Bài viết của Cao Tư Vũ, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 29-07-2022] Ngày 22 và 23 tháng 7 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức lễ mít-tinh tại Zurich, thành phố lớn nhất, và Bern, thủ đô của Thụy Sĩ, đánh dấu 23 năm phản đối cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các học viên đã trình diễn các bài công pháp và giới thiệu những lợi ích về thể chất và tinh thần của Pháp Luân Công cho những người qua đường. Họ lên tiếng phản đối nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống của ĐCSTQ. Các chính trị gia Thụy Sĩ đã gửi thư để bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại của các học viên Pháp Luân Công.
Các học viên đã luyện công gần Lãnh sự quán Trung Quốc tại Zurich, thu thập chữ ký kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại và tổ chức một lễ mít-tinh tại quảng trường Parade ở trung tâm thành phố vào ngày 22 tháng 7.
Các học viên trình diễn các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp gần Lãnh sự quán Trung Quốc tại Zurich hôm 22 tháng 7 năm 2022
Chân dung một số học viên Pháp Luân Công đã chết vì cuộc bức hại của ĐCSTQ
Một lễ mít-tinh tương tự đã được tổ chức vào ngày hôm sau tại quảng trường Kornhaus, trung tâm thủ đô Bern. Trước khi tập trung, một số học viên đã đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Sĩ và đọc một bức thư ngỏ, hy vọng các nhân viên sứ quán có thể phân biệt đúng sai và đưa ra lựa chọn đúng đắn cho tương lai của họ.
Mít-tinh tại trung tâm Zurich để giới thiệu Pháp Luân Công và phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ
Một học viên đọc thư ngỏ gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Bern, mong muốn các nhân viên sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn
Luyện công tập thể tại Bern hôm 23 tháng 7 năm 2022
Trình diễn các bài công pháp tại Quảng trường Kornhaus hôm 23 tháng 7
Một học viên phát biểu trong lễ mít-tinh
Người qua đường ký bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại
Các quan chức đắc cử bày tỏ sự ủng hộ
Một cựu thành viên của Quốc hội Liên bang và các nhà lập pháp bang đã gửi thư bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công.
Tiến sỹ Bernhard Hauser, nhà lập pháp của bang St. Gallen
Tiến sỹ Bernhard Hauser, một nhà lập pháp của bang St. Gallen, cho biết Trung Quốc, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, là một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới. Ông tuyên bố “cần phải thực hiện các hành động rõ ràng và sâu rộng hơn để chống lại chính quyền ĐCSTQ, vì cuộc bức hại có hệ thống đối với người dân ở Tân Cương và các học viên Pháp Luân Công, cũng như các mối đe dọa hiện tại đối với Đài Loan là không thể dung thứ được”.
Ông cảm ơn tất cả những người ủng hộ Pháp Luân Công và quyền tự do ngôn luận trên toàn thế giới.
Cựu lập pháp Eva Keller của St. Gallen
Bà Eva Keller, một cựu lập pháp của bang St. Gallen, đã viết trong thư: “Những vi phạm nhân quyền cần được phơi bày và lên án công khai.”
“Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ vẫn không thể diễn tả hết được. Quyền lực này (dưới sự cai trị của ĐCSTQ) chà đạp lên nhân quyền, và coi thường pháp quyền.”
“Mặc dù Pháp Luân Công không phải là nhóm duy nhất bị bức hại, nhưng chúng ta không được quên họ, bởi vì hiếm khi thấy tin tức của họ nổi bật trên các phương tiện truyền thông. Tôi cảm ơn các bạn đã nỗ lực cho nhân quyền và pháp quyền, đặc biệt là đối với Pháp Luân Công. Chỉ khi những vi phạm nhân quyền được phơi bày thì mới có thể thay đổi nó được. Điều tồi tệ nhất là lãng quên những người đang bị bức hại. Cảm ơn các bạn đã phơi bày những vi phạm này.”
Ông Oskar Freysinger, cựu thành viên của Quốc hội Liên bang
Ông Oskar Freysinger nêu bật trong thư: “Hôm nay các bạn đã tập trung lại để phản đối sự tàn bạo của ĐCSTQ, để minh chứng rằng đối với các bạn, lòng vị tha, bác ái và phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Tôi rất biết ơn và cảm phục trước hành động đó. Việc làm của các bạn thể hiện lòng dũng cảm của các bạn, và chứng minh rằng các bạn sẽ không phục tùng một kẻ độc tài.”
