Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 04-06-2022] Trong quá trình các nhà tù Trung Quốc đi theo hướng xí nghiệp hóa (thực chất là hoạt động lao động nô lệ), việc bắt tay với một số doanh nghiệp bên ngoài là điều tất yếu. Khi hợp tác với các doanh nghiệp, họ thường cần một nhân viên của doanh nghiệp đến nhà tù để hỗ trợ về mặt kỹ thuật hoặc quản lý. Những người hỗ trợ từ bên ngoài này thường được gọi là “người liên lạc ngoài nhà tù”. Người liên lạc có sự tương tác chặt chẽ với nhân viên nhà tù và tù nhân, dù họ không phải là người thuộc biên chế của nhà tù.
Trong số họ có một người liên lạc tên Hoa (bí danh). Bởi là một người am hiểu kỹ thuật và có kinh nghiệm quản lý, nên anh ấy đã làm người liên lạc với nhiều nhà tù khác nhau ở Trung Quốc trong hơn 10 năm qua. Theo thời gian, anh ấy đã chia sẻ về những gì phải làm trong khi làm liên lạc viên ở trong nhà tù. Sau khi đại dịch bắt đầu, anh ấy đã cung cấp nhiều thông tin toàn diện và chấn động hơn về sự bức hại các học viên Pháp Luân Công ở trong tù. Nội tình đen tối về sự bức hại học viên Pháp Luân Công ở trong hệ thống nhà tù mà anh ấy chia sẻ có thể khiến người nghe sởn gai ốc.
Cuộc bức hại tàn khốc và bị che giấu
Phóng viên: Quản lý Hoa, trước kia khi nói tới nhà tù ở Trung Quốc, anh luôn nói tới các tù nhân phổ thông, nhưng chưa từng thấy anh đề cập đến các học viên Pháp Luân Công bị giam cầm trong nhà tù. Bây giờ tại sao anh lại chủ động muốn nói về Pháp Luân Công?
Hoa: Trước kia tôi không nói gì đến là có nguyên nhân của nó. Tôi phải dùng khả năng phán đoán tốt nhất của mình để quyết định điều gì nên nói và điều gì không nên nói. Tôi nghĩ lý do chủ yếu là đại dịch [COVID-19]. Thành thật mà nói, nếu không nghe theo lời khuyên của một học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù, thì có khả năng năm ngoái tôi đã chết vì đại dịch rồi. Bây giờ chúng ta không có thời gian để nói về việc này, để nói sau vậy. Hôm nay tôi muốn nói vắn tắt những điểm mấu chốt nhất về sự thực thi bức hại của nhà tù đối với các học viên Pháp Luân Công, những điều mà tôi đã tận mắt chứng kiến.
Phóng viên: Tôi biết anh đã công tác với vai trò là người liên lạc cho một số nhà tù hơn 10 năm qua. Anh chắc hẳn đã tận mắt chứng kiến hiện trường bức hại, vậy nên về việc này, anh là người có quyền lên tiếng nhất.
Hoa: Đúng vậy. Theo tôi thấy, quá trình Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Công có thể được chia thành hai giai đoạn: Từ năm 2000 đến năm 2010, ĐCSTQ ngược đãi các học viên Pháp Luân Công trong tù một cách trắng trợn; Sau đó là chuyển sang giai đoạn lén lút, nhất là từ năm 2012 trở về đây, sự bức hại vẫn tiếp tục nhưng diễn ra trong bí mật.
Phóng viên: Sau khi được thả khỏi nhà tù, một học viên đã vẽ những bức tranh minh hoạ về việc các học viên bị đối xử tồi tệ như thế nào ở trong nhà tù. Nhưng Phỏng vấn Tiêu điểmcủa CCTV lại tuyên bố những bức tranh đó là giả. Mặc dù vậy, một số người tin các bức tranh đó lột tả sự thật, vì họ biết rằng ĐCSTQ và CCTV luôn dối trá.
