Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đông Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-05-2022] Tỉnh Nhi, cháu ngoại tôi là một đứa trẻ sinh thiếu tháng, cháu chào đời ở tháng thứ bảy – nếp nhăn đầy khắp người, không một sợi tóc, lông mày cũng không có, tiếng khóc chào đời không to bằng tiếng mèo kêu. Vì cháu vừa nhỏ lại vừa yếu nên không thể bồng bế, gia đình chỉ có thể đặt cháu nằm giữa với hai chiếc gối kê bên cạnh.

Tiếp theo đó cháu bị bệnh vàng da, những đứa trẻ sơ sinh khác chỉ vài ngày là khỏi, nhưng bệnh vàng da của cháu mất hơn 40 ngày mới khỏi. Ai gặp cháu cũng đều lo lắng không biết cháu có vượt qua được bệnh tật không. Tôi và mẹ của cháu bé đều tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, chúng tôi nghĩ: Không sao, chúng ta có Sư phụ quản, mọi việc đều dựa vào Sư phụ! Mỗi ngày chúng tôi đều bật băng ghi âm Sư phụ giảng Pháp cho Tỉnh Nhi nghe. Dưới sự bảo hộ của Sư phụ, khi được gần ba tháng tuổi, Tỉnh Nhi đã có thể bú sữa mẹ như những đứa trẻ khác.

1. Tỉnh Nhi đắm mình trong Đại Pháp

Đứa trẻ này rất thông minh, sáu tháng tuổi đã có thể học cách ngáy giống ba. Khi đó, mỗi ngày chúng tôi đều đọc Pháp cho cháu nghe, hoặc bật băng thu âm Sư phụ giảng Pháp, những lúc như vậy cháu không khóc hay ồn ào, cứ nằm im lắng nghe. Sau sinh nhật lần đầu tiên, chúng tôi dựa theo cuốn “Chuyển Pháp Luân” làm nền tảng, dạy cháu nhận mặt chữ; đến năm bốn tuổi, Tỉnh Nhi đã có thể thông đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân”. Cháu học Pháp cùng chúng tôi hàng ngày, chúng tôi rất thích nghe cháu đọc Pháp, cháu phát âm rõ ràng, chính xác, âm thanh nghe thuần chân thuần khiết. Khi đó, hàng ngày Tỉnh Nhi đều được đắm mình trong Đại Pháp, những lúc chúng tôi không bận rộn, cháu sẽ đến thư phòng, lấy sách Đại Pháp ra và cùng chúng tôi học Pháp.

Khi Tỉnh Nhi đi học mầm non, cháu không thích ngủ trưa, nhưng cũng không làm phiền đến người khác. Cháu sẽ ngồi đơn bàn trên giường, hai mắt nhắm nghiền, ngồi đả tọa, trông vô cùng đáng yêu. Giáo viên ở trường mầm non rất quý cháu, các cô chụp lại cảnh này cho chúng tôi xem. Từ nhỏ cháu đã là đứa trẻ hiểu chuyện, không bao giờ làm phiền lòng người khác.

Khi Tỉnh Nhi lên năm tuổi, một lần tôi và mẹ cháu đưa cháu đến thăm nhà một người đồng nghiệp, trong lúc không chú ý tay cháu đặt trên khung cửa, khi cửa đóng chỉ nghe thấy cháu hét lớn, hóa ra tay trái cháu bị cửa sập xuống, không sao kéo cửa lên được. Chúng tôi mau chóng mở cửa và kéo được bàn tay của cháu ra thì các ngón tay của cháu đã bẹp dúm, tím tái, Tỉnh Nhi khóc không ngừng. Sự việc này xảy ra quá đột ngột, ai nấy đều hoảng sợ, thực sự rất sợ hãi. Chồng của vị đồng nghiệp kia vội vàng nói: “Mau đi bệnh viện.” Nói xong nhanh chóng thay đồ rồi lên xe, những người còn lại thì vây xung quanh nhìn đứa trẻ luống cuống không biết phải làm sao. Tôi chợt nhớ đến Sư phụ Đại Pháp, rồi vội vàng nói với cháu: “Tỉnh Nhi ngoan đừng khóc, chúng ta có Sư phụ, con mau xin Sư phụ cứu con, mau niệm Pháp Luân Đại Pháp hảo đi con!” Tôi nói với mọi người: “Đừng lo lắng, không sao đâu, có Sư phụ Đại Pháp quản, mọi người cùng niệm với chúng tôi nhé.” Nói xong, tôi nắm lấy bàn tay của cháu, không ngừng niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”

