Bài viết của Lê Minh

[MINH HUỆ 09-08-2022] Theo lịch Âm, mỗi năm có 24 tiết và Chủ nhật vừa qua, ngày 7 tháng 8 là tiết thứ 13, tiết Lập thu, thường báo hiệu thời điểm mọi thứ đã đạt đến đỉnh điểm và đang trên đà suy thoái. Thật trùng hợp, bốn ngày trước đó, số người Trung Quốc (cả trong và ngoài Trung Quốc) từ bỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và hai tổ chức thanh thiếu niên của nó, đó là Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong, đã cán mốc 400 triệu.

Mấy chục năm qua, ĐCSTQ đã gây bao họa hại cho Trung Quốc, và nhiều người đã biết Trời sẽ diệt nó; nhưng cụ thể là khi nào, dường như nhiều người vẫn cho rằng ngày đó còn xa mới đến.

18 năm trước, vào tháng 11 năm 2004, khi Ban Biên tập Cửu Bình công bố cuốn sách “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản” (cửu bình), phong trào từ bỏ đảng, đoàn, đội của ĐCSTQ (gọi tắt là “tam thoái”) đã bắt đầu lan rộng khắp Trung Quốc, từ mấy người ban đầu thoái, đến mấy chục, mấy trăm, rồi 100 triệu, 200 triệu, 300 triệu, đến nay là 400 triệu đều là những dấu mốc mang tính lịch sử. Ngày tàn của ĐCSTQ đã rất gần.

Thiên tượng đã hiển lộ từ 20 năm trước

Cách đây 20 năm vào tháng 6 năm 2002, tại Khu thắng cảnh Chưởng Bố ở tỉnh Quý Châu, người ta đã phát hiện ra một tảng đá lớn bị vỡ tách làm đôi, tạo thành một khe hẹp chỉ vừa đủ một người đi qua, trên mặt tiết diện của tảng đá có khắc sáu chữ tiếng Trung tiết lộ một đại sự: “Trung Quốc Cộng Sản Đảng vong.” Người Trung Quốc gọi tảng đá này là “tàng tự thạch”.

Các chuyên gia của Viện Khoa học Trung Quốc và Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc đã giám định tảng đá và phát hiện nó có lịch sử 270 triệu năm. Hơn nữa, sáu chữ này được hình thành tự nhiên, không phải do con người chạm khắc. Gần 100 hãng thông tấn ở Trung Quốc, gồm cả Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đưa tin về phát hiện này, mặc dù họ chỉ đề cập đến năm chữ đầu: “Trung Quốc Cộng sản Đảng”. Nhưng tảng đá không nói dối. Cùng với phong trào tam thoái, nhiều người đã tự lên mạng tra cứu và thấy chữ “vong” rõ mồn một trong bức ảnh chụp tàng tự thạch in trên tấm vé vào cửa khu thắng cảnh này.

Ngạn ngữ có câu, kẻ xấu sợ nhất là bị người khác biết nó xấu. Để ngăn mọi người nhìn thấy từ “vong”, gần đây ĐCSTQ đã che đi từ này. Điều này khiến người ta nhớ đến câu chuyện dân gian “Khi sư tử đá đỏ mắt”.

Ngày xửa ngày xưa, có một ngôi làng mà dân làng đã băng hoại đạo đức, giống như thành phố Sodom và Gomorrah trong Kinh Thánh. Thần định diệt sạch dân làng, ngoại trừ một bà lão còn giữ được thiện lương, tốt bụng, và tôn kính Thần. Một vị Bồ Tát hóa thân thành kẻ ăn xin, ăn mặc rách rưới, đến ngôi làng này và bị mấy tên lưu manh nhục mạ, đánh đập. Nhưng không ai ngăn cản bọn côn đồ hay giúp người ăn xin, ngoại trừ một bà lão.

Bà lão đưa người ăn xin về nhà, chăm sóc chu đáo và cho ăn uống. Sau đó, Bồ Tát hiện nguyên dạng, nói với bà lão rằng khi mắt của sư tử đá trước miếu đỏ lên, là lúc hồng thủy ập tới, nhấn chìm cả làng.

