Bài viết của Trịnh Thủy, một học viên ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-05-2022] Người ta thường nói rằng “giang sơn khó đổi, bản tính khó dời.” Để thay đổi tính cách của một người quả là rất khó, cho dù người đó thực sự cố gắng. Tôi muốn kể lại câu chuyện về cách Pháp Luân Đại Pháp đã thay đổi tôi từ một cô gái nổi loạn và một người vợ đanh đá thành một người luôn quan tâm đến người khác như thế nào.
(Tiếp theo Phần 1)
Cuộc bức hại bắt đầu
Sau khi công an Thiên Tân bắt giam rất nhiều học viên Pháp Luân Công vào ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1999, tôi cùng 3 học viên ở địa phương đã đi taxi lên Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Chúng tôi đến nơi vào ngày 26 tháng 4, vừa đúng lúc được biết tin các học viên ở Thiên Tân đã được tự do, vậy nên chúng tôi đã quay về nhà.
Khi Giang Trạch Dân – bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, các đồng tu đã cùng tôi tới Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm để thỉnh nguyện. Chúng tôi cũng gặp các học viên đến từ tất cả các tỉnh thành khác. Cảnh sát và công an cơ động đã lôi chúng tôi lên xe buýt và đưa chúng tôi đi. Khi chúng tôi không chịu lên xe, họ đánh đập chúng tôi bất kể già hay trẻ.
Đó là vào kỳ nghỉ hè, cảnh sát nhốt chúng tôi ở sân trường để lấy thông tin cá nhân và địa chỉ. Tôi bị giữ ở một ngôi trường cách xa nhà nhưng tôi đã tìm cách ra ngoài khi người lính canh không để ý. Đến tối muộn ngày hôm đó tôi mới về tới nhà sau một quãng đường dài. Gia đình tôi đã biết tin về cuộc bức hại, chồng tôi nói với tôi: “Họ không cho phép luyện Pháp Luân Công nữa. Hãy ở nhà đi.” Mẹ chồng tôi và cô em chồng cũng lo lắng cho tôi. Họ dặn dò anh chồng tôi phải trông nom tôi cẩn thận.
Chồng tôi là bạn thân của cảnh sát Vĩ. Vào ngày 21 tháng 7 năm 1999, cảnh sát Vĩ gọi cho chồng tôi và nói rằng hãy đưa tôi đến đồn cảnh sát. Ở đó, cảnh sát Vĩ yêu cầu tôi viết bản tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. “Khi ở nhà thì chị muốn làm gì cũng được,” anh ta nói. Nhưng tôi đã từ chối. Cảnh sát Vĩ liền bảo chồng tôi “thuyết phục” tôi ký giấy và đi ra khỏi cửa. Chồng tôi bắt đầu đánh đập tôi. Nghe thấy tiếng động, cảnh sát Vĩ quay lại nói với chồng tôi: “Ngay cả cảnh sát còn không đánh cô ta (chỉ tôi). Sao cậu dám làm thế? Cô ấy không muốn ký cũng được, cả hai người có thể đi về nhà.” Sau đó, chồng tôi không cho tôi luyện công ở nhà, nhưng tôi vẫn luyện công mỗi khi anh ấy đi vắng.
Một lần khi tôi đang ngồi luyện bài tĩnh công thì chồng tôi về nhà. Hai chân tôi rất đau và tôi đã không chịu được mà bỏ chân xuống. Chồng tôi thấy buồn cười nên trêu chọc tôi: “Ghê thật, vắt chéo chân đến mức đau vậy sao?” Kể từ đó, anh ấy không quản việc tu luyện của tôi nữa. Khi mẹ chồng hỏi về tôi, anh nói: “Cô ấy ổn mà; lúc nào cũng ở nhà.” Sau đó khi tôi tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, anh ấy đã giúp tôi cất giữ các kinh sách Đại Pháp. Một lần nọ cảnh sát tới nhà lục soát nhà cửa, anh đã nhờ hàng xóm giữ hộ sách và pháp tượng của Sư phụ.