Hoa: Mọi người khó lòng nhận ra sự ác độc và xảo quyệt của ĐCSTQ. Trong giai đoạn đầu, nó vừa công khai đàn áp các học viên, vừa hô vang “chế độ độc tài của giai cấp vô sản” và tuyên bố giết một người răn trăm người. Các bức tranh mà Phỏng vấn Tiêu điểm đề cập là sự thật, và ĐCSTQ cố tình báo cáo chúng là hữu ý ám thị răn đe công chúng rằng: ai dám không nghe theo lời Đảng, thì sẽ lãnh hậu quả như vậy. Nếu độc giả nghi ngờ cho rằng các bức tranh là giả, thì chính là ĐCSTQ đã đạt được mục đích của nó là khiến họ hiểu sai; còn nếu độc giả tin rằng các bức tranh là thật, ĐCSTQ cũng không phải là không có thu hoạch, vì nó đã đạt được mục đích trong việc đe dọa dân chúng.
Phóng viên:Tôi đồng ý điều đó. Giai đoạn đó, người ở bên trong và bên ngoài nhà tù đã biết sự bức hại đang diễn ra. Còn tình hình bây giờ thay đổi ra sao?
Hoa: Tính chất tàn khốc của cuộc bức hại vẫn y nguyên, nhưng phương thức bức hại đã trở nên bí mật hơn. Ví dụ như, khoảng 5 năm trước, học viên Lôi (bí danh) bị gần 10 tù nhân tra tấn, họ bắt anh ấy phải ngồi liên tục suốt 15 ngày đêm mà không được chợp mắt. Nó rất khủng khiếp, nhưng Lôi không nhượng bộ. Những tù nhân tra tấn Lôi biết rõ tôi và họ tin tưởng tôi vì tôi đã đem cho họ những vật phẩm cấm mang từ bên ngoài vào, như thuốc lá, rượu, tiền mặt, điện thoại di động, v.v.. Vậy nên họ đã nói với tôi về việc này. Trong 15 ngày, Lôi bị nhốt trong nhà kho của xưởng máy, nên các tù nhân bình thường không biết chuyện gì đang xảy ra ở trong đó, và họ có thể nghĩ rằng nó chỉ đơn giản là một đơn vị giám sát nghiêm ngặt mà thôi. Vào ban đêm, họ đưa anh ấy vào phòng TV. Sau khi họ bảo các tù nhân khác ra ngoài, họ bắt Lôi ngồi thẳng và không được cử động hay nhắm mắt suốt cả đêm.
Phóng viên:Anh ấy không được nhắm mắt trong suốt 15 ngày sao?
Hoa: Không, nếu nhắm mắt thì anh ấy sẽ bị tù nhân tát vào mặt hoặc đánh vào đầu, ngoài ra còn có những cách tra tấn khác mà tôi không thể nói hết. Tôi là người ngoài cuộc, nhưng nhìn cảnh tượng đó tôi cảm thấy rất khó chịu. Có những lúc tôi đi giải sầu xung quanh xưởng máy và quan sát các tù nhân ở đó, nghĩ rằng sau này họ sẽ chính là những nhân chứng. Tôi từng nói chuyện này với tù nhân Bạch, một người bạn tốt của Lôi.
Khi Bạch đang nghỉ giải lao, tôi đến gần anh ấy và nói trong tiếng ồn ào của máy móc: “Anh biết đấy, những gì Lôi đã chịu đựng giống như ở trong địa ngục”. Tôi tưởng rằng Bạch sẽ đồng tình với tôi về việc ĐCSTQ kinh khủng như thế nào. Nhưng ngạc nhiên thay, anh ấy ngây người nhìn tôi và hỏi: “Sao thế, có chuyện gì à?”
Tôi bị sốc và vội vàng nói: “Lôi đã bị cấm ngủ trong 15 ngày qua. Anh không biết gì sao? Lôi bị tra tấn đến sắp phát điên rồi mà anh không biết gì sao?” Bạch lắc đầu và thành thật nói: “Không, tôi không biết gì cả. Không ai nói với tôi việc này. Mỗi tối sau khi xem TV và điểm danh xong thì tôi đi ngủ. Mỗi buổi sáng chúng tôi tập trung ở xưởng máy và vùi đầu làm việc để hoàn thành chỉ tiêu. Tôi thật sự không biết gì về việc này”.