Bà lão nhân hậu cảm ơn Bồ Tát, và đi khắp làng, báo với từng người về đại nạn, nhưng hầu như không ai tin, thậm chí còn cười nhạo bà. Cuối cùng, một thanh niên chế nhạo bà và sơn đỏ đôi mắt của sư tử đá. Bà lão nhìn thấy mắt sư tử đã đỏ, liền hô hoán dân làng. Chỉ có mấy người tin, chạy theo bà lão lên núi cao, ngoảnh đầu nhìn lại, cả ngôi làng đã biến thành một biển nước mênh mông, mọi người đang giãy dụa trong đó.

Tại sao phải thoái ĐCSTQ?

Bài học lịch sử qua các nền văn hóa cho thấy khi đạo đức băng hoại, con người sẽ gặp nguy hiểm hay chịu quả báo. Thần sẽ truyền chỉ dấu cho những người còn tốt để họ được bình an vô sự. Câu chuyện sư tử đá trên đây, cũng như câu chuyện của Sodom and Gomorrah ở phương Tây, đã chứng minh đạo lý này.

Trong xã hội ngày nay, ĐCSTQ là thủ phạm nhân quyền tệ nhất thế giới. Chính quyền ĐCSTQ kế thừa Khủng bố Đỏ từ Liên Xô cũ, đã tàn sát địa chủ trong cuộc Cải cách Ruộng đất, giết các chủ doanh nghiệp để cướp đoạt tài sản của họ, và đàn áp giới trí thức một cách tàn nhẫn cho đến khi họ không dám nói lên tiếng nói khác với ĐCSTQ. Tất cả những điều này xảy ra vào những năm 1950, ngay sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949.

Sau khi hơn 45 triệu người chết trong Nạn đói lớn (1959–1961), chính quyền Trung Cộng đã hủy hoại một cách có hệ thống văn hóa truyền thống Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Văn hóa khét tiếng (1966–1976). Chưa hết, nó còn đàn áp phong trào dân chủ trong vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 và các học viên Pháp Luân Công vô tội từ năm 1999 đến nay.

Nhìn lại mấy thập kỷ qua, ĐCSTQ đã có lịch sử giết chóc những nhóm người mà nó gọi là kẻ thù. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì tư tưởng cốt lõi của ĐCSTQ là giả-ác-đấu (tuyên truyền lừa mị, bạo lực, và đấu tranh giai cấp). Mao Trạch Đông từng nói, “Đấu với trời là niềm vui bất tận, đấu với đất là niềm vui bất tận, và đấu với con người là niềm vui bất tận.” Không những vậy, ĐCSTQ còn ngụy tạo trong các chiến dịch chính trị này để đánh lừa và biến dân chúng thành đồng bọn để trừng trị kẻ thù của nó. Đặc biệt trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, tất cả mọi người trong xã hội, từ những công dân bình thường đến quan chức đều bị tẩy não và quay lưng lại với các học viên Pháp Luân Công và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Bởi vậy, hơn 20 qua, bất kể mùa đông giá buốt hay mùa hè oi ả, từ nông thôn hẻo lánh tới thành thị phồn hoa, cả các công trường xây dựng và cơ quan chính quyền, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã tới mọi ngõ ngách trên khắp Trung Quốc, không ngừng nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và giúp người dân gỡ bỏ tuyên truyền gây thù hận của ĐCSTQ, mặc cho nguy cơ bị bắt giữ, giam cầm, tra tấn, thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Họ dùng tiền của mình để sản xuất các tài liệu giảng chân tướng, những mong cảnh tỉnh mọi người về sự lừa dối và tàn bạo của ĐCSTQ.