Lúc đó anh ấy đối diện với một tình huống khó xử. Anh đã được chứng kiến tôi đã thay đổi như thế nào và hiểu rằng Pháp Luân Công rất tốt. Nhưng mặt khác anh cũng sợ ĐCSTQ và không muốn gia đình đổ vỡ. Anh ấy bắt đầu uống rượu trở lại, nhất là những lúc tâm trạng không vui.
Một buổi tối tôi đi gặp vài học viên khác bàn về việc tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Tình cờ trên đường về nhà tôi gặp mẹ chồng. Bà nói chồng tôi đang cầm dao đi tìm tôi. Bà đã trấn an anh ấy và anh ấy đã về nhà bà ngủ. Lo lắng cho sự an toàn của tôi, bà khuyên tôi đừng về nhà mà tìm chỗ nào đó trú tạm. Tôi cười và nói với bà rằng mọi việc sẽ ổn.
Ngày hôm sau, chồng tôi thức dậy và đi về nhà, anh ấy đã bình tĩnh lại. “Pháp Luân Công đã dạy em trở thành một người tốt hơn và anh biết điều đó,” tôi nói với chồng. “Xin anh đừng lo lắng quá nhiều. Một ngày nào đó khi cuộc bức hại này kết thúc, anh sẽ tự hào vì tấm lòng tu luyện kiên định của em.” Anh ấy không nói lời nào. Từ đó trở đi, anh ấy không còn đánh đập hay ngăn cấm tôi tu luyện nữa.
Hai lần tới Bắc Kinh chứng thực Pháp
Vì chính quyền ở địa phương không giải quyết vấn đề, nên các đồng tu cùng tôi chỉ có thể tới Bắc Kinh để nói với chính phủ rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công là bất hợp pháp. Mỗi lần tới Bắc Kinh, tôi đều nhẩm thuộc những câu thơ của Sư phụ:
“Đại Pháp bất ly thân
Tâm tồn Chân Thiện Nhẫn
Thế gian Đại La Hán
Thần quỷ cụ thập phân.” (Uy Đức, Hồng Ngâm)
Lần đầu tiên một đồng tu cùng tôi tới Bắc Kinh, vì không quen thuộc với khu vực này nên chúng tôi đã bị lạc nhau ngay sau khi đến đây. Địa phương của chúng tôi đã cử một cán bộ tới Bắc kinh để ngăn các học viên địa phương đến đây thỉnh nguyện, vị cán bộ đó đã tình cờ nhìn thấy tôi và nói: “Chị thật ngây thơ, ở quanh văn phòng kháng cáo hiện giờ chỗ nào cũng đầy cảnh sát. Tốt nhất chị nên về nhà đi.” Ông ấy cũng quen biết chồng tôi. Ông ấy dẫn tôi ra ga tàu, mua vé và không chịu rời đi cho tới khi tôi lên tàu.
Kể từ đó, chồng tôi kiểm soát tiền bạc trong nhà rất chặt chẽ. Lúc đó tôi không có việc làm nên bất cứ khi nào cần mua gì tôi đều phải xin tiền anh ấy. Tôi tiết kiệm từng đồng tiền lẻ dù chỉ là 1 tệ hay 50 đồng. Dần dần, tôi đã tích được đủ số tiền để mua vé tàu tới Bắc Kinh. Sau đó tôi cùng một đồng tu khác (sau này đồng tu đã mất vì bị bức hại) đi tới Bắc Kinh. Trên đường đi tôi cũng nhẩm thuộc bài thơ trên của Sư phụ.
Trên đường đi không có ai chặn đường chúng tôi, nhưng tôi và đồng tu đã bị lạc nhau khi tới Bắc Kinh. Tôi hỏi đường và tới được Quảng trường Thiên An Môn, ở đó tôi đã chứng kiến các học viên luyện công và giơ biểu ngữ. Tôi đi tới một cửa hàng gần đó mua một cuộn giấy và một chiếc bút chì đen. Tôi viết chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” lên tờ giấy, sau đó quay lại quảng trường. Khi đứng đó giơ cao tờ giấy, tâm trí tôi rất thuần tịnh, không có bất cứ ý niệm nào.