Phóng viên: Thì ra là vậy. Các học viên bị giam trong cùng phòng giam đó có biết việc gì đang xảy ra không?
Hoa:Không ai biết cả. Giai đoạn đầu, các học viên bị giam cùng nhau và một người biết chuyện thì những người khác đều biết. Sau đó, nhân viên nhà tù đã nhận được nhiều bức thư và cuộc gọi giảng chân tướng (bao gồm cả từ các học viên ở hải ngoại), nên nhà tù liền thay đổi đối sách. Họ chia các học viên ra để trị, cố gắng tách nhỏ các học viên ra càng nhiều càng tốt, và mỗi xà lim chỉ giam một học viên, họ cũng bị cấm nói chuyện với người khác.
Phóng viên: Theo cách đó thì không ngạc nhiên gì khi mọi người hầu như không biết về việc các học viên vẫn đang bị ngược đãi.
Hoa: Đúng thế. ĐCSTQ đã cố gắng che đậy nó. Đó là lý do tại sao tôi tán thành các học viên giảng chân tướng để người khác biết về nó. Chân tướng sẽ không tự chạy đến. Nếu các học viên không giảng thì sẽ không ai biết được. Đây không phải là cái gì đó mang tính chính trị. Học viên Pháp Luân Công giảng chân tướng là việc làm hợp tình hợp lý. Người dân ở cả Trung Quốc và hải ngoại có quyền được biết điều gì đang xảy ra. Nhưng chân tướng được truyền đến mọi người không hề dễ dàng, mà nó thấm đẫm máu và nước mắt của các học viên, do đó càng đáng trân quý.
Nhà tù trong nhà tù
Phóng viên: Quản lý Hoa, anh nói các học viên ở trong tù bị chia ra và bị biệt giam nhiều nhất có thể. Thậm chí một phân đội của một khu giam giữ chỉ có một học viên. Điều này chỉ xảy ra ở một nhà tù?
Hoa:Không, tất cả nhà tù mà tôi đến đều làm như vậy.
Phóng viên: Làm như vậy sẽ tốn kém hơn là giam họ chung với nhau.
Hoa:Chính xác là vậy. Nhưng ĐCSTQ quan tâm tới việc đạt được mục đích của nó hơn là tiết kiệm tiền. Chứng kiến điều này suốt gần 20 năm qua, tôi đã phát hiện mục đích của ĐCSTQ không thực sự là huỷ hoại thân thể của các học viên Pháp Luân Công, mà đúng ra ý định của nó là hủy diệt tinh thần của các học viên bằng mọi giá. Về mặt này bạn nghĩ mà xem, ngoài nhà tù thì còn có rất nhiều cơ sở trên khắp Trung Quốc giam giữ các học viên. Không biết bao nhiêu tiền đã bị tiêu tốn vào cuộc bức hại này trong 20 năm qua? Nếu việc này được công khai thì sẽ khiến người ta không khỏi cảm thấy kinh hoàng. Và đến nay nó vẫn đang tiếp diễn!
Phóng viên: Đây há chẳng phải lấy tiền mồ hôi công sức của nhân dân mà bức hại một quần thể nhân dân sao? Khi quản lý không tập trung, các tù nhân có được đối đãi như các tù nhân phổ thông khác không?
Hoa: Đương nhiên là không rồi!
Phóng viên:Tuyên truyền của ĐCSTQ nói rằng các tù nhân được đối xử tốt – họ có thể đọc và làm điều mình yêu thích trong thời gian rảnh. Có đúng như vậy không?