Công chúng lên án cuộc bức hại
Ông Roman Glaser, một giáo viên về hưu, lần đầu tiên nghe nói về Pháp Luân Công là ở Zurich. Ông lên tiếng phản đối cuộc bức hại kéo dài 23 năm của ĐCSTQ, “đây là một thảm họa, không thể tưởng tượng nổi, phi lý, đẫm máu và vô nhân đạo. Tất nhiên, chắc chắn rằng cuộc bức hại phải được chấm dứt.”
Ông cho biết ĐCSTQ đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới, vì vậy ông hy vọng các học viên sẽ thu thập được nhiều chữ ký hơn. “Để nhiều người hơn có thể nhận được thêm thông tin. Nó cũng sẽ giúp những thương gia đang hợp tác với ĐCSTQ suy nghĩ lại về những hậu quả.”
Cô Maribel Garcia Gunzaler đến từ Cuba, đang sống tại Thụy Sĩ và là một tư vấn viên dịch thuật. Cô cùng bạn, là một phóng viên, đã nhìn thấy Pháp Luân Công ở Zurich, và cô rất vui vẻ khuyến khích bạn mình phỏng vấn các học viên, và cô giúp phiên dịch.
Cô cho biết cô đã từng tập Pháp Luân Công, và cô cảm thấy rất tốt: “Việc tập luyện mang lại cho tôi sự bình an, và từ đầu tôi đã cảm thấy có rất nhiều năng lượng”. Do hạn chế về thời gian nên cô không tiếp tục. Bây giờ cô xem xét việc quay lại luyện tập.
Sau khi ký vào bản kiến nghị ủng hộ các học viên Pháp Luân Công, cô cho biết: “Tất nhiên, tôi hoàn toàn phản đối cuộc bức hại. Người dân Cuba chúng tôi cũng đang phải hứng chịu sự đàn áp. Những gì mà chính quyền ĐCSTQ đã làm thực sự rất tàn bạo.” Cô ngưỡng mộ sự kiên trì của các học viên Pháp Luân Công trong việc phản bức hại trong 23 năm qua: “Ai đó cần phải kiên trì cho đến khi cuộc bức hại kết thúc.”
Cô Gabriela Alic nhận được một tờ rơi tại lễ mít-tinh ở Bern. Cô lặng lẽ đọc nó, lắc đầu, và sau đó lắng nghe cẩn thận bài phát biểu của một học viên.
Cô Gabriela Alic ủng hộ Pháp Luân Công
Cô cho biết: “Tôi nghĩ thu hoạch nội tạng sống thật kinh khủng. Những người này [học viên Pháp Luân Công] bị bức hại chỉ vì niềm tin của họ. Tôi nghĩ điều này rất nghiêm trọng.”
Cô cũng ký vào bản kiến nghị ủng hộ các học viên Pháp Luân Công, và hy vọng thu hút được sự chú ý đến cuộc bức hại. Cô chia sẻ: “Điều rất quan trọng là mọi người phải hiểu những gì đã xảy ra. Cuộc bức hại này đã diễn ra trong 23 năm. Đây là một thông điệp rất quan trọng. Mọi người nên thực sự chú ý đến nó, không nhắm mắt làm ngơ, nên lắng nghe, hành động và thể hiện sự quan tâm của mình. Chúng ta là con người và chúng ta nên hỗ trợ lẫn nhau.”
Cô Nina Neuenschwander, một y tá, đã biết về Pháp Luân Công qua một cuốn sách nhỏ mà cô nhận được trước lễ mít-tinh tại Bern. Vì vậy, cô biết về nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Cô cho biết: “Nên có nhiều người hơn suy nghĩ, thảo luận về chủ đề này và ủng hộ việc chấm dứt tội ác này.” Cô nói rằng bất kỳ người bình thường nào cũng sẽ không đồng ý với cuộc bức hại.
Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì và tại sao ĐCSTQ bức hại môn này?
Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng ở Trường Xuân, Trung Quốc, vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện được thực hành tại hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Hàng triệu người đã học các bài giảng dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, đã có những chuyển biến tích cực về sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhìn nhận sự phổ biến ngày càng lớn của Pháp Luân Đại Pháp là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của Đảng nên đã ra lệnh cấm môn tu luyện này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức an ninh ngoài vòng pháp luật, được trao quyền lực vượt trên ngành an ninh và tư pháp, có chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại đối với Pháp Luân Đại Pháp.
Trang Minghui.org đã xác nhận cái chết của hàng nghìn học viên bị bức hại trong 23 năm qua. Con số tử vong thực tế chắc chắn cao hơn nhiều. Số người bị cầm tù và tra tấn vì đức tin còn cao hơn nữa.
Có bằng chứng xác thực cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại và thu hoạch nội tạng từ các học viên bị giam cầm làm nguồn cung cho ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/29/446937.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/8/1/202576.html
Đăng ngày 04-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.