Tôi cũng không rõ mình đã đứng đó trong bao lâu. Một viên cảnh sát đến và lấy tờ giấy đi. Anh ta yêu cầu một nhân viên dọn vệ sinh ở đó canh chừng tôi và bỏ đi. Tôi không muốn về nhà, nên chỉ đi lại xung quanh đó. Sau đó tôi nhìn thấy một vài học viên đang hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Sư phụ Lý vô tội!” Thế nên tôi đã tham gia cùng họ.
Tại Đồn cảnh sát quảng trường Thiên An Môn, tôi gặp rất nhiều học viên cũng tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Chỉ vì lên tiếng cho Pháp Luân Công, chúng tôi đã bị tạm giam. Tại đó, chúng tôi nhẩm thuộc các bài thơ của Sư phụ.
Cảnh sát tra hỏi tên và địa chỉ của chúng tôi. Ai từ chối trả lời đều bị đánh đập. Tôi không thể chịu được đau đớn nên đã nói cho họ thông tin cá nhân. Tối hôm đó, tôi bị đưa tới văn phòng liên lạc của địa phương ở Bắc Kinh. Ngày hôm sau tôi bị đưa về quê và bị giam trong một trại tạm giam trong khoảng 7 ngày.
Sau đó tôi không còn cơ hội nào để tiết kiệm tiền nữa. Năm 1999 khi tôi cùng chồng và con gái tới thăm nhà cha mẹ tôi nhân dịp Tết, anh ấy mua vé, quà Tết và không cho tôi đụng tới một đồng tiền nào. Một người cháu họ mừng tuổi con gái tôi 100 tệ và tôi đã cất số tiền này đi.
Lần thứ 3 tới Bắc Kinh thỉnh nguyện
Ngày 11 tháng 2 năm 2000, một vài ngày sau Năm mới, tôi quyết định đi tới Bắc Kinh một lần nữa. Tôi rời đi khi chồng và con gái vẫn còn đang ngủ. Để tiết kiệm tiền, tôi đã mua một túi bỏng ngô và hai quả dưa chuột.
Chuyến đi khá thuận lợi và tôi dự định sẽ căng một tấm biểu ngữ đã chuẩn bị trước trên Quảng trường Thiên An Môn. Vì đi vào tay không nên tôi dễ dàng vượt qua chốt kiểm tra an ninh. Tuy nhiên ngay sau khi giơ tấm biểu ngữ lên, tôi đã bị bắt và giam tại Đồn cảnh sát Thiên An Môn.
Trong khi thẩm vấn, cảnh sát đã đánh tôi bằng dùi cui cao su ướt (để tránh để lại nhiều vết thương trên da). Một cảnh sát khác đè tôi xuống bàn rồi đánh đập tôi từ cổ đến chân. Tiếng đánh đập rất to nhưng tôi không hề có cảm giác đau đớn. Tôi biết Sư phụ đã chịu đau đớn thay cho mình.
Tôi quyết tâm không để lộ danh tính và địa chỉ. Thêm nhiều học viên nữa bị đưa tới đó. Cảnh sát đưa tôi và hai học viên nữ khác – cũng từ chối khai thông tin cá nhân – đến một trại tạm giam. Nhưng vì ở đó quá đông người nên trên đường về đồn cảnh sát, họ đã thả chúng tôi ra.
Một trong hai học viên đó đến từ tỉnh Hồ Bắc và người còn lại từ tỉnh Sơn Đông. Cảnh sát có mặt khắp mọi nơi. Họ cũng thuê người để truy tìm các học viên ở bến tàu, trạm xe buýt, cầu vượt đường cao tốc, khách sạn và các tụ điểm công cộng.
3 người chúng tôi đi qua một nhà máy gạch vào khoảng lúc nửa đêm. Những công nhân ở đó nhóm một bếp lửa nhỏ để hâm lại bánh bao cho bữa sáng. Vì lạnh và đói, chúng tôi đi tới chỗ họ. Họ biết chúng tôi là học viên Pháp Luân Công và đã mời chúng tôi vào sưởi ấm và ăn sáng với họ. Chúng tôi nói với họ về Pháp Luân Công và giá trị Chân-Thiện-Nhẫn. “Chúng tôi biết việc này. Hãy bảo trọng nhé – cảnh sát đang lục soát khắp nơi,” một người trong số họ nói.