Họ làm vậy bởi họ biết lịch sử lừa dối và giết chóc của ĐCSTQ sẽ khiến nó bị Trời diệt. Nếu mọi người vẫn thờ ơ, chấp nhận điều đó, và chọn im lặng hoặc tham gia vào cuộc bức hại người thiện lương và các giá trị truyền thống thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Đến thời khắc then chốt, đừng làm vật chôn theo ma đỏ

Một số người cho rằng cuộc bức hại không liên quan gì đến họ vì họ không tu luyện Pháp Luân Công. Nhưng khi quyền tự do tín ngưỡng bị tước đoạt và khi các quyền cơ bản của con người bị chà đạp, thì Trung Quốc cũng không có nơi nào an toàn, bởi những người ngoài cuộc rất có thể trở thành mục tiêu tiếp theo, cũng như trong các chiến dịch chính trị trước đây.

Tháng 2 năm 2022, khi Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh, tin tức về một “người phụ nữ bị xích bằng xích sắt” ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô đã rộ lên. Nạn nhân đã bị bắt cóc và bị bán làm nô lệ tình dục. Tháng 3, các nhà chức trách đã phong tỏa Thượng Hải trong nỗ lực đạt được zero-Covid, khiến nhiều người chết vì không có thực phẩm hay trợ giúp y tế. Tháng 6, bốn phụ nữ trẻ đã bị một nhóm khách quen đánh đập trong một nhà hàng ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Thay vì tìm kiếm công lý cho các nạn nhân, các nhà chức trách đã bảo vệ những kẻ tấn công. Vụ việc này đã vạch trần sự cấu kết giữa các quan chức và tội phạm có tổ chức. Tháng 7, cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Hà Nam xảy ra khi 40 tỷ nhân dân tệ (6 tỷ USD) tiền gửi đã biến mất khỏi một số ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam. Vụ bê bối này càng cho thấy tình trạng gian lận và tham nhũng của hệ thống ĐCSTQ.

Điều tồi tệ nhất của những thảm kịch này là các quan chức ĐCSTQ che đậy vụ việc và trừng phạt những người làm rò rỉ tin tức.

Những sự việc như thế gần như là bất tận. Vậy đây là lỗi của ai? Chính là ĐCSTQ đã gây ra tình trạng hỗn loạn này. Một ngày nào đó, khi ĐCSTQ bị truy tố về những tội ác của nó, hàng chục triệu đảng viên ĐCSTQ cũng sẽ bị đưa ra công lý. Chẳng hạn như với các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã phạm tội diệt chủng, đàn áp tôn giáo, tra tấn, cưỡng bức thu hoạch nội tạng… đều là trọng tội, và những người có dính líu sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng giống như thủ phạm của vụ Diệt chủng người Do Thái (Holocaust). Họ không thể trốn tránh công lý bằng cách nói rằng họ “chỉ làm theo lệnh.”

Tương tự, sau khi chủ nghĩa cộng sản tan rã ở Đông Âu. Nhiều quốc gia như Cộng hòa Séc, Ba Lan và Đức, đã thông qua luật truy nã cảnh sát mật, tình báo, người đưa tin, và đồng bọn. Hơn 300.000 người đã bị điều tra ở Cộng hòa Séc, trong đó, 15.000 người cung cấp thông tin và đồng phạm bị cấm làm công chức trong 5 năm. Ở Ba Lan, gần 700.000 người được yêu cầu trình báo với chính quyền về việc họ đã cung cấp thông tin cho cảnh sát mật hay chưa. Những người từ chối hoặc nói dối cũng bị cấm làm công chức. Ở Đông Đức, một nửa số thẩm phán và công tố viên đã bị cách chức và 42.000 quan chức chính phủ bị cách chức.

Bởi vậy, 400 triệu người tam thoái là một dấu mốc quan trọng. Khi phân tách bản thân khỏi Đảng, họ sẽ có thể sống đàng hoàng thay vì cúi đầu trước chế độ toàn trị và làm đồng phạm hãm hại những người vô tội. Khi ngày càng có nhiều người trên khắp thế giới chối bỏ ĐCSTQ, thì ngày chúng ta được sống trong một xã hội an toàn, không có chủ nghĩa cộng sản sẽ càng đến sớm.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/4/447237.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/6/202649.html

Đăng ngày 11-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share