Chúng tôi không biết mình đã niệm bao lâu, đến khi Tỉnh Nhi dần hết khóc thì thấy tay của cháu đã trở lại như bình thường, chỉ còn hơi đỏ một chút. Mẹ chồng của vị đồng nghiệp hô lên: “Đừng đứng ở trước cửa nữa, mọi người mau vào nhà đi!” Lúc này chúng tôi mới định thần lại sau cơn hoảng loạn. Mọi người đều không khỏi kích động, chồng của vị đồng nghiệp còn thốt lên: “Đại Pháp cũng thật quá thần kỳ rồi! Quả đúng là thần tích!” Mọi người đều đến chạm vào tay của cháu, thật sự thấy cháu đã khỏi! Thông qua sự việc này, những người có mặt ở hiện trường đều được tận mắt chứng kiến sự phi thường và thần tích của Đại Pháp.

Nhắc đến sự phi thường và thần tích của Đại Pháp, còn có một câu chuyện rất đáng nhắc đến. Đó là khi Tỉnh Nhi lên chín tuổi cũng đúng vào thời điểm phát hành cuốn “Hồng Ngâm V” dưới dạng chữ phồn thể nên mọi người đọc có phần khó khăn, vậy mà Tỉnh Nhi lại có thể nhận được hết mặt chữ và còn có thể đọc một cách lưu loát. Tôi vô cùng kinh ngạc hỏi cháu: “Sao cháu lại có thể biết được tất cả những chữ này?” Cháu còn cảm thấy câu hỏi của tôi có phần kỳ lạ, nói: “Thì cháu vốn dĩ biết mà!”

Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ đông năm học lớp hai, suốt cả buổi chiều Tỉnh Nhi nằm dài trên giường. Tôi thử chạm vào trán của cháu thấy nóng hầm hập, tôi hỏi: “Chúng ta đến bệnh viện nhé? Trán của cháu rất nóng.” Tỉnh Nhi đưa tay ra nói: “Bà ơi, bà đưa cho con chiếc MP3, có Sư phụ quản con, con không đi bệnh viện đâu.” Cháu không ngừng nghe băng ghi âm bài giảng Pháp của Sư phụ, cháu không ăn gì, chỉ thỉnh thoảng dậy uống chút nước. Ba, bốn ngày sau, gương mặt của Tỉnh Nhi đỏ ửng, tròng mắt cũng đỏ, nhiệt độ cơ thể là 39,8 độ. Ba của cháu có chút không yên tâm nên thương lượng với cháu: “Chúng ta đến bệnh viện nha con, bây giờ con sốt đến 39,8 độ rồi.” Nhưng Tỉnh Nhi vẫn rất cương quyết nói: “Con không đến bệnh viện, là Sư phụ đang tiêu nghiệp mà, không sao đâu ạ.”

Cứ như vậy, Tỉnh Nhi nghe băng ghi âm Sư phụ giảng Pháp cả ngày lẫn đêm. Đến tối ngày thứ bảy, cháu mới ăn một chút dưa hấu. Sáng ngày thứ tám, cháu thức dậy và ăn được chút cháo. Kể từ lần vượt quan nghiệp bệnh này, Tỉnh Nhi không còn bệnh tật gì nữa, cháu rất khỏe mạnh.

2. Nhẫn chịu ủy khuất, không oán giận trong tâm

Khi cháu học lớp một, vào một buổi tan học, Tỉnh Nhi sau khi rửa tay xong lại lấy một tay che đi tay còn lại, ngồi yên một chỗ không nói gì. Tôi hỏi cháu sao vậy? Cháu nhẹ nhàng nói: Không có gì ạ. Tôi mở bàn tay của cháu ra, thấy mu bàn tay bị xước một mảng thịt, vết thương màu đỏ tươi. Tôi hỏi cháu có chuyện gì vậy? Cháu kể bạn học không cẩn thận nên vô tình làm cháu trầy xước. Cháu còn nói với tôi: “Bà ơi, bà đừng tìm gặp cô giáo bà nhé, bạn ấy không cố ý đâu ạ. Nếu cô giáo mà biết được, cô sẽ đến tìm phụ huynh, vậy bạn ấy sẽ bị kỷ luật. Cháu không đau đâu ạ, thật sự không đau đâu ạ.” Nói xong Tỉnh Nhi rút tay về, mang dáng vẻ mình rất ổn, không sao cả.