Sau khi ăn xong chúng tôi tiếp tục đi. Trời vừa sáng, chúng tôi tình cờ gặp được một học viên nam tên là Thụy đến từ tỉnh Sơn Đông. Anh nói rằng viên chức địa phương đã niêm phong nhà anh chỉ vì anh kiên trì với đức tin của mình, nên anh đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Anh ấy ở tại nhà một học viên cách Bắc Kinh 12 dặm. Đồng tu Thụy đưa chúng tôi đến nhà học viên đó, ở đó chúng tôi gặp một đồng tu khác tên là Liên. Cô ấy là điều phối viên trong vùng và chúng tôi quyết định cùng nhau học Pháp ở đó. Buổi tối đến giờ đi ngủ, đồng tu Liên bảo tôi rằng khắp lưng và chân tôi bị bầm tím vì bị đánh bằng gậy cao su.
Một tháng sau, 15 học viên bao gồm Liên, Thụy và tôi đã làm một tấm áp phích và những quả bóng bay có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân-Thiện-Nhẫn.” Chúng tôi cũng chuẩn bị một vài tờ áp phích tự dính, sơn đỏ và khuôn hình chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Chúng tôi chia thành 2 nhóm, một nhóm do đồng tu Liên dẫn và nhóm còn lại đi theo tôi và đồng tu Thụy.
Trên đường tới Bắc Kinh, chúng tôi chọn những nơi sạch sẽ, thoáng tầm mắt để sơn chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Những khuôn hình nến được thiết kế đẹp mắt nên hiệu quả khá tốt. Một vài học viên khác phân phát tờ rơi và dán áp phích suốt dọc đường đi.
Chúng tôi đi được nửa đường, một chiếc xe tuần tra của cảnh sát đã phát hiện ra chúng tôi. Chúng tôi tản ra xung quanh và tìm chỗ trốn, ngoại trừ một đồng tu đang cầm bóng bay. Trời lúc đó vẫn tối và dì ấy đã tìm được chỗ giấu kỹ những quả bóng bay. Cảnh sát chỉ nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi đang đi bộ, nên họ đã bỏ đi. Đồng thu Thụy gọi chúng tôi quay lại và tiếp tục hành trình đến Bắc Kinh. Nhóm còn lại cũng gặp cảnh sát tuần tra nhưng không xảy ra vấn đề gì.
Khi chúng tôi đến Bắc Kinh, trời đã sáng. Chúng tôi chia các nhóm gồm 2 đến 3 người và đi tới Quảng trường Thiên An Môn. Hai học viên lớn tuổi chầm chậm thả những quả bóng bay lên trời. Rất nhiều người đã nhìn thấy họ và những quả bóng bay có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo.”
Bởi vì cảnh sát bận rộn với việc thu lại những quả bóng này, 5 người còn lại, gồm cả đồng tu Liên và tôi đã tranh thủ căng những tấm biểu ngữ. Chúng tôi giơ cao biểu ngữ và hô lớn, “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Các học viên khác cũng giơ cao tấm biểu ngữ mà họ mang theo.
Chúng tôi nhìn thấy cảnh sát gọi xe tới và họ vội vã chạy về phía chúng tôi. Những tấm biểu ngữ rất dài, họ không thể lấy đi được, liền tìm cách cuốn tấm biểu ngữ quanh người họ. Chúng tôi không từ bỏ mà kéo tấm biểu ngữ theo chiều ngược lại, tấm biểu ngữ lại được mở ra. Chúng tôi tiếp tục hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” trong lúc bảo vệ những tấm biểu ngữ. Cuối cùng cảnh sát đã giật lấy hết những tấm biểu ngữ. Họ đánh đập và đá vào các học viên và lôi họ ra xe cảnh sát, nhưng không ai để ý đến tôi. Tôi nhặt được một tấm biểu ngữ nhỏ hơn, liền kéo căng và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”. Sau đó tôi cũng bị bắt đi.
