Mông Âm. Cảnh sát cũng tịch thu 540 nhân dân tệ mà bà Vu mang theo bên người. Hai ngày sau, bà bị chuyển đến Trại tạm giam Mông Âm và bị nhốt ở đó một tháng. Cảnh sát yêu cầu bà phải báo cáo cho họ mỗi tuần sau khi được thả.

Khi bà bị giam giữ, bí thư Công Phi Bảo của Uỷ ban Chính trị và Pháp luật thị trấn Mông Âm, cùng đội trưởng Trương Chí Kiên của Đội Cảnh sát Số 2 đã tới lục soát nhà bà. Họ tịch thu tủ đông, TV và tất cả tài sản có giá trị khác của gia đình. Sau đó trong một buổi tẩy não các học viên địa phương, Công còn nói trong khi đột kích nhà bà Vu, cảnh sát lấy đi mọi thứ có giá trị, thậm chí không bỏ sót dù chỉ một nửa túi bột giặt.

Tất cả những học viên địa phương đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện đã bị bắt và nhanh chóng bị đưa đến trung tâm tẩy não. Ban đầu chính quyền cho phép họ về nhà sau khi tẩy não, nhưng sau đó lại bắt đầu tra tấn họ vì họ từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.

Các học viên, trong đó có vợ chồng bà Vu, bị bắt phải ngồi dưới cái nắng nóng gay gắt trong thời gian dài. Cảnh sát cũng bắt họ phải ngồi trên sàn bên tông với hai tay chạm vào ngón chân, hoặc cúi gập người 90 độ khi đang đứng với hai bàn tay chạm xuống sàn nhà.

Ông Tôn bị đánh đập tàn bạo nhất. Sau khi đánh ông ngã xuống đất, hai cảnh sát còn giẫm chân lên đầu ông và ấn ông xuống. Trận đánh đập để lại một cục sưng to và cứng trên cánh tay của ông.

0ad27f8e320eeef661811ae2a51d037d.jpg

Tranh vẽ minh hoạ việc cảnh sát tra tấn đánh đập học viên

Ngày 2 tháng 7 năm 2000, bà Vu bị giam ở Phòng 610 đặt cơ sở tại Trường Trung cấp Nghề huyện Mông Âm. Một đêm nọ, một lính canh đã đánh đập bà sau khi anh ta say rượu. Anh ta bắt bà ngồi xổm dưới một cái rãnh và đánh đập bà. Sau đó, lính canh này cùng một số người khác kéo bà lên rồi đá và giẫm lên đầu và cổ của bà. Họ đánh vào mặt bà cho đến khi mũi, miệng và tai bà chảy máu. Mặt bà sưng vù đến nỗi không thể mở nổi mắt. Hai tuần sau bà mới hồi phục, nhưng, cảnh sát lại không thừa nhận các vết thương của bà là do bị đánh đập, mà lật lọng rằng đó là do phòng giam bị thiếu ánh sáng mặt trời tạo thành. Một tuần sau, hai mắt của bà bắt đầu đau nhức và bà được thả không lâu sau đó.

Ngày 20 tháng 10 năm 2000, một cảnh sát Phòng 610 cùng một cảnh sát khác đi đến nhà bà Vu và bắt bà đến Đội Cảnh sát Số 2. Vương Vĩ đá bà khi bà từ chối hợp tác thẩm vấn. Xương đòn của bà bị gãy sau khi bị đá ba cái, nó khiến bà vô cùng đau đớn. Vương nói với bà: “Vu Tại Hoa, mặc dù bây giờ bà ngoan cố nhưng chúng tôi có rất nhiều cách khiến bà phải mở miệng. Hãy đợi đến khi chúng tôi sốc điện bà bằng dùi cui điện! Lúc đó chắc chắc bà phải chịu thua thôi!”

Chín ngày sau, bà Vu bị chuyển đến Phòng 610 huyện. Mực dù bà bị đau đầu nhưng vẫn phải giơ hai tay lên và đứng úp mặt vào tường liên tục trong suốt hai buổi sáng. Bà được thả vào ngày 18 tháng 11 năm 2000, sau 19 ngày bị giam ở Phòng 610 huyện.

Nhà đã không còn là nơi an toàn nữa

Ngày 6 tháng 1 năm 2001, bà Vu và học viên bà Trương Ngải Quân đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện một lần nữa. Trên Quảng trường Thiên An Môn, họ trưng một tấm biểu ngữ có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Sáu cảnh sát đã bắt họ và đưa họ đến trại tạm giam Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó họ bị chuyển đến Đội Cảnh sát Số 2 ở huyện Mông Âm. Sáu ngày sau, bà bị đưa đến trại tạm giam huyện Mông Âm và bị giam ở đó 28 ngày. Hết Tết bà mới được về nhà.

Ngày 11 tháng 2 năm 2001, chính quyền đến nhà mẹ của bà Vu để tìm bà nhưng không thấy. Họ lại đến vào ngày 14 tháng 2 và mưu đồ bắt bà đến Phòng 610, nhưng bà đã trốn thoát được từ trong nhà tắm.

Đêm hôm đó, cảnh sát đã phá hàng rào và đột nhập vào nhà bà. Họ đánh đập ông Tôn tàn bạo. Để ngăn ông la lên vì đau đớn, họ đưa ông đến đồn công an và tiếp tục đánh đập ông. Họ cũng ép ông phải giúp họ tìm bà Vu. Ông đã nhân lúc những cảnh sát tà ác này không chú ý mà trốn thoát được.

Hai tháng sau, cảnh sát đến và bắt bà Vu ngay khi bà vừa trở về nhà. Bà bị còng tay và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Số 1 tỉnh Sơn Đông. Nhưng vì sức khoẻ của bà kém, trại lao động đã từ chối nhận bà. Bà được thả 13 ngày sau đó.