Nói thật, khi nhìn thấy bàn tay mũm mĩm của cháu bị mất một mảng thịt như vậy tôi thật sự thấy xót xa. Nhưng thấy đứa trẻ này thật hiểu chuyện, biết nghĩ cho người khác. Tôi cảm thấy rất vui mừng, một đứa trẻ mới bảy tuổi lại có thể chiểu theo tiêu chuẩn “đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu” của Đại Pháp.

Khi Tỉnh Nhi lên tám, một ngày nọ, tôi nhận được điện thoại từ cô giáo chủ nhiệm nói Tỉnh Nhi đã đánh bạn học họ Phạm. Ba của Tỉnh Nhi lập tức đến trường học, chủ nhiệm yêu cầu gia đình đưa bạn học đó đến bệnh viện chụp chiếu, nói cháu nhỏ không thể đi lại được nữa.

Kết quả xét nghiệm của bác sĩ cho thấy, mọi thứ vẫn bình thường, cháu bé chỉ cần thoa một ít thuốc đỏ lên vết thương là được, vì không chảy máu, cũng không trầy da, gia đình tôi đã bỏ ra hơn 100 tệ tiền khám, mua thuốc và còn mua rất nhiều đồ ăn ngon cho cháu bé.

Khi đưa bạn học đó đến bàn ăn, chúng tôi mới vô tình biết được sự tình thực sự của việc này. Câu chuyện giống như Tỉnh Nhi kể: Trong giờ học, các bạn trong lớp ra sân vận động chơi, khi tiếng chuông vào lớp vang lên, tất cả đều vội vàng chạy về lớp mà hai ngày trước đổ cơn mưa nên sân rất trơn, trượt. Bạn học họ Phạm chạy rất nhanh, chỉ cách Tỉnh Nhi vài bước chân, đột nhiên cháu bé giẫm phải vũng nước rồi ngã xuống. Tỉnh Nhi ở phía sau nhìn thấy rất rõ ràng, là cháu tự ngã chứ không có ai đẩy cả. Kết quả là khi vào lớp, bạn học Phạm và một bạn học ngồi cùng bàn khác đều nói là do Tỉnh Nhi đẩy, cô giáo chủ nhiệm lại không hiểu rõ sự tình, giận dữ phê bình Tỉnh Nhi một hồi, nói Tỉnh Như thật hư, dẫn đến việc các bạn học không còn chơi với Tỉnh Nhi trong một khoảng thời gian dài, về nhà cháu lại bị ba mẹ răn dạy một hồi. Những ngày qua, Tỉnh Nhi không còn vui vẻ nữa.

Sau sự việc này, tôi nói chuyện với Tỉnh Nhi: Cháu có giận cách xử lý vấn đề của cô giáo không? Tỉnh Nhi không chút do dự trả lời: “Cháu không giận, thật sự không giận bà ạ.” Trong tâm tôi nghĩ đứa trẻ này thật là nhẫn nại.

Những việc như vậy rất hay xảy ra, giáo viên cũng thường xuyên có sơ suất, nên tôi không đề cập đến nữa. Sau sự việc này, tôi hỏi Tỉnh Nhi: Cháu hết lần này đến lần khác bị cô chủ nhiệm trách oan, cháu có giận cô ấy không? Cháu trả lời: “Cháu không giận cô ấy một chút nào hết, cháu là đệ tử Đại Pháp mà. Sư phụ dạy chúng ta phải làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’. Chúng ta phải nghe lời Sư phụ bà nhỉ! Bà ơi, bà có biết không? Đến giờ ra chơi, con trai của cô giáo đến lớp của cháu chơi, ngay trước mặt các bạn học, bạn ấy gọi thẳng tên của cô giáo, còn xin tiền cô nữa, không lễ phép một chút nào. Cô ấy giáo dục con trai trở thành người như vậy, con cảm thấy cô ấy rất đáng thương bà ạ.”

