Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-03-2022] Nhóm học Pháp chúng tôi có một đôi vợ chồng đồng tu là ông Hàn và bà Bình. Năm 2021, một tối, tại nhóm học Pháp, hai vợ chồng họ tranh luận với nhau. Hôm sau, tôi hướng nội tìm, cảm thấy mình cũng có tâm tranh đấu giống như ông Hàn.

Vài ngày sau, tôi học kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand” và thấy ba đoạn hỏi đáp rất hữu ích nên tôi quyết định sẽ đọc tại nhóm học Pháp buổi tối, những mong đồng tu đều có thể đề cao.

Tôi đang đọc thì ông Hàn bỗng nhiên quát lớn tiếng. Vì đang đọc nhập tâm nên tôi không để ý ông ấy quát gì. Sau đó, tôi ngẩng đầu nhìn ông ấy, thấy ông ấy biểu lộ vẻ hung tợn và vẫn đang lớn tiếng quát. Vì tôi chưa đọc dứt câu nên cứ đọc nốt và không để ý đến ông ấy. Rồi tôi lại nghe thấy ông ấy khinh khỉnh nói: “Cái tâm này thật mạnh mẽ đó!”

Lúc đó, tôi không động niệm gì nhưng sau khi về nhà, biểu lộ hung tợn và lời lẽ của ông Hàn khi đó cứ liên tục xuất hiện trong tâm trí tôi; tôi không bình tĩnh được nữa, một ý niệm thoáng xuất hiện trong đầu: “Học Pháp chung như vậy thì còn ý nghĩa gì nữa? Mình không đi học Pháp nhóm nữa!”

Nhưng tôi liền bài xích ý niệm này bởi tôi hiểu học Pháp nhóm là hình thức mà Sư phụ Lý (nhà sáng lập Đại Pháp) an bài cho các đệ tử Đại Pháp, vì vậy tôi cần tiếp tục tham gia học Pháp nhóm. Tôi liên tục bài trừ những ý niệm bất hảo về ông Hàn và nghĩ ông ấy là đồng tu tốt, là đệ tử tốt của Sư phụ. Tôi cứ liên tục bài trừ như vậy nhưng nội tâm vẫn không thoải mái, không thoải mái chính là còn có nhân tâm, nhưng đó là tâm gì chứ? Tôi hướng nội tìm và nhận ra trong tiềm thức, tôi có tâm xem thường đồng tu.

Ngày hôm sau, một đồng tu nhắn cho tôi: “Trong thế giới tín ngưỡng, bạn nên cảm ơn tất cả những người bạn gặp; trong thế giới tu luyện, tất cả mọi người đều là vì sự thành tựu của bạn mà đến.” Đọc xong tin nhắn, tôi thấy ổn hơn nhiều.

Sau đó, tôi cùng đồng tu ở thôn khác đi phát tài liệu chân tướng. Trên đường về, tôi chia sẻ thể ngộ với cô ấy về những gì đã xảy ra với ông Hàn. Cô ấy nói: “Đó chẳng phải là điều tốt sao?” Tôi lập tức nhớ tới Pháp của Sư phụ trong Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân: “Nhất cử tứ đắc”. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy thông suốt; thời khắc đó, tự nội tâm, tôi thấy cảm ơn đồng tu, tôi cảm giác thời khắc đó tâm tính của mình thực sự đã đề cao. Trong tu luyện tại buổi học Pháp nhóm tối hôm đó, tôi đã chia sẻ trải nghiệm của mình về niềm vui đề cao.

Tôi hỏi các đồng tu khác: “Các đồng tu nghĩ thế nào về sự việc của ông Hàn ở nhóm học Pháp chúng ta hôm trước?” Một số đồng tu nói đó là can nhiễu; một số đồng tu bị hãm tại sự việc cụ thể mà phân tích đúng sai giữa hai vợ chồng họ. Tôi nói tôi không nghĩ vậy, tôi cảm thấy, thông qua sự việc này, chúng ta có lẽ nên tìm ở chính mình, tìm chấp trước của bản thân. Sau đó, tôi cũng chia sẻ mình đã nhận ra chấp trước của mình như thế nào.

Vài ngày sau dịp Năm Mới, ông Hàn lại đến nhóm học Pháp và chỉ ra rằng tôi và một đồng tu nữa có một chấp trước căn bản, chính là chấp trước vào tự ngã.