Hoa:Hoàn toàn không có chuyện đó. Nếu là như vậy thật thì đó là viện phúc lợi, chứ đâu phải là nhà tù. Kỳ thực các nhà tù của ĐCSTQ rất lắm chiêu trò. Đối với những tù nhân bình thường, “đọc” có nghĩa là bị ép phải đọc những tuyên truyền của ĐCSTQ, còn “làm điều yêu thích” nghĩa là lao động khổ sai. Còn với các học viên, “đọc” nghĩa là bị tẩy não. Nhưng tẩy não đơn thuần thì chắc chắn thất bại. Các học viên bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Họ tin rằng tu luyện Pháp Luân Công không phạm tội, họ không phục phán quyết của ĐCSTQ nên họ mới bị cầm tù, nên làm sao họ có thể đồng ý với việc học tập tẩy não trong lúc bị giam giữ được? Hơn nữa, các học viên bị giam nói chung có trình độ giáo dục tốt hơn các nhân viên của nhà tù. Thời gian [chuyển hóa] càng lâu thì các nhân viên nhà tù sẽ càng mất niềm tin rằng họ sẽ thành công, ngoài ra, mỗi nhân viên nhà tù còn có những nhiệm vụ giám sát khác, do đó nếu thời gian [chuyển hóa] quá dài, thì nhân viên nhà tù sẽ không kham nổi. Do đó, cách giải quyết nhanh chóng đã trở thành một lựa chọn tất yếu của nhà tù.
Phóng viên: Vậy nhà tù giải quyết vấn đề này thế nào?
Hoa: Có một nơi gọi là “nhà tù trong nhà tù”. Những tù nhân đánh nhau hoặc sử dụng ma tuý bị biệt giam ở đó, có lúc là trong hai tuần hoặc vài tháng. Nhưng với các học viên, họ thường bị đưa đến khu đó ngay vào ngày họ vừa tới nhà tù và thời gian biệt giam kéo dài ít nhất 1 tháng. Họ không nói lý do chính đáng để biệt giam các học viên. Ngoài ra, số lượng học viên bị giam vượt quá không gian dành để biệt giam có sẵn, nên nhà tù đã đưa ra quy tắc bất thành văn về “nhà tù trong nhà tù” này.
Phóng viên: Nó hoạt động như thế nào? Nó là một căn phòng nhỏ giống như phòng biệt giam phải không?
Hoa:Có đủ hình thức. Nó có thể là một phần của buồng giam, ở đó một phần của căn phòng bị cô lập với phần còn lại bằng một tấm rèm. Mọi người sẽ hiểu khu vực này được dùng để ngược đãi các học viên Pháp Luân Công. Vào ban ngày, nó có thể là một góc trong xưởng máy hoặc một phần của nhà kho.
Đôi khi, họ chọn một khoảng đất trống bên ngoài xưởng máy và ra lệnh cho các tù nhân xếp các hộp các tông đựng sản phẩm quây kín bốn xung quanh, tạo một khoảng không gian hẹp chừng 2 mét vuông để nhốt một học viên vào đó. Một hay một vài tù nhân được chỉ định để trông chừng các học viên 24/24 và ghi chép lại nhất cử nhất động của người học viên này. Thời gian học viên bị nhốt kéo dài 1 tháng hoặc có khi là cả 1 năm. Khi kết thúc thì những chiếc hộp bị dỡ bỏ, và chỉ còn lại một khoảnh đất trống, không còn 1 vết tích.
Phóng viên: Tôi nhớ những người trí thức có lúc bị nhốt trong chuồng bò vào thời Đại Cách mạng Văn hoá. Cái này này có vẻ tương tự như thế.
Hoa: Không sai. Một số tù nhân cũng nhận ra điều này. Khi thời điểm đến, họ có thể sẽ bước ra làm chứng.
Một mạng lưới phân cấp
Phóng viên: Có phải những loại tra tấn như kiểu “nhà tù trong nhà tù”, là do các tù nhân bình thường thực hiện?
Hoa: Tù nhân bình thường thực hiện trực tiếp, nhưng là làm theo mệnh lệnh và dưới sự tổ chức của các viên chức nhà tù.
Phóng viên: Nhà tù có “khích lệ” nào cho các tù nhân đó không?
Hoa: Chủ yếu là dụ dỗ bằng cách giảm thời hạn thụ án cho họ. Một tù nhân “quản lý” bị cầm tù vốn bị kết án 10 năm, nhưng vì tham gia bức hại Pháp Luân Công nên được giảm án 4 năm.