Bức hại không ngừng

Ngày 3 tháng 2 năm 2002, hai vợ chồng bà Vu bị tố cáo vì làm biểu ngữ có thông tin về Pháp Luân Công. May mắn có một người bên trong hảo tâm báo tin kịp thời, họ đã trốn thoát trước khi cảnh sát đến. Cảnh sát đã lục soát nhà họ và lấy đi một cuốn sách Đại Pháp.

Để tránh bị bức hại thêm nữa, hai người buộc phải rời khỏi nhà. Con gái nhỏ của họ phải ở cùng với cha mẹ của bà Vu, những người đã ngoài 70 tuổi.

Ngày 12 tháng 3 năm 2003, ông Tôn bị bắt tại huyện Tân Thái khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Ông bị chuyển đến trại tạm giam Mông Âm và cuối cùng bị kết án 5 năm trong Nhà tù Duy Phường.

Ngày 31 tháng 1 năm 2004, bà Vu cũng bị bắt tại một căn phòng đi thuê khi đang in các sách Pháp Luân Công. Một học viên ở cùng bà là bà Vương Phó Thành đã bị sốc sau khi bị cảnh sát đánh đập.

Bà Vu cũng bị tra tấn một các hiểm ác. Hai chân bà bị đâm bằng những cây kim và bà bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, bị đánh bằng dùi cui cao su và bị đánh vào đầu bằng còng tay. Kết quả là, bà bị đau đầu, đau ngực, bị bầm tím và tê liệt cả người. Bác sỹ cho biết hai cẳng chân của bà bị teo và có thể bị liệt nếu tình trạng của bà tiếp tục xấu đi.

Mười ngày sau cảnh sát đã thả bà sau khi tống tiền gia đình bà bất thành.

Một gia đình không bao giờ còn được đoàn tụ

Sau khi trở về nhà, bà Vu vẫn phải đối mặt với sự sách nhiễu không ngừng từ phía chính quyền. Sau khi thoát khỏi một vụ bắt giữ khác vào ngày 25 tháng 5 năm 2004, bà buộc phải rời khỏi nhà trong 11 năm kế tiếp. Cảnh sát cố truy lùng tung tích của bà thông qua cha mẹ để và cha mẹ chồng của bà bằng cách giả vờ rằng họ là các học viên Pháp Luân Công, nhưng không thành công.

Bà Vu xuất hiện những triệu chứng bệnh nặng trong khi đang sống lưu lạc để thoát khỏi bàn tay cảnh sát. Bà đã qua đời vào ngày 19 tháng 8 năm 2015, ở tuổi 47.

Cái chết của bà Vu đã giáng một đòn nặng lên ông Tôn. Tuy nhiên, thay vì thỏa hiệp với chính quyền từ bỏ Pháp Luân Công để đổi lại một cuộc sống bình thường, ông và con gái kiên định giữ vững đức tin và vẫn nỗ lực phơi bày cuộc bức hại.

Con gái Tôn Ngọc Kiều của họ (ngoài 30 tuổi) và ông Tôn lần lượt bị bắt vào ngày 10 và 18 tháng 6 năm 2021. Một số tài sản cá nhân của họ bị cảnh sát bị tịch thu.

Một ngày sau khi ông Tôn bị bắt, gia đình ông nhận được thông báo rằng ông đã qua đời. Cả hai người anh em trai và vợ của họ đều bị triệu tập tới bệnh viện địa phương vào lúc 2 giờ 30 phút chiều cùng ngày để xác nhận hiện trường tử vong. Họ nói rằng hàng chục cảnh sát đã vây quanh và đe dọa, khiến họ bị tổn thương sâu sắc.

Một cảnh sát của Phòng 610 đã tuyên bố rằng ông Tôn đã tự sát bằng cách nhảy từ trên lầu xuống. Cảnh sát đã phong tỏa hiện trường và không cho ai đến gần.

Khi gia đình ông Tôn nhìn thấy thi thể của ông một lần nữa tại Nhà Tang lễ huyện Mông Âm, họ đã phát hiện thấy ông bị rỉ dịch não, mất một nhãn cầu, bụng và nửa đầu bị hõm sâu. Cảnh sát từ chối yêu cầu làm xét nghiệm tử thi từ phía gia đình.

Các nhà chức trách còn bố trí cảnh sát giám sát nghiêm ngặt hai anh em trai và bố vợ của ông Tôn để che đậy vụ việc. Họ không được phép thuê luật sư, khiếu nại vụ việc hay liên lạc với bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào khác. Thậm chí họ còn không được phép thảo luận về khoản tiền bồi thường cho cái chết của ông Tôn với những người khác. Cảnh sát còn đi tuần khắp thôn của ông khiến người dân trong thôn khiếp sợ.

Ngày 26 tháng 6 năm 2021, các nhà chức trách cưỡng chế gia đình ông Tôn phải hỏa táng thi thể của ông, khiến nguyên nhân thực sự về cái chết của ông vĩnh viễn trở thành bí mật. Lúc đó, ông ngoài 60 tuổi.

Tám tháng sau khi ông Tôn qua đời, cô Tôn bị kết án 7 năm trong Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông.

Bài liên quan:

Cha mẹ qua đời từ sáu năm trước trong cuộc bức hại, cô gái trẻ bị kết án bảy năm tù vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công

Tỉnh Sơn Đông: Người đàn ông qua đời sau một ngày bị bắt giữ, tám ngày sau thi thể bị cưỡng chế hỏa táng

Tỉnh Sơn Đông: Mất vợ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, người đàn ông đã qua đời sau một ngày bị bắt giữ

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/15/449557.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/11/204256.html

Đăng ngày 26-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share