Ngoài miệng tôi không nói gì, nhưng trong tâm lại nghĩ: “Chính ông mới là người có chấp trước đó!” Tôi cảm thấy ông ấy nói sai nên lờ đi. Ông ấy tiếp tục nói và muốn thuyết phục chúng tôi rằng mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ông là do cuộc bức hại. Tôi nói: “Nhiều đồng tu bị bức hại trong các trại lao động. Nhưng họ vẫn có thể hướng nội vô điều kiện, và cuối cùng sự thiện lương của họ còn khiến cảnh sát cảm động. Mà bà Hàn cũng đã từng tu Đại Pháp rồi, cũng tin là Đại Pháp tốt, như thế làm sao lại là bức hại được? Chúng ta cần hướng nội tìm và viên dung với những gì Sư phụ yêu cầu.”

Tuy nhiên, ông ấy nói nếu chúng tôi không thể có chung nhận thức về vấn đề này thì ông ấy không biết làm sao có thể viên dung yêu cầu của Sư phụ. Sau đó, ông ấy đứng lên và rời đi, và cũng không đến nhóm học Pháp của chúng tôi nữa.

Một thời gian dài sau đó, tôi cảm giác thân thể mệt mỏi, thần khí không tốt, hơn nữa còn bị ngủ nhiều: bình thường thì năm, sáu tiếng, mà nhiều thì tận tám, chín tiếng, nhiều lần muốn đột phá mà không được. Tôi cũng biết tu luyện không có đường tắt, chỉ có thực tu, cho nên bình thường cảm giác có thể nghiêm khắc yêu cầu bản thân, cố gắng hết sức làm những gì cần làm ở tầng thứ hiện tại; cho dù là ở gia đình hay ở đơn vị công tác đều thiện đãi mọi người, coi nhẹ danh lợi, ba việc cũng cố gắng làm tốt. Tại sao trạng thái không đúng đắn này vẫn cứ dai dẳng như vậy? Nhất định là mình có chấp trước gì đó chưa phát giác ra rồi.“

Tôi chia sẻ tình huống của mình với đồng tu ở một khu vực khác. Anh ấy nói: “Nếu nghĩ mình không có chấp trước nào, mới là có vấn đề, đó là không tìm được chấp trước của bản thân, người không có chấp trước thì đã không thể sống ở thế gian con người nữa rồi! Tôi từng hỏi rất nhiều đồng tu trước khi qua đời vì nghiệp bệnh, họ đều nói không có chấp trước gì cả. Kỳ thực, chấp trước rất ghê gớm mà tự mình không biết.”

Tôi nói: “Người ngoài cuộc đôi khi nhìn mọi việc rõ ràng hơn. Anh xem tôi có vấn đề ở đâu thì bảo cho tôi.”

Anh ấy nói: “Để tôi nghĩ đã, rồi sẽ nói với anh sau.” Tôi cảm thấy hiếu kỳ: “Tại sao anh còn phải nghĩ nữa?”

Anh ấy nói: “Tôi muốn nói có trí huệ một chút, cần biểu đạt một cách chuẩn xác mới không khiến anh buồn, nói ngay sẽ không chuẩn xác, giải thích cũng sẽ không rõ ràng lắm. Tôi sẽ phân tích hết chấp trước và ưu khuyết điểm của anh đâu vào đó, rồi sẽ nói cho anh.”

Tôi nói: “Anh cần gì phải hao tâm tổn trí xem biểu đạt như thế nào, cứ nói thẳng thắn là tốt rồi. Nếu tôi cảm thấy chỗ nào không thoải mái, chứng tỏ ở phương diện đó tôi có vấn đề.”

Sau đó, anh ấy nói phải đi ăn trước đã, và kết thúc cuộc trò chuyện ở đó.

Tôi nghiêm túc suy nghĩ về những gì anh ấy nói. Anh ấy nói vài câu ngắn gọn vậy mà khiến tôi xúc động sâu sắc. Đột nhiên, tôi nhận ra mình ở phương diện này còn khiếm khuyết, nhất là cảm thấy người rất tri kỷ sẽ không cần câu nệ tiểu tiết, thấy vấn đề gì liền bộc bạch hết ra, không cân nhắc đến năng lực tiếp nhận của đối phương, ngữ khí và thiện tâm không đủ. Vì thế, nhiều lúc rõ ràng là vì muốn tốt cho người khác nhưng đối phương thường không tiếp nhận, thậm chí còn tỏ ra chống đối. Kỳ thực, rất nhiều việc là do quan niệm và nhận thức của bản thân gây nên, mà quan niệm và nhận thức lại không phù hợp với Pháp. Đó chẳng phải là biểu hiện của chấp trước vào tự ngã sao?

