Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-04-2022] Hiện tại, vẫn còn có một số đồng tu mà mối quan hệ gia đình vẫn chưa được tốt lắm, tôi nhận ra một trong những nguyên nhân chính là còn ôm giữ một loại “tâm lý đối kháng”.

Vào thời đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại Pháp Luân Đại Pháp, người nhà các đệ tử Đại Pháp vô cùng sợ hãi, đến mức phản đối gay gắt các học viên, không cho họ đọc sách Đại Pháp hay giảng chân tướng. Trong hoàn cảnh đó, nhờ tín tâm mạnh mẽ, hầu hết chúng tôi đã kiên định đi tới hôm nay bằng chính niệm và sự gia trì của Sư tôn. Theo thời gian, hoàn cảnh xã hội nói chung cũng đã cải thiện sâu sắc khi mọi người bắt đầu minh bạch nhờ nỗ lực giảng chân tướng của chúng tôi.

Mặc dù hoàn cảnh nới lỏng hơn, nhưng một số học viên vẫn còn ôm giữ “tâm lý đối kháng”, coi việc người nhà không hiểu, không ủng hộ họ tu luyện là do người nhà sợ bị bức hại, nên thường có cách nghĩ: “Mọi người có thể sợ, nhưng mình thì không. Mình dù sao cũng đã nói mà mọi người vẫn chưa minh bạch, vậy nên mình cứ kiên trì tiếp tục thôi.” Kỳ thực, thông thường, căng thẳng trong gia đình nhiều khi cũng không phải do người thân sợ hãi, mà chính là do “tâm lý đối kháng” của chúng ta dẫn khởi mà thành.

Ví dụ, có đồng tu nhất định muốn học Pháp vào buổi sáng và không muốn điều gì can nhiễu đến lịch trình này. Khi người nhà có việc và bảo đồng tu này đi siêu thị mua nước tương, đồng tu không muốn đi, đó chính là “tâm lý đối kháng” đang khởi tác dụng. Đồng tu cho rằng anh ấy có thể làm các việc vặt vào buổi chiều, còn mua nước tương vào buổi sáng sẽ can nhiễu việc học Pháp của họ. Theo tôi hiểu, Sư phụ không nhất định yêu cầu chúng ta cứ phải học Pháp vào buổi sáng. Người nhà đồng tu chỉ bảo anh ấy đi mua nước tương, nhưng anh ấy lại cho rằng người nhà không cho anh học Pháp. Đó chẳng phải là chụp mũ sao? Vì vậy, người nhà tự nhiên sẽ không vui.

Việc phát chính niệm cần thực hiện bốn lần trong ngày, đôi khi thời gian phát chính niệm lại trùng với bữa tối. Một số học viên lựa chọn phát chính niệm thay vì ăn tối cùng gia đình. Tuy rằng cơ điểm của đồng tu là đúng, đối đãi nghiêm túc với vấn đề phát chính niệm nhưng đối với người thường, việc ăn tối cùng cả gia đình lại rất quan trọng. Nếu chúng ta cứ luôn nhìn sự việc từ góc độ của bản thân mà xem nhẹ những việc mà người khác cho là quan trọng, thì ngay cả khi chúng ta nghĩ mình đang duy hộ Pháp, nhưng thực ra lại không phải như vậy, không chừng còn làm người nhà tức giận.

Nếu cứ tiếp tục như thế, thời gian dài, chắc chắn sẽ xuất hiện mâu thuẫn trong gia đình. Tôi không phải nói rằng chúng ta không cần quá nghiêm túc đối đãi với Đại Pháp, mà chính là nói nếu chúng ta cứ mãi hành xử như vậy, làm sao chúng ta có thể hy vọng gia đình nói tốt về Đại Pháp! Chẳng phải bản thân chúng ta đang gây tổn thất không đáng có sao?

Thay vào đó, nếu thay đổi một chút: đi mua nước tương trước rồi tìm thời gian để học Pháp, hay ăn tối cùng gia đình rồi phát chính niệm sau, thì chúng ta sẽ tránh được mâu thuẫn gia đình bởi chúng ta đang suy xét mọi việc từ góc độ của họ, như vậy chẳng phải người nhà cũng sẽ không có ý kiến gì nữa. Khi người nhà nghĩ chúng ta đang trở nên tốt hơn nhờ tu luyện Đại Pháp, chẳng phải chúng ta đang chứng thực Pháp sao? Tất nhiên, nếu thời gian ăn tối luôn trùng với thời gian phát chính niệm, chúng ta có thể trao đổi cùng gia đình để điều chỉnh một chút.

Xem ra, nguyên nhân chính là do tâm lý đối kháng đã trở thành thói quen trường kỳ tạo thành. Khi vấn đề xuất hiện, những học viên ôm giữ tâm lý đối kháng thường cho là can nhiễu của tà ác gây ra vấn đề trong gia đình, thế nhưng vấn đề thực chất chính là họ đã không suy xét từ góc độ của người nhà.