Phóng viên: Trước đây tôi đã nghe đến tù nhân “quản lý”. Có phải là họ quản lý những tù nhân khác không?
Hoa: Đúng vậy. Tù nhân cần phải hối lộ để có được những vị trí này. Trước kia việc mua những vị trí này khá lộ liễu, nhưng về sau này họ đã làm một cách lén lút. Ví dụ, khi cán bộ quản lý một khu giam giữ ở trong văn phòng của anh ta một mình, một tù nhân sẽ lén vào và có thể vờ như muốn nhờ anh ta chuyển giúp một bức thư, nhưng thực chất là đưa cho người quản lý đó một chiếc phong bì có đựng tiền ở trong đó. Bởi các chiến dịch chống tham nhũng trong những gần đây, nên hiện việc làm này là có rủi ro. Ngoài ra, một tù nhân có thể hỏi xin số điện thoại của trưởng khu giam giữ để gia đình của anh/cô ấy có thể hối lộ người này ở bên ngoài nhà tù. Nhưng nếu tù nhân không biết rõ người quản lý khu, anh ấy phải thông qua một người trung gian, và hiển nhiên cũng cần hối lộ cho người trung gian này.
Phóng viên:Chỉ những trưởng khu giam giữ mới là đối tượng được hối lộ?
Hoa: Không đâu, tất cả các viên chức và lính canh đều sẵn sàng nhận hối lộ trong cuộc giao dịch giảm án này. Đây là một bí mật mà ai cũng biết. Thật không thể tưởng tượng được là đội ngũ những viên chức tham nhũng hủ bại này có thể “giáo dục” các học viên Pháp Luân Công, những người chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, như lời ĐCSTQ tuyên bố. Thật ra, ĐCSTQ biết rõ điều đó, cho nên nó không nói nhiều đạo lý với những bài lý thuyết trên giấy, thay vào đó, nó dùng những biện pháp tra tấn một cách tinh vi “được tổ chức chặt chẽ”.
Phóng viên: Nó là gì?
Hoa:Sự ngược đãi các học viên Pháp Luân Công trong tù được tổ chức chặt chẽ và xảy ra ở bốn cấp quản lý: cấp đội, cấp khu, cấp ban giáo dục và giám đốc nhà tù. Ngược lại, việc ngược đãi các tù nhân bình thường khác thì bắt nguồn và kết thúc đều ở cấp đội và không bao giờ vượt khỏi cấp khu.
Tại sao lại có sự phân chia bốn tầng quản lý như vậy để đối phó với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ? Mỗi tầng có thẩm quyền và quyền lực khác nhau, nhưng mục tiêu là đồng nhất, đó là gây áp lực khiến các học viên từ bỏ đức tin của họ nhằm đổi lấy thành tựu chính trị và phần thưởng cao hơn. Đặc biệt là với giám đốc và các nhân viên phòng giáo dục, họ dù ngồi ở những văn phòng đàng hoàng và yên tĩnh, nhưng lại chỉ đạo những việc làm xấu xa để đẩy nạn nhân vào địa ngục.
Phóng viên: Có bao nhiêu tù nhân quản lý ở đó?
Hoa: Bình thường mỗi khu có 8 người, gồm người giám sát dây chuyển sản xuất, giám sát vật liệu, kiểm tra chất lượng, tuyên truyền (phụ trách tài liệu “học tập”/tẩy não), cung cấp hoạt động chăm sóc sức khoẻ (các vấn đề về y tế), điều phối viên chống bạo động, quét dọn và canh gác (quan sát những người ra vào ký túc xá nhà tù).
Tất cả những tù nhân quản lý cũng tích cực tham gia bức hại học viên Pháp Luân Công. Cùng với các tù nhân, lính canh và viên chức ở các cấp độ hình thành nên một mạng lưới yêu ma quỷ quái, phô ra những điều tồi tệ nhất của nhân loại trong khi bức hại các học viên vô tội ở Trung Quốc ngày nay.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/5/444508.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/12/202216.html
Đăng ngày 04-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.