Sau đó, tôi nghĩ đến vị hiệu trưởng và chủ nhiệm khoa của ngôi trường tôi đã làm việc. Trước đây, họ là đồng nghiệp của tôi và kém tuổi tôi. Tôi thường gọi họ bằng tên húy khi giao tiếp với nhau. Sau khi họ được thăng chức và trở thành cấp trên của tôi, tôi vẫn gọi họ bằng tên như thế, cảm thấy như vậy mới thân thiết, mới là tri kỷ. (Ở Trung Quốc, mọi người thường gọi cấp trên bằng họ và chức danh, hoặc chỉ gọi bằng chức danh). Sau đó, có lần hỏi hiệu trưởng về việc mua một số tài liệu giảng dạy, tôi lại gọi ông ấy bằng tên thông thường. Tôi thấy ông ấy nhìn tôi bằng ánh mắt khác thường, lúc đó tôi mới nhận ra có lẽ mình cần thay đổi cách xưng hô, bèn gọi ông ấy là “hiệu trưởng.”

Chủ nhiệm khoa và tôi từng dạy cùng lớp nhiều năm liền, tôi còn dẫn dắt anh ấy khi anh mới đứng lớp. Thế mà từ ấy đến nay, anh ấy từ một thanh niên nhút nhát, nói chuyện là đỏ mặt, mà giờ đã thành người đàn ông trung niên quan cách, nhưng tôi vẫn gọi anh ấy bằng tên, cảm thấy như vậy mới là tri kỷ.

Vả lại, dù đã dạy tiếng Anh nhiều năm, nhưng tôi vẫn chưa có thói quen nói “cảm ơn” như người phương Tây, kể cả với người thân trong gia đình. Tôi nghĩ nói vậy thì khách khí quá, sẽ làm mối quan hệ lạnh nhạt, xa cách. Khi tôi giúp đỡ bạn bè, họ nói lời “cảm ơn” thì tôi cảm thấy họ không coi tôi là bạn. Lớn lên trong văn hóa đảng, rất nhiều tư tưởng của tôi đã bị biến dị, thế mà tôi vẫn cho rằng mình tu luyện khá lắm, nghĩ lại mới thấy hổ thẹn.

Tôi chia sẻ với người đồng tu trên về thể ngộ của mình. Anh ấy cười, nói: “Đúng vậy, đó là chấp trước mà tôi thấy. Chấp trước vào tự ngã là một chấp trước lớn; luôn tự cho mình đúng, tự cảm thấy hài lòng. Chữ gồm bộ “tự” (自), “đại” (大), và một chấm là chữ gì.” Tôi nói: là Xú (臭) (trong nghĩa xú uế). Anh ấy nói: “Anh đừng giận nhé!”

Rồi anh ấy liền kể cho tôi câu chuyện cổ về nhà thơ Tô Đông Pha và Pháp Ấn: Tô Đông Pha viết bài thơ: “Công danh lợi lộc đều là cát bụi; phong vũ lôi điện tâm bất động.” Tô Đông Pha đưa Pháp Ấn xem. Pháp Ấn liếc nhìn, rồi nói: “Như rắm!” (còn có nghĩa: “nói dóc”) Tô Đông Pha rất tức giận. Cả đêm đó, ông chèo thuyền qua sông đến miếu của Pháp Ấn để tìm ông lý luận. Ra mở cửa miếu là một cậu bé, đưa cho Tô Đông Pha một mẩu giấy nhắn rằng: “Phong vũ lôi điện tâm bất động, mà một cái rắm đã đẩy bạn qua sông.” Tô Đông Pha lập tức ngộ ra, vô cùng hổ thẹn, không dám lý luận gì, xấu hổ quay về.

Câu chuyện này trước đây, tôi đã từng xem qua, nhưng đồng tu kể lại câu chuyện đúng lúc đúng chỗ, khiến tôi thấy thật thông tuệ, bởi vì anh có thể chỉ ra những thiếu sót của tôi mà không khiến tôi bị động tâm, lại có thể thấy được trí huệ của đồng tu.