Có một đồng tu, bố chồng cô đã tìm cho cô một công việc với thu nhập tương đối cao nhưng vì công việc này lại ảnh hưởng việc học Pháp nên cô đã nghỉ việc. Bố chồng cô rất tức giận, nói cô không tốt và từ đó không ủng hộ cô tu luyện Đại Pháp. Cô cho rằng công việc đó can nhiễu đến tu luyện của mình. Tuy nhiên, theo góc nhìn của người thường thì bố chồng cô đã rất cố gắng để tìm cho cô một công việc tốt và cô đã nghỉ việc mà không suy xét gì đến cảm thụ của ông, nghỉ việc mà không nói một tiếng với bố chồng. Do vậy, tất nhiên bố chồng cô sẽ không vui, và nếu nhìn nhận ở góc độ của ông thì ông cũng không sai, người khác cũng sẽ nghĩ rằng cô không phải phép. Trong trường hợp này, nếu đồng tu cảm thấy công việc ảnh hưởng đến việc học Pháp, đồng tu có thể trao đổi cùng bố chồng, bố chồng có thể sẽ lý giải được, hoặc cho dù ông không hiểu thì hiệu quả cũng sẽ tốt hơn. Vậy nên, chúng ta cần kiên định tu luyện nhưng cần sao cho người khác có thể lý giải được, thay vì kiên trì thực hiện một cách cứng nhắc.

Sư phụ giảng:

“Bình thường chư vị luôn luôn bảo trì trái tim từ bi, [bảo trì] tâm thái hoà ái; [khi] gặp vấn đề thì sẽ xử lý được tốt, bởi vì nó có một khoảng hoà hoãn. Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Một người thường muốn sống tốt, sống thoải mái, và xem trọng hết thảy mọi thứ trong xã hội người thường, còn người tu luyện không phải vậy. Như vậy, hai loại tư tưởng này nhất định sẽ xuất hiện mâu thuẫn, vì vậy chúng ta cần nhìn mọi thứ dưới góc độ của người không tu luyện để mọi việc được suôn sẻ. Như thế, người thường sẽ cảm thấy chúng ta tốt và Đại Pháp là tốt. Đây cũng là đang chứng thực Pháp.

Một số đồng tu có thể nói gia đình họ chỉ vui vẻ nếu họ ngừng tu luyện. Như vậy, chúng ta liền không tu luyện nữa sao? Đương nhiên không phải vậy. Thông qua trải nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy nhiều mâu thuẫn xảy ra không phải do nỗi sợ hãi của người nhà tạo thành mà thực sự là do các học viên đã không suy xét tới cảm thụ của người khác, hoặc không thể buông bỏ chấp trước của bản thân.

Một ví dụ khác, tôi biết một đồng tu, cô làm tất cả việc nhà và nghĩ mình đang làm khá tốt. Tuy nhiên, cô lại có thói quen nghỉ ngơi một chút sau bữa tối, vài giờ sau mới rửa bát (thực ra đây là tâm lười biếng mà lúc đó đồng tu không ý thức được), khiến chồng cô không thoải mái. Cô ấy tự nhủ: “Dù sao thì bát cũng là mình rửa, chứ anh ấy có phải rửa đâu. Đằng nào thì mình cũng rửa, nên rửa muộn một chút cũng có sao đâu.” Tuy nhiên, điều này khiến chồng cô khó chịu và thường gây phiền phức cho tu luyện của cô.

Sau đó, cô thay đổi và rửa bát ngay sau mỗi bữa ăn (thói quen này, đối với cô mà nói, rất khó thay đổi). Điều này khiến chồng cô vừa lòng nên cũng không can nhiễu nhiều tu luyện của cô nữa. Đồng thời, thói quen không dọn dẹp phòng lâu nay của con gái cô cũng biến mất. Cô vô cùng ngạc nhiên, khi cô thay đổi trở nên tốt thì mọi thứ xung quanh cô cũng biến đổi tốt hơn.“

Trong một thời gian dài, một số chúng ta đã không ý thức được rằng chính tâm lý đối kháng này đã gây ra những căng thẳng trong gia đình. Trên bề mặt, chúng ta đang cố gắng duy hộ Đại Pháp, nhưng thực tế lại không phải. Chúng ta cần phải chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp, làm bất cứ việc gì cũng cần suy xét cho người khác. Khi người nhà vui vẻ và có mối quan hệ tốt với chúng ta, họ mới có thể có cái nhìn tích cực về Đại Pháp.

Trên đây là những nhận thức cá nhân của bản thân, xin vui lòng chỉ ra nếu có bất cứ điều gì không phù hợp.

Ghi chú của Ban biên tập: Bài viết dựa trên nhận thức cá nhân của tác giả về trạng thái tu luyện hiện tại, xin được giao lưu cùng các đồng tu, “Tỉ học tỉ tu”.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/4/25/441524p.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/25/201493.html

Đăng ngày 09-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share