Ở đồn cảnh sát Thiên An Môn, chúng tôi được biết ở đó không thể chứa thêm học viên nào nữa nên họ phải gọi một chiếc xe lớn đến để đưa chúng tôi tới một địa điểm khác. Những nam đồng tu trẻ tuổi đứng phía trước chúng tôi, nắm tay nhau cùng nhẩm thuộc Luận Ngữ của Sư tôn. Cảnh sát có vũ trang đánh đập chúng tôi hết lần này tới lần khác. Cuối cùng, một vài người trong chúng tôi được chuyển tới Phòng cảnh sát huyện Mật Vân.
Cảnh sát thẩm vấn chúng tôi suốt cả đêm. Một nhân viên khác đóng cửa và hỏi tên và địa chỉ của tôi. Tôi từ chối trả lời nên anh ta đã tát vào mặt tôi. Khi anh ta thấm mệt, liền dùng giày đánh vào mặt tôi. Nhưng tôi không hề cảm thấy đau đớn, tôi hiểu rằng Sư phụ đã gánh chịu những nỗi đau đó thay cho tôi.
“Nói cho tôi biết tên rồi tôi sẽ thả chị ra,” viên cảnh sát hét lớn. “Có phải chị đến từ thành phố Đức Châu tỉnh Sơn Đông không?”
“Tôi không thể nói cho anh biết,” tôi đáp. “Nếu tôi nói cho anh biết, những vị cán bộ và cảnh sát ở địa phương của tôi sẽ mất việc. Sư phụ của chúng tôi dạy chúng tôi làm người tốt, vậy nên tôi sẽ không làm thế.” “Đưa bà ta đến trại tạm giam!” ai đó bên ngoài cửa hét lên.
16 người chúng tôi bị đưa đến một trại tạm giam. Nền bê tông trong trại vừa lạnh vừa ướt. Một học viên lấy tiền mua một chiếc chăn để chúng tôi có thể ngồi lên chăn cho đỡ lạnh. Một học viên khác chia cho những người còn lại tất cả đồ ăn mà anh ấy có, đó là một quả dưa chuột. Mỗi người chúng tôi cắn một miếng, sau khi chúng tôi chia nhau ăn được một lượt thì vẫn còn lại một nửa quả dưa chuột.
Đồng tu Liên cùng người học viên mua chăn và tôi quyết định tuyệt thực. Ba ngày sau, cảnh sát đưa chúng tôi đến một trạm xe buýt trong vùng. “Đừng quay lại đây nữa!” họ nói và rời đi.
Phối hợp cùng đồng tu để chứng thực Pháp
Tối hôm sau tôi về đến nhà. Tôi quyết định đi đến nhà đồng tu Bình trước khi về nhà mình. Vì không còn đồng tiền nào (cảnh sát đã lấy hết tiền) nên tôi phải đi bộ vài dặm. Khi tôi tới nhà của đồng tu Bình là nửa đêm. Chúng tôi nói chuyện và quyết định rằng giờ là lúc chia sẻ thể ngộ của mình với các đồng tu khác để có nhiều học viên hơn nữa đứng lên chứng thực Đại Pháp.
Tình cờ ngày hôm sau có một học viên từ thành phố khác đến để lấy tài liệu chân tướng. Anh ấy lái xe đưa đồng tu Bình và tôi đến một thành phố khác, ở đó chúng tôi có găp gỡ một nhóm nhỏ các học viên trong vùng, tôi đã kể về trải nghiệm của mình ở Bắc Kinh. Đồng tu Bình cũng thảo luận về thể ngộ của cô ấy. Trong hai tuần tiếp theo, chúng tôi đi tới những nơi khác, hết làng này tới làng khác, khích lệ thêm nhiều học viên hơn nữa bước ra.
Khi tôi trở về nhà đồng tu Bình, trời đã tối muộn. Cô ấy hỏi tôi kế hoạch tiếp theo của tôi là gì. Tôi nói mình đã xa nhà hơn 2 tháng và giờ tôi muốn về nhà để xem việc ở nhà như thế nào. “Chồng chị thường tắt điện thoại vào buổi tối, nhưng chị sẽ gọi cho anh ấy, nếu chồng chị bắt máy thì chị sẽ về nhà.”
Tôi gọi về nhà và chồng tôi đã nhấc máy. Anh ấy rất vui mừng khi nghe tin tôi trở về.