Tôi nói: “Tự cho mình là đúng, tự cảm thấy hài lòng không phải là biểu hiện khiêm tốn. Tôi liên tưởng đến thời còn dạy học ở trường cấp hai cách đây mười mấy năm, mỗi khi bất đồng ý kiến với đồng nghiệp, tôi luôn tự tin, kiểu tự cho mình là đúng ấy khiến tôi hay lấn át đối phương và khiến họ càng thiếu tự tin, mặc dù đôi khi cuối cùng hóa ra tôi lại là sai. Sau này, không ngừng tinh tấn, tôi tưởng phương diện này của mình đã nhẹ đi nhiều rồi. Thế mà gặp nhau có bốn lần, một đồng tu xa lạ đã nhìn ra chấp trước của tôi, trong khi chính tôi lại không ý thức được. Nghĩ đến đồng tu Hàn ở nhóm học Pháp chỉ ra chấp trước cho tôi, mà tôi còn không chịu, thực là xấu hổ.

Tôi tiếp tục hướng nội sâu hơn, tôi tự hỏi: “Chấp trước vào tự ngã còn có những biểu hiện nào khác nữa?” Tôi tuy tu luyện trong trạng thái thiên mục đóng, nhưng mỗi khi đề cao tâm tính, dù chỉ một chút thôi, thân thể đều có phản ứng mạnh mẽ. Kỳ thực, đều là Sư phụ khích lệ tôi tinh tấn hơn. Thế mà tôi cũng phải chia sẻ với đồng tu, bề mặt là muốn khích lệ đồng tu thêm tín Sư tín Pháp, nhưng thực chất là biểu hiện của tâm hoan hỷ, tâm hiển thị. Mỗi khi ngộ được một Pháp lý là tôi liền đắc chí.

Thế nhưng, dùng Pháp đối chiếu bản thân là thực tu, còn dùng Pháp để đánh giá người khác là tu người khác. Trong khi giao lưu chia sẻ mà mang theo chấp trước tự ngã thì thường không đạt được hiệu quả tốt, ngược lại còn làm cho đối phương có cảm giác bị áp đặt nhận thức, làm đối phương phản cảm mà không biết.

Tôi nhận ra ông Hàn chính là tấm gương phản chiếu tôi, chẳng qua ông ấy biểu hiện tương đối mãnh liệt, còn tôi lại là ẩn giấu nên càng không dễ cảm thấy mà thôi. Mấy năm nay, tôi luôn thấy đồng tu Hàn bị chấp trước tự ngã bao kín chặt chẽ, giống như một lớp vỏ cứng, dao chẻ súng bắn cũng không vỡ ra được, thế mà cái tâm đó của tôi thì sao lại không cảm giác được chứ?

Ngộ đến đây, tôi cảm giác như đã thoát ra khỏi một lớp vỏ. Điều khiến tôi kinh ngạc hơn nữa là hai tháng nay, chiếc điện thoại di động mỗi sớm đều giống như đồng hồ báo thức, nhắc tôi: “Bộ nhớ dữ liệu của bạn đã gần đầy, sẽ làm chậm tính năng hoạt động của điện thoại. Đề nghị xóa toàn bộ các file vô dụng.” Vì thế, mỗi ngày, tôi đều phải xóa file rác để đảm bảo điện thoại hoạt động bình thường, và việc này đã trở thành việc hàng ngày của tôi. Sau khi nhận ra chấp trước của mình, điện thoại của tôi không còn hiển thị thông báo như vậy nữa. Cảm ân Sư phụ đã từ bi điểm hóa, đệ tử ngộ tính kém quá, khiến Sư phụ phải hao tâm rồi.

Những năm qua, tôi luôn cảm thấy mình biết hướng nội tìm, tu luyện vững chắc, tự cảm thấy đề cao rất nhanh, kỳ thực chẳng qua là vật chất của tâm tự đại và tâm tự cảm thấy mình tốt đẹp ấy phả ra khói mê mà thôi. Lấy tự ngã làm trung tâm thì không thể làm được vô tư vô ngã, cho nên trong khi chứng thực Pháp rất nhiều việc làm không tốt đều là do chấp trước tự ngã, tâm bảo vệ bản thân này tạo thành. Cảm tạ Sư phụ đã từ bi điểm hóa, con nhất định nhắm thẳng vào cái chấp trước này, nỗ lực tu bỏ nó, không phụ Sư ân.

Trên đây là nhận thức cá nhân tại tầng thứ hiện tại của bản thân, có chỗ nào không phải, thỉnh đồng tu từ bi góp ý.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/15/439634.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/25/201495.html

Đăng ngày 15-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share