Nghe những lời này của cháu, tôi cảm thấy rất cảm động: Trẻ con thời nay, sao có thể nghĩ được như vậy, chứ đừng nói là một đứa trẻ mới vài tuổi, ngay cả người lớn cũng chưa chắc nghĩ được như vậy. Chỉ có những đứa trẻ được Đại Pháp chỉ dạy mới có thể biết nghĩ cho người khác trước.

3. Không chút khoa trương khi nhận được lời khen ngợi

Khi cháu học lớp hai, một hôm, thầy hiệu trưởng dẫn vài người đến lớp dự giảng, khi vừa vào lớp học, Tỉnh Nhi đã chủ động đứng lên, rất lễ phép chào các giáo viên, tất cả bạn học trong lớp cũng đứng dậy theo, hiệu trưởng vô cùng hài lòng, các giáo viên khác nói: “Bạn nhỏ này hễ nhìn thấy giáo viên từ xa đã chào hỏi rồi, vô cùng lễ phép, bạn nhỏ này thật hiểu chuyện.” Sau sự việc này, giáo viên chủ nhiệm gọi điện thoại đến cho mẹ của Tỉnh Nhi, nói Tỉnh Nhi đã mang lại danh dự cho lớp, cô rất vui mừng.

Năm học lớp ba, nhà trường tổ chức cuộc thi văn nghệ lớp. Một ngày nọ, Tỉnh Nhi nhận được một tờ A4, những yêu cầu của cuộc thi được ghi dày đặc hai mặt trang giấy. Hóa ra, chủ nhiệm cho Tỉnh Nhi tạm thời thay thế cho ủy viên ban thể thao để chỉ đạo cho buổi biểu diễn. Tỉnh Nhi học thuộc tất cả các yêu cầu của ban tổ chức và hàng ngày tổ chức các buổi tập luyện cho bạn học cả khối. Kết quả, trong phần thi văn nghệ của 30 lớp của toàn trường, cháu nhận được giải nhì và được hội đồng nhà trường khen ngợi. Nhưng Tỉnh Nhi coi danh dự này rất nhẹ nhàng, như thể chưa từng xảy ra vậy. Chúng tôi nhận được tin này khi một ông cụ hàng xóm, khi nhìn thấy tôi ông đã vô cùng hào hứng nói: “Tôi đã đến xem cuộc thi hôm qua đó, ôi chao, cháu nhà bà giỏi quá, đầy khí chất, chỉ huy dẫn đoàn hơn 50 học sinh, tiếng hô khẩu hiệu vang dội, hào hùng, giỏi quá, còn nhận được giải nhì nữa chứ. Ban giám khảo của hội nghị cũng biểu dương cháu đó! Sao bà không đến?”

Sau đó, tôi hỏi Tỉnh Nhi, sao cháu không nói với tôi về cuộc thi? Cháu nói vì cháu cũng không nghĩ quá nhiều! Tôi lại hỏi cháu: “Cháu còn là ủy viên ban thể thao nữa chứ!” Cháu nói rất thản nhiên: “Cháu cũng không phải là ủy viên ban thể thao gì đâu ạ, cuộc thi kết thúc nên cháu trả lại vị trí đó rồi ạ.” Tôi nhìn đứa trẻ này không có một chút suy nghĩ tật đố hay tâm bất công nào, tôi cảm thấy rất vui, quả đúng là một đứa trẻ thuần chân, mà tất cả những điều này đều là thụ hưởng từ Đại Pháp.

Một đứa trẻ mới vài tuổi, trước lời khen ngợi không chút khoa trương, không hiển thị, không kiêu ngạo; bị hiểu lầm, trách oan cũng không ghi hận, hay ngay trong lúc tôi viết bài chia sẻ này, cháu còn nhắc nhở tôi: “Bà viết bài chia sẻ này cũng không được oán giận, không được hiển thị nha bà!”

Tỉnh Nhi khôn lớn trưởng thành dưới sự bảo hộ từ bi của Sư phụ, bây giờ cháu đã là cậu bé 13 tuổi cao gần 1,8 mét. Cháu khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn, chân thành, thiện lương, thích giúp đỡ người khác, còn có đức tính nhẫn nại. Trong suốt chặng đường 13 năm qua, từ khi cháu còn là một đứa bé sinh non đến nay là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, gia đình tôi đã được chứng kiến những điều siêu thường và thần tích của Đại Pháp. Cả gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn Sư phụ và Đại Pháp.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/25/442277.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/27/201545.html

Đăng ngày 12-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share