“Tôi biết mình sẽ sớm về nhà thôi – ngày hôm kia có một con chim hỷ thước hót trong sân cả buổi sáng. Vậy nên tôi đã bật điện thoại suốt cả hai ngày vừa rồi,” chồng tôi nói. “Mình cứ bắt taxi về nhà ngay đi, tôi sẽ trả tiền xe.”
Đồng tu Bình và tôi nhìn nhau và cười. Chúng tôi cảm tạ Sư tôn đã luôn bảo hộ và gia trì cho chúng tôi.
Về tới nhà, tôi trông thấy chồng tôi đã mở cửa đợi sẵn. Anh ấy đưa cho tôi bộ quần áo mới đã mua sẵn cho tôi.
“Khi nào mình lại đi Bắc Kinh, nhớ phải mặc cho đẹp nhé để tôi đỡ xấu hổ với người ta,” anh vừa nói vừa cười.
Anh kể rằng mẹ chồng đã chăm sóc cho con gái chúng tôi. Tôi đã tới thăm mẹ chồng và bà rất vui mừng khi thấy tôi trở về an toàn. “Cuối cùng mẹ đã có thể ăn ngon ngủ yên mà không phải lo lắng cho con nữa rồi,” bà nhẹ nhõm nói với tôi.
Phân phát tài liệu chân tướng
Vì lo sợ bị cảnh sát trong vùng sách nhiễu, chồng tôi quyết định để con gái sống cùng bà nội. Anh và tôi đến ở cùng với bố mẹ đẻ tôi. Anh mở một cửa hàng trò chơi điện tử để tôi quản lý và thường xuyên đến cửa hàng để sửa chữa và nâng cấp máy móc.
Một ngày nọ anh nói muốn đọc cuốn Chuyển Pháp Luân. Anh và tôi đã cùng nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ. Anh rất thích các bài giảng, nói rằng con người đúng là đến từ thiên thượng. Nhưng sau đó anh đã không đọc sách hay nghe giảng Pháp nữa.
Tôi liên lạc với các học viên địa phương và nhận được một số tài liệu. Ban ngày tôi trông cửa hàng trò chơi điện tử và buổi tối đi ra ngoài phát tài liệu chân tướng. Đôi khi tôi về nhà khi mặt trời sắp mọc. Thỉnh thoảng chồng tôi chở tôi đi ra ngoài phát tài liệu bằng xe máy. Một lần anh nói tấm biểu ngữ tôi dán quá thấp và quá dễ để gỡ xuống nên anh đã dán nó lên cao giúp tôi.
Một lần khi chúng tôi ra ngoài phát tài liệu thì bị cảnh sát nhìn thấy. Vậy nên tôi đã chuyển tới nhà mẹ chồng ở. Dù sao tôi cũng không thích công việc ở cửa hàng trò chơi điện tử, bởi vì có rất nhiều học sinh đến đó và tôi nhận thấy mấy trò chơi này gây hại cho chúng.
Sau khi về tới nhà mình, tôi ra ngoài phát tài liệu và treo chúng lên các bức tường. Một người cháu họ (không phải học viên) cũng đi cùng tôi. Trước tiên chúng tôi phân phát tài liệu và sau đó dán áp phích ở một trường học.
Sau đó chúng tôi đi đến một nhà sinh hoạt cộng đồng trong một ngôi làng. Bên trong ngôi nhà, mọi người đang chơi bài và nói chuyện rất ồn ào. Quả đúng là dịp tốt để chúng tôi dán áp phích xung quanh đó. Tâm trí tôi rất thuần tịnh và tôi chỉ tập trung để dán tấm áp phích thật ngay ngắn.
Sau khi chúng tôi xong việc, cháu tôi nói: “Lúc nãy khi dì đang dán áp phích, có một người đàn ông đứng sau lưng dì. Dì sắp dán xong thì ông ấy lặng lẽ bỏ đi. Lúc đó cháu sợ lắm.”
Cảm tạ Sư tôn đã bảo hộ. Tôi nói: “Chúng ta đang làm những điều chân chính nhất nên chẳng có gì phải lo lắng cả.”
(Còn tiếp)
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2022/5/24/443982.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/26/201518.html
Đăng ngày 19-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.